Về vai trò của người phụ nữ trong văn hóa Việt Nam, xin xem thêm bài Oai Như Gái Việt của Thu Tứ.



Nguyễn Đổng Chi, “Gia đình thời Hùng Vương” (2)



Gia đình là tế bào của xã hội. Nó thường để lại tàn dư tương đối lâu dài. Hầu như tất cả các sử gia trước đây đều mặc nhiên thừa nhận gia đình thời Hùng Vương là gia đình phụ hệ (...) Tuy nhiên những hiện tượng gia đình và hôn nhân vào thế kỷ I sau Công nguyên miêu tả trong Hậu Hán thư (1) cho thấy tàn dư của chế độ mẫu hệ còn khá đậm, thậm chí có những tàn dư còn lưu truyền lâu dài về sau. Ðiều đó còn được tài liệu dân tộc học thời cận đại xác nhận. Mặc dầu vậy, gia đình lúc bấy giờ nói chung đã qua chế độ mẫu hệ.

Gia đình là hậu quả của sự tan rã thị tộc. Sự tan rã này có thể đã diễn ra từ trước thời Hùng Vương (...) Phương pháp canh tác ngày một cải tiến do kinh nghiệm rút ra trong lao động; tiếp đó, đồ đồng xuất hiện đã có mãnh lực buộc tổ chức xã hội cũ phải một phen biến chuyển. Trước kia nông nghiệp dùng cuốc đá thô sơ làm cho người đàn bà vẫn giữ vai trò trọng yếu trong sản xuất. Trồng trọt đã có nhưng chưa bảo đảm. Chỉ có hái lượm mới cung cấp được tương đối đầy đủ nhu cầu thực phẩm cho con người. Nhưng bây giờ các công cụ sản xuất ngày một sắc bén tiện lợi, nhất là lại có những công cụ bằng đồng được sáng chế ra, nên có nhiều khả năng đẩy mạnh nghề trồng trọt. Lúa khoai sản xuất được bảo đảm phần lớn thức ăn của con người. Vai trò của người đàn ông vì thế dần dần được nâng lên. Lưỡi rìu, lưỡi cuốc đồng, các lưỡi cày đồng đã đưa người đàn ông từ săn bắn về với nông nghiệp. Mặt khác, việc trao đổi thịnh hành đã thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển, càng làm cho người đàn ông phải đảm đương những công việc lao động mà người đàn bà trước kia vẫn làm. Việc cướp bóc và chống cướp bóc cũng là một lý do nữa để đưa người đàn ông lên vũ đài lịch sử.(2)

Một khi giành lấy địa vị quan trọng trong sản xuất, người đàn ông cũng giành lấy địa vị trong gia đình và trong xã hội. Tuy nhiên ở thời Hùng Vương cũng như cả ở thời tiếp sau đó, sự thay bậc đổi ngôi này chỉ thực hiện trong một chừng mực nhất định, không đi đến cực đoan và nhanh chóng như ở xã hội người Hán cùng thời. Một tinh thần bình đẳng hoặc tương đối bình đẳng ngự trị trong quan hệ cũng như trong vị trí xã hội của người đàn ông và người đàn bà. Người đàn ông tuy đã vươn lên trong gia đình và xã hội, nhưng chưa giành cho mình được ưu thế tuyệt đối. Có những lý do sau đây:

Một là chế độ tư hữu lúc ấy đã phát sinh phát triển nhưng chưa đủ sức tác động đến gia đình và xã hội một cách mạnh mẽ. Ưu thế của người đàn ông vốn là sự biểu hiện của các mối quan hệ của chế độ tư hữu. Ở đây chế độ tư hữu đã có nhưng làm gì mà có sức tấn công vào chế độ công hữu. Ruộng đất bao giờ cũng là thứ tài sản cơ bản nhất của xã hội nông nghiệp, nhưng ruộng đất ngày ấy đương nhiên chưa phải là tài sản tư hữu.

Hai là trong lao động cũng như trong chiến đấu, người đàn bà vẫn không chịu thua kém đàn ông. Dĩ nhiên xã hội đã có phân công lao động, nhưng vai trò kinh tế của người phụ nữ còn rất quan trọng, nó hỗ trợ đắc lực cho người đàn ông; có lẽ nhờ đó mà vai trò chính trị của họ chưa trở nên sút kém. Việc bà Trưng, bà Triệu làm thủ lĩnh quân sự và chính trị ở thế kỷ I và thế kỷ III sau Công nguyên không phải là hiện tượng cá biệt ngẫu nhiên.(3)


(Nguyễn Ðổng Chi, “Thể chế xã hội và chính trị”,
Thời đại Hùng Vương (nhiều tác giả), in lần đầu năm 1971, nxb. Văn Học (VN) tái bản năm 2008, tr. 120-124)





__________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.
(1)
Hậu Hán thư, q. 66, Nhâm Diên truyện.
(2) Nội dung truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh của chúng ta cũng phần nào phản ánh hôn nhân và gia đình đã có sự chuyển hóa (vợ cư trú ở nhà chồng v.v.), điều đó cũng phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của xã hội lúc bấy giờ (...)
(3) Trong các thần tích ở nhiều làng xã Bắc bộ, thì Trưng vương còn có một đoàn rất nhiều các nữ tướng như bà Bát Nàn, bà Thánh Thiên, bà Lê Chân v.v., những vị thần nữ đó chắc không phải toàn là những nhân vật hư cấu.