Xã hội “vô tình” thì sao, mà ông bà phải “âm thầm ái ngại” cho con cháu?

Ðó, rành rành đó. Hiển nhiên thời ông bà chuyện dân giết hại dân phải ít khi xảy ra lắm, nên mỗi khi xảy ra mới tới tai vua chứ. Nếu thôn nữ bị hiếp, giết um sùm, thì tai vua nghe làm sao kịp mà “nêu thưởng”! Còn thời con cháu, chuyện bạo động, thôi cứ... như rươi.

Thời ông bà là xã hội Việt Nam truyền thống. Thời con cháu là xã hội Việt Nam đã tổ chức lại theo mô hình xã hội Tây phương.

Tại sao xã hội ta xưa kia hiếm bạo động? Vì hầu hết dân sống ở thôn quê (ngay Thăng Long - Hà Nội vẫn đậm dáng nét quê). Ðời sống quê không làm cho con người ta bị bức xúc đến nỗi hóa điên. Ðã vậy, làng xóm tuy nhà cửa thưa thớt nhưng dân làng ai cũng biết ai, kẻ lạ mặt rất khó xâm nhập. Quê như một ao nước trong veo.

Tại sao xã hội Tây trong nhiều trăm năm qua luôn “thừa” bạo động? Vì đông đảo dân sống ở thành phố. Ðời sống phố đầy bức xúc, khiến nhiều cá nhân trở nên có tâm lý bệnh hoạn, coi mạng người như... mạng ngóe. Ðã thế, dân phố nào biết láng giềng, nên nhà cửa tuy chi chít mà kẻ dữ tha hồ xâm nhập khu vực không sợ phát giác. Phố như một dòng sông đục ngầu!

Tại sao quê tình phố lý?

Vì ở quê ai cũng biết ai nên ai đối với ai cũng phải có tình. Cũng vì làm ruộng nước cần xung quanh và vì dân quê không đổi chỗ ở: còn cần nhau, gặp nhau dài dài mà ăn ở với nhau cạn tàu ráo máng, sống làm sao nổi?

Trong khi ở phố không ai biết ai nên không ai phải đối xử có tình cảm với ai. Lại thêm sinh kế không tùy thuộc vào nhau và chuyện dọn nhà khá đơn giản, do đó hễ động cái là kêu cảnh sát, là lôi nhau ra tòa.

Nói gọi “làm ghi” thôi. Chứ đến năm 2012 thì cái Quê Tình nó đã ngắc ngoải rồi. Cả nước Việt Nam sắp sửa biến thành một cái Phố Lý to đùng rồi. Và bạo động thì đã lên ngôi!

(Thu Tứ)



Võ Phiến, “Một xã hội vô tình”



(...) Sách Đại Nam nhất thống chí của Cao Xuân Dục có ghi tên mấy liệt nữ ở tỉnh Bình Định. Một liệt nữ tên là Nguyễn Thị Phiêu, năm mười lăm tuổi bị một tên cường bạo là Trần Văn Kiên toan hãm hiếp, đã cực lực chống cự, và bị bóp cổ chết; do đó năm Minh Mạng nguyên niên được vua nêu thưởng. Một liệt nữ khác tên là Bùi Thị Tâm, bị người ở trong ấp là Võ Đăng Hy bức bách thông gian, đã mắng nhiếc và bị đâm chết; do đó năm Minh Mạng thứ 16 được vua nêu thưởng.

Chuyện như vậy mà không lạ lùng sao? Gái chống lại kẻ hiếp dâm, bị giết, vứt thây trong nghĩa địa, dưới lòng sông, trong phòng ngủ khách sạn v.v., những tin tức ấy bây giờ chúng ta gặp hàng ngày trên báo. Nếu có kẻ nào đề nghị ông đô trưởng (1) thưởng huy chương, bội tinh cho các nạn nhân, hẳn ông đô trưởng cho là kẻ ấy định đùa mình. Một đàng, việc xảy ra trong gang tấc mà viên chức sở tại không buồn để ý đến; một đàng, cũng việc ấy, xảy ra ngoài ngàn dặm, tận nơi thôn ấp xa xôi hẻo lánh, mà nhà vua cứu xét khen thưởng. Người ta tưởng chừng sống hai nền văn minh khác nhau! Có ai ngờ cả hai trường hợp đều diễn ra trên cùng một quốc gia, chỉ cách xa nhau có vài thế hệ.

