Sự hình thành sân khấu chèo (07)




Thời kỳ hình thành (tiếp theo)

Lịch sử (1) còn ghi nhận những dịp chính quyền tổ chức những buổi trình diễn mang tính cách bách hí (2) dưới hình thức sân khấu ngoài trời cho dân chúng vui chơi (3) và nhất là sự hiện diện của những diễn viên kịch nghệ ngay tại cung đình (4)

___________
(1) Sang thời kỳ này, với sự phổ biến của văn tự (chữ Hán và chữ Nôm) sử và sách đã xuất hiện và sẽ giúp đỡ rất nhiều cho sự nghiên cứu của chúng ta. Những sử liệu ít nhất cũng có giá trị những mốc cắm vững trên hành trình tiến hóa của sinh hoạt nghệ thuật sân khấu.
(2) Bách hí: nhiều hoạt cảnh ca, nhạc, vũ hoặc trò diễn, biệt lập, không có liên hệ với nhau, nhưng trình diễn liên tiếp trong một buổi.
(3) – “Ðời Tiền Lê, mùa thu, tháng 7, ngày đinh tị là ngày sinh của vua (Lê Ðại Hành), vua sai người đóng thuyền ở giữa dòng sông, dùng tre làm núi giả ở trên thuyền gọi là Nam Sơn rồi vua bày lễ đua thuyền.” (
Việt sử lược)
- “Ðời Lý Thái Tôn, ngày sinh nhật của vua, vua cho xây Vạn Tuế Sơn ở Long Trì có năm ngọn, ngọn ở giữa dựng bức tranh trường thọ tiên, hai bên tả hữu đều có hạc trắng, trên núi làm những hình tiên bay, chim, thú, lưng chừng núi lại có thần long vây quấn, cắm cờ, treo vàng ngọc, sai bọn
phường tuồng ở trên núi thổi sáo ca múa lám vui.” (VSL)
(4) - Ðời Tiền Lê, dưới triều vua Ngọa Triều,
Ðại Việt sử ký toàn thư ghi sự hiện diện của Liêu Thủ Tâm “người kép hát nước Tống”“những tên hề”: “mỗi khi ra chầu, tất sai bọn khôi hài hầu hai bên, vua có nói câu gì thì người nọ người kia nhao nhao pha trò để cười...”.
- “Ðời Lý Cao Tôn, lấy Ðỗ An Thuận làm thái sư phụ chính. Lúc bấy giờ đều sợ uy An Thuận, phàm có người có việc kiện tụng mà tư lại bắt không được, An Thuận sai cân xa nhi đi bắt thì người ấy đến ngay. Lúc bấy giờ có
phường tuồng diễn trò một người làm hình bộ thượng thư sai tư lại bắt một kẻ bỏ ngục mà nó không đến, nói rằng: - Sao mày không xưng là cân xa nhi của quan thái sư? Nếu nói như thế, thì bắt được.” (VSL)
- “Năm 1206, trong nước loạn lạc mà vua (Lý Cao Tôn) thích đi rong chơi. Ðường sá bị ngáng trở, không đi đâu được, vua bèn sai làm hành cung ở chỗ ao Ứng Minh, hàng ngày đem bọn cận thần, cung nữ đi chơi bời làm vui. Lại lấy thuyền to làm thuyền ngự, lấy các thuyền bé chia làm hai đội, sai bọn cung nữ,
phường tuồng chèo thuyền, vua dẫn bọn tả hữu bắt chước nghi vệ như khi vua ngự đi chơi đâu vậy. Lại lấy sáp ong bọc những tấm lụa và các thứ hải vật thả xuống ao rồi sai người lội xuống mò lên giả làm đồ vật dưới Long Cung đem dâng. Quần thần thấy vua rong chơi vô độ đều sợ hãi không dám nói. Có tên phường tuồng là Vũ Cao nói dối thượng phẩm phụng ngự là Trịnh Ninh rằng: “Có hôm Cao qua chơi trên bờ ao, thấy một người lạ cầm tay dắt đi vòng bờ ao, đến dưới gốc cây muỗm, bỗng người đó dẫn Cao đi xuống nước. Cao sợ chết đuối không dám tiến. Một lát nước ao bỗng tự rẽ ra. Cao đi xuống, đến một nơi, thấy cung điện nguy nga, thị vệ nghiêm chỉnh. Cao hỏi đó là chỗ ai ở, người đó bảo rằng: Ðó là chỗ ta ở để cai quản ao này. Người đó bèn sai dọn mâm cỗ, cùng Cao uống rượu. Rượu rồi, Cao tạ ơn xin về. Người đó đưa tặng cau, tiễn ra đến gốc cây muỗm, bỗng không thấy người đó đâu nữa, mà cau cầm ở trong tay đã hóa ra đá. Cao mới biết là trong ao có thần.” Ninh lấy làm kinh dị, bèn tâu với vua. Vua tuy nghe nói thế nhưng không sợ hãi gì cả, sai lấy sắt để yểm thần.” (VSL)
- “Ðời nhà Trần, ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Ðoan Củng, các bề tôi đều làm lễ, lễ rồi, xem các
con hát trình diễn trò bách hí (...) Tháng 2, làm một cái nhà gọi là Xuân Ðài, các con hát hóa trang thành 12 vị thần múa hát trên đài...”(An Nam Chí Lược của Lê Tắc, mục Phong Tục).
- “Vua Dụ Tôn về sau cứ rượu chè chơi bời, xây cung điện, đào hồ, đắp núi, rồi lại cho gọi những người nhà giàu vào trong điện để đánh bạc, bắt vương hầu công chúa phải đặt chuyện
hát tuồng (...) Khi quân nhà Trần đánh được nhà Nguyên, có bắt được một tên hát bội là Lý Nguyên Cát sau nó ở lại nước ta lấy cổ truyện mà đặt thành bài tuồng, rồi dạy người mình hát. Khi con hát ra làm trò thì mặc áo gấm, áo vóc, theo nhịp đàn nhịp trống mà hát. Sự hát tuồng của Việt Nam khởi đầu từ đấy (...) Năm Kỷ Dậu (1369) vua Dụ Tôn mất, không có con. Triều đình định lập Cung Ðịnh vương là anh Dụ Tôn lên làm vua, nhưng mà bà hoàng thái hậu nhất định lập người con nuôi của Cung Túc vương là Dương Nhật Lễ.
Nguyên mẹ Nhật Lễ là người
con hát, lấy người hát bội tên là Dương Khương có thai rồi mới bỏ Dương Khương mà lấy Cung Túc vương, sinh ra Nhật Lễ. Nay lên làm vua, Nhật Lễ muốn cải họ là Dương để dứt ngôi nhà Trần, rồi giết bà hoàng thái hậu và Cung Ðịnh vương.
Bấy giờ Cung Tĩnh vương ở chỗ kinh sư cũng sợ bị hại, vả lại tính khí cũng nhu nhược, không có ý tranh cạnh, mới bỏ trốn lên mạn Ðà giang. Các quan tôn thất nhà Trần mới hội nhau đem binh về bắt Nhật Lễ giết đi, rồi rước Cung Tĩnh vương về làm vua. Tức là vua Nghệ Tôn.” (
Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim)


(Vũ Khắc Khoan,
Tìm hiểu sân khấu chèo, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr. 118-120)