Sự hình thành sân khấu chèo (05)




Thời kỳ hình thành

Thời kỳ này bắt đầu từ năm Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán (...) đến khoảng giữa thế kỷ 19, khi chủ quyền quốc gia mất vào tay người Pháp .

Những sự kiện nêu lên dưới đây, theo ý chúng tôi, đã ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến sự phát triển của bộ môn chèo, sang thời kỳ này đã dứt khoát tách rời khỏi nghi lễ để hình thành như một bộ môn sân khấu đích thực và biệt lập.

- (...) nếp sống thực sự của đa số nhân dân vẫn là nếp sống bình dị nơi nông thôn (...) đôi khi cũng có bị khuấy động ít nhiều bởi những cuộc nổi loạn, phân tranh hay giặc giã ngoại xâm (...) nhưng không khí chung vẫn là không khí thanh bình hội hè đình đám, nam nữ gặp gỡ trao duyên giữa hai mùa canh tác (...) Phép vua vẫn thua lệ làng. Làng vẫn là đơn vị cơ bản của cơ cấu hạ tầng (...)

- Văn học và nghệ thuật (...) phát triển (...) Trước hết là sự tiến hóa của văn chương truyền miệng. Nếu ở thời kỳ trước - thời kỳ chuyển tiếp - bên cạnh thể tự sự đã thấy xuất hiện thể trữ tình thì bước sang thời kỳ này, trong khi hai thể trên vẫn song song tồn tại và phát triển thì (...) đã nẩy sinh ra một thể thứ ba kết hợp cả tự sự lẫn trữ tình là thể văn sân khấu sáng tạo cho diễn viên trình diễn một tuồng tích (tự sự) trong đó nhân vật kể lể tâm sự bằng những lời ca (trữ tình). Sau đó, phải kể đến sự xuất hiện của chữ Nôm. Với chữ Nôm thể tự sự có thêm phương tiện để phát triển. Những truyện diễn ca ra đời. Những tích cũ được sâu rộng phổ biến, những tích mới được cấu tạo thêm. Chất liệu tuồng tích từ nay trở nên thừa thãi (...)

- Sự tham gia của các nho sĩ vào sinh hoạt sân khấu Việt Nam (...) được nhận thấy rõ rệt nhất ở bộ môn hát bộ vì (...) bộ môn này (...) có sẵn những điểm tương ứng với nếp sống trang nghiêm quan cách của họ. Nhưng dù sao thì tâm hồn của họ vẫn bị lôi cuốn bởi những sắc thái dân tộc quen thuộc tiềm tàng trong từng nét cười, ánh mắt, bước đi, dáng xê dịch, nét ngân giọng hát, của sân khấu chèo. Và do vậy sự tham gia của họ vào sinh hoạt của bộ môn này cũng khá tích cực và được cụ thể hóa bằng những vở chèo đa số tuy không mang tên tác giả nhưng chắc chắn do chính họ đã soạn ra. Sự kiện này một mặt đã đem lại cho những vở chèo một giá trị văn chương rõ rệt nhưng mặt khác cũng lại làm cho nội dung của nhiều vở mang nặng ảnh hưởng Khổng giáo. Ảnh hưởng này nếu không hướng về nghĩa tôn quân - vì những nhân vật của sân khấu chèo vốn là những nhân vật (...) không mang những chức vụ quan trọng của triều đình (...) như trong sân khấu hát bội - (thì lại) luôn luôn nêu ra những bài học luân lý tam tòng tứ đức cho người phụ nữ (...) Không những thế, (do sự tham gia của các nho sĩ) người ta còn nhận thấy có (...) ảnh hưởng (của bộ môn hát bội) (...) Sân khấu chèo trình diễn cả những tuồng tích Trung Hoa (...) Và ngay ở dàn nhạc, bên cạnh những nhạc khí cổ truyền, người ta còn nhận diện được nhiều nhạc khí gốc ở Trung Hoa như đàn tì bà, ống địch, trống lớn (...)


(Vũ Khắc Khoan,
Tìm hiểu sân khấu chèo, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr. 112-116)