Đào Duy Anh, “Giao Chỉ trong Kinh Thư




Một điều chắc chắn chúng ta nhận thấy theo các sách xưa (...) là: Ðất Giao Chỉ nằm ở phía nam địa bàn của người Hán tộc (*) (...)

Truyền thuyết ghi trong các sách ở thời Chiến Quốc đã nói đến đất Giao Chỉ, điều ấy tỏ rằng đời xưa, trước thời ấy, người Hán tộc đã biết và đã đặt tên là Giao Chỉ để gọi miền đất tiếp giáp với địa bàn của họ ở phương nam (...) Sách Hoài Nam Tử của Lưu An ở đầu thời Hán - hẳn là tác giả chép theo sách xưa hơn (...) nói rằng đất của vua Trụ, vua cuối cùng của nhà Thương là một triều đại đã có tính chất tín sử, tiếp giáp với đất Giao Chỉ (...)

Muốn biết đất Giao Chỉ nằm vào chỗ nào, chúng ta phải xem (...) Hán tộc trong thời gian ấy ở đâu? Ðịa bàn sinh tụ của người Hán tộc trước thời Chiến Quốc là lưu vực Hoàng Hà. Theo những kết quả của cuộc phát quật khảo cổ ở Ân Khư (1), thì kinh đô của nhà Thương từ khi Bàn Canh thiên đô, là ở huyện An Dương, tỉnh Hà Nam ngày nay. Ðại khái ở thời Thương thì toàn tỉnh Hà Nam, trừ miền tây nam, là thuộc phạm vi thế lực của người Hán tộc. Miền lưu vực sông Hoài, phía nam sông Hoàng Hà, ở tỉnh Giang Tô và An Huy, tuy là thuộc các Di tộc, nhưng cũng đã có quan hệ rất mật thiết với người Hán tộc rồi. Lưu vực sông Dương Tử thì còn là đất của các rợ Man Di, chỉ mới tiếp xúc ít nhiều với Hán tộc. Như vậy thì địa bàn của người Hán tộc ở thời nhà Thương còn ở phía bắc sông Dương Tử. Ðất Giao Chỉ tiếp giáp với địa bàn của họ ở phía nam có xa lắm thì cũng là ở vào lưu vực sông Dương Tử, chứ không có thể ở xa hơn về phía nam.

Chúng ta có thể chỉ định rõ ràng hơn vị trí của đất Giao Chỉ được không? Chúng ta hãy đem so sánh mấy đoạn sách xưa chép về đất Giao Chỉ như sau này:

Thư kinh, thiên “Ðế điển” chép rằng vua Nghiêu đặt chức quan coi tứ nhạc (bốn trái núi cao ở bốn phương, sai (...) Hy Thúc đến ở phương nam gọi là Nam Giao, rồi lại chép rằng vua Thuấn đi tuần thú (...) phía nam đến Nam Nhạc. Chép lại việc tuần thú của vua Thuấn, sách Sử ký nói rõ rằng vua Thuấn đi tuần thú đến Giao Chỉ ở phương nam. Sách Hàn Phi Tử thì chép rằng vua Nghiêu (...) đất phía nam đến Giao Chỉ (...) Ðối chiếu các đoạn sách ấy, chúng ta có thể kết luận rằng lãnh thổ của người Hán tộc ở thời Nghiêu Thuấn, hay nói rộng ra là trước nhà Chu (...) biên thùy phía nam là Nam Nhạc, tức là Nam Giao hay Giao Chỉ (...) Nam Nhạc là núi Hành Sơn, tức Hoắc Sơn thuộc miền tây nam tỉnh An Huy.

Như vậy, thì đất Giao Chỉ chép trong thư tịch xưa, như Thư kinh, Mặc Tử, Hàn Phi Tử, Sử ký, không thể ở xa hơn tỉnh An Huy được.

Tại miền lưu vực Dương Tử, theo sách xưa, tức theo truyền thuyết, thì ở thời Nghiêu Thuấn đã có một nước gọi là Tam Miêu. Thư kinh, “Ðế điển”, chép việc vua Nghiêu sai vua Thuấn đuổi người Tam Miêu đến miền Tam Nguy ở phía tây và việc chia đất miền bắc nước Tam Miêu (Sử ký cũng chép việc đuổi Tam Miêu). Còn việc vua Vũ đánh Tam Miêu thì sách xưa chép rất nhiều. Tuy các việc ấy chỉ là truyền thuyết, nhưng đất Tam Miêu (...) chưa hẳn là không có. Sách Sử ký, “Ngô Khởi truyện”, lại chỉ định rõ ràng vị trí của Tam Miêu rằng: “Nước Tam Miêu bên tả là hồ Ðộng Ðình, bên hữu là hồ Bành Lãi”.(2) Nếu Giao Chỉ và Tam Miêu là hai địa vực tồn tại đồng thời thì Giao Chỉ phải ở về phía tây nam hồ Ðộng Ðình, vì Tam Miêu đã chiếm phần đất ở phía đông hồ (...) Nhưng nếu Tam Miêu đã bị chia cắt và bị đuổi về phía tây từ thời Nghiêu Thuấn, mà Giao Chỉ - theo Hoài Nam Tử - đến đời Trụ nhà Thương còn có, thì chúng ta có thể ngờ rằng cả phần đất Tam Miêu cũ cũng có thể gồm vào miền đất ở phía nam mà người Hán tộc gọi chung là đất Giao Chỉ. Nếu điều ức đoán ấy không sai thì đất Giao Chỉ xưa có thể gồm cả miền đất tỉnh An Huy, phần đông bắc tỉnh Hồ Nam cùng phần bắc bộ tỉnh Giang Tây ngày nay, nghĩa là miền đất châu Kinh và châu Dương trong “Vũ cống”, là miền hạ lưu sông Dương Tử.


(Đào Duy Anh,
Lịch sử cổ đại Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 2005. Sách này là tập hợp ba tác phẩm khác nhau của Đào Duy Anh: Cổ sử Việt Nam (1957), Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957), Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957). Trích văn ở đây chủ yếu là từ tác phẩm thứ nhất (tr. 22-26), nhưng có sửa lại vài chỗ theo sự đính chính của ĐDA trong tác phẩm thứ hai (tr. 200-202).)


Chú thích của Đào Duy Anh:
(1) Phạm Văn Lan,
Trung Quốc thông sử giản biên, Nhân Dân Xuất Bản Xã xuất bản, 1953. (ĐDA)
(2) Theo sách
Danh nghĩa khảo thì Tam Miêu dựng nước ở miền Trường Sa, mà sở tại gồm cả miền Kinh Dương ở Giang Nam.











___________
(*) Người Tàu hay tự xưng là người Hán vì họ hãnh diện về đời Hán. Nhưng xét nội dung đang bàn, tưởng đây nên gọi họ bằng tên của cái chủng tộc chính ở phương bắc là Hoa tộc. Hơn nữa, đã đến đời Hán đâu! (TT)