Sự hình thành sân khấu chèo (10)




Thời kỳ hình thành (tiếp theo)

Thái độ quyết liệt đó được biểu lộ rõ rệt bắt đầu tự triều Lê. Lần lượt, chèo bị khai trừ ra khỏi những cuộc lễ trọng thể của triều đình, người hành nghề bị khinh rẻ, “đào” không được lọt vào những gia đình quan lại, “kép” không được đi thi, và ngay cả quyền lợi cũng bị xâm phạm khi những trò “bội” bị bài xích ra khỏi tang lễ. Những tài liệu dẫn dưới đây chứng minh những sự kiện trên:

- “Năm Thiệu Bình thời Lê Thái Tôn (1437), vua sai quan thừa chỉ Nguyễn Trãi và quan giám sự Lương Ðăng cùng định nhạc (...) nghị luận của Lương Ðăng không hợp với Nguyễn Trãi, vua theo lời Lương Ðăng, khi yết thái miếu, bỏ hết các trò tuồng, chèo, dâm nhạc. Sau đó Lương Ðăng tiến nhạc mới là nhạc phỏng theo phép nhà Minh.”(1)

- “Khoảng năm Hồng Ðức (1470) nhà Lê, trên có vua Thánh Tôn là bậc thông minh, lại có các quan đại thần là Thân Nhân Trung, Ðỗ Nhuận, Lương Thế Vinh là bậc học vấn tác hợp, làm quan đại triều, mới kê cứu âm nhạc nước Tàu, hợp vào quốc âm ta, đặt ra hai bộ: Ðồng Văn và Nhã Nhạc. Bộ Ðồng Văn thời chuyên tập âm luật để hòa nhạc. Bộ Nhã Nhạc thời chuyên chuộng nhân thanh chỉ trọng về tiếng hát. Ðến như âm nhạc chốn dân gian thời đặt bộ Giáo Phường coi giữ, nhã nhạc với tục nhạc không có hỗn tạp với nhau.”(2)

- “Cũng trong thời Hồng Ðức, quốc triều hình luật có quy định: các quan lại lấy đàn bà con gái làm nghề hát xướng, để lấy làm vợ hay làm hầu, đều phải phạt 70 trượng và lưu đày, con cháu các quan lại lấy hạng phụ nữ kể trên phải phạt 50 trượng và phải ly dị.”(3)

- “Cũng lại ở triều Hồng Ðức, quốc triều hình luật quy định: những con nhà phường chèo, phường tuồng, ả đào, con cháu đều không được đi thi. Ai trái luật phải tội đày hay tội đồ. Quan giáo ty biết mà không phát giác cũng phải chịu tội.”(4)

- “Các nhà tang gia hay đua nhau mượn phường chèo đóng đường để khoe khoang. Các quan chính phủ ghét là hung lễ (lễ buồn) lại tạp dụng cả cát lễ (lễ vui), bèn sức nghiêm cấm đã hơn mười năm.”(5)

Nhưng thái độ quyết liệt với những luật lệ nghiêm khắc và độc đoán của chính quyền không ngăn nổi bước tiến của chèo. Càng bị bài xích, bị đẩy ra ngoài lề xã hội (quyền quý), sinh hoạt của chèo lại càng phổ biến: từ nông thôn chèo lan rộng ra cả đến thị thành, hát và múa chèo trở thành một thứ thời thượng mà chính bản thân đẳng cấp đã lên án nó cũng không thoát khỏi ảnh hưởng. Chính nhà nho Phạm Ðình Hổ cũng đã phải than thở khi ghi nhận: “Ðến năm canh tuất (1790) dân gian lại thấy bày trò hát bội ấy. Các con nhà lương gia tử đệ có người bỏ cả chức nghiệp đi theo học hát, khăn áo dáng bộ như đàn bà, thường khi ở nhà cũng nghêu ngao tập hát chèo, đối khách cũng không thẹn thò gì cả, tập tục đến thế chẳng khá than lắm ru.”

*

Qua những dẫn chứng đã nêu, chúng ta nhận thấy sinh hoạt của sân khấu chèo cũng trải qua nhiều bước thăng trầm. Nhưng ngay trong thời kỳ này, chèo hình thành như một bộ môn sân khấu đích thực đã vươn tới cao độ phát triển của nó (...) khoảng thời gian tự nhà Lê cho đến đầu thế kỷ 20 (...)

