Đỗ Chu, “Ráng đỏ” (2)




Tôi nhảy lên nắm chặt lấy tay lái, cứ thế cho xe lùi thục mạng. Tôi bắt đầu thấy hối hận, phen này mà mất xe thì sống cũng bằng thừa. Quả nhiên tên giặc đã quay lại ngay, nó lượn một vòng hẹp rồi quăng liền hai chùm pháo sáng. Phút chốc, khắp vùng sáng rực như ban ngày. Tôi nhoài người ra khỏi buồng lái, căn được đường, tôi nhả hết phanh cho xe lăn không còn biết trời đất đâu nữa. Ðịch bắt đầu nhào xuống quăng bom ở ngang dốc, ngay chỗ chúng tôi vừa đứng đôi co với nhau, rồi một loạt bom nữa quăng chệch vào khu rừng trên đỉnh dốc. Tôi lo cho hai chiếc xe kia, không hiểu đã lùi qua dốc chưa hay vẫn nằm quanh đó. Chiếc xe của tôi vẫn chưa ra khỏi quầng ánh sáng của địch nhưng đã nằm hẳn dưới chân dốc, tôi tìm đường cho xe chạy tạt vào một khoảng đất hẹp nhưng bằng phẳng ở ven một vách núi dựng đứng. Xong xuôi tôi nhảy ra khỏi xe, nép mình vào một tảng đá, hồi hộp nhìn lên trên dốc. Tên địch đúng là mù, hai loạt bom vừa rồi xem ra nó cũng chỉ quăng hú họa. Một tiếng “bụp” vỡ ra ở trên đầu, tôi vội nằm ép xuống. Những quả bom bi bay rào rào như một cơn mưa lớn, tiếp đến là những tia chớp nổi lên nhằng nhằng kéo theo những tiếng nổ chói tai. Nó vẫn đánh ở hai đầu dốc. Khói bụi trùm xuống khét lẹt, lửa cháy rừng rực hai bên đường, tiếng đá sụt lở ầm ầm. Tên địch lượn một vòng rộng rồi bỏ đi. Tôi bình tĩnh xem lại địa hình xung quanh, tìm cách đánh xe vào sâu trong núi cho kín, rồi tôi cắm đầu chạy lên đỉnh dốc. Những tàn lửa bay tản mác đó đây, thỉnh thoảng bám vào chân tôi bỏng giãy. Ở chỗ chúng tôi to tiếng với nhau, một hố bom ngoàm mất nửa mặt đường. Phía trên, một chiếc xe nằm xoay ngang, lửa vẫn đang lem lém trên mui, đầu xe bị bom bi xé tướp nhưng buồng lái không có người. Chiếc thứ hai, cũng như tôi đã chạy thoát sang bên kia dốc. Tôi tìm sang bên đó và gặp một nhóm thanh niên xung phong trong một cánh rừng thông, người nào mặt mũi cũng lem luốc.

- Xe anh giấu ở bên kia rồi phải không?

Người con gái duy nhất trong đám đó dịu dàng hỏi tôi. Tôi khẽ gật đầu trả lời.

- Tôi đã bảo mà - Một anh chàng nói oang oang - Ở bên đó có mấy cái cả thảy, đồng chí?

- Có một cái của tôi thôi.

- Anh cùng đi một đoàn với hai anh kia chứ? - Người con gái lại hỏi.

- Tôi vào, họ ra. Họ đang ở đâu bây giờ?

- Ở đằng kia, trong hầm trực chiến. Em đưa anh lại đấy nhé - Cô gái tách ra khỏi nhóm, đưa tôi đi về cuối rừng - Em nằm trong hầm, thấy có tiếng xe chạy qua rồi bỗng như bị chết máy, rồi có tiếng còi xe từng hồi. Nghe mãi cũng không hiểu vì sao, mà đường thì suốt đêm nay tốt. Em gọi mọi người dậy, mắt nhắm mắt mở, anh nào cũng càu nhàu: “Có nghe thấy tiếng súng xin cấp cứu không đã?” Em lúng túng phân trần, họ phàn nàn mấy câu rồi lại nằm cả xuống. Ngay sau đó phản lực địch vụt qua. Em vừa túm được khẩu súng nhào ra cửa thì bên ngoài đã sáng trắng tất cả.

- Anh em lái xe có ai việc gì không? - Tôi ngắt lời cô ta.

