“Màu hữu cảm trong tiếng Việt”




“Xanh om cổ thụ tròn xoe tán”… Xanh om là xanh thế nào?

Tra một “đại từ điển tiếng Việt”, không thấy xanh om. Nhân thể, tra thêm. Thì ra sách hơn 120000 mục từ mà không có xanh chành, xanh lướt, xanh mái, xanh nghít v.v. Bỏ xanh, tìm đỏ: không thấy đỏ choét, đỏ dòi dọi, đỏ hau, đỏ hắt, đỏ ké, đỏ ngòm, đỏ ngòn, đỏ rợ, đỏ sọng, đỏ thén, đỏ tịt, đỏ xuộm v.v. Ô hay!

Buông từ điển, đọc lại một số sách văn học, cố ý tìm, thì thấy vô số từ chỉ màu rất thú vị. Bèn thử nghĩ về chúng.

*

Cũng như tất cả những từ cụ tượng khác, từ chỉ màu gồm hai nhóm căn bản là nhóm “vô cảm” và nhóm hữu cảm.(1) Vô cảm đây nghĩa là đơn giản gọi tên màu. Hữu cảm đây nghĩa là vừa chỉ màu vừa chứa một cảm giác hoặc cảm tưởng, cảm xúc nào đó.

Từ chỉ màu hữu cảm có thể chia làm năm loại: loại sống động, loại tương giao, loại cảm tưởng, loại tâm trạng, loại phong cách.

*

Những từ chỉ màu hữu cảm thuộc loại sống động ngoài màu còn chứa thông tin hình ảnh khác. Dựa vào nội dung của thông tin phụ, những từ này lại có thể xem gồm ba loại nhỏ.

- Loại “sống động ba chiều” không gợi những mảng màu phẳng, mà gợi những hố màu, những khối màu, những không gian màu. Ngoài màu, ta còn cảm thấy bề sâu, chiều cao, độ dày, độ cong v.v. Trong câu văn Nguyễn Tuân “đêm đen rầm rồi đen ngòm rồi đen kịt”, trong “môi cô gái đỏ mọng”, “mặt đứa bé đỏ phính”, “chiếc nhọt đỏ tấy”, “người đàn bà trắng phốp”, “hạt thóc vàng mẩy”, “bờ ruộng xanh um”, “rừng tràm xanh mịt”, “nền trời xanh thẳm”, “trời xanh lồng lộng” v.v., rõ ràng những đen, đỏ, trắng, vàng, xanh ấy đều là những màu “nổi”.

- Loại “sống động cấu trúc” cho ta biết kết cấu bề mặt của đối tượng được quan sát. Truyện Kiều có “một vùng cỏ mọc xanh rì”, thơ Hồ Xuân Hương “bậc đá xanh rì lún phún rêu”, mọi người vẫn nói “cằm xanh rì lún phún râu”. Trong “lát giò trắng mịn” hoặc “vầng trán trắng mịn”, màu trắng đã gần mất cấu trúc, do thịt nạc quết thật nhuyễn hoặc do làn da rất “nhỏ”. Ðến “mặt đất trắng lì”, thì dường như không còn có thể hình dung ra được một thứ kết cấu gì nữa. Một số ví dụ khác: đen ngầu, đen rạn, đen vẩn, đỏ lờ lờ, đỏ nhờ nhở, đỏ nứt nở, đỏ sần, đỏ tịt, trắng mốc, trắng nhờ, vàng ố, vàng rám, vàng rộm, xanh loang lổ v.v.

- Loại “sống động chuyển biến” chứa cảm giác có chuyển biến. Truyện Kiều: “Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen”. Nguyễn Tuân một hôm đi qua Chợ Rồng (Nam Định): “đặc sắc nhất (...) tơ tằm và chuối ngự. Tơ chín vàng, chuối chín vàng (...) Cái màu vàng giãy nảy lên ấy”. Tô Hoài: “cái thành cửa màu đỏ kềnh kệch nhuộm vào nắng, đỏ lồng lên”. Nhất Linh: “cơn gió heo may thoảng qua trải trên mặt ao (...) làn sóng gợn lăn tăn trắng”. Màu mà giẫy nẩy như đĩa phải vôi, mà lồng như ngựa, mà lăn tăn như sóng! Màu còn chuyển biến lắm kiểu lạ khác: “những tầng hoa phượng đỏ ngùn ngụt”, “những thửa mạ xuân đang bốc xanh ngùn ngụt”, “tấm cờ đỏ rùng rùng trên diễn đàn”, “tà áo dài trắng lồng lộng”, “áo phơi xanh phới nhánh đào hồng”, “nắng còn chói chang trên mặt sóng xanh đằm”, “(tơ ở chợ Lương) vàng tươi óng ả bồng bềnh”, “(lá long não) xanh nhẹ lung linh rơn rờn mơn mởn”, “ấy sông bến cũ hàng me xanh rờn” v.v. Màu có thể chỉ sắp sửa chuyển, như giọt nước mắt chưa kịp lăn: “đóa hoa vàng rưng rưng trong chiều vắng lặng”, hoặc có thể đã “thôi” chuyển, như màu “trắng cứng đờ” của vôi (đã quét lên vách). Còn nhiều ví dụ nữa: bạc túa, đen lánh, đen láy, đỏ lòe, đỏ lóe, đỏ ửng, đỏ phừng, đỏ rần, đỏ rượi, tím lịm, vàng rực, xanh leo lét, xanh ve vé (chạy ve vé?) v.v.

