Võ Phiến lại kể chuyện ma. Khác với con ma chuông trong Ðến Khi Ma Chết, trong cái truyện sau đây kẻ nào đó trở về từ thế giới bên kia không chọn trêu riêng ai, mà “hiện” ra để “nhát” tất cả mọi người.

À, nhưng tuy con “ma cười” quái gở này không cố ý làm như thế, thực ra, cuối cùng, nó cũng đã khiến chỉ một mình “tôi” phải nhớ hoài đến nó. Sau khi những chuỗi cười “rang rảng” ma quái đã tắt hẳn trong tai mọi người hàng bao nhiêu năm, riêng trong lòng tôi những cảm xúc “tán loạn” một đêm xưa thỉnh thoảng vẫn còn hiện về... Lại à, mà biết đâu “nó” không ám dai dẳng chỉ một mình tôi, biết đâu nó cũng thỉnh thoảng còn hiện về trong lòng “em tôi”?

(Thu Tứ)



Võ Phiến, “Anh em” (1)




Tôi ngồi bên giường bệnh của chú tôi đã lâu quá rồi. Trong nhà chỉ có một chú một cháu, không lấy ai thay đổi săn sóc. Nhân một lúc thấy chú nằm yên không trăn trở , tôi bưng chiếc ghế đến ngồi bên cửa sổ, trông ra ngoài vườn. Trời về thu, khí trời đã lạnh, màu trời đục. Tôi nhìn một con chim sẻ nhỏ xíu đậu trên một nóc nhà ở giữa xóm, mái ngói đã đen màu. Con chim rất bé và đậu im, nhưng nhờ hình dáng nó in rõ quá lên nền trời nên vẫn trông được từ xa. Mỗi lúc tôi mỗi ngạc nhiên nhận thấy mình có thể phân biệt được những chi tiết thật nhỏ nhặt: cái đuôi, cái đầu, cho đến cái mỏ con chim... Trên màu trời yên tĩnh của mùa thu, những chi tiết đó hiện rõ như được phóng đại....

Khi tôi quay đầu lại thì chú tôi đã tắt thở. Một lá màn phất dịu dàng. Gương mặt chú tôi buồn thiu. Tôi không ngờ sau bao nhiêu lo lắng sợ hãi, cái chết lại đến giản dị như vậy. Ðến như một người quen biết, vừa tự nhiên vừa thân mật. Trong lúc tôi ngồi nhìn lá màn trắng và gương mặt buồn thiu của chú tôi, thì bên tai nghe vang đến từ rất xa, có lẽ từ bên xóm Ðế, tiếng búa thợ rèn đập trên đe. Cái tiếng rắn rỏi gióng lên đều đều ấy làm nổi bật cảnh vắng vẻ im lặng của xóm làng.

Ðây là lần đầu tiên tôi được trông thấy chú tôi tỏ một thái độ điềm nhiên dễ dãi. Chú nghỉ sống lúc nào tôi không hay. Chú đón tiếp tử thần không hề có một lời qua tiếng lại. Không có một nét nhăn cau có, đau đớn, khó chịu trên vẻ mặt. Bình sinh tôi chưa hề thấy chú tôi chịu chấp nhận một điều gì mà không cự nự, biện luận dài dòng. Hoá ra đối với cái chết chú lại rộng lượng hơn đối với mọi sự xảy đến trong suốt một đời sống.

Lúc sinh thời, chú tôi coi mọi chuyện đều là quan trọng, cho nên không thể không bàn cãi đắn đo đến cùng trước khi quyết định. Cũng do đó mà trọn đời chú tôi chẳng kịp có thì giờ quyết định được bao nhiêu việc. Những sự việc khác không được xét đến, chúng cứ vô phép tự tiện xảy tới, hoàn toàn trái nghịch với ý muốn chú tôi. Rồi thì lại chính vì lẽ đó mà chú tôi càng tức giận, càng nghiêm khắc, cẩn tắc, đắn đo kỹ lưỡng. Kết quả là chú quyết định thêm ít việc, mà những điều xảy đến ngoài sự quyết định càng thêm nhiều.

