Sự hình thành sân khấu chèo (09)




Thời kỳ hình thành (tiếp theo)

Sinh hoạt sân khấu chèo đang trên đà phát triển thì ngẫu nhiên lại gặp được một dịp may hãn hữu khi nghi thức ca vũ cổ sơ của chèo được sử dụng ngay trong tang lễ của vua Trần Nhân Tôn vào năm 1310. Tự đó cái nghi lễ tầm thường chèo đưa linh vốn vẫn chỉ hiện diện trong chốn dân gian bỗng được đề cao, và mang thêm tính cách một biểu hiện của sự giàu sang quyền quý. Thiên hạ đua nhau bắt chước. Cử hành nghi lễ đó trở thành một nghề có những quyền lợi cần bảo vệ. Người hành nghề họp lại thành một đoàn thể thời bấy giờ gọi là phường (1): phường chèo ra đời. Sở dĩ đoàn thể đã lấy ngay cái tên gốc của nghi lễ (chèo) để tự mệnh danh là cũng để dễ dàng vừa “danh chính ngôn thuận” làm nghề cử hành nghi lễ đưa linh trong những đám tang và cũng lại vừa để lấy danh nghĩa của phường mà lưu diễn các nơi, trình bày những vở chèo theo đúng hình thức một bộ môn sân khấu. Dần dà, phần sau xen cả vào phần trước, phần “bội” rườm rà hơn cả phần “chèo nghi lễ”. Ðến nỗi, sau này, ghi lại việc cũ, Phạm Ðình Hổ cũng đã phải hạ bút phê bình “không khác gì ở hí trường”. Phường chèo do vậy phải mang thêm một danh xưng mới. Phường chèo trở thành phường chèo bội.

Tuy nhiên, ở trong phạm vi nghiên cứu sự hình thành của chèo, chúng ta phải nên công nhận tầm quan trọng của sự kiện này được coi như một nguyên nhân quyết định một bước tiến “nhảy vọt” trong sinh hoạt của chèo. Và bước tiến nhảy vọt đó đã làm cho chính quyền e ngại và đã giải thích thái độ quyết liệt của chính quyền đối với chèo ở những triều đại sau.

Thái độ quyết liệt đó thật ra cũng còn được giải thích bởi một nguyên nhân khác: đó là sự trưởng thành vững mạnh của đẳng cấp sĩ phu đã manh nha với sự tổ chức khoa cử bắt đầu tự thời nhà Lý và đã tiến tới giai đoạn cực thịnh vào thời nhà Lê dưới triều vua Lê Thánh Tôn. Trước đó, tự thời nhà Lý, đẳng cấp tăng lữ tuy đã thôi trực tiếp nắm giữ guồng máy chính quyền nhưng vẫn còn ưu thế tinh thần trong triều đình - thiết tưởng cũng không nên quên sự hiện diện của Vạn Hạnh thiền sư trong trường hợp lên ngôi của vị vua sáng lập triều Lý vốn là con nuôi của một vị sư, và trường hợp những vị thượng hoàng xuất gia triều Trần. Dần dần, trước uy thế đi lên của đẳng cấp sĩ phu mà thái độ đối với đẳng cấp tăng lữ nhiều khi đã tỏ vẻ khiêu khích - thái độ của Trương Hán Siêu qua bài ký tấm bia chùa Quan Nghiêm (Bắc Giang) (2) là một trong những minh chứng - đẳng cấp tăng lữ thực sự lùi bước (...) ý thức hệ Khổng giáo (...) ngự trị ở triều đình. Chủ trương “nghe nhạc biết được chính trị của một nước” của Khổng tử tất nhiên phải là một nguyên tắc chỉ đạo trong sinh hoạt ca vũ và kịch nghệ. Và do vậy - cũng như Khổng tử khi san định Kinh Thi đã không ngần ngại loại bỏ đến 9 phần 10 những áng dân ca Trung Hoa và lên án những thiên dân ca nước Trịnh và nước Vệ mà ông coi là dâm thanh - đẳng cấp sĩ phu với chính quyền trong tay, tất nhiên không thể dung nạp được một hình thức nghệ thuật sân khấu luôn luôn đứng ở quan điểm dân gian để nhận xét thực tế, và tuy bắt nguồn từ một nghi thức tế lễ mang sắc thái bi ai nghiêm trang mà càng ngày lại càng đi sâu vào hài tính, lấy ngay tiếng cười làm phương tiện truyền thông, vì phải chiều theo cảm quan thưởng ngoạn của đám đông dân chúng là khán giả của nó, sân khấu đó là sân khấu chèo.

____________
(1) Theo Việt Nam ca trù biên khảo của Ðỗ Bằng Ðoàn và Ðỗ Trọng Huề thì phường là một tổ chức nghề nghiệp có những luật chặt chẽ, người gia nhập phải triệt để tôn trọng. Những luật lệ đó vừa có tính cách chuyên môn nghề nghiệp vừa có tính cách luân lý. Luật lệ ấn định phạm vi hành nghề của từng chi trong phường, lệ chia tiền hát (nếu là phường hát), ngày giỗ tổ, và những điều kiêng kỵ để bảo vệ thuần phong mỹ tục và luân lý gia đình. Ai phạm luật lệ sẽ bị phạt vạ, và nặng thì sẽ bị trục xuất khỏi phường.
(2) Ðại lược nội dung bài ký theo
Ðại Việt sử ký toàn thư: “Chùa bỏ lại dựng, chẳng phải ý ta; bia dựng mà khắc, ta biết nói gì? Hiện nay thánh triều muốn truyền phong hóa nhà vua, để chữa phong tục đồi bại, dị đoan đáng truất bỏ, thánh đạo nên phục hưng. Làm kẻ sĩ phu, không phải đạo Nghiêu, Thuấn không bày tỏ, không phải đạo Khổng, Mạnh không trước thuật. Thế mà cứ bo bo lải nhải chuyện Phật, ta định lừa ai?”.


(Vũ Khắc Khoan,
Tìm hiểu sân khấu chèo, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr. 121-124)