Đỗ Chu, “Ráng đỏ” (3)




Mùa khô ở Khe Cạn, những cơn gió mang hơi lửa thổi hầm hập suốt đêm ngày, lùa vào mọi hang hốc, những bụi cây bám trên vách đá héo xác đi một cách gan góc. Con suối chảy quanh đó cạn dần, để trơ ra dưới đáy những bãi cát trắng như muối, những phiến đá kiêu kỳ chồng lên nhau, lúc nào cũng có thể tưởng như chúng sắp đổ. Trong các hang đá, nước vẫn cứ kiên nhẫn nhỏ từng giọt tí tách như tiếng kim giây của một chiếc đồng hồ nào. Qua khỏi kho Núi Khỉ là đến bãi xe của chúng tôi. Ðám cỏ tranh trong bãi bị quần nát, những bụi sim lá cứ xơ tướp đi sau không biết bao nhiêu lần va quệt và có lẽ vì thế mà ra hoa muộn mằn. Các đường xe chạy vào bãi lầy lội suốt mùa mưa nay trở nên khô cứng, để lại nguyên vẹn những vết bánh xe với những đường răng và rãnh giảm trơn trông chính xác như khuôn đúc. Khi có một cơn lốc chạy qua bãi, những đám bụi tanh sực lại được dịp cuộn lên khiến nhiều anh đang nằm xoay trần sửa xe phải hắt hơi sặc sụa và văng tục ngậu xị.

Vào dịp đó, tôi đã bắt được một chú khỉ con có lang trắng ở trước ngực. Một buổi chiều, tôi từ bãi xe trở về nhà, vừa vào đến cửa hang thì hai chiếc "AD-6" ập đến, không lượn vòng gì hết, chúng theo nhau sà xuống cắt một chùm bom và bắn một loạt súng máy rồi bỏ đi ngay. Bom rơi sâu vào trong núi nhưng đạn thì vãi ở ngay bên trên chỗ tôi đứng làm một làn bụi trắng rơi nhẹ trên vai áo tôi. Ðiều làm tôi ngạc nhiên hết sức là bầy khỉ mọi ngày vốn vẫn thường phớt đều cái kiểu bắn vu vơ ấy, hôm nay bỗng kêu lên tru tréo và từ trên cao chúng chạy xuống cả lưng chừng vách đá, nhìn ngó, leo trèo, con nào cũng có vẻ thảng thốt khiếp hãi. Tôi tự hỏi có chuyện gì vừa xảy ra cho chúng, và tôi bước ra xa, ngửa cổ nhìn lên. Trên một cành cây khô đâm hẳn ra ngoài vách đá, một con khỉ mẹ màu đen đang một tay ôm con trước ngực, một tay bíu lấy đầu cành. Sao nó lại leo ra ngoài ấy làm gì - Tôi thấy lo lắng thay cho nó - Hay là nó bị sa chân mà lộn cổ xuống đó. Một con khỉ khác lớn hơn nhiều, chừng như là con đầu đàn, đã chạy xuống, leo ra cứu mẹ con chú khỉ bị nạn. Nhưng cành khô hình như đã mục, rung lên khi con khỉ lớn leo ra ngoài xa. Một phút lưỡng lự, cả bầy khỉ đứng quanh đều im lặng, bỗng con khỉ lớn dùng hai tay đánh đu trên cành, leo thêm một đoạn ngắn nữa rồi nắm chặt lấy cành cây, đu mình tung chân ra ngoài xa, mấy lần nó suýt quắp được hai con kia nhưng lại bị hụt. Con khỉ mẹ ôm con đã mỏi, cánh tay bám trên cành của nó không được chắc chắn nữa. Nó bỗng kêu lên một tiếng não ruột rồi buông tay ôm chặt lấy con, thả mình rơi xuống. Xác nó nằm vắt ngang trên cửa hang, chú khỉ con bị văng ra khỏi ngực mẹ, lăn thêm mấy vòng và xuống tới gần tầm tay tôi thì bám được vào một bụi cây. Nó kêu lên những tiếng yếu ớt và tôi leo lên ôm lấy nó.

Chú khỉ con được chúng tôi chăm sóc đã hồi sức và lớn lên rất nhanh. Nó làm quen với tất cả mọi người, biết leo lên vai chải tóc cho một cậu nào đó rồi lại nhoài vào lòng một cậu khác khi cậu này rút chiếc ắc-mô-ni-ca ra thổi. Những ngày đầu tôi mang nó ra ngoài bãi xe, nó chạy lung tung, rất sợ bị tôi nhét vào buồng lái. Nhưng chẳng bao lâu nó cũng làm quen được với căn nhà chật hẹp đó của chủ và tôi có thể mang nó đi theo trong những chuyến chạy đường dài. Nó trở nên ma lanh ma cuội và ngộ nghĩnh hết sức. Ðã nhiều lần tôi bắt gặp nó ngồi trong buồng lái vờ đọc một tờ báo hoặc nhắng nhít lấy cả bàn tay ấn vào còi xe. Không biết anh nào đã đặt tên cho nó là con Láu.

