“Triết thuyết Lão Tử” (8)

Nguyễn Hiến Lê




ĐẠO Ở ĐỜI (tiếp theo)


Xử kỉ

Lão tử là triết gia đầu tiên, có lẽ duy nhất, rán tìm nguyên nhân sâu xa sự sa đoạ của loài người.

Khổng, Mặc chỉ tìm nguyên nhân sự loạn lạc của xã hội đương thời thôi: tại các nhà cầm quyền không theo đạo của tiên vương (tức Nghiêu, Thuấn), tại vua không ra vua, không trọng sự giáo dục bằng lễ (Khổng) hoặc tại mọi người không biết yêu người khác như yêu bản thân mình (Mặc) v.v…

Lão tử đi ngược lên nữa, bảo không phải vậy. Nguyên nhân chính, duy nhất theo ông là tại loài người mỗi ngày mỗi xa đạo, không sống thuận theo đạo, tức thuận theo tự nhiên, mất sự chất phác, có nhiều dục vọng quá, càng thông minh lại càng nhiều dục vọng, càng xảo trá, tranh giành nhau, chém giết nhau.

Tiền đề ông đặt ra là đạo vốn hoàn toàn, con người ban sơ do đạo tạo ra, được đức nuôi dưỡng, cũng tự nhiên, chất phác, ít dục vọng, chân thành, nhu thuận. Tiền đề đó đúng hay không là điều không ai biết được – và đem ra bàn thì không bao giờ hết, không ai thuyết phục nổi ai. Có thể nó đúng một phần (...) Không thể tin chắc rằng con người sơ khai đều tốt cả.

Nhưng triết gia nào cũng có quyền đặt ra một tiền đề (...)

Lão tử (nghĩ) rất đúng. Con người vốn chất phác, chỉ vì các ông thánh (...) đặt ra những giá trị giả tạo (hiền và bất hiền, quí và tiện, danh với lợi), gợi lòng ham muốn của của dân, rồi dạy cho họ khôn lanh hơn nữa, làm sao không sinh ra loạn? Khi loạn rồi, họ đưa ra đức nhân để sửa (như Khổng), sửa không được, họ dùng tới quan niệm nghĩa (như Mạnh), thất bại nữa, họ đề cao lễ (như Tuân), hết lễ tới luật (Hàn Phi). Hiện nay khắp thế giới đâu đâu cũng dùng luật và sức mạnh (...) kết quả là xã hội càng loạn, nhân loại càng sa đọa (...)

Lão tử kết luận: chỉ có một cách là thay đổi lối sống, trở về với đạo, với tự nhiên, tức là phải “phản phác”.

Bước đầu là phải “quả dục”, giảm thiểu dục vọng. Trong Đạo Đức kinh ta thấy vài ba chỗ dùng danh từ vô dục, như:

Chương 3: “Xử dân vô tri vô dục” (Khiến cho dân không biết, không muốn),

Chương 37: “Phù diệc tương vô dục” (Khiến cho vạn vật không còn [tư] dục);

nhưng chúng ta nên nhớ rằng chữ ở đó cũng như chữ trong danh từ vô vi, không có nghĩa là hoàn toàn không, không trái hẳn với hữu. Vô vi không phải là hoàn toàn không làm gì cả mà là đừng làm gì trái với luật tự nhiên của vũ trụ; vô dục không phải là hoàn toàn không ham muốn gì cả, mà đừng ham muốn cái gì ngoài những nhu cầu tối thiểu tự nhiên của con người. Vậy vô dục tức là quả dục, hoặc tiết dục.