- Em không cho ai ra khỏi hầm ngay, cũng phải đợi xem nó định làm gì mình đã chứ, khi có tiếng bom nổ trên đèo, em biết là nó đánh xe rồi! Em bảo mọi người chạy chuyền theo các hố cá nhân bên đường mà lên đó. Gần đến nơi, thấy một cái “Zin” chạy giật lùi nom đến là tức cười. Một anh trong bọn em nhảy lên bám vào cửa buồng lái dẫn xe đi trốn, còn bao nhiêu chạy cả lên trên dốc. Sau một loạt bom bi nữa, chiếc xe trên đó bốc cháy, anh lái xe bị thương vào vai, mê man. Trên xe không có hàng, bọn em mang anh ấy về hầm - Anh ấy bị cũng nhẹ thôi.

Tôi lặng thinh, lòng đầy dằn vặt. Ðây là lần đầu tiên tôi phạm kỷ luật, tôi thầm tự chửi mình không tiếc lời. Cô gái thoáng ngạc nhiên, khẽ bảo:

- Em sẽ để người ở lại với hai anh kia, còn anh lát nữa nếu về bên em thì bọn em chờ cùng về, có đường tắt rừng.

Cô gái chỉ cho tôi căn hầm rồi ngồi lại ở ngoài cửa. Trong căn hầm đó chỉ có ba thằng lái xe “đầu bò đầu bướu”, chúng tôi nhận ra nhau ngay và đều ngượng ngùng tránh nhìn vào mắt nhau. Phải biết cánh lái xe dẫu chưa quen nhau nhưng khi gặp anh nào cũng lắm lời, thế mà bây giờ không mở miệng thì mới hiểu không khí nặng nề nhường nào. Lâu lắm, trước khi đứng dậy, tôi mới hỏi được một câu:

- Các cậu liệu thế nào, tối nay đã đi được chưa?

- Phải đi thôi, nếu không ngồi được thì mình sẽ nằm trong ca-bin. Ðằng ấy đừng giận nhé, chúng mình nghĩ lại rồi đấy, chúng mình thật là những thằng ngu!

Tôi gắng nhẹ đặt tay mình lên cánh tay quấn băng trắng của cậu ta rồi gượng cười bỏ ra ngoài. Cô gái vẫn đang ngồi chờ tôi bên một gốc thông, hai bàn tay chăm chỉ gỡ tóc, mắt lơ đãng nhìn ra ngoài dốc bấy giờ đã ngập trong ánh nắng. Cột khói từ chiếc xe cháy vẫn đang bốc lên nghi ngút khiến tôi nhìn mà càng tự thấy xấu hổ với cô.

*

Ngày hôm đó địch còn kéo đến ném bom xuống đèo Ông Phật hai lần nữa. Tôi nằm một mình trong căn nhà hầm của đọi thanh niên xung phong dưới chân đèo. Mỗi lần bom nổ, cánh rừng quanh khu nhà lại rung lên, mặt đất như bị ép dúm vào rồi giãn ra, như mặt nước có sóng.

Ngang chiều, tôi thấy anh em trong khu nhà mang xẻng cuốc, bộc phá tập hợp trước sân. Họ có chừng một trung đội, cô gái ban sáng đưa tôi vào đây, hình như là trung đội trưởng, đứng ra nói vài câu vắn tắt rồi tất cả chạy lên trên đèo. Cô cầm trong tay một cuộn dây cháy chậm và một gói kíp nổ, nom dễ dàng như những người con gái ở làng vẫn quen cầm bó rơm khô ra đồng lượm lúa vào những ngày gặt hái. Vẫn bằng một giọng dịu dàng như ban sáng, cô vừa nói vừa khoan thai bước lên hè, đứng ngang với tôi:

- Anh ngủ được chứ? Bọn em biết anh mệt nên mấy lần định rủ nhau vào chơi lại thôi, để yên cho anh nghỉ.

- Cô sắp ra đường à?

- Có thêm ba quả rơi xuống đèo, bọn em phải làm sớm hơn mọi hôm. Khoảng nhọ mặt anh đánh xe ra là vừa, lúc đó đường chắc cũng đã thông. Cơm chiều của anh em để dưới bếp nhé, anh xuống ăn ngay kẻo nguội, cái bi-đông của anh em cũng mang dồn nước vào rồi đấy.