Cũng có thể giải thích rằng một cá tính như thế không do ở chú tôi, mà do tại một hoàn cảnh. Thuở còn bé cho đến khi chú tôi được trên ba mươi tuổi mọi việc gia đình đều do ông bà tôi định đoạt. Rồi từ ngày ông bà tôi mất đi thì thím tôi trù tính sắp đặt công việc đồng áng, chuyện làm ăn và cả việc học hành của các em tôi, khiến chú tôi được hoàn toàn rảnh rang cả về trí óc lẫn thân xác. Chú tôi nhiều lần tỏ rõ cái hảo ý muốn tham gia công việc. Chẳng hạn khi thím tôi đang ngồi vót đũa thì chú tôi đến bên cạnh tò mò theo dõi, nhíu mắt lại xem xét phê bình rằng thím cầm rựa vụng về, ra hanh đũa không đều, chuốt đũa không láng v.v. Rồi chú phàn nàn, chê bai, lắc đầu thất vọng. Thím tôi bực mình, buông cái rựa xuống nói:

- Ðó! Ông giỏi thì vót đi.

Chú tôi hăm hở cầm lấy rựa, đeo kính lên mắt, đưa hanh đũa ngắm qua ngắm lại, ấn lên đầu gối mà uốn cho thẳng. Tôi chắc những nhà chuyên môn giải phẩu tim óc mà trông thấy chú tôi lúc đó thì cũng thầm ao ước được trời phú cho mình cái tính cẩn tắc như thế. Chú tôi ngắm nghía uốn nắn mãi, rồi mới ra tay chuốt một đường. Hai tay chú run lẩy bẩy, và miệng luôn luôn hít từng hơi dài, vì sự tập trung tư tưởng cao độ ở đây lại có hậu quả kỳ cục là khiến cho nước dãi của chú tôi cứ chực nhểu ra hai bên mép.

Thím tôi nhìn qua cảnh tượng khốn khổ ấy, rồi vùng vằng giật lấy cây rựa trong tay chú:

- Thôi đi! Vót mấy đôi đũa tre cho trẻ con nó ăn cơm, chứ có phải chuốt đũa ngà dâng vua đâu mà cực khổ vậy?

Chúng tôi phá lên cười. Thím tôi quày quã, càng mạnh tay vót bừa, cẩu thả hơn trước. Còn chú tôi càng thất vọng, chê bai, và ngồi giải thích rất lâu về cách thức chuốt đũa.

Tôi cũng nhớ có lần chú tôi sốt sắng can thiệp vào việc học hành của các em tôi. Nguyên là cuối năm học ấy thằng Tân, em trai tôi, được lãnh một phần thưởng ở nhà trường. Chú tôi lấy làm khoái thích, và đột nhiên thấy có trách nhiệm phải khuyến khích cái mầm non anh tài đó. Nhưng khuyến khích hướng dẫn nó bằng cách nào? Chú tôi thân mật vào thăm phòng học của nó, giảng giải năm ba câu, rồi liền nảy ra cái ý rằng điều thiếu sót cần bổ túc gấp là đề ra cho nó những lời dạy bảo của cổ nhân để nó ngày đêm tâm niệm, như vậy là hơn hết mọi cách dạy dỗ. Chú tôi chọn một hình thức giáo dục mới, là viết thật đẹp những câu như “Hữu chí cánh thành”, “Chí lạc mạc như độc thư” v.v., vô khung thật kỹ, rồi đem treo lên bốn bức vách thư phòng. Các công việc viết chữ, cắt chữ, làm khung v.v. đặt ra nhiều vấn đề chi tiết khiến chú tôi suy nghĩ nhọc nhằn. Ðến khi mấy lời ý nghĩa của cổ nhân hoàn thành, hai cha con nâng treo lên vách thì mùa hè đã sắp mãn.

