Sự hình thành sân khấu chèo (08)




Thời kỳ hình thành (tiếp theo)

Lịch sử (...) có ghi một vài quyết định của chính quyền để phân biệt nhạc của triều đình với nhạc của dân gian (1), và một vài cố gắng nhằm tổ chức, để kiểm soát và điều khiển sinh hoạt ca vũ và trình diễn.(2)

____________
(1) “Vào thời Trần, về nhạc khí có thứ trống cơm gốc ở Chiêm Thành, hình tròn và dài, nghiền cơm đắp vào giữa hai mặt trống rồi vỗ, tiếng nghe trong trẻo rõ ràng, hợp với tiêu, sáo, xập xõa, trống lớn, gọi là “đại nhạc”, chỉ nhà vua mới được dùng, các tôn thất và các quan chức lớn không gặp dịp tế lễ, không được dùng. Còn đàn cầm, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn thất huyền, đàn song huyền, sáo và tiêu các thứ gọi là “tiểu nhạc” thì sang hèn đều được dùng cả” (An Nam chí lược của Lê Tắc, mục Phong Tục).
(2) “Năm Ất Sửu, niên hiệu Thuận Thiên thứ 16 (1015) - đời Lý Thái Tổ - mùa thu, tháng bảy, định binh làm giáp, mỗi giáp 15 người, dùng một người làm quản giáp. Lại định các loại quản giáp, lại đổi chức hỏa đầu làm chính thủ: chỉ con hát mới gọi là quản giáp” (
Ðại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên). Ngô Sĩ Liên ghi thêm: “Khi ấy có con hát là Ðào thị giỏi nghề ca hát, thường được thưởng, người bấy giờ hâm mộ tiếng của Ðào thị, cho nên phàm con hát đều gọi là đào nương.”
Danh từ đào để chỉ nữ diễn viên gốc ở đó mà ra. Còn về danh từ kép để chỉ nam diễn viên thì trong một bài báo đăng tải trên tạp chí
Văn Học nhan đề là “Về nguồn gốc và lịch sử tuồng và chèo Việt Nam” tác giả là hai ông Trần Quốc Vượng và Ðinh Xuân Lãm có dẫn một nhận định của ông Maspéro tác giả một thiên khảo luận về ngữ âm học lịch sử Việt Nam (...) đăng tải trên tập san của Trường Viễn Ðông Bác Cổ để giải thích. Theo Maspéro thì trước thế kỷ 15, ngôn ngữ Việt Nam chưa có phụ âm đầu j (gi trong chữ giáp chẳng hạn), những từ có phụ âm j đều đọc là ky. Như vậy chữ giáp trong danh từ “quản giáp” thời Lý đọc là kép. Hai tác giả trên có ghi chú thêm: ở thời Lý có địa danh sử cũ ghi là Ðộng Giáp, chính là vùng Kép ở Bắc Giang.
Nếu chúng ta nhớ lại đoạn tài liệu về đời Tiền Lê nói về sự hiện diện của “những tên hề” tại triều đình vua Ngọa Triều, thì đến đời Lý, diễn viên sân khấu - cả sân khấu hát chèo lẫn sân khấu hát bội (bộ) - đã có những tên để gọi: nam là Kép, nữ là Ðào. Và cũng đã có những vai trò đặc biệt là những vai hề.


(Vũ Khắc Khoan,
Tìm hiểu sân khấu chèo, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr. 120-121)