Huy Cận - Cảm xúc không gian




Nguyễn Du bảo: “Có tài mà cậy chi tài...”.

Huy Cận là một ngoại lệ của thuyết tài mệnh tương đố. Vì rõ ràng ông có tài, thế mà không nghe ai nói ông gặp cái “tai” nào đáng kể trong đời.

Trên hoạn lộ, mới 26 tuổi ông đã làm bộ trưởng rồi sau đó lúc nào cũng quyền cao chức trọng chứ không hề bị nếm mùi “hoạn hải ba đào” liên miên như Nguyễn Công Trứ. Uy Viễn tướng công có lần bị xử “trảm giam hậu”, suýt nữa bay đầu!

Trên “thi lộ”, sau khi tập thơ đầu tay - tức Lửa thiêng - xuất bản ông được gần đồng thanh mời ngay vào chiếu nhất để cứ thế nghiễm nhiên an tọa như một hào mục trong làng thơ Việt Nam cho đến ngày nằm xuống! (Nói “gần đồng thanh” vì Vũ Ngọc Phan bấy giờ đánh giá “Huy Cận chỉ mới là một nhà thơ có những vần thơ đẹp.”(1) Chao ơi nhầm, cụ Vũ!)

Ám ảnh vũ trụ trong thơ Huy Cận đã lồ lộ ngay từ Lửa thiêng (1940).

Mênh mông... rét thế

Thi sĩ trẻ biết nội dung thơ mình có chỗ rất khác thường, nhưng không hề rụt rè về chỗ khác ấy.

Ðâu đó thời Lửa thiêng xuất bản, ông có đăng câu thơ sau đây mà Xuân Diệu còn nhớ:

“Cõi đời cúi mặt quên xa biếc”.

Sau khi Lửa thiêng ra đời, được đón nhận nồng nhiệt, Huy Cận cho in tiếp tập văn xuôi Kinh cầu tự (1942) để trình bày rõ hơn về tư tưởng trong thơ.

Ðọc Kinh, ta thấy cái ý ngửng lên “xa biếc” được nhấn mạnh:

“Trong cuộc sống chỉ thấy có cảnh đời (...) Khổng Tử nhát gan hẳn chứ! không dám ngước mắt lên trời, sợ ngợp. ... Hãy hiểu cho xong cái lẽ người. Ðấy, vì vậy mà mất hẳn cái ý niệm về số kiếp của mỗi người; và tâm hồn đã héo hắt võ vàng.”(2)

Thế, kẻ nhìn vượt quá cảnh đời, bạo gan hơn Khổng Tử, dám ngước mắt lên trời, không sợ ngợp, không thèm hiểu cho xong cái lẽ người, kẻ ấy thấy gì?

Thoạt tiên là không thấy gì cả. Chỉ mênh mông xanh, mênh mông trắng, mênh mông đen. Càng nhìn, càng lồng lộng càng hun hút càng thăm thẳm.

Kẻ “chỉ ở trong không gian”(3) dần thấy... lạnh:

“Mưa giong buồn sợi xuống lơi lơi,
Lạnh của không gian thấm xuống người.”


Mưa, nhất là mưa đêm, chúa chở rét:

“Ðêm mưa làm nhớ không gian,
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la...”


Cái rét bao la, lơi lơi vậy mà thấm thía. “Chiếc linh hồn nhỏ” kêu lên:

“Ðời lạnh thế, mình em sao chịu nổi.”

Run cầm cập, nên tình cờ chứng kiến cảnh buông xuôi bèn miên man tưởng tượng:

“Ai chết đó? Trục xoay và bánh đẩy,
Xe tang đi về tận thế giới nào?
(...)
Ðường sá lạ thôi lạnh lùng biết mấy!”


rồi lên tiếng van nài:

“Không gian ôi, xin hẹp bớt mông mênh.”

Nhưng vô ích. Kết cuộc bao giờ cũng thế và “nỗi rét” luôn còn nguyên vẹn:

“Lạnh lùng biết mấy tấm thân xương!
(...)
Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn?”


Cái lạnh dường như là đầu của gần mọi mối trong Lửa thiêng, là nguyên do cần “lửa thiêng”.

Những thứ trái kỳ dị như “trái sầu”, và có lẽ cả những loại bình lạ lùng như “bình tội lỗi”, e cũng đều tự cái lạnh tỏa xuống từ “xa biếc” mà ra cả.

Cảm nghe từ ngày thơ bé

Theo Xuân Diệu, “mênh mông bao giờ cũng buồn” mà “Huy Cận thì quá cảm nghe cái mênh mông”.(4)

Tại sao “thì”?

Lần dở Hồi ký... Tuổi nhỏ...

“Ôi những trưa hè trời xanh ngắt, vắng bóng mây, hai chú cháu chạy (thả diều) giữa cánh đồng rộng hay trên bãi cát dài ven sông! Có phải đó là những cảm giác không gian đầu tiên, cảm giác bát ngát về sau nó nhập vào thơ tôi thành một thứ ám ảnh, thành một hơi thở tự nhiên trong các bài thơ, cái hơi thở của bát ngát, của mênh mông, của trời đất.”