Việc dạy con chỉ là việc tình cờ của một mùa hè. Mùa đó qua rồi, không biết tại sao từ ấy chẳng bao giờ tôi được nghe chú tôi săn sóc đến việc học hành của em Tân nữa.

Nhưng trong lòng tôi, việc học hành của các em họ tôi còn để lại một kỷ niệm không sao nhòa được.

Số là năm lên mười ba tuổi tôi đậu bằng tiểu học, cái bằng tiểu học đầu tiên trong xóm. Chiếu theo những tục lệ cổ truyền đẹp đẽ dân chúng trong làng gọi tất cả những người đậu tiểu học bằng thầy. Do đó tôi cũng thành một thầy.

Nhưng trong số các thầy, chắc chắn tôi là thầy kém may mắn nhất. Trong lúc tôi đang xun xoe muốn chứng minh sự quan trọng của mình thì thím tôi có ý kiến muốn nhờ tôi chỉ thêm cho em Tân và dạy vỡ lòng cho Hạnh, em gái của Tân. Tôi long trọng bày ra đầy đủ bàn ghế cho một thầy và hai trò . Buổi khai giảng có thím tôi và má tôi rình ở dưới bếp lấp ló mỉm cười trông lên cho đủ phần trọng thể . Tôi đã chuẩn bị kỹ càng để có cái vẻ nghiêm nghị đúng mức của một ông thầy. Chỉ có một điều tôi không liệu đến, ấy là chuẩn bị một thái độ hiểu biết, nhẫn nại để chống với những bực dọc trong khi hướng dẫn học sinh . Vả lại trong hai kẻ môn đồ thì nói cho đúng học lực của Tân cũng gần suýt soát như tôi nên tôi thường lơ đi, tất cả sự sốt sắng của tôi dồn cả vào người em gái . Từ giờ này qua giờ khác, người học trò độc nhất ấy cứ luôn luôn bị canh giữ, như phải cõng một ông thầy dính liền trên lưng. Tình trạng ấy chẳng mấy chốc làm cho em tôi bực mình quẫn trí, mà cũng làm cho tôi phát cáu . Những ngọn thước đầu tiên quất xuống vai em tôi là thuộc về phần thủ tục không sao tránh khỏi. Ðiều đáng trách là tiếp theo đó, không có buổi học nào không làm tuôn rất nhiều nước mắt của em tôi .

Lớp học kéo dài chưa đầy một tuần lễ thì tôi đã linh cảm thấy nó không có số trường tho . Nhưng chẳng có ai kịp thời ra lệnh chấm dứt nó. Thím tôi thì thầm với chú tôi. Một buổi tối, sau nhiều lần đắn đo thận trọng, chú gọi tôi đến giải thích về ý nghĩa của hai chữ giáo huấn. “Cổ nhân đã đặt ra môt chữ có nghĩa là dạy, kèm theo một chữ có nghĩa là dỗ, vậy đủ rõ cái roi không thuộc về những phát kiến của cổ nhân. Ta không nên làm sai lệch ý nghĩa một danh từ đẹp đẽ như thế.” Tôi im lặng ngồi nghe, hoàn toàn đồng ý với chú .

Nhưng ngay sáng hôm sau tôi gặp một trường hợp khó khăn. Và trước khi kịp nhớ lời cổ nhân thì tôi đã chụp cây thước quất đứa em.

Tôi vừa vụt đến thước thứ hai thì bất ngờ em tôi đường hoàng đứng dậy, tuyên bố thẳng thắn, rành rọt là không thèm học với tôi nữa. Tôi chồm lên trả thù cho lòng tự ái. Tôi đánh đá bằng cả hai tay và hai chân. Em tôi vùng chạy. Tôi rượt theo. Em tôi ngã xuống đầu sân, miệng không ngớt la: “Tôi không thèm học với anh nữa!” Tôi đâm nhào đến, đấm đá túi bụi như chính mình đang ở trong một thế nguy thập tử nhất sinh, phải tận lực chống trả, nếu ngừng tay lại là bị tiêu diệt tức khắc. Tôi không biết được từ khi em tôi ngã xuống cho đến khi má tôi kịp chạy đến gỡ tôi ra là bao lâu.

