Vương Hồng Sển thích chơi đồ cổ hơn thích viết. Trong bài dưới đây, ông cho hay: "trước năm 1945, tôi không viết chi hết, lấy tôn chỉ văn người hay hơn văn mình, mua sách đọc sướng hơn, và tội gì bôi lọ mấy tờ giấy trắng. Nhưng từ chạy lên Gia Ðịnh, bụng đói tôi mới bắt đầu viết để kiếm thêm miếng cà và miếng cơm. Tóm lại tôi ham đọc văn người để học thêm, và cùng cực khi nào tôi biết chắc một vấn đề nào và cần thiết lắm, khi ấy tôi mới cầm viết."

"Khi nào...", vậy mà cũng nhiều khi. Ông Vương để lại không phải ít sách. Sách nào cũng viết bằng một giọng cởi mở, thân mật, "bông thùa". Ông viết tự nhiên đến nỗi, sau khi trình bày gốc tích chiếc bình "Hồng Võ niên chế", ông tiện bút dặn dò con: "Ðối với con là Bảo, đây cũng là lời dặn riêng chớ xem thường một vật phải có diễm phúc lạ mới có được trong nhà. Vương Hồng Bảo, con nên nhớ."!

Cổ bình đặc biệt, mà "tân văn" cũng đặc biệt quá đi chớ.

(Thu Tứ)



Vương Hồng Sển, “Cổ bình Hồng Võ niên chế”



Ông Châu Nguyên Chương, năm 1368, đánh đuổi được quân Nguyên ra khỏi Trung quốc, lên ngôi hoàng đế, đổi quốc hiệu là Minh, đóng đô ở Kim Lăng (Nam kinh ngày nay), gọi là Ứng Thiên phủ, lấy đất Khai Phong làm Bắc kinh. Ở ngôi được 30 năm (1368-1398). Ấy là Minh Thái tổ (Hồng Võ).

Với chiếc lộc bình “con sáo” còn sót lại này, nếu tôi chứng minh được nó là cổ vật chơn chính, không phải đồ giả hiệu, thì tuổi nó là:

cao niên nhất, lấy năm đầu Hồng Võ mà tính thì được 1971 - 1368 : 603 tuổi.

thấp nhứt, lấy năm chót Hồng Võ (1398) mà tính, thì cũng được: 1971 – 1398 : 573 tuổi.

Nay, thực tế mà nói, cứ tính mỗi năm mướn một người gìn giữ nó, theo giá tiền kim thời, nếu người ấy chịu giữ nó với giá một ngàn đồng một tháng thôi, thì trong 603 năm, tức 7276 tháng, dòng họ người đó, từ ông sơ ông sờ ông sẫm cho đến ngày nay, sẽ lãnh được tiền công là 1000$ x 7276 : 7 triệu 276 ngàn đồng.

Không nữa trong 573 năm, tức 6876 tháng, cũng lãnh 6.876.000 đồng.

Ấy là chưa kể tiền mua bình, và số tiền ấy sanh hoa lợi đến năm nay biết là bao nhiêu mà kể.

Thế mà tôi mua nó ở Sa Ðéc, ngày 24-1-1933 giá có bốn chục đồng (40$00), như vậy, các bạn đã thấy sự ích lợi của thú chơi đồ cổ chưa, và giá thử năm nay tôi bán và tôi thách 10.000.000$ thì cũng chưa phải là điên, vì một tấm tranh cổ đời Minh rõ ràng đấu giá có người mua đến mười triệu bạc kia mà! (Nhưng tôi nói đây là tỷ dụ chơi, xin các ông sở thuế chớ tin rằng thiệt.)

Trong giới chơi đồ cổ, đồ đời Minh đã là hiếm có lắm rồi. Thường thường có thể gặp trong vài viện bảo tàng lớn ở Anh, ở Pháp, ở Mỹ, ở Nhựt, một vài món Minh chính cống, kỳ dư đồ giả hiệu Thành Hóa (1465-1487) vẫn có bán ngờ ngờ, nhưng chính bên Nhựt Bản, tôi cũng chưa từng nghe nói có tàng trữ cổ vật Minh Hồng Võ. Nhưng bán giá bạc triệu không phải dễ, phải đủ bằng chứng, có lẽ họ mới tin, còn mua hay không là việc khác.

Nhưng xin các bạn rán chịu đọc tiếp. Tạm thời, tôi dám tuyên bố: “Bình này quý lắm, đáng gọi là “độc nhất vô nhị”, hoặc “cổ kim hy hữu”.”

Tôi viết đến đây nhớ mấy ông Ðạo Chích, ông nào thính tai, cũng đừng bận rộn rình nhà vô ích, vì lấy ra được thì chiếc bình đã bể và trở nên vô giá trị, thà để vậy cho tôi làm tài liệu viết sách còn hơn.

