Đỗ Chu, “Ráng đỏ” (1)




Câu chuyện này bắt đầu từ một bìa rừng, vào một buổi sáng tháng ba. Ðang là mùa xuân nhưng ở đây, trong Trường Sơn, chỉ cần nhớ lúc này đã vào mùa khô, thế là đủ.

Chúng tôi có ba người. Tôi là phóng viên của một tờ báo mặt trận. Hàm là lái xe và cậu Huân, một tay lái phụ cùng đi với Hàm. Chiếc xe của chúng tôi đã chạy suốt đêm qua, bây giờ cả nó và người đều mệt lử. Chiếc xe rúc vào đám lồ ô không xa chỗ chúng tôi nằm bao nhiêu, mặc dù đã được che kín dưới những lùm lá rậm rạp, tôi vẫn nhìn thấy một tia nắng le lói phản chiếu từ tấm kính chắn cửa buồng lái. Ban nãy, trong lúc chúng tôi chặt lá ngụy trang xe thì Huân đã lôi trên xe xuống một cái xoong nhôm, một chiếc ống bơ đun thức ăn và một bao gạo, tất cả đều ám khói và bụi bặm. Huân mang đồ lề xuống suối thổi cơm, tôi thấy cậu ta hỏi Hàm:

- Mấy bơ đây?

- Nên gia gia một chút, hôm nay mát trời, lại có khách.

Còn lại hai chúng tôi nằm trên cỏ. Xung quanh, lá khô rơi đầy, những bụi tầm xuân đang nở hoa. Ở tít trên cao, những cây ổ gà - một loại tầm gửi - mọc quanh các thân cây với những phiến lá lốm đốm trắng. Nắng đã đánh loãng những lớp sương mù và đám mây thấp hồi đêm được vén quang, trước mặt chúng tôi hiện ra, gần lắm, một dãy núi đá với những hình thù kỳ dị, nom hiểm trở đến nỗi phải sửng sốt khi nghĩ đến cái cảnh những chiếc xe tải nặng nề đêm qua đã bò quanh co trong đó để sang bên này.

- Hôm qua chúng ta còn ở bên kia dãy núi nhỉ? - Tôi nói.

- Vâng, nếu không có gì trắc trở thì mỗi tháng chúng tôi phải qua đó hai lần, vào đầu tháng và giữa tháng. Anh biết người ta gọi vùng này là gì không? Là Khe Cạn. Giữa dãy núi đá có một cái khe, chạy dích dắc tới mười cây số, con đường của chúng ta nằm trong lòng cái khe đó.

- Mùa mưa thì sao?

- Mùa mưa cũng vẫn khô ráo, thế mới gọi là Khe Cạn. Nhưng riêng mùa mưa vừa rồi thì bị ngập, ngập đến nửa tháng. Dạo đó đoàn chúng tôi cũng có mặt ở đấy, phải chạy xe đi giấu trên những chỗ đất cao rồi xuống kho cứu hàng. Cuối dãy núi kia ngày trước vẫn có một cái kho, chắc là anh chưa biết, chúng tôi chạy hết Khe Cạn là chui tọt ngay vào kho trả hàng, tiện lắm. Anh hãy nhìn, nó ở chỗ hai quả núi chụm đầu vào nhau đấy, chúng tôi gọi là kho Núi Khỉ. Ở trên đó có rất nhiều khỉ, chúng đi từng đàn, hú vang các vách đá. Anh chưa qua đây lần nào, nhưng đã nghe ai kể về đoạn đường này chưa?

- Thỉnh thoảng tôi có nghe nói về con đường này, nhưng cũng chỉ được nghe những nét chung chung thôi, riêng vùng Khe Cạn thì hôm nay tôi mới biết đấy.

- Anh vào mặt trận, lúc ra nếu có điều kiện thì nên ở lại Khe Cạn một thời gian, ở đó bây giờ công binh đang làm việc rất đông, còn cái kho thì đã chuyển sâu vào trong kia, đêm nay chúng ta sẽ về đó. Chẳng giấu gì anh, tôi cũng là một tay nghiện đọc báo lắm, có thể nói nghiện như thằng Huân nghiện thuốc lào ấy. Ở trên xe tôi cũng đang có mấy số báo cũ, tôi thề với anh là tôi có thể xoay ngược những tờ báo ấy mà đọc vẫn trôi chảy tất cả các bài, có một bài nhắc đến những người đang chiến đấu trên con đường này, bài báo viết rất hay nhưng tôi tiếc là đã không nhắc gì đến khu vực Khe Cạn.

- Anh chạy đường này lâu chưa?

