Một phần do cách viết mà Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam của Bình Nguyên Lộc rất khó đọc. Chính BNL cũng thấy như vậy. Nhưng sách ông chứa vô số thông tin lạ lùng có thể có liên hệ đến, và nhiều ý kiến độc đáo có thể có giá trị về, nguồn gốc người Việt nên thiết tưởng bất cứ ai muốn tìm hiểu cổ sử dân tộc đều nên cố đọc.

Cuộc đụng độ ác liệt giữa Hoàng Ðế và Xy Vưu cách nay có lẽ khoảng 5000 năm ở Hoa Bắc là trận đánh mở màn trong lịch sử bành trướng không ngừng của Hoa tộc. Xy Vưu là ai?

Sau khi chọn và "ráp" một số câu then chốt trong sách Bình Nguyên Lộc, ta hiểu rằng theo ông Xy Vưu cầm đầu chín nhóm Lê, tất cả vốn thuộc chủng "Mã Lai" (một chủng tộc BNL cho là gốc ở vùng Hy Mã Lạp Sơn bên Tây Tạng). Khi từ Tây Tạng qua Hoa Bắc, Cửu Lê lấn chủ đất trước là người Miêu mà làm "vua" nên Xy Vưu được gọi là "cổ thiên tử". Lê lấn Miêu rồi cả Lê lẫn Miêu đều bị Hoa lấn tơi bời...

Lẽ ra đây chỉ là chuyện giữa người Miêu với người Lê với người Hoa. Tức là thuần túy chuyện "thế giới". Nhưng rồi BNL lại bảo người Lê chính là tổ tiên ta. Thế mới rắc rối.

(Thu Tứ)



Bình Nguyên Lộc, “Xy Vưu là Mã Lai”



theo tự điển Từ Hải (...) thì Xy Vưu (...) là Vua. Xy Vưu cổ thiên tử, Xy Vưu bá thiên hạ. (tr. 99)

Xy Vưu là vua của 9 nhóm Lê (tr. 99)

Xy Vưu là Cổ Thiên Tử của 9 nhóm dân Mã Lai (tr. 106)

Dân Cửu Lê ở đâu (lúc Xy Vưu bị Hiên Viên tức Hoàng Ðế đánh bại - TT)? Hiên Viên đánh thắng họ tại Trác Lộc (bắc Hà Nam) ở trên sông Hoàng Hà. Có lẽ đó là trung tâm của họ. (tr. 106)

Ta giả thuyết rằng Cửu Lê (...) xâm nhập đất Hoa Bắc đã có chủ rồi là Miêu chủng (tr. 110)

Miêu không bao giờ dính với Việt bất cứ về phương diện nào (tr. 101)

vì Miêu chủng quá kém, nên họ (tức Cửu Lê - TT) làm bá chủ ở Hoa Bắc cho nên Xy Vưu mới được gọi là Cổ Thiên Tử. (tr. 110)


(Bình Nguyên Lộc,
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Sài Gòn, 1971)






____________________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.