“Ðất Quảng Nam chưa mưa đã thấm,
Rượu hồng đào chưa nhấm đã say”…

Thế nào là “chưa mưa đã thấm”, Võ Phiến có lần kinh nghiệm. Trong tùy bút “Mưa và thơ” ông kể lần ấy viếng xứ Quảng, đêm ngủ lữ quán nằm nghe mưa, sáng sớm hôm sau tỉnh dậy thấy cái giường mình ngủ đã hóa cù lao, còn đôi giày hóa hai chiếc xuồng bập bềnh!

Võ Phiến sau đó được anh bạn người địa phương mời về nhà chiêu đãi... đặc sản lụt: “bên cạnh đĩa rau thơm xanh mởn, những con tôm nằm trong các cuốn chả ram, những con tôm “nò” tươi rói, đỏ ửng lên một màu cực vui dưới lớp bánh tráng mỏng”, được nghe kể chuyện lụt: “Anh Lê vừa ăn vừa nhắc lại những thú vui mùa lụt ở làng quê mà anh đã trải qua hồi thơ ấu, những thứ chim, những thứ thú bị nước dồn vào nơi tử địa (...) dân làng kéo nhau đi bắt (...) trẻ con suốt ngày tíu tít ngoài trời...”. Chẳng biết bữa tiệc hôm ấy có rượu hồng đào hay không, nhưng tưởng ngồi ăn mà mang “bốt” vì nước ngập tới gần đầu gối, mà nghe “sóng xô ào ạt vào nhà mỗi lần có chiếc xe chạy ngang qua ngoài đường”, mà thấy “sóng chồm vã vào các vách tường bên mâm tiệc” thì cũng dễ say lắm!

Mưa Quảng “thật ngộ”. Nhưng mưa Quảng cũng thật dữ: cái trận lụt năm xưa ấy đã làm chết đuối khoảng một trăm người. Ðể hình dung “khung cảnh (…) mùa nguyên sơ man dã” dựng bởi “cuồng phong hồng thủy” xin đọc thơ “Thời tiết” sau đây.
(Thu Tứ)



Vũ Hữu Định, “Thời tiết”




cơn bão lớn về bình nguyên giục giã
run theo cây mùa lúa rạp buồn rầu
cát bụi lộn đường bay tản về đâu
khung cảnh dựng mùa nguyên sơ man dã
con sông nước về tràn mọi ngã
thuyền bè đi, đi mất tự bao giờ
những bến chiều tấp nập mộng ban sơ
đã hun hút trong triều lên trắng xóa
làng hôm trước bây giờ trông cũng lạ
màu muôn năm đã khác lối đi rồi
những cánh chim tai ách cuộc đời
đã bay chập chờn rao cơn mộng dữ
chiều ngấm lạnh màu hoang liêu rất cũ
mây đi đâu, trời chỉ một màu tro
gió vi vu ầm ĩ khúc nhạc buồn
đã réo rắc sầu gian nan phủ tới
người em gái của buổi nào nắng mới
con đường đi em có biết đi đâu
có dắt theo hình ảnh một con trâu
em ngất ngưởng hát khúc tình đang lớn
những quang gánh đem theo hồn của mọn
con gà con, con lợn nhỏ, thằng cu
bước tới quay lui chập choạng sa mù
mắt có ngước tìm người trôi theo nước
nẻo vô núi đường lên cao rậm rịt
ngậm mà nghe con gió đẩy nhau về
những lưng còng đau đớn nợ phu thê
mắt ráo hoảnh sững hai bàn tay trắng
người bó gối nghe phút vừa im lặng
dế run theo mạch chuyển trận mưa nguồn
mai mốt đi về đồng trắng phơi xương
bay lên núi lũ trâu bò ngơ ngác
mẹ có đứng vỗ tay cười nên nhạc
hòa âm theo réo rắt trận cuồng phong
cha có say sưa vững dáng trời trồng
hồn lộn lạo theo xác nhà xác ruộng
gió xê xích màu tang thương đêm xuống
nước đem lên con trăng đỏ lộn hồn
con trăng lưỡi liềm nhạt nét chiều hôm
mới thoáng hiện mà sao màu đã khác
ở trên núi trên rừng đi lưu lạc
thấy trăng lên con nai nhỏ vội mừng
đi men về bờ suối cũ bâng khuâng
đám cỏ mộng đã thơm mùi đất mới
dòng suối chảy đã nghe chiều vời vợi
dần lan xa hơi của chuyện đổi dời
con nai buồn nhưng cũng vội tin vui
cứ thong thả, rừng hôm nay đã vậy
qua trôi giạt của cuồng phong hồng thủy
ruộng hôm nay đã thay lớp phù sa
làng hôm nay đã thay lại nếp nhà
thêm mồ mả thêm những đường mới mở
con sông nọ một bên bồi bên lở
lở bao nhiêu thay mất bến đò đi
bồi bao nhiêu có nên ruộng đồng lì
đứng mãi mãi cho lúa mùa được mọc
bao nhiêu kẻ nhìn ra sông để khóc
bao người vui vì thửa ruộng vừa bồi
chuyện ruộng đồng cũng là chuyện buồn vui
năm ba tháng cây quen màu đất mới
năm ba tháng người quen đời thay đổi
cỏ đã xanh trên mồ mả chưa già
lũ trai làng đã thèm khát đi xa
chuyện ly biệt thay chuyện mùa nước lụt
chuyện cô phụ có hai hàng nước mắt
gượng mà vui đưa tiễn bước người đi
làng, xóm, thôn, ngày vội nối ngày
trống gọi mõ, đêm sáng đèn gọi lửa
từ bữa đó, trẻ không còn nhớ nữa
người già quên vì không muốn đau thương
mùa nước đôi khi mấp mé lên đường
già thì sợ, trẻ con mừng khấp khởi
mưa mãi sai mùa, gió sai chiều tới
lũ chim tai ách quen lối tìm về
những bóng chim mù bay dợm trong quê
nhiều giấc ngủ một đêm mà bạc tóc
chuyện làng xóm, chuyện tiếng cười tiếng khóc
nắng sớm, mưa trưa, chiều bão không ngờ
sương của mùa nguyên thủy rất đơn sơ
đã có lúc mù quê nghe dễ sợ
tuổi bé dại không biết mình đang thở
lớn khôn ra tiếng thở cũng rụt rè
bạc tóc, ngập ngừng theo nẻo hồn quê
chuyện thời tiết nghe ra già trước tuổi.