Và xin cho phép tôi dài dòng thơ thẩn, để rọi sáng vấn đề.

Gốc tích. - Năm 1931, tôi để ý cái lục bình này, tại mé sông Tân Qui, châu thành Sa Ðéc, nơi nhà một ông thợ bạc họ Phạm, nay đã quá cố.

- Năm 1932, tôi theo dõi và hỏi thăm các bạn quen biết nhưng chưa dám giáp mặt ông chủ chiếc bình, tuy đã có xin xem mấy lần.

- Năm 1933 tôi đổi về quê nhà Sóc Trăng, và ngày 24 tháng giêng Tây, tôi đã làm chủ thiệt thọ chiếc bình, khi ấy tôi mới dốc lòng tra tầm lý lịch của nó.

- Ðến năm nay 1971, tôi mới viết ra bài này. Từ trước năm 1945, tôi không viết chi hết, lấy tôn chỉ văn người hay hơn văn mình, mua sách đọc sướng hơn, và tội gì bôi lọ mấy tờ giấy trắng. Nhưng từ chạy lên Gia Ðịnh, bụng đói tôi mới bắt đầu viết để kiếm thêm miếng cà và miếng cơm. Tóm lại tôi ham đọc văn người để học thêm, và cùng cực khi nào tôi biết chắc một vấn đề nào và cần thiết lắm, khi ấy tôi mới cầm viết.

Như đối với chiếc lục bình này, tôi biết đã khá nên xin chất vấn hải nội quân tử, chờ được dạy thêm.

Ðối với con là Bảo, đây cũng là lời dặn riêng chớ xem thường một vật phải có diễm phúc lạ mới có được trong nhà. Vương Hồng Bảo, con nên nhớ.

Kích thước. - Chiếc bình đo bề cao 0m 45

Kinh tâm trên miệng 0m 15 (đo phủ bì).

Kinh tâm nơi đáy (đít): 0m 17.

Nơi hông, chỗ rộng hơn hết, đo được 0m 21.

Giá mua: bốn chục bạc, bạc năm 1933 (kinh tế khủng hoảng, giá lúa 0$90 một tạ).

Ngày mua và nơi mua: Mua ngày 24-1-1933 ở Sa Ðéc, nhờ ông phủ Võ Văn Nhiễu chở về giùm.

Số mục lục: 64 VHS. (Xem hình nơi tập H.C.Ð.S. số 4) pl 28-29 fig 28A-28B).

Hình dáng. - Hình dáng rất thanh và cân xứng, không lỏng chỏng, không ô dề, chuộng bề thế vững chắc. Nói theo giọng chuyên môn Âu-Mỹ, bình này quả có một vẻ chơn thật bình thường (honnête et simple), rất cổ điển, y như muốn nhái một bình đời Thương qua Hán, bằng đồng đen. Quả hình dáng có duyên, không hào nháng se sua, cũng không quá cổ lỗ, thấy chiếc bình đủ tin đứng trước một cổ vật đặc sắc, có chơn giá trị.

Từ trên tả xuống: trên vành miệng có một viền hồi văn đắp nổi (xem Pl. VIII, kiểu hồi văn A), đây là những kiểu đầu như ý (modèle de tête de sceptre), đặt kế nhau theo thể cách giao liên, cái này nối tiếp cái kia, thành một đường dài y một kiểu, ta gọi những đầu như ý liên tiếp ấy là “dây hoa sòi” hay “dây sòi”. Theo sách, “sòi” là hình đầu chiếc nấm linh chi, mỹ thuật hóa thêm cho đẹp. Sòi, nay còn thấy thêu trên gấm Trung Hoa hoặc vẽ trên trang sách quí hay trên cổ những chóe Khang Hy, nét vẽ đan thanh, chỉ chừa nhiều khoảng trống để khoe sắc đẹp của da trắng sành trứng diệc (blanc “oeuf de héron”).

Tiếp theo miệng bình, và trên cái hông bình, có một khúc thắt nhỏ lại, quen gọi “cái cổ của chiếc lộc bình”. Nơi khúc cổ ấy, hai bên tả hữu, có đắp nổi hai nhánh mai, nhánh màu đen luốt luốt, bông năm kiếng trắng bạch, cả hai nhánh đắp dộng đầu, cuống trở lên, đọt và hoa trở xuống, kiểu ấy gọi “mai chiếu thủy”. Dưới cái cổ, tiếp hai đường viền hồi văn màu đồng đen, chỉ đắp nổi, đường viền trên là hồi văn chữ S nằm trái trả.

Ðường viền dưới nhái trở lại dây sòi “đầu như ý” y một kiểu với hồi văn đắp trên miệng (xem Pl. VIII, kiểu hồi văn B).