- Gần hai năm rồi anh ạ. Tốt nghiệp khóa lái xe to, nhà trường giữ tôi lại làm giáo viên một thời gian. Của đáng tội, tôi dạy cũng không đến nỗi, nhưng tính tôi không thể ngồi đâu lâu được, ngứa chân lắm. Tôi nói với đồng chí phụ trách nhà trường: "Thủ trưởng cho bay thôi, mang tiếng làm thằng lái xe thời chiến mà tôi chẳng phải thức trắng một đêm nào, không khéo mắt tôi rồi sẽ đầy húp lên mất." Ðồng chí ấy cười ha hả rồi bỏ đi, không nói gì. Tôi sẵn sàng chờ một buổi tâm sự tay đôi, với những lời khuyên đại loại như phải yên tâm công tác, phải thấy ở đâu cũng đều có thể đóng góp hết sức mình cho cách mạng được. Quả nhiên vài hôm sau tôi được gọi lên phòng riêng của thủ trưởng, nhưng tôi hoàn toàn bị bất ngờ, vừa bập vào chuyện, đồng chí ấy đã hỏi tôi thế này có khoái không: "Nào Hàm, cậu muốn bay gần hay bay xa đây?" Tôi cũng đã nghe phong thanh là có một số giáo viên trong trường sắp được đi công tác xa nên tôi tin ngay là đồng chí ấy nói thật, tôi mạnh dạn nói: "Báo cáo anh, tôi muốn được vào tuyến lửa một chuyến." Ðồng chí ấy suy nghĩ một lát rồi hỏi: "Không phải là một chuyến mà sẽ chạy lâu dài ở trong đó, cậu thấy thế nào?" Tôi trả lời luôn: "Ðề nghị cứ cho tôi đi, ở chiến trường nếu cần tôi có thể lấy vai gùi hàng chạy bộ cũng được!" Thấy tôi hăng quá, đồng chí ấy nằm ngả ra bàn mà cười, cái tiếng cười nghe sôi nổi và rộng rãi quá làm tôi cũng vui lây. Ðồng chí ấy bảo: "Sao mà cậu giống cái thằng bạn mình hồi trước thế! Thôi được, cậu về chuẩn bị đi, hai ngày nữa sẽ lên đường, không phép tắc gì đâu đấy." Anh tính tôi thì có hòm xiễng gì mà chuẩn bị, đi lúc nào chẳng được."

- Năm nay anh Hàm ngoài hai nhăm chưa?

- Làm gì đến, anh nom tôi già thế rồi kia à? - Hàm đưa tay xoa mấy sợi râu đâm tua tủa trên cái cằm rộng, nheo mắt cười - Lính lái xe là thế đấy, thức đêm thức hôm nhiều mà.

- Vợ con gì chưa?

- Khoản ấy thì bét lắm - Hàm lắc đầu - Hồi còn trả hàng ở Khe Cạn tôi có yêu một cô người Hà Nam, công tác ở khó đó.

- Ðêm nay có thể gặp cô ấy chứ?

- Không, anh chỉ có thể gặp những người đã từng sống với cô ấy thôi. Chuyện dài lắm, lát nữa cơm nước xong nếu anh không ngủ thì tôi xin kể anh nghe. Tôi nằm suốt buổi trong khu rừng này để chờ đêm đến. Ta xuống chỗ cậu Huân đi, anh cũng thấy đói rồi chứ? Tôi hèn lắm anh ạ, hễ đói là nhăn mặt lại ngay, lắm lúc ngượng chết người.

Tôi theo Hàm đi xuống mé suối. Vừa lúc đó có tiếng hú của Huân vọng lên. Hàm đưa hai tay lên miệng làm loa, hú trả lời một tiếng thật dài, rồi anh nhìn tôi nháy mắt. Tôi biết, như thế là cơm đã chín và tôi nóng lòng muốn được ăn ngay, một phần cũng vì đói nhưng cái chính là muốn bữa cơm chóng qua để được nằm nghe Hàm kể chuyệ. Tôi có linh cảm mình sẽ được nghe những chuyện của một người đang có nhiều tâm sự.

