Đào Duy Anh, “Nước Việt Thường”




Cái tên Việt được thịnh hành khi Câu Tiễn xưng bá, nhưng nó vốn đã có từ trước.

Lần đầu tiên người ta thấy nó xuất hiện trong thư tịch xưa là ở sách Thượng thư đại truyện: “Ở phía Nam Giao có nước Việt Thường dùng nhiều lớp thông ngôn đến hiến chim trĩ trắng (...)” (Chuyện ấy sách Hậu Hán thư có chép lại ở chương “Nam Man truyện”)

Sách Thượng thư đại truyện là của Phục Thắng (thường gọi là Phục Sinh) ở đầu thời Hán, đọc cho học trò chép thành. Nếu chúng ta xét rằng, Phục Thắng vốn là một vị bác sĩ thời Tần sống sót lại, đã từng sống trước cuộc đốt sách của nhà Tần thì chúng ta có thể tin rằng chuyện Việt Thường hiến trĩ trắng chép đó không phải là Phục Thắng bịa đặt, mà tất đã từng được đọc ở trong sách xưa. Như vậy thì trước thời Tần Hán, hẳn rằng ở Trung Hoa đã có thuyết Việt Thường hiến trĩ trắng mà cái tên Việt Thường hẳn là tên một nước xưa ở thời nhà Chu (...)

Các sách xưa (...) đều chỉ chép Việt Thường là nước ở miền nam Giao Chỉ. Nhan Sư Cổ ở thời Ðường chú giải Tiền Hán thư cũng chỉ nói Việt Thường là một nước xa ở phương nam, chứ không chỉ rõ chỗ nào, mãi đến sách Cựu Ðường thư ở thời Hậu Tấn (thế kỷ thứ X) mới chỉ nước Việt Thường là ở miền quận Cửu Ðức, tức là miền từ Hà Tĩnh, Quảng Bình trở vào.

Về sau, sách Văn hiến thông khảo ở thời Nguyên (thế kỷ thứ XIV) lại chú rõ thêm rằng nước Việt Thường xưa, tức là nước Lâm Ấp, sau là Chiêm Thành. Các tác giả đời sau đều theo thuyết ấy, cho đến các nhà Trung Hoa học người Tây phương như Legge (...) và Pelliot cũng (...) cho Việt Thường xưa là Lâm Ấp đời sau.

Ý kiến các nhà sử học xưa của nước ta thì khác. Sách Việt sử lược là sách sử xưa nhất của ta, ở cuối thế kỷ thứ XIV, cùng các sách sử cũ khác thì chép tên Việt Thường trong số mười lăm bộ của nước Văn Lang. Sách Ðại Việt sử ký toàn thư thì chép An Dương Vương xây Loa thành ở đất Việt Thường, tức đặt đất ấy ở lưu vực sông Nhị. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì đặt tên Việt Thường ở miền An Bang, tức Quảng Yên ngày nay.

Chúng tôi tưởng rằng đối với những thuyết trên, chúng ta không cần phải biện bác nhiều lời, chỉ biết rằng các nhà đều dựa theo vị trí mà họ đặt cho Giao Chỉ để đặt vị trí của Việt Thường, thì khi vị trí của Giao Chỉ người ta đặt sai, tất vị trí của Việt Thường người ta không thể đặt đúng được.

Chúng tôi cũng theo sách xưa mà đặt Việt Thường ở phía nam Giao Chỉ. Ðã ức đoán Giao Chỉ ở lưu vực sông Dương Tử thì phải tìm vị trí Việt Thường ở khoảng miền ấy thôi.

Ðem so sánh chữ Việt Thường viết trong các sách (...) Những điều sai dị ấy khiến chúng ta có thể đoán rằng chữ Việt Thường là người Hán tộc (*) dùng chữ Hán mà phiên âm một tên địa phương. Nhà Trung Hoa học Ed. Chavannes ngờ rằng Việt Chương nơi vua Sở Hùng Cừ phong cho con út là Chấp Tỳ, có lẽ đất Việt Thường xưa, vì hai tên ấy đồng âm, nhưng không chỉ rõ vị trí Việt Chương là nơi nào.