Dưới hai đường hồi văn màu đồng đen này là tới cái hông bình. Hông này, một phía không vẽ vời, cốt để khoe men đẹp và cái đẹp của da rạn, vừa rạn da rắn (craquelé en peau de serpent), vừa men màu hột vịt lộn (couleur “oeuf pourri”).

Phía bên kia của chiếc bình, vẽ tích “mẫu đơn điểu”, nhưng cách vẽ cũng không giống các cổ bình tôi thường thấy. Trên cổ bình, thường ký niên hiệu “Thành Hóa” thường vẽ kiểu “mẫu đơn trĩ”; nhưng trên chiếc bình “Hồng Võ” này, con điểu ấy không phải là chim trĩ nữa, mà là một con chim “kỳ cục”, có mỏ dài màu trắng, trên đầu có chóp mao, còn lông cánh thì xệ xệ, lông đuôi thì tỉa lớn sợi và xụ xuống, trông không biết đó là chim gì, đến nỗi các anh em giới chơi đồ xưa ở Sa Ðéc, luôn và ba tôi, đều tặng cho nó là “bình con sáo của bác thợ Thiệu”. Duy ai nấy đều nhìn nhận nét bút công phu, và màu xanh lơ thiệt đúng là màu xanh sau cơn mưa (vũ quá thiên thanh) của đời Minh vậy. Ngày này, học thêm chút ít, thấy trong sách Cảnh Ðức trấn đào lục chép Hồi Thanh làm ra màu “vũ quá thiên thanh” phải đợi đến niên hiệu Chánh Ðức (1506-1521) mới mua được nhiều của người Hồi Hồi, nhưng thuyết này không đủ chứng minh đời Hồng Võ chưa có Hồi Thanh do các cuộc trao đổi đi sứ đem về, nhưng ít thôi, và đồ ngự dụng mới được dùng đến.

Nay tôi xem kỹ, con chim lạ ấy đậu trên một gốc tùng, tùng thiên niên thọ đã cằn cỗi và nhiều chỗ, nhánh đã mục nay chỉ còn dấu khuyết trên da. Chung quanh và dưới con chim trĩ, có bốn bông mẫu đơn thật lớn, nhờ mấy đóa mẫu đơn này, tôi mới dám chắc đó là kiểu “mẫu đơn trĩ”, tượng trưng cho sự phú quí, vì thuở nay ai cũng biết: mẫu đơn là phú quí chi hoa, và trĩ (sau này biến thành phụng) là chúa các loài điểu.

Dưới chân bức họa “hoa điểu”, sát tới đụng chân bình, là một viền hồi văn màu đồng đen, cao đến hơn năm phân Tây, hồi văn này chạm sâu vào da bình, kiểu sóng bủa có vòi, chạy giáp vòng quanh chiếc bình. Ðây là kiểu “thủy ba dợn sóng”. (Ba là “hoa”, vì kỵ húy tên bà phi, vợ ông Minh Mạng, nên ngoài Huế có tục lệ nói “ba” thay vì “hoa” (xem Pl. VIII, kiểu hồi văn C).

Sau rốt, nơi sát đáy bình, có chừa một viền trơn kiểu “lá hẹ nổi”. Ðây là đường viền chót, nhái viền đồng đen thường gặp trên các cổ đổng đời Hán (206 tr. T.l. - 220 sau T.l.).

Chiếc bình này chứng tỏ đời Minh còn chuộng kiểu bình xưa đời thượng cổ, đều làm bằng đồng, sau vì chiến tranh lấy đồng đúc binh khí, nên mới tìm ra đất nung, gốm và sành, làm đồ từ khí thay thế đồ bằng đồng.

Trên chiếc bình tôi đang tả, dưới đít, chỗ nào men đen cái viền “nhái da đồng”, chỗ nào màu đen không phủ khắp thì lộ ra một màu đo đỏ như màu gạch tôm, nói cách khác, như màu gạch đỏ bầm, đây là một triệu chứng sót lại của các cổ vật bằng đất nung đời Tống đời Nguyên tồn tại (Song 960-1279; Yuan 1279-1368).

Từ nãy giờ, tôi tả dông dài chiếc bình Hồng Võ, mà nào có thấy bằng chứng gì là Hồng Võ đâu? Và đây là bằng chứng ấy: Số là nơi đít bình, khi lật lên xem, sẽ thấy giữa một khoảng trắng da sành rạn ổ nhện, có hình một con dấu to, nét chạm rất sâu, vuông vức như vầy, màu da đồng đen (hình dưới là rập lại y kiểu nơi đáy bình) (xem Pl. IX).

Trong lòng chiếc bình, có tráng men, màu trắng, da trổ rạn da rắn từ trên miệng xuống đến cổ, còn trong bụng chiếc bình không thấy da trổ rạn nữa.

