Bảo Ninh, “Ngôi sao vô danh” (2)




- Ừ, - Tôi nói - Các chú muốn đổi chút thực phẩm tươi về cải thiện. Nhà có gì không?

- Ôi thôi nào! - Tỏ làu bàu, mặt cau lại, rồi lại thở dài - Còn đổi chác cái gì nữa hở mày. Không thấy cảnh nơi này sao? Thôi thì có gì chia nấy. San đều mỗi nhà mỗi xíu mày ạ. Gọi là chút quà lính đi Bê biếu bà con lâm trường ăn Tết.

Chúng tôi vác bao đi lần lượt mười ba căn nhà hầm của xóm sơn tràng. Bọn nhãi nhũng nhẵng theo sau rồng rắn như đám rước. Tới trước cửa mỗi hầm, Tỏ mở bao, bốc trong đó mỗi thứ mỗi ít bỏ vào mũ cối. Bọn trẻ xúm xít, giương mắt chăm chú nhìn.

Chúng tôi xuống hầm, cất tiếng chào. Mặc dù có bếp lửa giữa lòng nhà nhưng căn nhà hầm nào cũng tối âm âm, ẩm ướt, lạnh lẽo, trống rỗng. Nhà thì có ông lão, nhà thì bà lão. Tôi bỏ các thứ trong mũ lên góc chiếu. Năm cũ chưa dứt nhưng chúng con bộ đội hành quân qua không dừng lâu được xin có chút quà và xin được gửi sớm tới gia đình lời chúc mừng năm mới. Có cụ chào hỏi lại và cám ơn. Có cụ chẳng nói gì, hấp háy cặp mắt đục lờ...

Tôi và Tỏ trở về theo lối cũ. Im lặng bước đi. Trong lòng buồn bã. Trời buổi trưa đã tạnh mưa nhưng mà thêm phần lạnh lẽo. Núi rừng cằn cỗi, bao la, chập chùng. Biển lau xám xịt một màu. Tiếng động cơ phản lực rền rền lăn trên mây.

Chúng tôi lên lại nền đường sắt, đi về phía túp lều gỗ của ông già “gác ghi”.

Ông già đang đứng ngoài lều. Ðứng nghiêm, mặt trông về phía bắc, nơi đang rầm rầm tiếng máy bay quần lượn. Một tay ông cụ đưa ngang ra.

- Ông lão làm gì thế nhỉ? - Tôi ngạc nhiên.

- Không thấy ông già trương cờ à? - Tỏ nói - Cờ vàng. Ðón tàu qua ga đấy. Tiếng máy bay nghe xa cũng có vẻ na ná tiếng tàu hỏa đấy chứ...

Ông cụ không để tâm tới chúng tôi đang bước tới gần. Mắt cụ chăm chăm nhìn hút theo trục đường. Tay cụ cứ đưa ra mãi không biết mỏi. Lá cờ vàng vẫy trong gió rét.

Tôi định lên tiếng chào thì bị Tỏ kéo kéo tay ra hiệu im lặng. Hai đứa lách cỏ lau đi vòng qua sau lưng ông cụ.

Ði xa khỏi túp lều rồi Tỏ mới bảo tôi:

- Tao sực nhớ là bọn mình quên không để lại thức gì làm quà cho ông lão. Thành phải tránh.

Suốt dọc đường hai đứa im lặng rảo bước. Về đến gần lán tiểu đội, Tỏ níu tôi dừng lại một lát bên bờ suối. Anh bảo tôi:

- Tao thật không đành lòng mày ạ. Nghĩ thương ông lão quá cơ. Thôi bây giờ thế này nhé. Tao thì trung đội không cho đi nữa, chứ không thì tao đi ngay. Nên mày chịu khó một tí vậy. Về lán, mày nằm nghỉ một lát cho đỡ mệt rồi thì quay lại “trạm gác” đường tàu mang cho ông lão chút quà Tết. Tao sẽ chuẩn bị gói quà ấy. Những thứ lão thích tao có cả đấy. Mảnh vải hoa may áo này. Xà-phòng thơm này. Các thứ bọn con gái chuộng: kim chỉ, cặp ba lá, cúc áo, có cả. Gương tròn tao không có nhưng thằng Ngữ bên A2 có, tao sẽ xin của nó cho cháu gái ông lão. Mày đi nhé? Ði rồi quay về ngay vẫn còn kịp đón giao thừa mà. Chẳng xa lắm đâu.