*

Những từ chỉ màu hữu cảm thuộc loại tương giao ngoài màu còn gợi thêm cảm giác của một “quan” khác. Thực ra chỉ mắt ta nhìn thấy, mà rồi làn da ta như cảm thấy, lưỡi ta như nếm thấy, mũi ta như ngửi thấy, tai ta như nghe thấy! Tùy theo cảm giác phụ, những màu này có thể chia thành bốn loại nhỏ.

- Loại “tương giao mắt - da”. Ca dao “thà rằng đen nhẵn cho anh phải lòng”, thơ Nguyễn Bính “mưa thưa trắng lạnh nửa ao bèo”, truyện Nguyên Hồng “ánh đèn dầu lạc vàng nhờn”. Và mắt cô gái đen êm, nước da cô gái trắng mát, thảm lúa xanh rười rượi. Và đen láng, đen rắn, đỏ bỏng, đỏ hực, tím buốt, trắng nhầy, trắng nhớt, vàng nhẫy, xanh lạnh v.v. cũng đều chứa ghi nhận của da.

- Loại “tương giao mắt - lưỡi”. Nước dùng vàng ngậy, da gà mái tơ luộc vàng ngậy, mới nghe màu thôi, đã như thưởng thức miếng ngon rồi! Loại “màu nếm” không nhiều, nhưng thường “ký” những “ức” đặc biệt: màu đen ngọt lịm của tấm bánh gai “miền thơ ấu”, màu xanh lè của quả ổi non, màu hồng ngọt ngào của chiếc áo mới mẹ sắm Tết cho một cô bé, màu trắng ngọt của má ai đó ngày xưa, “màu trời xanh rất ngọt ngào” v.v.

- Loại “tương giao mắt - mũi”. Ðoàn Phú Tứ: “Hương thời gian thanh thanh, màu thời gian tím ngát”. Hoài Thanh nhận xét: “Tím ngát tả đúng mối tình dìu dịu. Tím “ngắt” sẽ đau đớn quá”. Phải vậy chăng? Hay chẳng qua tím ngát là tím thơm, hương thanh thanh thì màu thơm thơm? Vũ Hoàng Chương: “Thời gian đã ngả tím màu xưa, hương cũ bay về lại ngát đưa”, Hoàng Cầm: “Hương tím em về đậu giữa trang thơ”… Cũng màu thơm, nhưng dễ chia sẻ, thưởng thức hơn nhiều là màu xanh ngát của rau húng Láng trong “chén rượu vĩnh biệt” giữa Tản Ðà và Nguyễn Tuân (hiển nhiên đây không thể là “ngắt”, vì rau húng quý thơm chứ xanh ngắt thì ngon lành gì!). Trở lại khó chia sẻ một chút: Thái Bá Vân xem tranh Phái, thấy “những đám mây (...) ngào ngạt trắng”. Rồi lại dễ: chiếc bánh mới nướng vàng phưng phức, cơm cháy nâu khét v.v. Dễ hay khó, những từ chỉ màu hữu cảm ấy là những nhịp cầu tương giao bắc từ mắt xuống mũi!

- Loại “tương giao mắt - tai”. Tô Hoài: “lưng núi xanh im”, “ruộng khoai tốt lá xanh eo éo”. Lá khoai tốt thì “phát thanh” inh ỏi (?), còn lá lạc chẳng biết tốt hay xấu mà không rỉ nửa lời: “màu xanh lặng lẽ của lá lạc”. Tha thẩn không biết “ở thời nào”, Huy Cận có lần thấy “bóng vườn trưa xanh tiếng ve”. Lại Thái Bá Vân về tranh Phái: “chói bùng một đốm đỏ ngân nga”. Ở Nam bộ có lối nói “trời tối đen hù”, không biết “hù” có phải là âm thanh ta như nghe thấy khi từ trong nhà sáng sủa an toàn bước ra ngoài đêm đen đe dọa?!...