Bốn chữ trong con dấu trên đây, nhiều người đọc, chữ được chữ không và vẫn làm cho giới anh em chơi đồ cổ ở Sa Ðéc đều ngã lòng, vì vậy chiếc bình ế độ mới lọt về tay tôi. Có phần hay không là vậy.

Bây giờ tôi xin để y câu chuyện cắt nghĩa bốn chữ ấy, và bắt qua thuật chuyện cách mua chiếc bình như thế nào:

Cách mua chiếc bình. - Tôi đã nói trước đây rằng trước năm đảo chánh 1945, đồng bạc Ðông Dương rất có giá trị. Nhứt là khoảng 1932-1933, kinh tế khủng hoảng, có người trọn đời không thấy tờ giấy bạc một trăm đồng, gọi <169>giấy xăng<170>. Còn dân đen, nói gì, trọn năm không kiếm đâu ra bốn đồng rưỡi bạc (4$50) đóng thuế thân, phải ở tù lên ở tù xuống.

Lúc ấy, năm 1932 tôi làm thơ ký hạng 3 của chánh phủ Pháp, lương mỗi tháng 81$78 (có vợ không con). Tôi truất ra 40$ mua cái lục bình. Nay bình trị giá sáu, bảy triệu đồng. Nhưng chiếc bình này quí hơn chiếc Mercédès nhiều. Mercédès giá trên mười triệu mà nhiều người có; chiếc bình từ Minh Hồng Võ, lẽ nào giá trị kém chiếc xe bao giờ!

Giá thử năm 1932, tôi không mua chiếc lục bình này, thì số bạc 40$ kia, tôi cũng xoay xở tiêu pha mất hết rồi. Hoặc tôi có khôn khéo dùng số bạc ấy cho vay đặt nợ, bòn tro đãi trấu, thì cũng chưa ắt kết quả có đến số bạc do chiếc bình đẻ ra trong óc tưởng tượng của tôi, không khác bài toán “Con bán sữa và bình sữa”, của ngụ ngôn Pháp!

Bí quyết của nghệ thuật chơi cổ ngoạn là đó. Nhưng ngày nay dở tập hồ sơ cũ, (có cả mảnh lưu chiếu bưu phiếu 40$40, số 104, série 006,983 đề ngày 19-11-1932 gởi cho một bạn ở Sa Ðéc nhờ mua một chiếc bình), tôi thấy lại cả cái rị mọ dễ ghét chầu xưa của tôi mà không khỏi buồn cười.

Tôi cần phải thuật các chi tiết lại đây, mặc dầu dài dòng, để các bạn hiểu đôi chút về tánh gàn của một tên chơi đồ cổ, vừa có dịp so sánh đời sống miền Nam trong hai khoảng năm 1932 và năm 1971, khác nhau xa thế nào.

Sơ khởi, lúc tôi đổi về làm việc tại Tòa Bố Sa Ðéc, từ năm 1928 đến năm 1932, tôi đã nghe danh chiếc lục bình này và đến xem tận mắt tại nhà chủ cũ của nó là ông họ Phạm (nay đã mất). Ông cũng là chủ cũ của cái tô Bá Nha Tử Kỳ có bài thơ nôm mà tôi sẽ nói nơi sau trong tập này, và cũng là chủ cũ của cái thố có nắp, di vật của chúa Nguyễn Ánh, tôi sẽ nói nơi sau, lại cũng là chủ cũ của bộ chén trà năm Giáp Tý (1804) tôi sẽ nói qua tập số 7 “Thú chơi ấm chén”. (Tóm lại những món quí của ông, sau đều về tay tôi cả.)

Nhắc lại khi thấy chiếc lục bình, tôi ưng bụng ngay, và định mua, nhưng các bậc đàn anh dẫn đường cho tôi, đều khuyên nên chậm chậm, một là để đủ thời giờ xem đi xét lại, hai là có sợ mất mát gì đâu mà hòng lật đật, vì buổi ấy tiền bạc trong nước kiếm không ra, tôm tươi một đồng bạc bốn thùng thiếc, “ăn đến kiết”, và bắp trái trên cây, một trăm trái bán có hai cắc bạc; nay tội gì xuất ra bốn chục đồng bạc (40$00) mua một cái lục bình mà nội chợ không ai thèm ngó!

Tháng tư năm 1932, tôi đổi về làm việc sở quản thủ địa bộ ở quê nhà, tại Sóc Trăng, tuy xa cách Sa Ðéc, nhưng không quên cái bình.

