Sự hình thành sân khấu chèo (04)




Thời kỳ chuyển tiếp (tiếp theo)

Trong những tập tài liệu của chúng tôi, trong số có “vở” chèo đưa linh, phần “bội” đều nằm giữa hai phần đầu và cuối (...)

Nhận định đầu tiên của chúng tôi là phần này chịu ảnh hưởng rõ rệt của sân khấu hát bội (bộ) về kỹ thuật xây dựng “vở” cũng như cách thức trình diễn (điệu bộ và lối hát).

Thứ nữa, bởi những tài liệu của chúng tôi đều (...) sưu tầm dọc theo miền duyên hải Trung Việt, từ Thừa Thiên vào đến Bình Ðịnh, Phú Yên, nên phần “bội” (...) không thể ra đời sớm hơn thế kỷ 17, thế kỷ khởi đầu cuộc phân tranh Nam-Bắc.

Do vậy, xuất đình thuyền (1) của “vở chèo đưa linh” không thể là một tài liệu hoàn toàn thích hợp về nội dung cũng như thời gian để dẫn chứng để dẫn chứng cho hiện tượng “bội” của ngôn ngữ chèo (...) nhất là trong thời kỳ (...) từ đầu công nguyên đến năm Ngô Quyền lên ngôi. Ðặt xuất đình thuyền của “vở chèo đưa linh” (...) vào thời kỳ này để nghiên cứu, chúng tôi chỉ muốn phân tích một hiện tượng mà về đại thể, chắc cũng diễn ra tương tự như ở mọi nơi để rồi căn cứ vào kết quả của sự phân tích, chúng tôi có thể, một phần nào, hình dung lại và dẫn chứng cho hiện tượng đó trong quá trình hình thành ngôn ngữ chèo tại miền Bắc Việt Nam.

(...) dựa vào sự diễn biến của hiện tượng “bội” phân tích căn cứ vào "xuất đình thuyền" của bản tài liệu “chèo đưa linh” chúng tôi (...) hình dung (...) những đặc điểm của hiện tượng đó tại miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chuyển tiếp (...) như sau:

1. Hiện tượng “bội” manh nha từ mấy thế kỷ đầu của công nguyên, do hoàn cảnh một xã hội nông nghiệp thúc đẩy, càng lúc càng phát triển rõ rệt. Và tuy chưa có thể xuất hiện ở những đô thị lớn, nơi tập trung quyền hành (...) hành chánh và quân sự (của kẻ xâm lược từ phương bắc) (...) hiện tượng này (...) lan rộng và sâu ở chốn nông thôn (...)

2. Phần trình diễn “bội” thêm ra tất phải chịu ảnh hưởng nơi môi trường sinh hoạt và phải chìu theo thị hiếu của quần chúng nơi đó, về tuồng tích trình diễn, nhân vật của tuồng tích, khung cảnh sinh hoạt của nhân vật, cũng như lời ca, điệu múa (...)

Nhân vật là những nhân vật nhỏ sống trong một khung cảnh quen thuộc là khung cảnh làng xóm. Truyện thường rút ra ở những tích cũ trong kho truyện cổ truyền miệng dân gian hay tích lạ nước ngoài được Việt hóa. Truyện được diễn như kể, tòng đầu tuyệt vĩ, kết cấu chiều theo cảm quan thưởng ngoạn của một quần chúng đã làm quen với thuyết nhân quả của đạo Phật và tin tưởng vào một lẽ công bằng tối thượng: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo.

Quần chúng ưa múa hát, phần trình diễn “bội” ra càng lúc càng phải tiếp nhận thêm những nguồn múa hát khác bên cạnh những điệu cổ vãn bi ai và những động tác cổ sơ buồn nản “chèo thuyền tưởng tượng” vẫn phải tồn tại trong phần nghi lễ chính thức. Những nguồn múa hát tiếp thu thêm (...) chính là những điệu ca lối múa trong dân gian xuất phát từ những hội mùa xuân, nam nữ liên hoan kết mối. Phần “bội” ra ở miền Bắc do vậy phải đa tạp và phong phú hơn - ít nhất là về mặt ca múa - phần “bội” ở miền Nam phân tích qua xuất đình thuyền của “vở chèo đưa linh”, bởi không chịu ảnh hưởng của ca vũ hát bộ Trung Hoa vốn vẫn mang sắc thái trang nghiêm ngay tự căn bản, và nhất là không chỉ toàn thể theo hơi Nam ở những điệu hát (...)

Quần chúng ưa cười đùa, giễu cợt. Gia dĩ, những người làm sân khấu lúc đó chắc cũng đã ý thức được tính cách lợi hại sắc bén của tiếng cười khi nó nhằm vào những bất công và bóc lột hàng ngày xảy ra trong một đời sống bị trị, cho nên tiếng cười (...) sẽ là chủ điểm then chốt của phần trình diễn này (...)

3. (...) Bởi hợp với thị hiếu của đám đông, phần trình diễn “bội” ra càng ngày càng được chú ý, tán thưởng, cổ võ. Khán giả (...) trở nên đông đảo. Nghề - tuy chưa có tên chỉ định - lại càng được trau giồi và phát triển. Tiếng cười giòn giã, lời ca trữ tình, điệu múa mềm mại, tất cả đã gây một sắc thái càng lúc càng trở nên trái ngược lại cái không khí bi ai, trang trọng chung của một tang lễ (...) người làm nghề chắc (...) phải cảm thấy bị kiềm hãm gò bó trong giới hạn chật hẹp của một tang lễ. Một mặt, họ muốn cắt đứt mọi liên hệ với gốc cũ. Họ muốn tách rời khỏi những nghi thức tế lễ rườm rà và buồn nản để được rộng rãi phô bày tài nghệ. Mặt khác, họ vẫn chưa dám tin hẳn vào khả năng tự lập của một nghề chưa rõ rệt hình thành (thậm chí) chưa có cả tên (...) Chúng tôi tin chắc rằng đã có những thí nghiệm dấn thân, đã có những gánh hát thành lập để từ thôn này sang xóm khác, tổ chức những buổi trình diễn mà họ vẫn phải gọi là chèo, tuy nội dung đã hoàn toàn không còn một chút liên hệ nào với gốc cũ, với nghi thức một tang lễ. Nhưng, phải đợi đến thời kỳ sau, với một tổ chức chính quyền độc lập vắng bóng ngoại xâm, với những cơ cấu xã hội vững chắc của một chế độ chính danh, chèo như một nghệ thuật sân khấu biệt lập và đích thực mới có thể hình thành.


(Vũ Khắc Khoan,
Tìm hiểu sân khấu chèo, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr. 96-112)









______________
(1) Ngay ở hai xuất lưu và lui thuyền coi như phần thiết yếu của nghi lễ, nếu về đại thể còn nhận thấy nguyên vẹn vài nét cổ sơ, thì về chi tiết ta đã thấy khá nhiều thay đổi (...)