*

Những từ chỉ màu hữu cảm thuộc loại cảm tưởng ngoài màu còn chứa cảm tưởng của người nhìn về tình trạng bên trong của đối tượng được quan sát. Ví dụ: trắng bủng (bệnh hoạn), hồng hào (khỏe mạnh), đỏ đắn (khoẻ mạnh), xanh xao (ốm nặng hay lâu ngày), xanh lướt (tạng yếu), xanh rớt (ốm nặng), tái mét (lo sợ), tím rịm (bị rét lâu), trắng tinh (chưa dùng), trắng tàu tàu (cũ), vàng vọt (ánh sáng yếu), vàng lụi (lúa bệnh), đen xỉn (cũ), tím bầm (bị thương hay tức giận), xám ngoét (môi người nghiện), xanh lét (sợ) v.v.

*

Những từ chỉ màu hữu cảm thuộc loại tâm trạng ngoài màu có chứa tâm trạng của người dùng từ. Khi Thạch Lam “trời hồng phơi phới”, ai cũng biết trời chẳng nhẹ hơn bình thường chút nào, chính nhà văn mới đang lâng lâng. Khi Vũ Hoàng Chương “màu tím thờ ơ vạt áo ai”, độc giả dư hiểu thờ ơ có liên hệ với tâm trạng của chính thi sĩ. Khi Hoàng Cầm “mắt thời gian càng miên man xanh”, Tô Hoài nhớ một buổi chiều vàng ngây ngất hay giàn đỗ ván nở một đóa hoa tím ngẩn ngơ, Nguyễn Huy Thiệp nhắc những hoa gạo đỏ xao xuyến bồn chồn, những hoa ban trắng khắc khoải nao lòng, đích thị chính các văn thi nhân ấy đang cảm xúc, chứ “mắt thời gian”, buổi chiều, hoa nọ hoa kia, dù xanh, vàng, tím, đỏ, trắng, cũng không hề biết miên man, ngây ngất, ngẩn ngơ, xao xuyến, khắc khoải gì hết. Vũ Bằng có lần “sửa” thơ Ðoàn Phú Tứ: “Màu thời gian tim tím, hương mùa xuân thanh thanh...”, Ðoàn Chuẩn “gửi người em gái”: “Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng…”, màu tím này rõ ràng chất chứa nhớ nhung.

Tâm trạng trong từ chỉ màu hữu cảm không phải chỉ xuất phát từ quan hệ giữa người với người. Những xanh mênh mông, xanh bát ngát, xanh bao la, xanh thăm thẳm, xanh hun hút, xanh tít mù, xanh lồng lộng, xanh vòi vọi, xanh vời vợi, xanh cao, xanh cao nhẹ, xanh không tưởng v.v. đều chẳng có bóng dáng người. Hình như văn thi nhân miền Trung hay ngắm trời nhất: người “nghe xanh biếc của trời buồn”, kẻ “quên sao được sắc trời xanh biếc”, người nhớ “trời xanh xanh thăm thẳm”, kẻ nhớ “trời xanh thao thiết”…

Từ chỉ màu hữu cảm tâm trạng bắc một nhịp cầu từ mắt vào thẳng lòng. Nó dĩ nhiên đặc biệt chủ quan, chẳng hạn cũng trời hồng ấy nhưng biết được mấy người chia sẻ nỗi phơi phới của Thạch Lam. Nó thậm chí hết sức “phù du”, chẳng hạn vẫn đúng cành phượng ấy và người ngắm ấy, nhưng sáng còn đỏ hân hoan, trưa có thể đã đỏ bạo liệt. Màu xanh rùng rợn của “sóng sầu lan” trên đồi cỏ, màu xám hắt hiu của lau, màu trắng ngơ ngẩn của mây, màu đỏ ngơ ngác của bông hoa rừng, màu tím bời bời của hoa xoan ngõ cũ, màu vàng phôi pha của lúa chín trong nắng muộn, màu vàng tả tơi của hoa cúc khi mộng xác xơ v.v., đều chủ quan cả, vậy mà thật gợi.

*

Lắm khi ta không biết cái cảm trong một từ rất gợi cảm nó thuộc vào loại nào. Tạm gọi đó là những từ chỉ màu hữu cảm thuộc loại phong cách.