Trời cao đồng rộng bãi dài gây cảm giác không gian. Rồi bóng núi Mồng Ga sớm phủ xuống xóm làng cũng gây cảm giác không gian. Rồi một bầy ong “trại” (bỏ tổ) cũng tác động hết sức mạnh mẽ lên tâm hồn đặc biệt nhậy cảm của người thiếu niên:

“Ong trại! trời ơi, một mảnh hồn
Của nhà bay vút bỏ sơn thôn.”


Huy Cận hồi tưởng: “... ý thơ vũ trụ, cái xa xôi vắng vẻ sau này ám ảnh tôi, ngày thơ bé tôi đã nghe rồi, mỗi lần ong trại.”(5)

Tất cả những cái mà “tôi” thấy ở quê tôi dĩ nhiên tất cả mọi người xung quanh cũng đều thấy. Nhưng mọi người thấy mà không ai “cảm nghe” như tôi. Chỉ tôi mới cảm nghe được cái mênh mông của vũ trụ, để mà buồn, mà run cầm cập!

Trong cuốn tiểu luận về sự nghiệp thơ của người bạn tâm giao, Xuân Diệu khẳng định:

“Mạch rung cảm lớn trong 50 năm thơ Huy Cận: những rung cảm vũ trụ”, “Vũ trụ (...) giăng trong suốt cả thơ Huy Cận.”(6)

Như trong có lẽ đa số trường hợp, ở đây cái ám ảnh “giăng” suốt một sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật thành công đã xuất hiện từ lúc người nghệ sĩ còn chưa trưởng thành. Cụ thể, cái “mạch rung cảm” độc đáo giúp làm nên thi nghiệp Huy Cận, mạch ấy đã được khơi nguồn bằng những hình ảnh cái bé giữa cái lớn, như người giữa đồng rộng bãi dài, xóm làng trong bóng núi, hay cái rất bé giữa cái rất lớn, như cánh diều bay tít trời xa, bầy ong bay vút trời gần...

Mênh mông dần dần thôi rét

Huy Cận làm thơ trên một bối cảnh lịch sử hết sức đặc biệt. Giữa bể dâu dồn dập mà vẫn giữ được bình thản để tiếp tục “vũ trụ thi”(7), nhà thơ thực may mắn quá.

Không gian mênh mông bất biến, nhưng cảm xúc không gian của Huy Cận có “biến”. Sau Lửa thiêng, nhà thơ bắt đầu làm một số “vũ trụ ca” vui. Sau Cách mạng, toàn vui!

Hãy bàn ngay đến những sáng tác từ 1945. Trước tiên để ý lịch sinh hoạt mới khiến thi sĩ phải tìm thi hứng chủ yếu về đêm (8), nên trong thơ bây giờ sao nhiều chi chít.

Nào

“Ta ngồi mảnh sáng giữa đêm khuya
Vở hết trang rồi, viết đến bìa
Nhìn thẳm ra đêm trang vũ trụ
Chữ vàng sao rụng ném thia lia.”


Nào

“Mở cửa trông; sao sáng từng bầy
Như xúm xít uống những hồ leo lẻo
Trong những đáy trời xa vạn nẻo.
Có những đêm gió dậy thình lình
Như sự sống bỗng dài thêm kích thước
Như cuộn thước tròn bỗng mở đo xa...”


Nào

“Ðậu cành vũ trụ hoa đêm
Chùm sao vũ trụ có thêm bồi hồi?
Giữa mùa tình tự sao ơi,
Gió đi gió đến tuyệt vời cánh mây
Có chi náo nức trải bày
Mà sinh ra gió đêm ngày trở trăn?”


Nào

“Ðêm lạnh tầng xanh đón gió cao
Gió là mối lái giữa trăng sao
Ai trong thăm thẳm treo cầu gió
Cho nỗi niềm xa đến với nhau.”


Ðọc kỹ những đoạn thơ trên, ta chợt nhận ra, ngoài sao, còn có gió, thật nhiều gió. Gió gọi bên ngoài:

“Ai gọi ngoài kia, gió hay đêm,
Ai khua bên cửa, đến bên thềm?
Lòng ôi hãy dậy cùng trời đất,
Không thể nằm yên, hết ngủ êm.”


Gió thức bên trong:

“Có những đêm gió dậy thình lình
Như chợt thức một niềm chi xao xuyến
(...)
... Có phải thân ta có một bề hoa lá
Và một bề gió thổi không ngưng...”


Dĩ nhiên đây không phải gió Lào gió Miên chi cả, mà gió ngoài vũ trụ, gió giữa trăng sao!

