Sự hình thành sân khấu chèo (03)




Thời kỳ chuyển tiếp (tiếp theo)

Sự thay đổi trong nếp sống tinh thần người Việt, sự hình thành những nền ca vũ mới trong dân gian và sự hóa thân như là kịch nghệ (tiếp theo)

Trên thực tế, diễn viên lúc đó chưa hẳn là một nghề. Diễn viên (...) phần lớn là những nông dân ca múa giỏi, quen việc cử hành tế lễ mà nghi thức vốn phức tạp, đòi hỏi nơi người hành lễ một căn bản múa và hát khá vững vàng. Những người này lâu ngày trở thành một nhóm chuyên môn và vào những dịp nghỉ ngơi, hoặc có tổ chức tế lễ, hoặc hội hè đình đám, họ tự động họp thành một “gánh hát” để đi biểu diễn, lúc đầu ở ngay nơi thôn xóm cư ngụ, sau lần lần sang tới những vùng lân cận rồi đến cả những địa phương xa xôi. Cái vốn ca hát đầu tiên của họ - những điệu ca lối múa cổ sơ truyền lại tự thời kỳ trước - càng lúc càng phải “bội” thêm nhiều phần trình diễn mới, tiếp thu thêm không những cả một nền ca vũ trữ tình (mang tính cách đối thoại) mới hình thành mà còn hội nhập cả những trò giải trí mới xuất hiện (múa rối trên cạn và dưới nước, những hoạt cảnh có tính cách vui mắt, những trò hề với những diễn viên đóng những vai trò, múa hát giễu cợt). “Chương trình” càng được cổ võ, tán thưởng, người hành nghề càng phải cố công nặn óc bày trò. Căn cứ vào những tích cũ trong kho truyện dân gian truyền miệng, hoặc thần thoại, hoang đường, hoặc có liên hệ ít nhiều đến lịch sử, hoặc nhiều khi chỉ có tính cách mua vui giải trí, bày đặt thêm nhiều tình tiết éo le cho tích truyện trở nên ly kỳ, những diễn viên tài tử này, với kinh nghiệm bản thân của một cuộc sống luôn luôn hòa nhập vào nhịp sống chung của quảng đại quần chúng, đã dần dần tạo dựng được một hình thái trình diễn sân khấu đặc biệt vì thấm nhuần sâu đậm và thuần nhất tinh thần của dân tộc. Hình thái mới này trực tiếp hay gián tiếp vẫn còn dính líu đến những nghi lễ tế tự, tuy chỉ có thể tiêu biểu cho một giai đoạn chuyển tiếp (“chèo bội”), tuy vẫn còn mang tính cách ứng diễn – “vở” chưa được soạn trước kỹ lưỡng - nhưng ở những nét đại cương đã mang khá rõ những đặc tính của nghệ thuật sân khấu nói chung, với đầy đủ những thành phần căn bản: diễn viên, tích truyện và khán giả.


(Vũ Khắc Khoan,
Tìm hiểu sân khấu chèo, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr. 94-95)