Sự hình thành sân khấu chèo (02)




Thời kỳ chuyển tiếp

Thời kỳ này kéo dài khoảng 10 thế kỷ, từ đầu công nguyên đến năm Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán (...) là cái thời kỳ mà chèo trở thành “chèo bội”, một hình thức hỗn hợp (...) trong quá trình diễn biến một nghi thức tế lễ vươn tới hình thức một nghệ thuật sân khấu. Bởi theo ý chúng tôi, cái hiện tượng “bội” mà Phạm Ðình Hổ nói tới trong (...) Vũ trung tùy bút “pha thêm lối tuồng, cũng đóng vai trò, vẽ mặt, ra múa hát giễu cợt”, mà ông cho là đã chỉ xảy ra vào khoảng (...) nghĩa là giữa thế kỷ 18, cái hiện tượng đó phải đã manh nha và hình thành từ lâu, ngay trong khoảng thời gian 10 thế kỷ đầu công nguyên.(1) Ý kiến của chúng tôi căn cứ vào những yếu tố sau:

Sự thay đổi trong cơ cấu xã hội Việt Nam

Mười thế kỷ nội thuộc Trung Hoa (...) cũng là mười thế kỷ mà người Việt, trải qua những kinh nghiệm bản thân đau khổ ê chề của một số phận bị trị, đã tự hun đúc cho mình một lòng tin vững mạnh vào giống nòi, đã kết tinh được trong đầu một thứ tinh thần đặc biệt gọi là tinh thần dân tộc, tích cực biểu lộ qua những cuộc quật khởi liên tiếp từ Trưng Vương, Triệu Ẩu, Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Mai Hắc Ðế, Bố Cái Ðại Vương đến Ngô Quyền.

Nền đô hộ Trung Hoa tuy càng lúc càng được tổ chức chặt chẽ (...) nhưng trên thực tế, chỉ trải rộng ra bề mặt hoặc tập trung vào một vài đô thị lớn mà không đi sâu vào tới nông thôn, nơi mà đa số dân chúng Việt Nam vẫn sống theo hướng tiến hóa tự nhiên của một xã hội nông nghiệp trên đà phát triển (...) Cùng với sự phát triển đó, cơ cấu xã hội cũng phải đổi thay với sự hình thành vững chắc của một tổ chức, theo ý chúng tôi, phải đã manh nha ngay tự khoảng cuối thời kỳ trước: tổ chức đó là làng (...) “lệ làng” được (...) triệt để tuân theo (...) Lệ làng tuy có khác nhau ít nhiều về chi tiết (...) nhưng ở mọi nơi vẫn mang những nét tương đồng thích hợp với cơ cấu một xã hội nông nghiệp (...) lệ làng tiêu biểu cho một nếp sống mới mà sinh hoạt tinh thần ngày càng trở nên phức tạp (...)

Sự thay đổi trong nếp sống tinh thần người Việt, sự hình thành những nền ca vũ mới trong dân gian và sự hóa thân như là kịch nghệ

Lúc bấy giờ Phật giáo từ Ấn-độ và Trung Hoa đã được truyền (...) tới Việt Nam (...) phác họa được cho con người thời bấy giờ một viễn tượng giải thoát (...)

Thêm vào đó là những thay đổi cụ thể diễn ra ngay trước mắt, trong đời sống hàng ngày, do bộ óc suy nghĩ và bàn tay lao động của chính con người tạo ra (...) con người nhận thấy có thể chế ngự và sử dụng được thiên nhiên, cái mà trước kia hắn vẫn mặc nhiên coi như thuộc vào (...) thế giới của những đấng Thần Linh (...) Giờ đây, giữa cái thế giới đó và cái thế giới hắn hiện đang sống, một khoảng cách đã thấy xuất hiện, cái khoảng cách cần thiết để tầm mắt con người đã thôi vướng mắc bóng dáng Thần Linh có thể mở rộng ra phía trước mặt, mở sâu vào chính lòng mình. Sự thức tỉnh đó là động cơ phát sinh ra cả một nền thi ca truyền miệng mà chủ đề chính yếu là con người, con người không như một thành phần vô danh và vô tính của một đoàn thể, một bộ lạc, mà con người như một thực thể linh động, riêng biệt, với những tình cảm riêng biệt (...) một cuộc sống nội tâm riêng biệt. Bên cạnh nền văn chương tự sự hùng tráng đã xuất hiện những áng thi ca trữ tình.