Lúc ấy, tôi bèn gởi thơ cho một ông bạn rất tốt (nay đã mất) và rất sành sỏi về đồ xưa, là ông Trương Văn Hanh, nhà ở đầu cầu Vĩnh Phước, mé sông Tân Qui, cùng một xóm với ông thợ Thiệu. Trong thơ của tôi (lúc ấy tôi chưa có tật giữ bản sao thơ gởi đi) tôi nhờ nài chiếc lục bình, nhưng thơ thứ 1 đề ngày 15-XI-1932, ông Trương viết như vầy và tôi xin chép lại cho thấy giọng văn của ông: “Tôi có được thơ cậy hỏi lục bình con sáo từ 40$ đổ xuống mà tôi thì trả có 30$, nên va còn dụ dự, vì thiệt vốn va tính cho tôi nghe thì là 32$. Tôi tính để trả cho y 35$ là cùng mà thôi, thế thì phải được vì năm nay không còn chờ chi là cao giá, và lúc này y cũng cần tiền hơn.

“Vậy chừng mua được, mới làm sao? Phải gởi cách nào? Muốn vậy thì mua được trong tay; xin gởi ngay 40$ và chỉ cách gởi gắm đồ ấy. Có lẽ tôi mua dưới 40$, theo y nói thì bốn chục cũng chưa đắc ý bán, vì vốn đã 32$, mà đã ba năm rồi, lời có mấy đồng còn chê ít, nhưng mà không ai mua chi cho mắc hơn mình mà sợ...

Ký tên: T.V.H.”

Tiếp theo bức thơ 15-XI-32 trên đây, tôi có nhận một bức khác có kèm thơ của chủ cũ chiếc bình, cả hai thơ ấy, tôi xin sao lục ra đây, y nguyên văn:

1) Thơ đánh dấu a). – “Sadec le 16 novembre 1932

Lời cho chú Tư rõ (ông Hanh thứ tư), Cái lục bình, xin chú làm ơn vui lòng trả lời với người đó. Xin chú cắt nghĩa giùm nó đã hay mà lại xưa lắm, như họ muốn dùng, tôi định chắc 40$00.

Ký tên: Thiệu”

2) Thơ đánh dấu b). – “Cùng hiền hữu yêu dấu,

Sớm mai này, mới được tin của M. Thiệu nói vậy đó, liệu sao? Như mọi khi thì không mắc lắm, mà lúc này thì tự ý, tôi đã trả rồi 35$00, y nói để tính rồi trả lời, nên y trả lời vậy, nghĩa là nhứt định 40$00. Hôm qua, tôi tính thế nào cũng mua được 35$00, nên mới gởi thơ nói chắc dưới 40$00. Nay mới đặng tin của y nói vậy, nên xin gởi theo cho mà coi. Tùy ý muốn sao cũng được hết. Hễ là 40$00 thì giờ nào cũng được.

Ít lời cùng hiền đệ đặng hay,

Ký tên: Hanh”

3) Thơ đánh dấu c). – “Sadec le 16 novembre 1932

(tiếp theo)

Thơ vừa rồi đã niêm phong lại chờ gởi đi, kế gặp dịp may, có người điềm chỉ rằng: Tại Cao Lãnh, có nhà Tư Chương, lúc trước sắm đồ cũng mấy ngàn, nay vì kinh tế nên tính bán hết. Tay này cũng biết chơi lắm, tôi có đến nhà một khi, nhà ấy ở gần nhà Hội đồng Vinh, nhớ in là hiền hữu có đi một chuyến với tôi là phải? Như bụng còn muốn sắm nữa, bề nào cũng nhọc công, vậy tốt hơn là lên một chuyến mà lựa thì chắc ý lắm. Liệu sao tự ý rồi trả lời tôi biết.

Ký tên: Hanh”

Tiếp được mấy bức thơ trên, tôi trả lời như sau:

“Sóc Trăng 19-XI-1932

Trương huynh ông,

Hai ngày được liên tiếp của ông hai bức thơ nói về một chuyện, thế đủ rõ tấm lòng sốt sắng với tôi là bao. Cái thạnh tình ấy, tôi xin đa tạ.

Lẽ đáng thì tôi không nên đeo đuổi theo cái lục bình mà làm nhọc ông, nhưng cũng vì cái ham cái muốn đồ cổ khiến tôi bất kể phép lịch sự và xin ông vụ tất việc này một phen nữa.

Sau đây, tôi gởi số bạc 40$00 (mandat bưu điện số 104 ngày 19-11-1932).

Xin ông tùy nơi người chủ bán, chớ người mua vẫn trông cậy vào ông. Ðược rẻ hơn thì may, bằng không thì giá đó cũng vừa, vì tôi muốn lắm. Nhưng xin ổng cho thêm cái chưn tiện bằng cẩm lai.

Như ông mua được rồi thì hãy đem về nhà ông, hoặc đóng vào thùng sẵn để đó cho tôi, rồi mười bữa nửa tháng, có dịp có người đi Sa Ðéc, tôi sẽ cậy ghé lấy, chớ gởi theo nhà thơ, tôi không yên dạ.