Những vở chèo lớn, đa số đều xuất hiện trong khoảng thời gian này: vở Lưu Bình Dương Lễ, vở Tôn Mạnh Tôn Trọng, Trang Tử Cổ Bồn, Quan Âm Thị Kính, Nhị Ðộ Mai, Tống Trân Cúc Hoa, Trương Viên v.v. Ngôn ngữ chèo ở cao điểm phát triển này cũng tỏ ra tinh vi nhất trong sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca, múa và diễn xuất.

Về ca, bên cạnh những điệu ca mới tiếp thu với sắc thái phong phú hơn, những điệu vãn ca cũ vẫn còn tồn tại mà ta có thể nhận diện được qua cái giọng bi ai của những điệu ba than, ba vãn. Những điệu này được sử dụng trong những thế kịch bi thảm, nhân vật cần kể lể tâm sự. Trong vở chèo Quan Âm Thị Kính, khi mắc oan, bị đuổi ra khỏi nhà chồng, Thị Kính đã sử dụng điệu ba vãn:

“Ai nỡ phụ lòng
Ðang tay nỡ bẻ phím đồng làm đôi”.

Và điệu ba than khi quyết định cải trang đi tu:

“Áo chít cài khăn
Trá hình nam tử quyết đi tu hành
Cầu Phật tổ chứng minh”.

Về múa, thì yếu tố cổ sơ “chèo thuyền” vẫn còn mờ mờ ẩn hiện trong những điểm căn bản cổ tay xoay tròn của những cử chỉ điệu cách hóa hay những điệu múa trên sân khấu chèo.

Ca và múa kết hợp tinh vi với những yếu tố khác như nét mặt, ánh mắt, giọng nói, tiếng cười, cử chỉ, điệu bộ, qua thời gian, đã trở thành một thứ ngôn ngữ sâ khấu đặc biệt, bởi mang sâu và đậm màu sắc của dân tộc. Ðó là ngôn ngữ chèo mà thành phần tổng hợp tuy nghiêng về ca và múa nhưng đối tượng thiết yếu lại là diễn xuất, khác hẳn với loại opéra comique của Âu châu nhằm rõ rệt đối tượng biểu diễn vũ và ca.

_____________
(1) Theo Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Ðôn. Trong khi Lương Ðăng chủ trương như vậy thì dưới đây là chủ trương của Nguyễn Trãi dựa vào lời sớ tâu của ông, trích dẫn trong cuốn Việt Nam ca trù biên khảo của Ðỗ Bằng Ðoàn và Ðỗ Trọng Huề: “Lúc loạn dụng vũ, thái bình dụng văn. Nay chế lễ tác nhạc là hợp thời. Nhưng e rằng gốc không chắc chắn thì văn tựa vào đâu mà đứng vững, vì hòa bình là gốc của nhạc, mà thanh âm là văn của nhạc, thần phụng mệnh định lại nhạc, đâu dám chẳng hết lòng hết sức, ngặt vì thần học thức nông nổi, âm luật nhạc tinh vi, tự nghĩ khó lòng mà điều hòa cho được. Vậy kính xin bệ hạ thương yêu nuôi dưỡng trăm họ, khiến dân gian không có tiếng than phiền oán giận, như thế là giữ vững được căn bản của nhạc, rồi hãy bàn đến âm thanh.”
(2) Theo
Vũ trung tùy bút của Phạm Ðình Hổ. Như vậy từ nay sinh hoạt trình diễn trong chốn dân gian bắt đầu bị kiểm soát bởi bộ Giáo Phường.
(3) Theo cuốn
VNCTBK của Ðỗ Bằng Ðoàn và Ðỗ Trọng Huề.
(4) Theo sách trên. Vẫn theo cuốn này, mãi đến đời Lê Dụ Tôn (1706-1729), bà Trương Quốc Mẫu xuất thân là ca nữ được tiến vào cung, chúa Trịnh Cương rất yêu quý. Quốc Mẫu năn nỉ với chúa, chúa mới bỏ lệ ấy.
(5) Theo
VTTB của Phạm Ðình Hổ. Lệnh nghiêm cấm như vậy được ban hành khoảng năm 1780 bởi Phạm Ðình Hổ có ghi thêm: “Ðến năm canh tuất (1790) dân gian lại thấy bày trò hát bội ấy...”.


(Vũ Khắc Khoan,
Tìm hiểu sân khấu chèo, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr. 124-128)