Cuối mùa khô đó, tôi được lệnh mang chiếc Gát của mình về hậu phương để đổi lấy một chiếc Zin mới, tôi cho con Láu cùng đi. Tôi chắc mẩm phen này qua đèo Ông Phật thế nào cũng được gặp lại cô Chuyên. Ðêm đi ngày nghỉ, tôi chỉ cầu trời cho chiếc xe của mình đừng dở chứng dọc đường. Khi qua những đoạn địch đánh mạnh tôi thong thả cho xe lách qua bờ những hố bom, bụng bảo dạ, chậm mà ăn chắc còn hơn là rệ xuống đây. Gặp chiếc xe nào xin đường, có thể cho được là tôi hào phóng tránh liền sang một bên. Tôi thầm mong đừng gặp điều gì trắc trở, muốn được chạy ngốn lên phía trước, muốn rút ngắn được từng đêm trên đường.

Sau tất cả mọi cố gắng, tôi bị giữ lại với một đoàn dài những xe khác, ở một chỗ cách đèo Ông Phật không đầy hai chục cây số. Chúng tôi chỉ được giải thích vắn tắt rằng ở ngoài đó đường đang bị tắc, ít nhất là vài ba ngày nữa mới thông. Tôi đem xe đi giấu, suốt ngày thắc thỏm không yên. Mấy tay cùng cảnh như tôi mắc võng nằm dài trong rừng, sẻ cho nhau từng nhúm thuốc vụn và tán chuyện tưởng như quên hết sự đời.

- Lại đây làm một hơi - Một anh quay sang phía tôi - Sao trông cậu ỉu thế, cứ như thằng bị bỏ đói ấy. Có muốn đi thì cũng phải đợi sửa xong đường đã chứ, cậu tưởng chúng tớ không sốt ruột hay sao? Nếu vác được chiếc xe bỏ sang bên kia đèo thì chúng mình cũng vác rồi. Anh em mình lăn lộn trong kia, mong từ một hạt muối trở đi, vác mặt làm một thằng lái xe, ai mà không hiểu điều ấy.

- Hãy cứ lại đây cái đã, trưa nay ăn ở đâu, nếu không, thổi chung với bọn mình cũng được.

- Các cậu chưa rõ - Tôi phân trần - Mình cũng không có việc gì vội lắm đâu, mình chỉ muốn đến đèo Ông Phật, cô em mình nó đang ở đấy.

- Rồi sớm muộn cậu cũng phải qua đấy chứ bay được à? Ðã đành nó đánh thì ta sửa ta đi, nhưng cũng phải có thời gian để mà sửa chứ. Em ruột hay em họ thế?

- Em họ.

- Ờ anh nói thì tôi cũng biết vậy, cô ấy ở trung đội thanh niên xung phong dưới chân đèo chứ gì?

- Hình như là thế - Tôi trả lời qua quýt, hơi chột dạ, sao các tướng này nắm vững đến thế, thật cứ như là đi guốc trong bụng người ta.

- Chưa biết chừng mình gặp cô em cậu rồi - Một cậu khác nói - Chuyến trước mình vào, vừa đến đèo thì trời sáng nên phải mò vào trong đó tìm cơm.