Cô gái bước xuống thềm, đi rất nhanh qua sân cỏ rồi thoáng một cái đã biến vào lối mòn trong rừng. Tôi đi xuống bếp, trên nền nhà đổ một đống măng lớn, một cô gái to béo đang ngồi duỗi dài chân thái măng, thấy tôi vào, cô vội thay đổi cách ngồi, hai chân thu về, cằm đặt lên đầu gối, nét mặt vẫn điềm nhiên như không. Tôi toan giúp cô một tay nhưng cô gạt đi:

- Anh đừng mó vào làm gì, ngứa chết ra ấy. Anh lại bàn ăn cơm đi đã - cô vứt con dao vào đống măng, đứng lên so đũa cho tôi - Cơm chúng em chỉ có măng thôi, anh đừng chê nhé! Hôm qua có thịt lợn rừng thì anh lại chẳng đến.

- Cho ăn là quý lắm rồi, những lúc này hãy cứ mong được ăn no cái đã. Ðơn vị ta ở cũng vui đấy chứ nhỉ?

- Mấy tháng trước anh vào thì còn vui hơn nhiều, chúng em vừa mới phải xé lẻ ra làm hai ba nơi.

- Ðồng chí trung đội trưởng vừa rồi nhanh nhẹn lắm.

- Trung đội trưởng của chúng em đi họp vắng, chị ấy là chính trị viên đấy.

- Tên chị ấy là gì thế?

- Chị Chuyên - Cô gái vừa bóc áo măng vừa láu lỉnh nhìn tôi - Anh mới đến mà đã hỏi cặn kẽ thế, không khéo lần sau thì đã là "thổ công" nhà chúng em rồi.

- Quen người thì cũng muốn biết tên, cô tính chỗ đi lại lâu dài với nhau mà cái tên gọi cũng không rõ thì còn ra làm sao nữa.

- Các anh lái xe anh nào ăn nói cũng gớm cả, em chịu đấy. Nhưng này, anh phải nhớ chị Chuyên là người ăn nói cũng không xoàng đâu nhé, lúc nào cũng như lúc nào, không gắt, không xẵng, nhưng xin đừng có mà lơ mơ.

- Tôi lại có cảm tưởng là tất cả các cô ở đây đều ăn nói được cả. Thôi để khi khác gặp lại, giờ tôi phải đi đây.

Ðêm đó tôi lại cho xe vượt đèo Ông Phật. Lúc qua đèo tôi có để ý tìm nhưng không thấy Chuyên. Thanh niên xung phong ngồi ở ven đường thi nhau ném đất lên xe tôi. Tôi về đại đội vận tải nổi tiếng mà trước đây tôi đã từng được thấy giới thiệu trên báo vài ba lần. Ðại đội chúng tôi nhận nhiệm vụ phụ trách chở hàng trên một tuyến đường gần hai trăm cây số. Khe Cạn chính là nơi xuất phát và cũng là đích trở về của chúng tôi.

Suốt mùa khô, tôi chạy trong tuyến đường này, không nhận được tin tức gì của Chuyên và trung đội cô ở ngoài kia. Bài học đêm hôm nào vẫn cứ bám riết lấy tôi. Tôi tự nhủ, phải sống sao cho xứng đáng với mọi người, trong đó có Chuyên. Giữa những ngày bận rộn và gian truân nhất ở đây, mỗi khi nghĩ lại cái đêm đó thì hình ảnh của Chuyên, một người chỉ huy rắn rỏi, một cô gái dịu dàng và chắc chắn là rất thông minh lại hiện lên rực rỡ, choán lấy tâm hồn tôi, làm mờ đi mọi chi tiết khác. Những ngày nằm trong lán tán gẫu với anh em, những đêm một mình một xe chạy trên đường, những lúc nghỉ ở một cánh rừng xa lạ, tôi thường tự hỏi mình, giờ đây Chuyên đang làm gì nhỉ, phá bom nổ chậm, đặt mìn mở đường, dẫn trung đội chạy lên đèo cứu xe hay một mình với một bao tải và một con dao vào rừng hái măng? Lòng tôi cứ rối lên vì những câu hỏi chẳng thể trả lời được ấy và đôi lúc cảm thấy lo lắng thành thật là rất có thể khi gặp lại nhau, cô ấy đã quên mình mất rồi, đến cái tên mình cô ấy cũng đã biết đâu. Dù sao tôi cũng rất mong chóng có ngày được gặp lại người con gái đó.