Về điểm tiết dục, thuyết của Lão tử không có gì mới mẻ, Khổng tử và Mặc tử cũng chủ trương như ông, chỉ khác là ông nhấn mạnh hơn hai nhà kia, tiến xa hơn, cho thái độ vô dục là hạnh phúc hoàn toàn, là điều kiện để trở về đạo mà nhân loại mới khỏi loạn, còn Nho giáo chỉ cho nó là điều kiện để giữ tư cách (Khổng), hoặc nuôi cái tâm (Mạnh); và Mặc tử coi nó là một sự khắc khổ nên theo để mưu hạnh phúc chung trong khi còn nhiều người khốn cùng, khổ tới mức chỉ mong thoả mãn được ba nhu cầu căn bản này thôi: đủ ăn, đủ mặc, mệt nhọc, đau ốm được nghỉ ngơi (...)

Lão tử nhiều lần nhắc ta phải quả dục. Ở trên chúng tôi đã dẫn câu: “học bất học” của ông trong chương 64. Cũng chương đó ông bảo phải “dục bất dục”, nghĩa là chỉ nên muốn một điều là vô dục, quả dục.

Chương 19 ông gắn liền quả dục với “bão phác”: “…biểu hiện sự mộc mạc, trong thì giữ sự chất phác, giảm tư tâm, bớt dục vọng” (hiện tố, bão phác, thiểu tư, quả dục).

Chương 37, ông nói rõ hơn: “…trong quá trình biến hóa, tư dục của vạn vật mà phát ra thì ta dùng cái mộc mạc vô danh (tức đạo) mà trấn áp hiện tượng đó, khiến cho chúng không còn tư dục nữa. Không còn tư dục mà trầm tĩnh thì thiên hạ sẽ tự ổn định”.

Cũng như Mặc tử, ông cho rằng con người chỉ cần thoả mãn những nhu cầu tự nhiên tối thiểu (...) còn (...) thì phải bỏ hết (...)

Lão và Mặc đều chủ trương huỷ bỏ (...) nghệ thuật (...)

Danh vọng, địa vị, tiền của lại càng nên xa lánh (...)

Ngay cái thân mình, cũng nên quên nó đi:

“Chúng ta sở dĩ sợ vạ lớn là vì ta có cái thân. Nếu ta không có thân thì còn sợ gì tai vạ nữa?” (ch.13).

“Không có cái thân” nghĩa là quên nó đi, cứ để đời ta thuận tự nhiên, lúc nào về với đạo, với “vô” thì về, lúc nào chết thì chết.

Quả dục thì phải “tri túc”. Lão tử có lẽ là người đầu tiên khuyên ta tri túc.

“Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên ngừng thì không nguy” (Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi – Ch.44).

“Họa không gì lớn bằng không biết thế nào là đủ, hại không gì bằng ham muốn cho được nhiều. Biết thế nào là đủ và thỏa mãn về cái đủ đó thì mới luôn luôn đủ” (Tri túc chi túc thường túc hĩ – ch.46).

Tri túc là điều kiện cốt yếu của hạnh phúc mà phương Đông chúng ta coi trọng. Ngoài hai câu dẫn trên trong Đạo Đức kinh, người Trung Hoa còn những châm ngôn này nữa: “Tri túc, tiện thị túc, đãi túc hà thời túc?” (Biết thế nào là đủ thì sẽ đủ, đợi cho có đủ thì bao giờ mới đủ?) và “Nhân dục vô nhai, hồi đầu thị ngạn” (Lòng dục của con người không có bờ bến, nhưng nhìn lại phía sau mình thì đó là bờ bến đấy). Người phương Tây trái lại, muốn được thêm hoài, cho nên họ tiến mau, phú cường, nhưng chịu hoạ cũng lớn, và hiện nay đã có nhiều người nghĩ phải chặn cái nền văn minh tiêu thụ lại, không cho nó tiến thêm nữa.

Tri túc thì “Khứ thậm, khứ xa, khứ thái” (bỏ những cái gì thái quá – ch.29) và không cho tình trạng nào, dù tốt tới mấy, phát triển tới cực điểm, vì theo luật tuần hoàn trong vũ trụ, hễ phát tới cực điểm thì sẽ quay trở lại (phản phục), sẽ suy:

“Vật gì cũng vậy, cường tráng rồi thì sẽ già” (Vật tráng tắc lão – ch.30).