Cầu giá bạc phau, quần áo bạc phếch, mái tóc bạc phếu, râu tóc bạc phơ, đôi guốc bạc thếch, chim hét đen chậm chụi, thằng bé đen cóc cáy, bàn tay đen điu, da cóc đen mai mái, mặt mũi đen nhẻm, răng đen nhưng nhức, đêm đen rầm, mặt sắt đen sì, lông tay lông chân đen trại, con chim cuốc đen trùi trũi, tròng mắt đỏ au, gầu sắt đỏ cạch, mắt người say đỏ chạch, móng tay cô gái sơn đỏ choét, môi đỏ chót, tàn nhà vua đỏ dòi dọi, tiết canh đỏ dói, bóng điện đỏ đọc, thùng xăng cháy đỏ hắt, hoa thuốc phiện đỏ hau, má đỏ hây, miệng cá sấu đỏ hói, trẻ con đỏ hỏn, thiếu ngủ mắt đỏ kè, hoàng hôn đỏ ké, đất đồi đỏ khè, cờ bay đỏ khé, hạt chay chị khi xưa đỏ lòm, hoa chuối đỏ lừ, má bị tát đỏ lự, mặt thẹn đỏ lựng, xác ớt đỏ ngòm, hoa gạo đỏ ngòn, mắt người say đỏ nọc, mặt trời đỏ ối, phù sa đỏ quạch, cạp chiếu đỏ rợ, còng cáy đỏ sọng, miệng cắc kè đỏ thén, lũy tre cháy đỏ xuộm, mặt hồng hào, ăn mặc nâu sồng, mặt tái mét vì sợ, áo nhuộm pin thâm xịt, môi em bé tím rịm vì lạnh, cánh đồng trắng băng, áo hồ trắng bốp, mắt Tây đen trắng dã, da lợn cạo trắng hếu, nước da trắng muốt, hột gạo trắng ngần, da trắng nhễ nhại, con dòi trắng nhở, răng chó trắng nhởn, lông chuột trắng nuỗn, thân thể cô gái trắng nuốt, lụa trắng nuột, mỡ trâu trắng ợt, ong non trắng phau, cò trắng phau phau, nhái lột da trắng phếch, bọt mép trắng phếu, miến chương trắng phớ, tóc bạc phơ, đá vôi trắng toát, bình vôi trắng tởn, chân tay trắng trẻo, mắt trắng xác, nước trong vắt, nước trong veo, ánh đèn vàng cạch, nước da vàng chạch, mép con giải vàng ệch, cá trê béo vàng ệnh, nong kén vàng hươm, ổi chín vàng hườm, nghệ vàng khè, yếm rùa vàng lườm, đầu ngan mới nở vàng nuỗn, bụng rắn vàng nượm, bát cơm ngô vàng ói, hoa hòe nở vàng ối, ánh nắng vàng quái, nắng hanh vàng rộm, hoa dành vàng ruộm, nắng vàng tươm, quả thị vàng ươm, ngọn đèn đất vàng vọt, mái rơm vàng xọng, lá mít vàng xuộm, nền trời xám ngoét, da người chết xám ngoẹt, chân trời xám xịt, tầm xuân xanh biếc, người bị rút máu xanh chành, biển xanh lặc lìa, ngọn đèn vặn nhỏ xanh lè, mắt mèo xanh lét, liễu xanh mởn, ruộng mạ xanh rờn, nước kênh xanh ngằn ngặt, cỏ non xanh rợn chân trời, mặt người bệnh xanh xao v.v. Tất cả những màu sắc ấy đều có phong cách vừa độc đáo vừa mơ hồ!

Cùng một từ hữu cảm, có thể mang hai ba phong cách khác nhau: mặt người bệnh trắng nhợt thì nom tội nghiệp, mà bụng con thằn lằn trắng nhợt thì lại gây phản ứng kinh tởm (ít nhất nơi đa số phụ nữ). Ðen đúa có thể nhắc một nông dân hiền lành, có thể một tướng cướp hung ác, có thể gã Hà Ô Lôi cổ quái từng hát xướng nỉ non trong cung điện Lý!

Cái màu không có, tức màu trong, thế mà cũng lắm phong cách. Nào “ao thu lạnh lẽo nước trong veo”, “sông Lô một dải trong ngần”, “nước trong leo lẻo cá đớp cá”, “những ngày trong sáng của mùa thu”, “ánh sáng trong dịu của một ngày cuối thu”, “nước trong vắt, cỏ xanh rì”, “nước trong suốt như ngọc”, “hai con mắt trong trẻo như nắng hè”, “nước chè xanh mới ngấu trong anh ánh”, “lòng trắng (mắt) xanh một màu men trong muốt”, “nước suối trong khe”, “không khí trong lành” v.v.

