Giản Chi, “Ðộc Tiểu Thanh ký”




Nguyên tác của Nguyễn Du:

Tây hồ mai uyển tẫn thành khư
Ðộc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần lân tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong nguyệt kì oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như.(1)


Dịch nghĩa:

Vườn hoa cạnh Tây Hồ đã thành bãi hoang,
Ta chỉ viếng nàng qua bài ký đọc trước cửa sổ mà thôi.
Son phấn có linh hồn chắc phải xót vì chuyện này xảy ra sau khi chết,
Văn chương không có mệnh mà cũng bị liên lụy, đốt đi, còn sót lại một vài bài.
Mối hận cổ kim, thật khó mà hỏi ông trời.
Ta tự coi như người cùng một hội, một thuyền với nàng là kẻ vì nết phong nhã mà mắc phải nỗi oan lạ lùng.
Chẳng biết ba trăm năm sau,
Thiên hạ ai người khóc Tố Như?(2)

Giản Chi dịch:

Vườn cũ hồ Tây, mai xác xơ
Viếng ai song vắng một vần thơ
Phấn son đất lấp, thương còn mãi
Giấy mực tro tàn, lụy vẫn lưa
Hận sự xưa nay trời hỏi khó
Kì oan trăng gió tớ buồn vơ
Ba trăm năm lẻ người thiên hạ
Chả biết rồi ai khóc Tố Như.















_______________
(1) Trang
vi.wikipedia.org: "Tương truyền Phùng Tiểu Thanh là một cô gái Trung Quốc sống khoảng đầu thời Minh (...) (tài sắc hơn người) Năm 16 tuổi, nàng được gả làm vợ lẽ cho Phùng Sinh, một công tử nhà gia thế. Vợ cả tính hay ghen lại cay độc, bắt nàng ra sống riêng trên Cô Sơn, gần Tây Hồ. Vì đau buồn, nàng sinh bệnh rồi qua đời khi mới tròn mười tám xuân xanh. Những đau khổ muộn phiền được nàng gửi gắm vào thơ nhưng phần lớn bị vợ cả đem đốt hết, may mắn còn một số bài sót lại. Người ta cho khắc in số thơ đó, đặt là Phần dư tập. Thương xót, đồng cảm với số phận của người con gái tài tình mà bạc mệnh, Nguyễn Du viết ra bài thơ này."
(2) Theo trang
vi.wikisource.org.