Còn việc ông cho hay mấy món nơi nhà ông Tư Chương, hiện nay đổ đường lên mua đồ cổ thì không thể được, để có dịp nào thuận tiện, tôi sẽ thơ cho ông hay.

Thơ chẳng hết lời, kính chúc Trương huynh ông vạn an.

Nay kính,

Ký tên: Sển”

Sau đó lục bình đem được về Sóc Trăng, nhờ ông bạn đồng liêu cũ, nay đã quá vãng, ông Võ Văn Nhiễu, chở về giùm. Lúc ấy tôi ở chung với ba tôi, số 33 đường Hai Bà Trưng, ngay chỗ rạp chiếu bóng bây giờ. Phố tấp nập, người qua kẻ lại rần rần, anh em bạn đến nhà chơi không thiếu một ai, nhưng đều không biết giá trị cái bình: kẻ chê “con sáo vẽ kỳ cục”, người nói nước men không giống các bình đã thấy v.v..., và phần đông bắt bẻ sao trên miệng có một vết màu không y như da sành chung quanh.

Tôi nghe mãi muốn điên đầu... Lúc ấy, tại châu thành Sóc Trăng, ở tiệm bán sắt hiệu Vĩnh Sanh, ở xéo xéo phố ba tôi ở, có một ông tài phú người Quảng Ðông, tên là Trần Phụng Hữu, có tiếng là người hay chữ nhứt trong vùng. Lúc còn ở Trung Hoa, ông đã đỗ tú tài Hán văn, sau bị lùng bắt vì có tên trong đảng đối lập chánh phủ, nên ông trốn qua Nam ở lâu năm trong sốc Thổ, mai danh ẩn tích, rồi mới ra làm thơ ký bút toán cho hãng Vĩnh Sanh này.

Một hôm, tôi rước ông đến nhà, nhờ đọc giùm bốn chữ cổ tự nơi đáy chiếc bình “con sáo”, bốn chữ con dấu tôi đã rập lại nơi đoạn trên. Ông Trần Phụng Hữu trở ngược đầu chiếc bình, nhìn một hồi lâu, xoay qua trở lại đủ hướng mà không đọc được đủ bốn chữ kia. Ông tức lòng vì mình đã xưng đậu Tú tài bên Tàu, nay không đọc được chữ cổ, bèn rút bút máy, viết lia lịa một bức thơ vắn tắt, đề ngày 30-1-1933, gởi qua Hương cảng cho nhóm văn hữu quen bên ấy, nhờ đọc giùm. Thơ của ông có kèm cái rập hình con dấu, tôi đã nhờ người phiên âm và dịch lại Việt văn như sau:

“Thử tứ tự nãi hệ cổ bình để sở tạc chi tự dĩ ký niên hiệu chi ý HỒNG VÕ CHẾ.

Tam tự thượng vị tri thực phủ.

Thử tự kỳ vi vấn các xã huynh năng tả triện tự giả hoặc năng tường xuất mổ tự kỳ trịch phản, thị tri. Thị hà.”

Dịch. – “Bốn chữ này là chữ tạc ở đít cái bình xưa để ghi lấy niên hiệu chế ra cái bình này trong năm thuộc trào vua Hồng Võ. Ba chữ còn chưa biết thật không.

Xin gởi mấy chữ này hỏi chư ông là người thường viết lối chữ “triện” hoặc biết rõ lối chữ ấy ở đâu (đời nào) xin trả lời cho biết. Cám ơn.”

Kế đó, ông Trần Phụng Hữu nhận được thơ trả lời, và ông vẫn giao hết cho tôi giữ làm tài liệu, ngót mấy lần biến cố, tôi vẫn giữ được y và nay xin chép ra sau bản phiên âm và bản dịch văn xuôi:

Phiên âm. – “Phụng Hữu tiên sanh giám: kim nhật thần tiếp bút đại hàm kính thừa dĩ vấn “Triện” thơ chi tự.

Tra “Thiên tự văn” tứ thể “triện” thư nội, NIÊN THỈ MỖI THÔI chi niên tự, dữ tự tương đồng.

Tra biệt thư tả niên tự hữu dĩ “HÒA” dĩ “NGƯU” giả, đại ý niên tự, vô nghi.

Chất chi ngâm hữu, ý kiến giai đồng, diệc dữ “HỒNG VÕ NIÊN CHẾ” độc đắc khứ, tha vi Minh trào niên chế vô nghi, cố giã.”

Dịch xuôi. __ “Cùng ông Phụng Hữu,

Sớm mai này nhận được thơ của ông hỏi về lối chữ “Triện”.

Xét trong “Thiên tự văn” có bốn lối viết chữ “triện”. Có câu “Niên thỉ mỗi thôi” (thì giờ tên tuổi đi mau như tên bắn), thì chữ Niên ấy cũng giống như chữ Niên này.