“Giữ chậu đầy hoài, chẳng bằng thôi đi; mài cho bén nhọn thì không bén lâu” (Trì nhi doanh chi, bất như kì dĩ, suỷ nhi nhuệ chi, bất khả trường bảo – ch.9) (...)

Tiếp vật

Đối với mình thì quả dục, phản phác; đối với người thì khiêm nhu. Phác và nhu đều là những tính của đạo.

Chương 40, sau khi bảo: “Phản giả, đạo chi động”, Lão tử tiếp ngay: “Nhược giả đạo chi dụng” (Luật vận hành của đạo là trở lại lúc đầu; diệu dụng của đạo là nhược, tức khiêm nhu) (...)

Chương 37, ông bảo:

Nhu nhược thắng cương cường.

Chương 78, ông nhắc lại:

Nhược thắng cường, nhu thắng cương.

(...) Ông phàn nàn rằng lẽ đó ai cũng biết mà không ai thi hành được cả (thiên hạ mạc bất tri, mạc năng hành – ch.78). Cho nên mới có những kẻ cường bạo bất đắc kì tử (ch.42); cái “cường” của họ thực ra chỉ là bạo chứ không phải là cường, chính nhu mới là cường:

Thủ nhu viết cường (ch.52).

Vì giữ được nhu nhược, thuận đạo, mới là có nghị lực lớn; và cũng nhờ biết nhu, biết mềm mỏng, chịu khuất, thân mới được bảo toàn:

Khúc tắc toàn (ch.22).

(...) Khiêm đi liền với nhu, đều là những đức thuộc về nữ tính. Khiêm thì không tự đại (...)

Chương 8:

“Người thiện vào bậc cao [có đức cao] thì như nước. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, ở chỗ mọi người ghét [chỗ thấp] cho nên gần với đạo”.

Lão tử rất thích nước vì nước (...) không tranh với vật nào cả mà lại chảy xuống chỗ thấp (...)

Khổng tử cũng thích nước, nhưng vì một lẽ khác. Thiên Ung Dã, bài 21, ông bảo:

“Trí giả nhạo thuỷ, nhân giả nhạo sơn. Trí giả động, nhân giả tĩnh” (Người trí thích nước, người nhân thích núi…).

Nước lưu động, mà người trí (sáng suốt) hiểu được sự lí, biết tuỳ thời hành động, nên thích nước. Núi vững, không dời đổi, mà người nhân giữ vững đạo lí, cho nên thích núi.

Dưỡng sinh – Người đắc đạo

Phép dưỡng sinh (Lão tử gọi là nhiếp sinh – Ch.50) của Lão gồm hai chữ hư, tĩnh.

Chương 16 ông viết:

Hết sức giữ được cực hư, cực tĩnh (trí hư cực, thủ tĩnh đốc), xem vạn vật sinh trưởng ta thấy được qui luật phản phục. Vạn vật phồn thịnh đều trở về căn nguyên của chúng. Trở về căn nguyên thì tĩnh, [tĩnh là bản tính của mọi vật, cho nên] trở về căn nguyên gọi là “trở về mệnh”. Trở về mệnh là luật bất biến (thường) của vật. Biết luật bất biến thì sáng suốt, không biết luật bất biến thì vọng động mà gây hoạ”.

Chữ trong chương đó là hư tâm, nghĩa là để cho lòng trống không (không hư), vô tri, vô dục. Tâm mà hư thì trừ được hết các mối oán hờn, lo lắng, tâm hồn sẽ bình thản, thanh tĩnh, không tranh giành, không có vọng tưởng.

Chương 3 bảo phải “hư kì tâm, nhược kì chí”, chương 49 khuyên phải “hồn kì tâm” (để lòng mình hồn nhiên), đều là ý đó cả (...)