Xuân Diệu có để ý và tìm cách giải mã tín hiệu lạ lùng trong thơ bạn: “phải chăng vũ trụ có (...) nỗi niềm (...) mượn gió (...) để hé ra chút ít bí mật? Gió (...) như nêu vấn đề, như nhắc vấn đề (...) gió khiến (...) không gian rộng xa hơn nữa (...) Gió chỉ có trong khí quyển của Trái đất (...) nhưng trong cảm xúc (...) của chúng ta gió là liên lạc giữa (...) ta và (...) vũ trụ.”(9)

Thực khó hiểu. Chỉ biết thứ gió “giao liên” như thế khi thì

“Có những ban mai ta với ta
Thoáng từ vũ trụ gió vô nhà”


khi lại

“Thật lạ lùng ngọn gió
Như bay tự hồn ta”
!

Vẫn Xuân Diệu kiên nhẫn giải thích: “gió là động tác, tức là thời gian”.(10)

Có phải gió thay mưa, vốn từng giữ nhịp cho Lửa thiêng?

Dù sao, mưa xưa rét lắm, còn gió nay thì không rét.

Vũ trụ trước sau lúc nào cũng thế, chuyện gì đã xảy đến với đời mình khiến thi sĩ bỗng dần bớt, rồi rút cuộc thôi hẳn những lời than rét?...

Nhờ nhà thơ dần dần “sống đúng”

Tìm hiểu Huy Cận, chi bằng lắng chính lời Huy Cận:

“Sự nhạy cảm với nhịp tuần hoàn trong vũ trụ là một chỉ số về sự khỏe khoắn (...) của tâm hồn (...) cần thiết (...) để giữ thế cân bằng giữa cơ thể nhỏ của bản thân ta và cơ thể lớn là toàn bộ thiên nhiên, trời đất...”(11)

Thiết tưởng trường hợp tâm hồn nghệ sĩ lớn ấy thì “chỉ số” lúc nào cũng rất cao, “thế cân bằng” giữa Nhỏ và Lớn bao giờ cũng rất bền. Tại sao độ “nhạy cảm với nhịp tuần hoàn trong vũ trụ” không thay đổi, mà trước rét run cầm cập sau thấy đời ấm ran?

Huy Cận giải thích: “Con người sống trong vũ trụ và sống trong xã hội. Sống với vũ trụ và sống với xã hội (...) Sống đúng trong xã hội, ta không còn cảm thấy cô đơn trong vũ trụ bao la (...) ta (...) không còn choáng ngợp, không còn run chân”.(12)

Không phải bất cứ ai cũng thấy mình “sống đúng trong xã hội”. Ðã nói một người “số đỏ”!

Chân thôi run, hồn thôi choáng ngợp, thì cái cảm nghe cũng trở nên khác:

“Mỗi lần đi dọc bờ biển, ta lại có một xao động kỳ lạ trong người: nửa thấy đời đang tiếp tục nảy sinh, dạt dào, vô tận; nửa lại thấy như sự sống đã cổ, đã vững chãi, yên đằm. Ta đi trên biên giới của cái biến đổi và cái định hình (...) Cảm giác Biển và cảm giác Ðất hòa lẫn trong nhịp thở, trong nhịp máu của ta”.(13)

Này, có phải thơ vũ trụ của Huy Cận bây giờ chẳng những không “run chân” mà có lúc còn như muốn “hí” muốn “chồm”:

“Sóng trắng bờm phi hí gió mai
Mây bay tới tấp ngộp chân trời
Phải chăng vũ trụ thừa dư sức
Thỉnh thoảng chồm lên như trẻ chơi.”


Ðã xa lắm rồi cái thời tiền chiến, khi người thi sĩ trẻ trong đêm mưa “trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe” “... ta buồn buồn”.

Bây giờ, đêm đêm nhà thơ trung niên “nhìn thẳm ra đêm trang vũ trụ”, trông sao mà thấy... tăm rượu:

“Rượu nào bát ngát sủi tăm
Ngất ngây vũ trụ, ru trầm thời gian”!

Bể dâu của một đời người, sao mà có hậu.

Nhưng ở đây tưởng bất cứ ai yêu thơ cũng đều gặp may. Vì dù trước hay sau, “rét” hay không, “run chân” hay “thỉnh thoảng chồm lên”, thì những bài ca vũ trụ của Huy Cận vẫn độc đáo tuyệt vời.



Thu Tứ























______________
(1) Vũ Ngọc Phan,
Nhà văn hiện đại, quyển ba, tr. 791.
(2) VNP, sđd., quyển ba, tr. 789.
(3) Trong lời tựa cho
Lửa thiêng, do Xuân Diệu viết.
(4) Xuân Diệu,
Thế giới thơ Huy Cận, nxb. Trẻ, VN, 1987.
(5) Huy Cận,
Hồi ký song đôi - Tuổi nhỏ Huy Cận, Xuân Diệu, nxb. Hội Nhà Văn, VN, 2002, tr. 32.
(6) XD, sđd., tr. 21.
(7) HC có tập thơ nhan đề
Vũ trụ ca, chưa xuất bản.
(8) XD, sđd., tr. 113-114.
(9) XD, sđd., tr. 115.
(10) Huy Cận, dẫn theo XD, sđd., tr. 109-110.
(11) Tuyển tập Huy Cận II - Thơ và văn xuôi.
(12) HC, dẫn theo XD, sđd., tr. 93.