- Ừ, - Tôi đáp - Còn cách nào khác đâu.

*

Tôi chỉ và vội bát cơm, chứ chẳng nằm nghỉ, khoác túi quà lên đường ngay. Nhưng tới nơi thì ông già “gác ghi” không còn trong túp lều nữa. Chiều đã muộn rồi, lại càng thêm rét, lại lâm thâm mưa phùn. Tàn tích của con đê hỏa xa như thêm một nét ảm đạm nữa cho buổi chiều đông. Bốn bề mênh mông im lìm. Quả đồi này nhường bước cho quả đồi khác, cánh rừng này tiếp nối cánh rừng khác, kéo dài vô tận dưới vòm trời thâm ướt.

Mệt mỏi tôi lê bước theo khúc cua vòng của nền đường lở nát đi về phía rừng chồi, nơi mà ông lão gọi là nhà ga. Tưởng cụ lú lẫn nói nhăng, vậy mà đúng là có vết tích một nhà ga ở bìa rừng. Lần đầu tiên ở phía nam Vinh tôi trông thấy lại những thanh ray và những thanh tà-vẹt bằng sắt nằm cong queo, rỉ nát trong cỏ. Một khoảnh đất bằng với những phiến đá phẳng đã rạn vỡ nhưng mang dáng vẻ một cái sân ke ngày xưa.

Một vệt đường lượn cong cong dẫn vào rừng chồi. Có vẻ như đây là dấu vết còn lại của một nhánh phụ tuyến đường sắt, hay có thể là đường xe goòng. Tôi rẽ vào rừng theo đường nhánh đó.

Ngôi nhà hiện ra đột ngột và huyền bí trong ánh chiều đẫm hơi mưa đang dần nhòa lụi dưới bóng rừng. Không phải nhà ngói, nhà gianh, không phải lều lán, không phải là nhà hầm. Mặc dù gần như hoàn toàn bị trùm lấp trong những tầng dây leo nặng trĩu, ngôi nhà vẫn rõ ràng là một toa tàu hỏa khiến tôi sững sờ.

Những bánh xe đã ấn lút hai khúc ray xuống đất mùn. Khung xe trùm lấp dây leo. Những quả mướp lõng thõng trước những khuôn cửa sổ. Ðây là một toa tàu khách, cửa ở hai đầu toa. Bậc lên xuống đã mục nát được thay bằng tam cấp gỗ tự đóng lấy. Nhưng tay vịn bằng đồng thì vẫn còn nguyên.

Một cảm giác hơi rờn rợn ngăn tôi lại trước cửa toa. Khá lâu, tôi đứng sững, lặng im. Cho đến khi tôi nhận thấy có người đứng ngay đằng sau mình. Người đó bước tới bên tôi mà sự xao động gây ra không mạnh hơn một bóng ma. Tôi ngoắt người quay lại. Có thể nói lúc bấy giờ chỉ còn lại một thoáng ánh sáng cuối cùng trước khi rừng hoàn toàn sập tối, tuy nhiên chẳng những nhận ra bóng ma đó là một cô gái mà tôi còn kịp định hình được vóc dáng của cô, gương mặt của cô. Thoáng hiện đó sẽ còn in đậm mãi trong tâm trí tôi bởi vì từ sau đó tôi chỉ còn thấy được cô mờ mờ trong ánh lụi mờ của đốm lửa hương bài.

- Chào anh, anh bộ đội, anh tìm ông nội em phải không? - Cô gái lên tiếng, một giọng dịu ngọt và gần như là du dương vậy.

- Cô là Giang à?

Cô gái dạ thật khẽ.

- Ông em ngủ rồi.

Cô không nói mời anh lên toa mà nói mời anh lên nhà.