(Theo Lão tử) để lòng hư tĩnh thì mau hiểu được đạo, trở về đạo, đồng nhất với đạo, mà đồng nhất với đạo thì sẽ cùng với đạo mà trường tồn, như vậy là bất tử, mặc dù thân xác bị huỷ hoại.

Ý nghĩa có phần bí hiểm, nhưng từ xa xưa tới nay ai cũng nhận là quả dục, không nóng nảy, hiếu thắng, không tranh đua, lòng thanh thản thì tâm thần vui và mạnh, mà tâm thần ảnh hưởng nhiều đến thể chất.

Đó là về tâm. Về cái thân mình, ông khuyên muốn sống lâu thì đừng nên phụng dưỡng mình quá hậu, tức đừng hưởng thụ thái quá. “Những kẻ có thể sống lâu được mà chết sớm là vì họ tự phụng dưỡng quá hậu” (...) ch.50). Nghĩa là phải sống đạm bạc. Điều này cũng đúng nữa.

Rốt cuộc phép dưỡng sinh của Lão tử cũng vẫn là phản phác, quả dục, khiêm nhu, không khác gì phép xử kỉ, tiếp vật ở hai tiết trên. Học thuyết của ông thật nhất trí (...)

Và đây là chân dung người đắc đạo, con người lí tưởng của Lão:

“Mọi người hớn hở như hưởng bữa tiệc lớn, như mùa xuân lên đài; riêng ta điềm tĩnh, không lộ chút tình ý gì như đứa trẻ mới sinh, chưa biết cười; rũ rượi mà đi như không có nhà để về.

Mọi người đều có thừa, riêng ta như thiếu thốn; lòng ta ngu muội, đần độn thay!

Người đời sáng rõ, riêng ta tối tăm; người đời trong trẻo, riêng ta hỗn độn, như sóng biển nhấp nhô, như gió vèo vèo không ngừng.

Mọi người đều có chỗ dùng, riêng ta ngoan cố mà bỉ lậu. Riêng ta khác người, mà quí mẹ nuôi muôn loài (tức đạo)
. (Chương 20).

Chương 56, ông viết thêm:

“Người biết thì không nói, người nói là người không biết. Ngăn hết các lối, đóng hết các cửa, không để lộ sự tinh nhuệ ra, gỡ những rối loạn, che bớt ánh sáng, hoà với trần tục, như vậy gọi là “huyền đồng” (đại đồng với vạn vật một cách hoàn toàn).

[Đạt tới cảnh giới đó thì] không ai thân, cũng không có ai sơ với mình được (vì mình đã ngăn hết các lối, đóng hết các cửa, bỏ dục vọng, giữ lòng hư tĩnh); không ai làm cho mình được lợi hay bị hại (vì mình không để lộ sự tinh nhuệ, gỡ những rối loạn, giữ sự giản phác); không ai làm cho mình cao quí hay đê tiện được (vì mình đã che bớt ánh sáng, hoà đồng với trần tục). Vì vậy mà tôn quí nhất trong thiên hạ.


Chúng ta để ý: chương 20 (dẫn trên) ông lại ví người đắc đạo với trẻ mới sinh nữa. Tôi đã thấy một bức hoạ vẽ Lão tử thành một ông già mập mạp, lùn, cưỡi trâu, đầu hói, râu dài, mặt tươi tỉnh như một em bé rất dễ thương; và được thấy một bức khác vẽ một đạo gia thành một người cũng mập, bận áo thụng, chấp tay, hơi cúi đầu, toét miệng ra cười, có vẻ như ngớ ngẩn, hơi khùng khùng. Những hoạ sĩ nào đó đã khéo diễn đúng ý những câu: “như đứa trẻ mới sinh”; “lòng ta ngu muội, đần độn thay!”.


(Nguyễn Hiến Lê,
Lão tử và Đạo Đức kinh)