Thái tử Tất-đạt-đa mắt đã thấy bao nhiêu đâu, thế mà hóa Phật. Nhân loại bây giờ mắt thấy nhiều hơn thái tử không biết bao nhiêu, thế mà không hóa. Có thể so cái nghĩa lý tối hậu với một mùi hương mà bất cứ vật gì cũng có tỏa ra. Nếu mũi thính, chỉ cần ngửi một vật là “ngộ”. Còn nếu mũi không thính, dù có bay khắp vũ trụ ngửi lấy ngửi để vạn vật, cũng không sao ngộ được. Tu thiền là như luyện mũi cho thính! (Thu Tứ)



Thích Nhất Hạnh, “Một là tất cả...”




Chủ thể nhận thức không có thể tồn tại độc lập với đối tượng nhận thức. Thấy là thấy một cái gì, giận là giận một cái gì, mơ ước là mơ ước một cái gì, tư duy là tư duy về một cái gì. Khi mà đối tượng nhận thức không có mặt thì không thể có chủ thể nhận thức. Người tọa thiền (...) quán tâm thì thấy được sự tương sinh của chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức (...)

Đối tượng của tâm thức được gọi là pháp. Pháp được liệt kê thành năm loại: sinh vật lý (sắc), cảm thọ (thọ), tư duy (tưởng), hành nghiệp (hành) và nhận thức (thức). Năm loại được gọi là năm nhóm (ngũ uẩn). Tuy thế nhóm thứ năm (thức) bao gồm cả bốn nhóm trước.

Quán niệm về duyên khởi là nhìn sâu vào các pháp để phát hiện tánh cách tương quan chặt chẽ của chúng, để thấy được chúng trong cái đại thể toàn nhất. Để thấy được thực tại không cắt xén thành từng mảnh nhỏ rời rạc khô chết.

Đối tượng cần được quán niệm trước tiên là con người của chính ta, là hợp thể ngũ uẩn. Hành giả quán niệm ngũ uẩn của chính mình nơi tự thân. Hành giả ý thức được sự có mặt của sinh lý, cảm thọ, tư duy, hành nghiệp và nhận thức. Hành giả quán sát những đối tượng ấy cho đến khi thấy rằng cái nào cũng có liên hệ thân thiết đến vũ trụ vạn hữu. Nếu không có vũ trụ vạn hữu thì hợp thể ngũ uẩn này cũng không thể có được (…) Một cái bàn (…) có được là nhờ những hiện tượng khác mà ta không gọi là bàn. Ví dụ: rừng cây, người thợ gỗ, người thợ mộc, sắt để làm đinh, cưa và búa, bút chì và hàng trăm hiện tượng khác liên hệ xa gần tới cái bàn như cha mẹ người thợ mộc, sự hình thành xưởng mộc v.v. (…) Trả lại tất cả những hiện tượng không bàn về cho vũ trụ (…) thì cái bàn không còn có thể có mặt nữa. Người nào nhìn cái bàn mà thấy được vũ trụ, người ấy thấy được đạo.

Hành giả quán chiếu hợp thể ngũ uẩn của mình bằng cách đó; quán chiếu cho đến khi thấy được sự có mặt của cái nhất thể thực tại nơi tự thân mình, thấy được sự sống của tự thân mình cùng với sự sống của đại thể thực tại là một.


(Trích
Phép lạ của sự tỉnh thức)