Lớp học giải tán. Cả nhà buồn bã. Anh em tôi cảm thấy trẽn tràng, về sau khá lâu chưa dám gặp mặt để chơi với nhau. Rồi hết hè, vì đã là một thầy đậu tiểu học, tôi phải đi học trên tỉnh. Rồi ba tôi đi làm ăn xa, mang cả gia đình theo. Từ đó anh em tôi xa cách lâu dài.

Ở xa, những năm sau, tôi đã nghe nhiều lần về cảnh lụn bại trong gia đình chú tôi từ khi thím tôi qua đời. Những chuyện đó hoặc do người quen biết ở quê hương ghé chơi nhà tôi rồi kể lại, hoặc do thư từ của chú tôi, dần dần tích lũy thành một kho chuyện khá ly kỳ huyền hoặc mà các đứa em nhỏ của tôi lấy làm thích thú. Chỗ ly kỳ không phải là ở sự nghèo túng của chú tôi. Số là sau khi gia đình bắt đầu gặp vận đen thì ma quỷ ở đâu bỗng hùa đến xuất hiện, quấy nhiễu.

Tôi được nghe nói rằng một hôm chú tôi để ba quả chanh trên bàn. Sáng hôm sau cầm lên thấy nhẹ khác thường. Bóp thì xẹp lại. Quả là chanh không còn chút ruột nào nữa, mà nhìn lại không có dấu rách ngoài vỏ.

Thỉnh thoảng gặp lúc trong nhà vắng vẻ, ít có tiếng người khua động, liền xuất hiện những hoạt động của ma quỷ. Chẳng hạn, mọi người bỗng nghe có tiếng cười rúc rích trong buồng. Nếu ai nấy giữ yên lặng thì tiếng cười càng lúc càng to vang nhà. Âm thanh rang rảng, gần đến nỗi người nhà rờn rợn tưởng chừng sắp thấy con quái vật hiện ra sát ngay bên mình, gần đến nỗi mỗi người nhà đều tưởng chừng như hơi thở của con ma nào đó đang hắt lên mái tóc mình. Khi có người quát lên thật lớn thì tiếng ma im phắc. Hiện tượng thật là kinh khủng vì nó quá rõ ràng khiến ta không thể nghi ngờ giác quan mình đã lầm lẫn: kìa con chim sẻ đậu trên một nhánh cam bên hè vẫn còn đậu đó, con chó đang nằm sát mõm trên nền nhà vừa ngẩng đầu lên vểnh tai chú ý đến tiếng cười vẫn còn nằm đó, hiển nhiên tất cả những hiện tượng ma và không ma đều thực như nhau!

Có người kể rằng một buổi sáng chú tôi ngồi nói chuyện ngoài hiên với người khách già là ông học Phả bên thôn Tân Kiều. Bỗng nghe trong lẫm lúa có tiếng động lẹt xẹt. Ban đầu âm thanh rụt rè như tiếng con rắn mối bò ngang trên đống rơm khô. Rồi rõ lên như tiếng xiết mạnh sợi dây xung quanh một bồ lúa đầy. Chú tôi chợt nghi ngờ: trong lẫm có một cà tăng lúa vừa mới đổ đầy nhưng vòng dây dừa quấn xung quanh cà tăng hai người đàn ông lực lưỡng không dễ xê xích nổi. Thế mà tiếng kéo dây mỗi lúc một mạnh. Rồi nghe như trong lẫm có tiếng chân người tranh nhau chạy dồn dập lộn xộn, xô đẩy nhau. Chú tôi cùng với người khác đứng dậy đi vào lẫm. Hai người vừa đặt chân vào đến cửa lẫm thì bên trong im bặt như không. Chú tôi vào bên cà tăng lúa, sờ thử lên vòng dây dừa, thấy lỏng xễ xuống.