Chúng ta thấy Sử ký chép rằng đất Cú Ðàn (nay là Giang Lăng), đất Ngạc (nay là Vũ Xương) và đất Việt Chương (?) là những nơi vua Sở phong cho các con, đều là đất ở miền Sở Man, nghĩa là đất châu Kinh và châu Dương. Phân tích đoạn sách ấy ra thì chúng ta có thể đoán rằng, đất Cú Ðàn và đất Ngạc đã là thuộc đất châu Kinh (Sở) thì đất Việt Chương tất là thuộc đất châu Dương hay Dương Việt (Man). Tán thành ý kiến của Ed. Chavannes về Việt Chương với Việt Thường chúng tôi tưởng nên tìm Việt Thường ở đất châu Dương (...)

Ông Lê Chí Thiệp cho rằng ở miền ấy, cũng trong lưu vực Dương Tử (...) thời Hán có quận Dự Chương trong đất tỉnh Giang Tây (ở miền Nam Xương), theo tiếng Trung Quốc là Yu Tchang, cũng gần với âm Yue Tchang, và ngờ rằng đất Việt Thường xưa là đất Việt Chương ở thời Sở, là đất Dự Chương ở thời Hán. Chúng tôi nhận thấy ý kiến rất có lý (Đoạn này trích từ tr. 215-217) (...)

Chúng tôi ngờ rằng nước Việt Thường xưa (...) vốn cũng là (...) chư hầu của nhà Chu, nhưng vì ở xa không hay đi lại triều cống nên sử nhà Chu không chép đến. Nước ấy ở trong phạm vi mà chúng ta đã ức đoán là phạm vi của người Việt tộc, thì dân nước ấy tức là người Việt tộc (...)

Sau khi nước Sở đã thành một nước cường thịnh ở miền Hồ Nam, thì nước ấy ở khoảng giữa nước Sở và nước Việt (của Câu Tiễn), suy dần, cho đến khi vua Sở là Hùng Cừ đánh đất Dương Việt thì chinh phục được hẳn nước ấy mà đem phong cho con là Chấp Tỳ (...)

Nếu chúng ta bằng vào thiên “Vũ cống” nói rằng miền hồ Bành Lãi (tức Phiên Dương) có các giống chim hậu điểu đến ở, và đất châu Dương có cống lông chim, thì có thể ngờ rằng việc nước Việt Thường hiến chim trĩ trắng cho vua nhà Chu là việc có thể có được (...)

Sách Tiền Hán thư (q. 12) chép việc nước Việt Thường hiến chim trĩ cho nhà Hán (...) với tất cả các chi tiết (...) giống hệt việc Việt Thường hiến chim trĩ cho nhà Chu (...) Có lẽ ở đời Bình Ðế nhà Hán (...) có một nước ở phương nam đem chim trĩ đến dâng vua Hán. Các triều thần bấy giờ (...) muốn nịnh Vương Mãng (...) bèn tô điểm thêm mà chép vào sử là nước Việt Thường hiến chim trĩ, để nhân đó so sánh Vương Mãng với Chu công.


(Ðào Duy Anh,
Lịch sử cổ đại Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 2005. Sách Lịch sử cổ đại Việt Nam này là tập hợp ba tác phẩm khác nhau của Đào Duy Anh: Cổ sử Việt Nam (1957), Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957), Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957). Trích văn ở đây chủ yếu là từ tác phẩm thứ nhất (tr. 35-37), nhưng có theo sự đính chính của ĐDA trong tác phẩm thứ hai mà sửa lại chỗ nói về quận Dự Chương.)
















____________
(*) Người Tàu hay tự xưng là người Hán vì họ hãnh diện về đời Hán. Nhưng xét nội dung đang bàn, tưởng đây nên gọi họ bằng tên của cái chủng tộc chính ở phương bắc là Hoa tộc. (TT)