*

Anh là một nhà báo, viết gì thì cũng phải thêm bớt đôi chút, cái đó là lẽ thường, cánh lái xe chúng tôi cũng thế cả, kể lại cho nhau nghe chuyện gì mà không biết "mắm muối" vào ít nhiều thì cũng mất vui. Nhưng câu chuyện này của tôi anh đừng nghĩ như thế và anh cũng chẳng nên viết ra làm gì. Anh muốn viết về cánh lái xe chúng tôi, đợi về đến đơn vị hãy hay, có nhiều chuyện đáng viết hơn. Ở chỗ chúng tôi, chạy an toàn hàng vạn cây số cũng có, chui vào gầm xe thay díp đệm lưng đè lên bom nổ chậm cũng có, hay như cậu Huân đây, đầu tóc rối bù, lem luốc dầu mỡ, ăn xong là lăn ra ngủ liền như vậy đấy nhưng đêm đến là tỉnh như sáo, có thể chạy thông suốt tháng không cần nghỉ, đã ngồi trên xe rồi là hai mắt cứ giương lên cho tới sáng bạch. Anh em gọi cậu ta là Huân Cú Mèo cũng là vì thế, tôi cam đoan nếu cần, giữa đêm cậu ta có thể đánh xe đưa anh qua Khe Cạn mà không đèn đóm chi hết. Còn câu chuyện này, anh hãy xem như là một chuyện riêng tư của tôi, kể ra để anh thông cảm thêm với cánh lái xe. Tôi biết là người ta đồn về chúng tôi nhiều chuyện lắm, hay cũng có mà dở cũng có, nhưng chúng tôi thấy thật ra mình cũng chẳng khác ai, nghĩa là cũng vui buồn, cũng suy nghĩ và đánh giặc giống như mọi người thôi. Chẳng mấy khi đã gặp nhau, anh cứ cho tôi nói dài dòng một chút.

Vì sao tôi lại yêu cầu anh lưu ý đến khu vực Khe Cạn mặc dù vẫn biết không thế thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến kết quả của chuyến đi này của anh. Nhưng chắc anh cũng chẳng lấy gì làm lạ khi biết đấy là nơi tôi đã sống những ngày dữ dội nhất, hạnh phúc cũng hết mức mà đau khổ cũng hết mức. Từ mảnh đất bề bộn những kỷ niệm bao giờ cũng rõ ràng ấy có biết bao điều tốt đẹp đã bắt đầu trong cuộc đời tôi. Hai năm trước, từ trường lái xe tôi được điều về Hà Nội rồi qua một tuần lễ học chính trị quán triệt tình hình và nhiệm vụ mới, tôi đánh một chiếc "Gát" chất đầy hàng quân nhu mùa đông chạy thẳng vào trong này. Anh hẳn còn nhớ đó là lúc chiến dịch đã bắt đầu mở, tình hình rất căng và mùa khô cũng đến nơi. Lái xe chúng tôi anh nào anh ấy chạy cứ muốn nuốt lấy đường. Lần đầu tiên chạy đường này, tôi thấy bỡ ngỡ lắm, hơn nữa xe mình lại là xe "Gát", bốn bánh chung chiêng chứ đâu có được như loại "Zin" hai cầu bây giờ. Mỗi lần gặp dốc, tôi phải mắm môi mắm lợi dận hết ga mà chiếc xe vẫn cứ bò trên đường. Tôi không nhớ rõ là đêm thứ mấy xe tôi đang vượt đèo Ông Phật thì vấp phải hai chiếc "Zin" từ bên kia sang. Thật là tai ác hết chỗ nói, xe tôi lùi cũng dở mà tiến thì không được, đoạn đường đó đi một chiều cũng còn khó nữa là. Tôi xuống xe tính toán cẩn thận, thấy nép sát vào bên đường cũng vẫn không ổn, rất dễ bị đuôi hai chiếc kia hất xuống vực. Ở trên đầu dốc, hai chiếc xe nổi còi giục đến nóng ruột. Tôi chạy lên trao đổi với họ, xe "Zin" khỏe, đỉnh dốc lại rộng, họ lùi lại thì hợp lý hơn. Nhưng không chờ tôi nói hết câu, một anh đã gạt ngay:

- Không lôi thôi gì cả, đằng ấy cứ lùi đi, đời thuở nào hai xe lại phải mất công lùi để tránh một bao giờ?

- Ðồng chí nói chẳng có tình lý gì cả! - Tôi đã thấy nóng mặt.

- Sắp sáng rồi, đằng ấy định đứng đấy mà lý sự để chờ chúng nó mang bom đến giấu xe hộ hay sao? Thôi, anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau, chịu khó tụt một đoạn cho vui vẻ.

Tôi càng nóng tiết, nhất là vì cái chữ "tụt" mà cậu ta đã dùng bằng một giọng rất ngọt ngào. Không nói gì cả, tôi quay xuống xe mình. Họ lại bóp còi dai dẳng xin đường.

- Có lùi không đấy?

- Không.

Thế là chiếc xe trên dốc bật pha lên, luồng ánh sáng đập thẳng vào mắt tôi, xanh lét - Tôi vừa bực vừa chờn, liều lĩnh quá, cậu ta muốn dọa mình đây! Tôi còn đang loay hoay chưa biết nên xử trí thế nào thì một chiếc phản lực Mỹ bò đi ăn đêm bay xẹt qua đầu, nghe thấp lắm. Tôi vội quát lên:

- Tản ra, đồ liều, nó thấy rồi đấy!