À, thế ra họ cũng đã từng ăn cơm ở đó cả, tôi cảm thấy hai mang tai mình bỗng ù đi, nóng như bị áp vào lửa. Lo rất có thể sẽ bị truy tên cô em, tôi vội đánh bài lảng, lấy cớ là có việc phải về xe. Tôi nằm dài trong buồng lái, hai chân gác đại lên thành cửa. Con Láu thấy tôi về thôi không nghịch với cái bóng của mình ở trong gương nữa, nhảy tót lên chân tôi, nhe răng ra cười. Tôi quắc mắt để nó biết là tôi đang không bằng lòng. Nó thôi không cười nữa, leo ra ngoài cửa nhưng lại đứng ở đó mà nhìn tôi rồi giơ tay giơ chân làm bộ làm tịch. Tôi nhăn mặt nhìn nó, nó cũng nhăn mặt lại. Rõ thật là khỉ, tôi bật cười, xoay mình vào bên trong cố chờ một giấc ngủ. Nhưng giấc ngủ không đến cho. Tiếng bom địch nổ ở phía đèo chốc chốc lại dội đến cùng với tiếng máy bay địch lượn lờ. Tôi như nhìn thấy trước mắt một cái đèo lớn, lỗ chỗ những hố bom, đất đá bị xới tung tất cả, những vạt rừng bị đốt cháy với những cành khô đâm lên tua tủa và ở trên một ngọn cao nào đó còn vương phất phơ một mảnh dù pháo sáng. Ðây đó vẫn còn có những ngọn lửa chưa ai dập tắt, mùi cao-su và mùi thuốc đạn tỏa ra khét lẹt. Bất thần, từ một chỗ ít ai ngờ tới nhất bùng lên một tiếng nổ cùng với những cột đất dựng lên mù mịt. Hiện ra sau những đám khói ấy, bên những ngọn lửa ấy là cô gái mà tôi thường nghĩ đến và đồng đội của cô, là những chiến sĩ giữ đường gan góc. Dọc con đường này họ đã trở nên thân thuộc với anh em lái xe, có khó khăn nào mà chúng tôi không cùng họ san sẻ, có chuyến đi nào mà chúng tôi không cùng ăn ít ra một bữa cơm với họ. Có người chúng tôi gặp luôn, có người chưa bao giờ thấy mặt, cũng có người chỉ gặp được một lần rồi vĩnh viễn không bao giờ còn được gặp lại nữa. Một dáng người đứng bên đường vẫy chào, một khuôn mặt nghĩ ngợi lướt qua cửa xe, một nụ cười của ai mà ta đã gặp ở đâu rồi, một giọng nói nào giống như giọng nói của người quen mà ta không kịp nhớ và những đôi mắt của lòng tin cậy biết nói cho ta nghe những chuyện đâu dễ hôm nay đã nói hết được thành lời.

Hôm sau đường thông, tôi cho xe vượt đèo vào lúc nửa đêm. Bọn địch rất có thể trở lại bất thình lình, người ta cấm không cho xe dừng lại ở quanh khu vực đó. Xe tôi lao đi trong đêm tối nhòa. Ở đỉnh đèo tôi thấy vẫn có người đang làm việc, họ đứng rải ra thành nhiều tốp, khi chúng tôi đi qua họ đều ngừng tay ném theo một câu: "Mạnh khỏe nhé!". Sang tới chân dốc bên kia, tôi cho xe đi chậm lại, hỏi bâng quơ một đám đông đang ngồi nghỉ ở bên đường:

- Có ai quen không đấy?

- Có đây!

Tiếng một cô gái trả lời, nghe cao vút. Tôi hãm xe lại, hỏi thêm:

- Có ai ở trung đội cô Chuyên không?

- Không biết cô Chuyên chi mô, bọn em mới vô mà!

Vẫn cái giọng nữ ban nãy, một giọng miền Trung, tôi đoán họ thuộc một đơn vị khác mới vào. Tôi cố hỏi vớt:

- Cô Chuyên chính trị viên ấy mà.

- Ðã bảo không biết chi mô!

Tôi đành phóng xe đi. Một tháng sau tôi trở về đến đèo Ông Phật và có tạt vào trung đội cô ấy. Con đường mòn trước kia giờ đã bị lấp vì cây cối đổ ngổn ngang. Tôi cứ nhằm theo hướng cũ mà tìm lối đi và càng đi càng cảm thấy có điều gì bất ổn. Khu nhà cũ không còn nữa, tất cả đều sập nát, những dấu hiệu của một trận ném bom vẫn còn hiện ra rành rành. Tôi bước lên, những đốt nứa khô lép bép vỡ. Không còn nhận ra được đâu là căn nhà tôi đã từng nằm vật suốt một ngày, đâu là nơi tôi đã ngồi ăn cơm và nói chuyện vui vẻ với một người con gái thái măng. Và sau tất cả, cái điều làm tôi lo lắng thực sự là giờ đây họ đang ở đâu, những người thuộc trung đội cô Chuyên, những người đối xử với tôi ân cần mà vô tư, những người một hôm đã đứng xếp hàng trên cái sân này rồi cùng nhau hăm hở chạy lên đèo...

Tôi trở về xe mình đợi đến đêm. Con Láu thấy tôi có vẻ buồn cũng không dám nghịch ngợm như mọi ngày, nó ngồi nép vào bên tôi, gãi gãi cánh tay tôi như muốn an ủi. Tôi xoa cái đầu nhỏ bé của nó và tưởng như nó hiểu được, tôi nói: "Lẽ ra hôm nay mày được gặp cô ấy, nhưng giờ thì khó lắm... Có thể chẳng bao giờ nửa đâu." Chiều hôm đó tôi không thổi cơm ăn. Tôi mở túi lương khô lấy ra khẩu phần của con Láu, mấy hạt lạc và một miếng bánh ngọt. Nó vồ lấy, cu cậu chắc đói meo rồi. Tôi trở về Khe Cạn sớm hơn kế hoạch đã dự định mấy ngày, không kịp nghỉ ngơi vì những công việc bề bộn của mùa mưa đã đến.