*

Từ chỉ màu hữu cảm bị quên nhiều trong từ điển tiếng Việt. Những từ có được nhớ thì đến khi dịch ra tiếng nước ngoài lại bị “vô cảm hóa” hết sức thảm thương.

Giữa thập kỷ 1960 ở Miền Nam, do hiện diện đông đảo của quân đội Mỹ, có phong trào học tiếng Anh. Nhiều từ điển Anh-Việt, Việt-Anh ra đời. Có lẽ đồ sộ, đầy đủ nhất, là từ điển của Nguyễn Văn Khôn.(2) Lật tra thử, ngỡ ngàng: trắng dã, trắng hếu, trắng toát, là white; bạc phau, trắng bạch, trắng bốp, trắng nõn, trắng phau, trắng xóa, là very white; xanh dờn, xanh lè, xanh rờn, xanh um, là green. Cũng vào khoảng ấy, ở bang Illinois bên Mỹ, giáo sư Nguyễn Ðình Hòa (tốt nghiệp tiến sĩ văn chương Anh tại Anh quốc, nguyên khoa trưởng Văn khoa, Ðại học Sài Gòn) cho xuất bản một quyển từ điển Việt - Anh.(3) Lần giở, cũng lại ngỡ ngàng: đen nghịt, đen ngòm, là black; đen sì, đen thui, là all black; đỏ chóe, đỏ chói, đỏ chót, đỏ loét, là bright red; đỏ hỏn là red (of newly born baby); trắng dã, trắng hếu, là white; trắng bạch, trắng bốp, trắng phau, là very white; trắng tinh, trắng toát, là immaculate, spotless; trắng trẻo là have a light complexion; xanh rì là green; xanh dờn, xanh rờn, xanh um, là verdant.

Năm 2000. Người Việt Nam cả nước đang lên cơn sốt học tiếng Anh. Từ điển Việt - Anh đồ sộ nhất khi ấy hình như là công trình chứa 300000 từ của Bùi Phụng.(4) Tình hình dịch từ chỉ màu vẫn bi quan y như hồi hơn ba thập kỷ trước: đỏ chót, red; đỏ chóe, đỏ chon chót, đỏ hoét, đỏ tươi, bright red; đỏ lòe, đỏ lét, deep red; đỏ hỏn, pinky-white; đỏ ửng, flush red as flame; trắng dã, trắng nõn, white; trắng bạch, trắng bốp, trắng nhễ nhại, trắng phau, trắng toát, trắng xóa, very white; trắng bong, white and very clean; trắng ngồn ngộn, white and plump; trắng tinh, spotless white.

*

Có lẽ các tác giả những từ điển Việt - Anh nói trên nên cố gắng hơn một chút. Nhưng có gắng lắm, cũng không thể đi xa hơn một sự gợi ý.

Vấn đề là, tí hon vậy đấy, mỗi từ hữu cảm là một sự sống độc đáo mà ta chỉ có thể cảm được chứ không mong nói rõ ra được, ngay cả bằng tiếng Việt.

Người Việt Nam hiểu những từ hữu cảm không phải bằng cách tra từ điển, mà bằng cách sống giữa đồng bào và đọc sách báo tiếng Việt. Không từ điển nào có thể giúp ta hiểu những cảm giác cảm xúc chứa trong từ nọ từ kia cả, sau bao nhiêu lượt nghe lượt đọc ta tự nhiên “ngộ”. Rồi vì trong tiếng Việt có một liên hệ rất mạnh giữa âm thanh và nội dung, nên dần dần khi gặp từ mới ta có thể nghe lần đầu mà đã đón bắt được ít nhiều nội dung. Vậy thì tra từ điển tiếng Việt để làm gì? Để xác nhận hay sửa cái hướng đoán, hoặc lấy một gợi ý định hướng nếu chưa đoán được. Cứ hễ là từ hữu cảm thì từ điển tiếng Việt cũng không thể làm hơn gợi ý.

Đến đây dĩ nhiên là nói chung về tất cả từ hữu cảm chứ không còn riêng về từ chỉ màu nữa.



Thu Tứ
Viết năm 2004, sửa năm 2015
In lần đầu trong
Tìm tòi và suy nghĩ (2005)
In lần thứ hai trong
Cảm nghĩ miên man (2015)








___________
(1) Xem bài “Tương lai từ vựng tiếng Việt” của TT.
(2) Nguyễn Văn Khôn,
Việt - Anh Anh - Việt từ điển thông dụng, nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1967.
(3) Nguyễn Ðình Hòa,
Vietnamese - English Student Dictionary, Southern Illinois University Press, Mỹ, 1971
(4) Bùi Phụng,
Từ điển Việt – Anh, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 2000.