Những cuộc tế lễ cổ sơ vẫn được cử hành như thường lệ, phần thiết yếu ca vũ của nghi thức vẫn giữ nguyên như cũ, nhưng cái không khí nghiêm trọng của thời kỳ đầu - có thể coi như bi đát bởi gián tiếp biểu hiện cái uy quyền tuyệt đối của một thế giới siêu hình đè nặng lên số phận con người - cái không khí đó đã dần dần pha trộn thêm những sắc thái mới do những hội hè diễn ra, sau phần nghi lễ, những hội hè thường được tổ chức trong những xã hội nông nghiệp vào buổi đầu xuân (...) (Những hội hè này) là môi trường thuận tiện nhất cho nền thi ca trữ tình nói trên được truyền miệng rộng rãi thành những điệu hát tươi trẻ lạc quan, lời ca vang lên tự nơi thôn dã, cất lên tự lòng nam nữ giao duyên kết mối, nhịp theo những nét múa hoan lạc tưng bừng xuất phát từ những động tác lao động dân gian đã được điệu cách hóa (...) cả ca lẫn vũ ngày càng trở nên phong phú, phổ biến từ thôn nọ đến làng kia, từ địa phương này sang địa phương khác, tồn tại cho đến tận ngày nay (...)

(Trong) lãnh vực nghệ thuật sân khấu (...) chính nhờ (ý thức về khoảng cách giữa thế giới Thần Linh và thế giới con người) mà sự hóa thân mới có thể được coi như một nghệ thuật (...) hành động hóa thân không còn là một cuộc nhập đồng vô thức mà đã trở thành một hành động ý thức mô phỏng một vai trò.

Thật vậy, vào thời kỳ trước (...) cái việc lấy ngay thân xác phàm tục thấp hèn của mình để hình dung, bắt chước, mô phỏng (...) một vị thần, một vĩ nhân được thần thánh hóa (...) là một hành động phạm thượng. Sự hóa thân vào thời bấy giờ (...) là một độc quyền, một đặc ân mà các đấng Thần Linh ban cho một số người chọn lọc. Giờ đây, sự hóa thân trở thành một hành động thông thường, một nghề, nghề diễn viên, mà sự hành nghề chỉ đòi hỏi một sự rèn luyện trong tầm tay của tất cả mọi người. Người làm nghề ý thức được cái khoảng cách giữa hắn và nhân vật, không bao giờ mang cái ý nghĩ điên rồ mình nhân vật, dầu chỉ trong chốc lát. Với ý thức nói trên, một diễn viên sẵn sàng mô phỏng bất kỳ nhân vật nào hợp với khả năng diễn xuất của hắn. Với ý thức nói trên, một thành phần căn bản của kịch nghệ đã hình thành: thành phần diễn viên.


______________
(1) Phạm Ðình Hổ, ngay trong đoạn văn đã dẫn, đã nhấn mạnh sự xuất hiện của một tổ chức mệnh danh là “phường chèo bội” trước đời Cảnh Hưng khi ông viết: “Ðời sau mới bắt chước làm lối vãn ca... tục gọi là phường chèo bội. Khoảng năm Cảnh Hưng những phường chèo bội mới pha thêm lối tuồng...”. Hiện tượng chèo bội tất nhiên phải có trước, thì sau đó, danh xưng “chèo bội” mới có thể xuất hiện để chỉ định hiện tượng. Khi nêu lên niên hiệu Cảnh Hưng, theo ý chúng tôi, có lẽ Phạm Ðình Hổ chỉ muốn xác định thời điểm khởi đầu sự phát triển của hiện tượng này, từ nơi thôn dã lan rộng ra đến cả thị thành.


(Vũ Khắc Khoan,
Tìm hiểu sân khấu chèo, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr. 86-92)