Trong bao nhiêu năm, về chuyện gia đình chú tôi chỉ còn có ma quỷ là quan trọng. Cho đến nỗi tôi quên bẵng không biết số phận của các em tôi như thế nào .

Năm mười bảy tuổi mới có lần tôi về Khánh Xuân thăm chú. Cảm tưởng của tôi bấy giờ có lẽ không giống cảm tưởng một người đi về quê hương mình mà giống như đi về quê hương của Bồ Tùng Linh. Tôi nghĩ đến quỷ nhiều hơn là nghĩ đến chú với em. Cho nên khi bước vào khỏi cổng nhà, trông thấy chú tôi và em Hạnh đang cào thóc trước sân thì tôi gần như là thất vọng. Như thế thật là bất ngờ: cảnh nhà chú tôi chỉ có vậy sao ?

Tôi ngạc nhiên ngắm chú tôi: trông chú khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, gọn gàng hơn trước. Em Hạnh thuật lại rằng từ khi chú quên đi một ít lời dặn của cổ nhân và chịu gặt lúa, cào lúa theo lối thông thường thì tay chân chú bớt lập cập vụng về đi nhiều.

Hạnh cũng lớn lên nhiều. Em tôi hồng hào, tròn trịa, sắp thành con gái hẳn hoi. Trong một cái nhìn rất nhanh và thông minh, em tôi điểm qua tất cả những gì thay đổi nơi tôi, từ cử chỉ đến y phục. Em tôi không còn bé bỏng, và tôi biến thành một người con trai xa lạ vì ba bốn năm sinh sống ở thị thành. Trong một thoáng chúng tôi nhận định tình thế và trở nên dè dặt.

Tôi chưa dám hỏi một câu về những chuyện hoang đường. Bởi vậy mà trí cứ lởn vởn nghi hoặc. Trong bữa cơm chiều, lúc cầm trái ớt bẻ đôi nghe kêu “bộp” một tiếng, nhìn thấy ruột trái ớt rỗng hoác, tôi sắp sửa kinh hoàng như sờ phải tay quỷ, trước khi kịp nghĩ rằng ruột ớt vốn không đặc như ruột trái chanh.

Ăn cơm xong Tân lại ra đồng. Tân vẫn còn học, nhưng nó thạo cả công việc đồng áng. Trông nó đen điu, da thịt rắn chắc, và già dặn hơn tôi về mọi mặt. Tôi muốn đi dạo ngoài đồng một lát với nó, nhưng nó cười bảo:

- Ði làm gì anh. Trời tối, bờ ruộng nhỏ, vấp lên vấp xuống, thú vị gì . Anh ở nhà nói chuyện với thầy em, có lẽ đêm nay em về sớm.

Ở quê tôi không có sông, nên hiếm nước. Ðến tháng ba nhà nông phải vác cuốc đi tháo nước giữ nước, nhiều khi suốt đêm.

Chú cháu tôi ngồi nói chuyện ngoài hiên. Ðêm không trăng, sao sáng lao xao khắp trời. Khu vườn chú tôi rất rộng; trông ra bóng tối, bóng cây ùn lên từng đống lớn, đen lù lù, lắc lư cựa quậy chậm chạp theo hơi gió. Tiếng dế kêu ran lên khắp mặt đất. Quang cảnh và âm thanh đó không lạ gì. Nhưng những khi chú cháu tôi dừng nói mà tiếng dế nổi ran lên quá lâu tự nhiên tôi thấy lo lo.