Sàn toa bằng gỗ vẫn còn chắc chắn vang lên thình thịch dưới bước chân. Trong toa thơm ngát khói hương bài tỏa từ bàn thờ. Bàn thờ khuất đâu đó trong lòng toa tối đen. Tôi và Giang ngồi xuống băng ghế gỗ. Ðây là loại toa khách hạng ba. Chỉ có hai băng ghế dài dọc theo hai bên thành.

Ông lão nằm ở băng ghế bên kia, thở khò khè và ho.

- Sao không làm sạp giường trải cho ông nằm? - Tôi hỏi.

- Ông em thích vậy đó. Ðã quen như vậy. Bởi hàng chục năm rồi ông ngủ trên băng ghế toa xe này. Khác đi không chợp mắt được.

- Nhà chỉ hai ông cháu thôi à?

- Vâng. Ngày xưa thì đông hơn. Có ba mạ và hai em.

- Sao Giang không thắp đèn lên? - Tôi lại hỏi sau một lát lâu im lặng - Giôn-xơn nó tuyên bố tạm ngừng ném bom mấy ngày Tết. Từ chiều không thấy nó bay nữa.

- Vâng, em cũng nghe nói vậy. Nhưng ông nội em sợ ánh sáng về đêm lắm. Ðang ngủ say mà ai bật que diêm hay đánh máy lửa là ông vùng dậy la hoảng. Rồi ông chạy. Ông em đâu còn tỉnh trí, chắc anh cũng biết. Chắc anh đã gặp ông em ngoài đường tàu phải không?
Tôi kể cho Giang nghe chuyện tôi và Tỏ gặp ông cụ. Và nguyên do tôi tìm tới đây.

- Vậy đó anh nờ, - Giang thở dài - Ông em sống mãi trong thời xưa, thời còn tàu hỏa Tây. Thời xưa đó ông em từ Huế ra đây làm ký ga. Nghe ông kể thì đây xưa là nhà ga, ga Kiểm Lâm, hay còn gọi ga Mả Phu Tàu. Tên chi mà dễ sợ anh hỉ.

- Cái toa xe này là thế nào? Nó nằm đây từ bao giờ vậy?

- Nó có ở đây từ trước khi có em. Mạ sinh em ở trên toa này đó anh. Mà em năm nay mười bảy tuổi. Ba mạ kể chuyện rằng cái toa xe này là của đoàn tàu Xuyên Việt chuyến cuối cùng chạy qua đây. Tàu chở người tản cư từ Huế ra Vinh. Thiếu than, chạy chậm, mà Tây thì nổ súng Ðồng Hới rồi, nên đến ga này tàu phải cắt bớt toa để vượt nhanh. Sau đó thì không còn tàu qua nữa. Khắp nơi hủy cầu, bóc đường rầy chống Tây. Ông bà với ba mạ em đẩy cái toa bị rớt lại này theo đường nhánh vào náu trong rừng. Không còn xe lửa nhưng chín năm kháng chiến ông bà ba mạ em vẫn ở lại ga. Tây bỏ bom ga, cả nhà dời vào sống trên toa xe từ đấy.

- Sao thế nhỉ, sống làm gì trong chốn hoang vu này từng bấy năm trời cơ chứ?

- Bà em qua đời nằm lại đây. Ông em không thể rời xa mộ bà. Với lại ông bảo đời ông ký hỏa xa phải suốt đời với nhà ga với đường tàu. Ông một lòng tin chắc sẽ đến ngày đường hỏa xa sống lại. Hòa bình rồi, năm này qua năm khác, ông ngày một già vẫn sống lì tại đây, một li không rời, vẫn mỏi mắt đợi tàu qua ga. Ba mạ em vì vậy cũng ở bền lại Rú Voọc làm công nhân lâm trường. Mà coi vậy chứ Rú Voọc không phải thời nào cũng hoang vu thế này. Những năm hòa bình nhờ có lâm trường, có xưởng cưa, xưởng rèn, có trạm kiểm lâm nên đông vui lắm. Dần dần có chợ búa, có thị trấn, với trường cấp một cấp hai. Ba mạ rồi cũng mời được ông ra ở nhà ngói ngoài thị trấn. Nhưng ông vừa ra ở được mấy bữa thì giặc Mỹ ném bom. Bao công phu khó nhọc xây dựng quê hương bị thiêu hết cả. Và bao nhiêu là người bị hại. Ba mạ em mất trong trận bom đầu tiên xuống lâm trường bộ. Em đưa ông nội và hai em chạy về ở trong đội Bốn. Ở nhà hầm. Mùa đông năm ngoái, một đêm hai thằng em của em dậy đốt lửa sưởi. Ánh lửa lọt ra ngoài. Tàu bay hắn bắn rốc-két trúng cửa hầm. Hai đứa chết cùng một khi. Em bị thương. Ông thì từ đó mất trí. Ông lại trở ra sống trên toa tàu này. Em ở cùng ông, làm lụng và trông nom ông. Ông chẳng biết ngày tháng, không biết Tết, không biết giao thừa là gì. Ngày ông ra gác ghi đón tàu. Ðêm về ngủ trên toa chứ không chịu ngủ hầm. Ông không sợ tàu bay mà chỉ sợ ánh đèn.