*

Vào thời kỳ lớp người mà chúng ta gọi bằng ông cố bà cố, người Việt Nam nhìn sự việc ở đời khác bây giờ nhiều quá. Thuở ấy ngoài xã hội ăn ở với nhau như trong gia tộc, bây giờ nhìn nhau chỉ thấy những công dân.

Bây giờ nhà cầm quyền nhìn dân như công dân, nên chỉ thưởng phạt thái độ của họ đối với nghĩa vụ quốc gia, chứ không xen vào đời tư của họ. Có những huy chương cho người lính anh dũng, có bội tinh cho người công chức cần mẫn, có bằng tưởng lệ, bằng danh dự để khuyến khích lòng tận tâm với công vụ; mà không có những khuyến khích gìn giữ tiết trinh, ăn ở hiếu đễ v.v. Tiết trinh, hiếu đễ v.v. là đức tốt của con người, không phải của người công dân; là chuyện luân lý, không phải chuyện pháp luật. Về mặt luân lý, kẻ nào tốt kẻ ấy tha hồ yên ổn với lương tâm, tha hồ hưởng sự kính trọng của xung quanh; nhưng nhà nước thì không can thiệp đến. Trao một bằng thưởng về phẩm hạnh tốt cho ông nọ bà kia? Bộ nhà nước muốn chơi cha sao chớ? Nhà nước có phải gồm những bậc đạo cao đức trọng đâu, có tư cách gì để quyết định về những vấn đề đạo đức của thiên hạ? Bởi vậy nhà nước không buồn biết đến vấn đề ấy. Trong trường hợp bà Nguyễn Thị Phiêu, bà Nguyễn Thị Tâm v.v., ông đô trưởng thời nay chỉ cần tóm cổ trừng phạt hai tên đàn ông về hành vi làm thiệt đến tính mạng kẻ khác, làm quấy động cuộc sống an ninh của xã hội. Tức là trị hai công dân bất hảo, chứ không phải trị hai con người sút điểm về đạo đức. Đã không trị người kém đạo đức, tất nhiên không thể khen người cao trọng về đạo đức.

Đứng ở quan điểm ấy, chúng ta thấy vua quan ngày trước xử sự có phần lẩm cẩm. Như tuồng lẫn lộn pháp lý với đạo đức, việc nước với việc nhà. Xử sự không hẳn ra vua ra quan, mà có lúc lại như cha như mẹ. Trị đứa xấu nết một phát để răn dạy, rồi khen đứa ngoan ngoãn mấy câu để khích lệ. Khen đàn bà nết na, khen con có hiếu với mẹ cha, khen vợ biết chung thủy với chồng v.v. tức những chuyện tư riêng trong gia đình người ta, chuyện tư cách phẩm hạnh cá nhân của người ta. Nhà nước như thế không những lo cai trị, mà còn lo dạy dỗ. Một thế hệ ý thức quyền bình đẳng giữa mọi người sẽ bất bình về một quan niệm nhà nước “kẻ cả” như vậy. Nhưng các thế hệ đã chấp nhận quan niệm ấy thì có lẽ lại quý cái không khí đầm ấm trong một khung cảnh xã hội gia tộc.

*

Tết đến, chiều ba mươi ta có tục cúng một bữa để rước ông bà.

Nếu ông bà về thực, trong cuộc đối diện, trước những tiện nghi, những xa hoa trong đời sống vật chất của chúng ta, hẳn là ông bà không khỏi mừng cho con cháu ăn nên làm ra, mỗi ngày một khá (...) (Nhưng đồng thời) biết đâu ông bà lại không âm thầm ái ngại nhìn con cháu sống bơ vơ giữa một xã hội vô tình, trong đó giữa mọi người chỉ có một liên hệ pháp lý?


(Trích từ bài Ông Và Cháu, viết tháng 1-1970, in trong tập
Đất nuớc quê hương (1973). Nhan đề phần trích tạm đặt.)







_________________
(1) Như chủ tịch thành phố bây giờ.