Ðộ tám giờ rưỡi tối, chúng tôi nghe có tiếng kêu la văng vẳng ở phía cuối xóm, gần như tiếng la cháy nhà ở xa. Bước ra đầu sân lắng tai nghe kỹ lạ thì quả thực tiếng kêu la vẫn tiếp tục mỗi lúc một dồn dập, mà vẫn không rõ kêu la về việc gì. Bỗng một người đàn bà chạy vội vã vào, kể là Tân bắt gặp một đám ngựa thồ được thả ăn lén trong đám đậu phụng, nó bắt ngựa lại, bị bọn chủ ngựa vây đánh, nên nó kêu cứu.

Chú tôi và tôi chạy ra đến ngoài cổng, thì có tiếng Hạnh kêu nói gì léo nhéo, nhưng chúng tôi vẫn không ngừng. Chạy đến nơi thì chuyện đánh nhau đã xong rồi. Trên vạt đất trồng đậu phụng của chú tôi, bà con trong xóm kéo đến đông nghịt. Chú tôi vung rựa rẽ đám đông xông vào. Nhưng giữa đám ruộng, Tân đang đứng thản nhiên, một con ngựa gãy chân còn nằm bên cạnh. Nó đang phân trần rằng đã mười đêm rồi bọn chủ ngựa thồ cứ rình đến tối trời là thả ngựa vào ăn lá đậu. Tân đã cảnh cáo mấy lần, chúng vẫn không nghe. Lần này Tân bắt gặp, chúng giải thoát ngựa để phi tang, cuối cùng Tân đã chặt chân một con ngựa ngã xuống tại đám đỗ để làm bằng chứng .

Cơn giận lẩy bẩy của chú tôi với những phập phồng hồi hộp của tôi có vẻ ấu trĩ bên cạnh thái độ giản dị của Tân. Từ ngày thím tôi mất, nó đảm đương công việc gia đình. Nó đã quen xử việc quá rồi. Tôi còn đang đứng nhìn trân trối cái cảnh tượng thằng em tôi bên cạnh con ngựa nằm dưới ánh đuốc chập chờn loáng nhoáng. Chú tôi cũng chưa định làm ra sao, thì nó đã nói:

- Bây giờ thì mời làng. Thầy và anh Năm ở đây với tang vật, con đi mời.

Chú tôi tiến tới giữa vòng ánh sáng, cẩn thận đến sát bên con ngựa. Nhưng khi chú tôi sờ lên vai thấy thiếu mất cái khăn lông vẫn quấn luôn quanh cổ thì chú tôi hoảng hốt bối rối làm cho tôi càng luống cuống. Vị trí cái khăn lông chú tôi là phải ở quanh cổ. Một biến cố khiến cho khăn lìa mất đi là một biến cố lớn. Có lẽ tôi sắp sửa hỏi đến Tân xem phải cứu chú tôi như thế nào thì nó đã quay lại bảo:

- Thôi, có bà con đông đủ đây rồi, mình thầy ở lại đây cũng được, anh Năm đi về, vì một mình con Hạnh nó không dám ở nhà đâu.

Trong cách giải quyết đó cái khăn lông quấn cổ của chú tôi không được kể đến. Tuy vậy tôi và chú tôi đều thấy có lẽ phải.

Trên con đường đi về nhà mỗi lúc tôi mỗi xa tiếng ồn ào của đám đông. Rồi bên tai chỉ còn tiếng dế kêu tứ bề. Khi tôi bước vào cổng nhà chú tôi thì tự nhiên tiếng dế nghe rờn rợn.

Cửa nhà bếp bỏ ngỏ. Một ngọn đèn dầu lửa trên chiếc phản chiếu sáng không khắp gian nhà. Tôi nhắm đi về phía bếp, chỗ có ánh đèn. Bước vào đến nửa sân tôi nghe có tiếng rền rền trong nhà như ai đang lăn một cái chày to trên phản. Tôi vẫn bước tới. Ðặt chân lên hè, nghe tiếng rền càng lớn, rêm cả nền nhà. Không có một tiếng người. Tôi ngó quanh quất tìm Hạnh, chợt thấy nó đứng sững bên cạnh phản, mặt ngước nhìn lên phía diềm nhà. Quả thực tiếng kêu hình như phát ra do có một vật gì cực kỳ to lớn nặng nề đang lăn trên trần nhà, từ phía nóc xuống. Tiếng động làm rung chuyển cả vách tường, rêm rêm đến tận mặt đất. Hạnh khiếp sợ lặng người. Tôi nhìn theo nó, tưởng chừng chỉ trong giây lát cái vật ghê gớm ấy sẽ rớt xuống nền nhà, ngay truớc mặt chúng tôi.