Xét trong sách khác có viết chữ Niên, thì có chỗ dùng chữ Hòa và chữ Ngưu làm ra chữ Niên. Ðại ý chữ ấy là chữ Niên, không còn nghi ngờ gì nữa.

Tôi đã hỏi anh em bạn tôi đều cùng ý kiến với tôi mà đọc là HỒNG VÕ NIÊN CHẾ, thế thì món đồ đó chế ra hồi trào vua này, không còn nghi ngờ nữa được.”

Thế là từ đó tôi có tài liệu vững chắc, chứng minh lục bình con sáo chế tạo vào niên hiệu vua Minh Thái tổ Hồng Võ: Câu “Tra biệt thư tả niên tự hữu dĩ hòa dĩ ngưu giả, đại ý niên tự vô nghi” (Xét trong sách khác có viết chữ niên thì có chỗ dùng chữ hòa và chữ ngưu làm ra chữ niên, không còn nghi ngờ gì nữa.)

Câu này quan trọng nhất, đại khái nói đời xưa viết chữ Niên khác với chữ Niên ngày nay, và chữ Niên đời trước là do chữ Hòa (một giống lúa) ráp với chữ Ngưu, hiểu rằng “con trâu làm được hột lúa trong thời gian MỘT NĂM”.

Chữ Niên (dĩ hòa dĩ ngưu) này, bọn giả tạo không biết, nên đó là một triệu chứng chắc chắn món đồ này là thiệt.

Kết luận. - Như các bạn đã thấy, trong vụ mua được lục bình con sáo, chẳng phải tại tôi giỏi, nhưng mà tôi may thời.

Nghệ thuật chơi cổ ngoạn là nhiều khi do một sự tình cờ.

a) Chiếc bình, nếu còn trong tay người chủ cũ, thì bất quá, nếu cất giữ được, thì chịu phận thiệt thòi không ai biết; hoặc giả nếu lấy ra dùng thường rủi ro đã bể, và mảnh vụn nát vứt đi, còn ai đọc chữ “niên dĩ hòa dĩ ngưu” cho?

b) Tôi tiếc không hỏi được lý lịch của chiếc bình, khi trước ông Sáu Thiệu tìm được ở đâu, xóm nào, nhà ai, mà có chứa món này và có lẽ còn nhiều món lạc loài đáng tiếc khác. Công việc ngày nay là nên tìm cho ra manh mối đó.

c) Nếu bình này, lối 1932, ở Sa Ðéc có người biết giá trị của nó, thì làm sao về tới tay tôi? Trong nghề chơi cổ ngoạn, nhiều khi người đi trước không biết và người đi sau lại được của quí, cho nên có câu “của tìm người” là vậy.

d) Cái gan lớn của tôi lúc đó là nhà không đủ tiền đi chợ hằng ngày mà vừa thấy là định tâm mua cho được. Nếu tôi có trù trừ dụ dự là vì kiêng kính bạn tác, không dám mua mắc là sợ mích lòng các bậc đàn anh đang dạy mình chơi đồ xưa, và những cái lẩn thẩn tôi đã nói nơi đoạn trước cho thấy thuở ấy, đồng bạc rất có giá trị, khi xài ra ke re cắc rắc, đếm từ đồng, bớt từ xu, không như bây giờ phung phí hời hợt, vì tờ giấy một trăm, tội nghiệp, giá trị không bằng một đồng xu Tây hồi đó. Gói xôi một xu trước ăn no bụng, gói xôi hai chục nay không đủ nhét kẽ răng.

e) Lục bình con sáo, sau khi giảo nghiệm bốn chữ niên hiệu, đã trở nên quí, như nàng quốc sắc, nhờ có người cất nhắc mới đẹp mặt nở mày. Trong khi ấy, vì thiếu đỡ đầu, cô gái đẹp phải đi gánh nước mướn; cũng như chiếc dĩa xưa lọt vào tay thằng lắc bầu-cua-cá-cọp.

f) Tuy tông tích đã thất lạc, nhưng nhờ khảo nghiệm được bốn chữ chính cống “Hồng Võ niên chế”, nên nay lục bình con sáo trở nên một vật dùng để so sánh và định tuổi các vật khác sẽ gặp (élément de datation), nhờ sự giảo tự đáng tin của các chuyên gia đọc rành chữ triện ở Hương cảng, thêm nhờ sự lạc tinh (patine) của chiếc bình. Nếu bình còn mới, chưa lạc tinh, thì không làm vật chứng minh được.