Tôi ngồi lặng bên Giang nghe cô nói chuyện. Cô nói không ngớt. Có thể hình dung được nỗi cô đơn đè nặng trái tim cô gái. Cô thì thầm ước ao đến một ngày nào đó tuyến đường sắt hồi sinh, tàu hỏa qua lại nơi này để cô được biết đoàn tàu hỏa nó như thế nào, được biết âm thanh của những hàng bánh sắt lăn trên đường ray, và nhất là được biết tiếng còi tàu. Tàu hỏa nó như thế nào, ngày xưa, khi còn tỉnh trí, ông nội vẫn thường tả cho các cháu của ông nghe. Nhưng không được thấy thì sao mà hình dung nổi.

Giang hy vọng:

- Khi nào tàu hỏa sống lại, chạy ngang qua, rúc còi, ông nội em sẽ lại minh mẫn như xưa.

Rồi Giang nói đùa, đùa nhưng chứa chan mơ mộng:

- Ông và em sẽ móc ngôi nhà của hai ông cháu vào đoàn tàu. Sẽ ngồi trong nhà mà đi chơi khắp đất nước.

*

Ðêm trừ tịch tối đen, nhưng đã tạnh mưa nên vòm trời có phần quang ra, sáng mờ, rải rác những vì sao. Chúng tôi chia tay ở bìa rừng, Giang trỏ một ngôi sao xanh biếc chênh chếch trên nền trời phía bắc.

- Anh biết tên ngôi sao kia không anh?

- Không. Sao ấy rõ đấy nhưng nó vô danh. Có lẽ vì để định hướng phương bắc người ta đã có sao Bắc Ðẩu to và sáng hơn.

- Ông em bảo là ngày xưa khi ngôi sao ấy hiện lên ở đầu núi thì ở đây đoàn tàu bắc chuyến đêm sắp chạy lướt qua sân ga.

Tôi hẹn sáng mai, Mồng Một, sẽ cùng anh em trong tiểu đội đến chúc Tết gia đình. Chúng tôi sẽ xông đất ngôi nhà có bánh xe của ông cháu cô. “Bọn anh sẽ cùng em đẩy cho nó lăn bánh, Giang ạ”, tôi nói, nắm nhẹ bàn tay cô mềm mại.

Nhưng ba giờ sáng, cấp tốc lệnh hành quân. Và đường hành quân của tiểu đoàn rẽ sang tây, tách xa mãi mãi trục đường hỏa xa.

Từ đấy tới nay non ba chục năm trời. Các nhân viên trên đoàn tàu đêm nay không ai biết ga Mả Phu Tàu. Có thể vì họ không biết hết tên các ga xép. Thành ra tôi cứ chong mắt nhìn ra đêm trăng.

Ngoài cửa sổ núi nọ hiện hình lên rồi từ từ khuất dạng, núi khác lại chồng tiếp vào, miên man, trùng điệp. Nhưng suốt đêm nhìn ra tôi vẫn thấy mãi một ngôi sao xanh treo trên một đỉnh núi nào đó cứ đang lặng lẽ trông với theo vệt sáng của đoàn tàu.

Những địa danh thoáng hiện, chưa kịp nhói lên đã vuột mất khỏi tầm trí nhớ, vụt đi như là bị gió thổi phù.