Tôi kêu khẽ: “Hạnh!” Nó giật mình quay đầu lại, rồi lại ngó lên diềm nhà. Nó bước lùi dần về phía tôi. Bất giác tôi cũng lùi theo. Lưng tôi đã sát vào cánh cửa rồi, Hạnh vẫn cứ lùi. Khi nó đụng ép vào người tôi thì cả hai tay nó quơ mạnh về phía sau chụp lấy tay tôi nắm thật chặt. Nó nói gì nho nhỏ trong miệng. Tôi nghiêng tai sát vào mặt nó, nghe: “La, la lên! Anh la lên.”

Tiếng rền mỗi lúc mỗi to hơn, bấy giờ trên trần nhà nghe như long lở hết, như đang có cả một cỗ xe lăn đá của Công chánh trên ấy. Tôi quát lên một tiếng. Tự nhiên trong nhà vụt im phắc như trước đó không hề có gì xảy ra. Sát vào lòng tôi vẫn còn cái thân thể của Hạnh. Chúng tôi đứng trơ như thế một lúc, cái im lặng đột nhiên ập đến làm chúng tôi vừa ngơ ngác vừa sợ hãi.

Lúc Hạnh thả hai bàn tay tôi ra, tôi mới kịp chú ý đến tình thế. Ngực tôi còn dấu nóng của hai vai nó, bên mũi tôi phất lên cái mùi tóc khô và cái hơi âm ấm thơm nhẹ nhàng do da thịt nơi cổ nó má nó thở ra. Bất giác tôi nhích né tránh.

Tôi hỏi:

- Bây giờ làm sao ?

Hạnh bảo:

- Thôi. Xong rồi. Không có gì nữa đâu.

- ...?

- Lần nào cũng vậy. Có tiếng la lớn là “nó” im.

- Thế sao ban đầu em không la lên?

Hạnh đã mỉm cười được:

- Em sợ quá, kêu không nổi. Không khi nào em dám ở nhà một mình... Anh Tân có sao không anh?

- Không. Nhưng còn chờ làng xử...

Một luồng gió thổi vào làm xao ngọn đèn. Chúng tôi nhìn ra vườn. Qua cái cửa bỏ trống hoác, bên ngoài tối mịt mùng. Tiếng dế lại ran ran khắp mặt đất.

Chúng tôi nói chuyện về việc ngựa thồ ăn đỗ, về thím tôi, về sinh hoạt của gia đình tôi từ ngày ly hương. Có lần một câu nói khiến chúng tôi nghĩ đến kỷ niệm những ngày dạy học vỡ lòng hồi nhỏ, cả hai đều bồi hồi ngượng ngùng. Chúng tôi vội nói lảng qua những hiện tượng ma quái. Hạnh xác nhận rằng gần tất cả những điều tôi đã nghe kể lại đều có thực cả. Chú tôi không sợ hãi nhưng rất lo buồn. Tân đã tìm tòi lục soát khắp các xó xỉnh trong nhà, nhưng tuyệt nhiên không thấy gì; nó mua a ngùy ở tiệm thuốc bắc về đốt lên xông khắp nhà thì tiếng kêu im đi được một tháng rồi đâu lại hoàn đó. Hạnh thì mỗi lần nghe tiếng kêu, nếu không có ai bên cạnh là nó líu lưỡi lại. Tuy vậy Hạnh bảo rằng những hiện tượng này hoàn toàn vô hại . Ma quái ở đây chưa hề làm cho ai bị thương tật.