Trong cái lục bình này, tôi tóm tắt lại những cái khéo của nó: Về men, dưới đáy, men trắng và rạn nhỏ, trong lòng men trắng rạn da rắn lớn miếng, ngoài bình men màu vàng sậm rạn da rắn to, cổ và giữa hông cũng như phần chót gần đít bình, luôn hai nhánh mai, thì men da đồng đen, chỗ xanh lam thì xanh màu “vũ quá thiên thanh”, chỗ men nổi trắng như hoa mai hay kiếng hoa mẫu đơn thì màu trắng bạch gọi “duyên phấn”, tóm lại bình này không phải bình “trắng xanh” (bleu et blanc), mà là bình “ngũ thái” (cinq couleurs), hội đủ các tài hay và sự thành công của các bí thuật đời Minh vậy.

Thêm nữa, vẽ cây tùng cằn cỗi, lá tủa đơn sơ xen với bốn đóa mẫu đơn tách xanh trắng phân minh; trên cây tùng vẽ một con chim giống lạ, có lẽ là chim của Trung Hoa, nước ta không có, gọi con sáo là gọi gượng chớ không biết chim gì.

Màu da đồng đen là nhái lại các cổ bình đời Thương đời Hán.

Dưới đáy, nơi men không ăn tới, thì da đất trỗ màu đỏ điệu céladon xưa.

Hai bên hông, nơi có đắp nhánh mai da đồng đen, hoa mai năm kiếng trắng điệu Bạch Ðịnh (blanc de Foukien).

Quả là một độc bình lạ lùng. Từ ngày tôi gặp, và mỗi lần tìm một món khó định tuổi, nhưng gần giống màu sắc, kiểu vở, tôi đều đem lại đọ với bình này mà đánh giá và định tuổi vật kia.

Xin cho tôi căn dặn đôi lời:

1) Ngày nay, thị trường đồ cổ tràn ngập đồ giả hiệu, phần nhiều rất khéo và thường ký nhái hiệu Thành Hóa (1465-1487), chớ không bao giờ dám đề Hồng Võ, vì sợ lộ tẩy sớm. Những đồ giả Thành Hóa ấy cũng đắp bông nổi nhánh mai hoặc mặt bợm (thao thiết) màu đồng đen, hai bên cổ chiếc bình. Vành miệng cũng thường nhái da đồng. Phải cẩn thận và cho tinh mắt, không nên nghe lời tán tụng của con buôn mà mua đồ báo đời, chỉ mất tiền mà không dụng vào đâu.

2) Nhờ chữ “Niên” viết theo lối xưa, bọn giả tạo không biết được, mà tìm ra sự chơn chánh của cổ bình này.

3) Thường thường khi đổi thay một triều đại, thì triều đại sau bỏ hết các kiểu vở của triều đại trước, nước nào cũng vậy và đời nào cũng thế.

Vua Hồng Võ lập nhà Minh. Các lò gốm của Nguyên để lại đều bị dẹp hoặc bị đốt phá. Thường các vua khai quốc chỉ lo về binh bị, không đủ thời giờ lo việc chấn hưng mỹ thuật, văn hóa.

Vào đời Minh, vua Thái tổ mất (1398). Con trưởng là Tiêu, được phong thái tử, ông này mất sớm, con là Kiến Văn (Huệ đế) bị chú là Yên vương (tên Lệ) đánh đuổi giành ngôi, xưng Thành tổ (Vĩnh Lạc 1403-1424). Vì vua Huệ đế bôn đào, không biết sống chết, vua Thành tổ sai thái giám Trịnh Hòa giả danh đi buôn đồ gốm đồ sành để tìm vua Huệ đế đặng trừ hậu hoạn, cũng vì dịp ấy mà đồ gốm đồ sành xuất dương ra nước ngoài, nay nhiều nhứt là ở Istanbul nơi viện Topkapyl của Thổ-nhĩ-kỳ. Vua Thành tổ đồng thời với Hồ Quý Ly, và thành nhà Hồ là kiểu mẫu Minh vậy. (Trịnh Hòa dẫn thuyền kéo cờ Minh đi khắp biển trong 30 năm từ 1405 đến 1433; được người Trung Hoa xuất ngoại nhớ ơn thờ làm ông Bổn (Bổn đầu công) (xem lại tập 4 tr. 254).

Hồ Quý Ly (1400-1407) chống Minh nhưng cự không lại, để bị bắt và làm mất nước, tài có dư mà không có thời, nên tội cũng nhiều.

4) Bình Hồng Võ niên chế này, theo tôi, là vật chế riêng với tất cả sự khéo léo đặc sắc thuở ấy (Mạt Nguyên Khai Minh), để chứng tỏ sự mở màn của một đời thái bình thạnh trị. Vì sao lọt được khỏi Trung Hoa để vào vùng Sa Ðéc? Hay là cố vật buổi lưu vong nhóm di thần nhà Minh Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Ðịch? (Hậu nhựt tri).

5) Bình này có lẽ là “unique” từ trong xứ đến nước ngoài.

(Xem hình trong H.C.Ð.S. số 4 pl 28-29, fig 28A, 28B).


11-XI-1971