Đào Duy Anh cho rằng sau khi nước Thục (một phần Tứ Xuyên bây giờ) bị nhà Tần chiếm, vua và thái tử bị giết, thì hoàng tộc chạy về phía nam, rút cuộc đến đất của bộ Nam Cương (nay thuộc Cao Bằng). Ở đó, một hoàng tử là Thục Chế được tôn làm thủ lĩnh tối cao mới của bộ. Thục Phán là con Thục Chế.

Hãy làm vài bài tính. Nước Âu Lạc ra đời năm -257. Nếu lúc đó Thục Phán 30 tuổi thì năm Thục Phán lên mười, tức năm Thục Chế mất, là năm -277. Thục Chế thọ 95 tuổi, tức sinh năm -372. Khi nước Thục mất năm -316, Thục Chế 56 tuổi. Thục Chế không phải là thái tử, người anh cả làm thái tử có thể đã ngoài 60, tức vua cha năm ấy tuổi đã rất cao, mà còn tự cầm quân chống Tần sao? Hơn nữa, theo truyền thuyết Tày, Thục Chế làm vua nước Nam Cương từ năm 35 tuổi!

Nếu Thục Chế sống tới 65 thôi (cách nay hăm mấy thế kỷ, thế là thọ), tức sinh vào năm -342, khi nước Thục mất mới 26 tuổi, thì mọi việc trở nên ổn. Truyền thuyết tăng tuổi thọ của nhân vật quan trọng là chuyện có xảy ra.
(Thu Tứ)



Đào Duy Anh, “Thục Phán từ Ba Thục”




Sách Giao châu ngoại vực ký dẫn ở Thủy kinh chú (q. 36) có lẽ là sách xưa nhất chép chuyện An Dương Vương là con Thục Vương , làm vua nước Âu Lạc sau khi chiếm nước (Văn Lang) của Lạc Vương (...)

Chúng ta hãy xét xem An Dương Vương có thể là Thục Vương tử không?

Về nước Thục ở thời Xuân Thu thì sách Hoa dương quốc chí là sách đầu tiên chép rõ. Sách ấy chép rằng: “Năm thứ 5 Chu Thận Vương, bọn đại phu Trương Nghi, Tư Mã Thác và đô úy Mặc của nước Tần theo đường Thạch Ngưu đi đánh nước Thục. Vua Thục tự cầm quân cự chiến ở Gia Manh, thua, bỏ chạy đến Vũ Dương thì bị quân Tần giết. Tướng phó cùng với thái tử lui đến Phùng Hương, thái tử chết ở Bạch Lộc Sơn. Thế là họ Khai Minh mất, gồm 12 đời vua nước Thục”. Như thế thì nước Thục đã bị nước Tần diệt từ năm -316.

Trần Tu Hòa, tác giả sách Việt Nam cổ sử cập kỳ dân tộc văn hóa chí nghiên cứu (xuất bản ở Côn Minh năm 1944) cho rằng An Dương Vương có thể là con út hay con di phúc của Thục Vương và dựng lên ức thuyết rằng (...) Triều đình và thái tử nước Thục tất phải chạy theo sông Mân Giang về phía nam và thái tử có lẽ là chết ở hạ lưu sông ấy (...) con nhỏ hay con di phúc của vua Thục vẫn (...) chạy về nam (...) cuối cùng chiếm được nước Văn Lang.

Chúng tôi nhận thấy ức thuyết của Trần Tu Hòa (...) khá ổn. Duy không cần phải giả thiết rằng An Dương Vương là con di phúc của vua Thục (nếu thế thì khi bị Triệu Ðà đánh An Dương Vương phải là đã hơn trăm tuổi) mà có thể là cháu vua Thục còn sót lại sau một thời gian luân lạc của dòng họ vua Thục cũ ở khoảng Quý Châu, Vân Nam (...)

Hẳn là họ đã (...) theo đường thượng lưu sông Lô mà vào miền thượng du của nước ta ở khoảng Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng ở ngay phía bắc biên giới nước Văn Lang bấy giờ (…)

Có một truyền thuyết của người Tày có thể cho chúng ta ít nhiều ánh sáng. Tại miền Cao Bằng ngày nay (...) (tức) gần nước Văn Lang, có bộ Nam Cương hùng cứ một phương. Bộ này do Thục Chế tức An Trị Vương đứng đầu (...) do chín xứ họp thành (...) Từ lúc An Trị Vương lên ngôi (...) chín xứ đều thần phục cho nên dần dần trở nên hùng cường (...) Thục Chế làm vua 60 năm, thọ 95 tuổi. Con là Thục Phán mới lên 10 (...) cuối cùng (...) được (...) tôn làm vua. Thục Phán ra sức củng cố cơ đồ nước Nam Cương (...) Nước Văn Lang láng giềng bấy giờ đang suy yếu (...) (Thục Phán) bèn cất quân sang đánh, Hùng Vương (...) bại vong. Thế là nước Văn Lang bị gồm làm một với nước Nam Cương. Thục Phán đặt tên nước mới là Âu Lạc, đóng đô ở Loa Thành (...)

Có thể đoán rằng con cháu vua nước Thục mà Thục Phán là đại biểu cuối cùng đã từ miền Tứ Xuyên (rồi) Vân Nam vào nước Nam Cương của truyền thuyết theo đường sông Lô, sông Gâm, rồi tràn sang miền thượng lưu sông Cầu và sông Hữu giang.

Người nước Nam Cương là người gì? Chúng ta đã biết rằng (…) nhóm Việt tộc sinh tụ ở miền Quảng Tây, tức trong lưu vực sông Tây giang với hai nhánh của nó là Tả giang và Hữu giang, là người Tây Âu, vậy nhân dân nước Nam Cương ở đầu sông Tả giang và trong lưu vực Hữu giang cũng là thuộc nhóm Tây Âu (…)

Những người con cháu nước Thục ấy cũng là người Việt tộc (...) Với cái đại thế phân bố và di động của những nhóm Việt tộc từ lưu vực sông Dương Tử về nam thì rất có khả năng rằng (họ và) những nhóm Việt tộc ở miền Vân Nam Quảng Tây (...) vốn có quan hệ xa gần với nhau.(1) Như thế thì những người con cháu nước Thục (...) khi đến miền Tả giang và Hữu giang (...) gặp ở đó (...) những người (…) mà ngôn ngữ và văn hóa không phải là xa lạ với họ (...) Thục Chế (...) đã được tôn làm vua (...) hay nói một cách đúng hơn (...) làm tù trưởng tối cao của một bộ lạc liên hiệp (...)


(Đào Duy Anh,
Ðất nước Việt Nam qua các đời, viết xong năm 1964, không biết in lần đầu năm nào, nxb. Thuận Hóa (Huế) tái bản năm 1994)



















___________
(1) Chắc ý nói những nhóm Việt tộc ở Vân Nam Quảng Tây vốn trước kia đều ở xa về phía bắc hơn, ở gần đất Thục, rất có thể là bà con xa gần của người Thục. (TT)