Chúng tôi nói chuyện luôn, không dám dứt lời. Mỗi lần lỡ ngưng lại hơi lâu, Hạnh liền ngước nhìn tôi lo ngại, giục giã. Tôi lại vội vàng lên tiếng. Cứ thế cho đến khi gà gáy. Chúng tôi không dám ngồi xa nhau, cũng không dám sát vào nhau, vừa lo ngại về sự gì bất ngờ có thể xảy đến, vừa thỉnh thoảng lén lút nghĩ đến những cảm giác vừa qua: tiếng rêm rêm như còn rung đến da thịt, chỗ ngực ấm vì vai tựa, mùi thơm con gái nhẹ nhàng... Bên ngoài, vườn vẫn tối đen, những con đom đóm vẽ từng vòng ánh sáng dịu dàng, như có ai quẹt từng vệt lân tinh dài bằng một ngòi bút lông mềm mại.

Gà gáy, chú tôi và Tân cùng về, mọi người đi ngủ. Hôm sau tôi tỉnh dậy thì thấy còn sớm quá. Tôi tính có lẽ mình ngủ không quá ba giờ đồng hồ. Tôi nhắm mắt nằm, nhưng một nỗi vui rạo rực vô cớ làm xao động cả người, khiến tôi muốn vùng dậy. Ngoài vườn hãy còn mờ mờ, có tiếng con gà mái dẫn một đàn con lít chít bước dọc theo hè.

Tôi đứng dậy, đến bên cửa sổ trông ra vườn. Tôi giật mình: có một bàn tay chống vào thân cây đu đủ bên cạnh ang nước, cổ tay trắng tròn, tay áo cuốn lên sát vào da. Thân người khuất sau góc tường nhà bếp. Em tôi thường dậy sớm vậy sao? Tôi xô một cánh cửa sổ. Bàn tay giật rút về, biến mất.

Biết rằng đời thỉnh thoảng có bày ra những trò ngẫu nhiên rắc rối. Chẳng vậy sao trong một đêm hôm qua lại vừa xảy chuyện Tân chém ngựa, vừa có ma hù nhát Hạnh để cho tôi sống những giây phút hoang mang tán loạn? Nhưng mà phút tán loạn qua rồi, mọi xao động lắng xuống rồi, tại sao trong trí tôi vẫn còn lởn vởn hình ảnh một cổ tay trắng tròn? Ðó thực là điều đáng giận.

Sau này nhà chú tôi hết ma, em Tân đã sống ra người có chí lớn, em Hạnh đã có chồng, thế mà lâu lâu tôi vẫn còn nghe như có cái gì khuấy động lòng mình, định tâm nhìn lại thì thấy một bàn tay thon thả! Sao mà dai dẳng lắm vậy? Do cái kỷ niệm tán loạn kia xảy ra khi tôi còn trẻ quá chăng? Tôi thì thích nghĩ rằng đó là một hình thức hoạt động của ma quái, hình thức phá quấy cuối cùng của con quỷ ở nhà chú tôi.

Thường lâu lắm tôi mới có dịp tìm gặp chú tôi. Trong những dịp ấy tôi lo ngại thăm dò nét mặt của chú như một kẻ lén lút nhìn trộm vào lương tâm mình. Khốn khổ cho tôi, lần nào chú tôi cũng có nét mặt khó khăn, không mãn nguyện. Tôi gờn gợn lo rằng chính cái bàn tay ma quái kia đã xua đùn nên những nét mặt cau có của chú. Chỉ đến phút cuối cùng, chú tôi mới có gương mặt bình thản như không có gì tiếc hận về cả một cuộc đời vừa kết thúc. Tôi nhìn xuống mặt chú, thở một hơi dài: chắc là cuối cùng chú đã có ý nghĩ khoan hồng cho tôi.


(còn tiếp)