Sự hình thành sân khấu chèo (01)




Thời kỳ phôi thai

(...)

Chèo đưa linh

Giả thuyết chúng tôi đã nêu lên về nguồn gốc của chèo được dẫn chứng thêm bởi một vài tài liệu - mà chúng tôi hiện có trong tay -, những tài liệu về một số nghi thức tế lễ dân gian hiện hữu chắc đã tự thời cổ sơ tuy hiện nay chỉ còn tồn tại ở một vài nơi.(1) Những nơi chúng tôi được biết nằm rải rác dọc miền duyên hải Trung Việt.(2)

Trước hết cần phải hiểu “chèo đưa linh” là gì?

Ðó là một nghi thức tế lễ mà trong đó những người hành lễ hát những bài hát có giọng điệu bi ai, kèm theo những động tác chèo thuyền. Những động tác nhịp nhàng và điệu cách hóa này có thể coi như những điệu múa sinh hoạt. Nghi thức này được cử hành trong những đám tang và hiện thời vẫn còn tồn tại ở những vạn hẻo lánh miền duyên hải Trung Việt từ Thừa Thiên chạy dài vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên. Nghi thức tang lễ này có liên hệ với cái lễ Tiwah của người Dayak đảo Bornéo hay không? Dựa vào những điểm tương đồng (nhiều hơn dị biệt) giữa hai nghi lễ, chúng tôi nghĩ rằng chúng có thể có những liên hệ xa xôi bắt nguồn từ một gốc chung: cái tín ngưỡng “thuyền vàng chở linh hồn người chết về miền Cực Lạc” (...) tín ngưỡng này phải đã xuất hiện (vào thời xa xưa lắm) (...) nên (...) mới có thể bắt rễ lâu đời vào nếp sống của dân tộc để tồn tại cho đến tận ngày nay, qua biết bao nhiêu biến chuyển trong xã hội. Do vậy, nghi thức tế lễ này có thể coi như có những liên hệ đặc biệt với nguồn gốc của bộ môn sân khấu chèo. Nhận định này sẽ thêm phần sáng tỏ khi chúng ta nghiên cứu sâu vào nội dung của bản văn “chèo đưa linh” ghi chép những lời chỉ dẫn cử hành ghi lễ với đầy đủ chi tiết múa và hát đòi hỏi nơi người hành lễ một căn bản vững vàng về ca và vũ. Bản văn kết cấu mạch lạc, gồm ba phần gọi là ba xuất (tạm coi là ba hồi): xuất lưu thuyền, xuất đình thuyền và xuất lui thuyền.(3) Trong ba xuất này thì xuất đầu và xuất cuối có thể coi như phần thuần túy nghi lễ.(4) Xuất giữa mang rõ tính cách trình diễn sân khấu có tuồng tích và nhân vật hẳn hòi chính là phần được “bội” thêm ra sau này.(5) Như vậy, nếu hai xuất đầu và cuối đã xuất hiện tự thuở xa xưa, thì xuất đình thuyền chỉ có thể ra đời vào thời kỳ chuyển tiếp, thời kỳ “chèo bội” (...)

Chúng tôi xin nêu thêm những nhận định sau đây về vở “chèo đưa linh”:

- Những điệu hát và nói lối (...) trong toàn thể bản văn đều theo hơi Nam, sắc thái bi ai thích hợp với không khí một tang lễ.

- Năm mươi câu hát gọi là bài nhại trong bản văn ở xuất lưu thuyền là 50 câu thơ lục bát, một thể văn vần thích hợp với đa số những điệu dân ca của cả ba miền Việt Nam.

- Bản văn này xuất xứ ở miền Trung. Chúng tôi tin chắc rằng phải có những bản “chèo đưa linh” miền Bắc và miền Nam. Như chúng tôi đã nhận định, nghi thức có thể thay đổi ít nhiều tùy theo địa phương mặc dầu nguồn gốc của chúng chỉ là một.


______________
(1) Những tài liệu này gồm bốn bản chép tay của bốn “vở chèo”: chèo đưa linh, chèo cầu ngư, chèo quốc tổ Hùng Vương và chèo cô hồn và trận vong tướng sĩ. Những tài liệu này do một sinh viên của chúng tôi ở trường Văn khoa viện Ðại học Ðà Lạt là anh Phạm Thùy Nhân đã cố gắng sưu tầm chép tay tại chỗ ở những vùng hẻo lánh miền duyên hải Trung Việt, nơi cư ngụ những nhóm ngư dân tập trung vào những địa điểm gọi là vạn. Anh Phạm Thùy Nhân lại cũng đã ghi chép được nhiều chi tiết của một buổi “trình diễn” “vở chèo đưa linh” mà anh đã được đích thân chứng kiến tại một vạn nhỏ thuộc tỉnh Phan Rí. Chúng tôi đã dựa vào những ghi chép đó để mô tả lại một cuộc lễ mà từ lâu do trực giác, chúng tôi vẫn ngờ ngợ, vẫn có linh tính rằng phải hiện hữu, khi suy nghĩ về nguồn gốc của chèo (...)
(2) Chúng tôi nghĩ rằng nghi lễ này chắc phải còn tồn tại ở một vài nơi khác ở miền Bắc Việt Nam. Dĩ nhiên nghi lễ có thể thay đổi ít nhiều về chi tiết cử hành tùy theo nếp sống địa phương, nhưng những điểm thiết yếu của nghi lễ chắc còn giữ nguyên như cũ, chắc phải tương tự ở khắp mọi nơi. Và chính điều đó sẽ chứng tỏ cái gốc chung xa xưa của nghi lễ, cái tín ngưỡng “chiếc thuyền vàng thần thoại thuở xưa”.
(3) Cả bốn “vở” đều kết cấu tương tự.
(4) Nội dung của hai xuất này, từ “vở” nọ qua “vở” kia, trong tất cả bốn “vở” chúng tôi hiện có, hầu như giống nhau ở những nét đại cương (số, tên và nhiệm vụ của nhân vật, lời ca, điệu hát...). Sự khác nhau, nếu có, là ở những chi tiết do trường hợp cử hành nghi lễ bắt buộc tạo ra.
(5) Mỗi vở có một xuất đình thuyền riêng biệt.


(Vũ Khắc Khoan,
Tìm hiểu sân khấu chèo, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr. 70-79)