“Triết thuyết Lão Tử” (6)

Nguyễn Hiến Lê




TÍNH CÁCH VÀ QUI LUẬT CỦA ĐẠO (tiếp theo)


Vô - Triết lý Vô

Vạn vật khi đã phát triển đến cực điểm thì bị “tổn” lần lần cho tới khi trở về “vô”. Vậy “vô” là chung cục trong một giai đoạn mà cũng là khởi điểm giai đoạn sau. Hơn nữa nó còn là “bản thủy của trời đất” (ch.1), như chương trên đã nói. Vì vậy Lão tử rất quí “vô”; có thể nói học thuyết của ông là học thuyết “vô”, ngược hẳn với học thuyết của các nhà khác.

Vô không có nghĩa là hoàn toàn không có gì, trái hẳn với hữu. Vô là vô sắc, vô thanh, vô hình đối với cảm quan của ta, như đạo. Vô có tính cách huyền diệu, huyền bí, nó sinh ra hữu, rồi hữu trở về vô, thành thử vô, hữu không tương phản mà tương thành.

Để cho ta thấy cái công dụng kì diệu của vô, Lão tử dùng nhiều hình ảnh mới mẻ, tài tình.

Chương 11 ông viết:

“Ba mươi tay hoa cùng qui vào một cái bầu, nhưng chính nhờ khoảng trống không trong cái bầu mà xe mới dùng được. Nhồi đất sét để làm chén bát, nhưng chính nhờ khoảng trống ở trong mà chén bát mới dùng được. Đục cửa và cửa sổ để làm nhà, chính nhờ cái trống không đó mà nhà mới dùng được.Vậy ta tưởng cái “có” [bầu, chén bát, nhà] có lợi cho ta mà thực ra cái “không” mới làm cho cái “có” hữu dụng”.

Chương 5 ông lại ví khoảng trống không giữa trời – tức không gian – như cái bễ, “hư không mà không kiệt, càng chuyển động hơi lại càng ra”.

Thật là ngược đời. Vương An Thạch đời Tống đã phản đối ông, đại ý bảo:

“Công dụng của cái bánh xe tuy ở chỗ trống giữa ba mươi sáu cái rẻ quạt châu lại, nhưng ở ngoài phải có vành tròn thì mới có chỗ trống ấy. Công dụng của các đồ đạt tuy ở chỗ trống của nhiều thứ đó, nhưng phải có cái vỏ chung quanh thì đồ đạc mới có chỗ trống. Công dụng của cái nhà tuy ở chỗ trống trong nhà nhưng phải có tường, vách, nền, mái thì cái nhà mới có chỗ trống. Như vậy thì những công dụng của các vật kia phải ở cái có, không ở cái không”.

Lão tử sống ở thời loạn, thấy người ta càng cứu loạn thì càng loạn thêm, cho nên ông chủ trương đừng hữu vi, đừng làm trái thiên nhiên, tức phải vô vi, do đó ông trọng “vô”; Vương An Thạch sống ở thời Trung Hoa suy nhược, muốn cứu nguy cho quốc gia, phải giảm quyền lợi của quí tộc mà tăng quyền cho triều đình, nên ông chủ trương cực hữu vi, can thiệp nhiều vào đời sống của dân, đặc biệt là của giới quí tộc, địa chủ, thương nhân, do đó mà trọng “hữu”. “Đạo khác nhau thì không cùng bàn với nhau được”. Vương phản đối Lão là lẽ đương nhiên, nhưng ông đã bất công, không chịu hiểu sâu tư tưởng của Lão: Lão trước sau vẫn nghĩ rằng “hữu vô tương thành”, phải có cả hai, không có cái “không” thì cái “có” vô dụng, mà không có cái “có” thì cái “không” cũng vô dụng như Vương nói. Giá như Vương kết luận rằng: “Như vậy thì những công dụng của các vật kia đều ở cả cái có lẫn cái không” thì chúng ta hoàn toàn đồng ý với ông.

Vì lấy “vô” làm gốc, Lão tử mới khuyên ta vô vi, vô ngôn, vô dục, vô sự (ch.57); cũng chính vì lấy “vô” làm gốc nên ông mới chủ trương tuyệt học, tuyệt thánh khí trí; cũng chính vì lấy “vô” làm gốc nên ông mới trọng sự hư tĩnh, tinh thần bất tranh và ông mới “ngoại kì thân, hậu kì thân” (ch.7). Một nửa nhân sinh quan, chính trị quan của ông xây dựng trên chữ “vô”.


(Nguyễn Hiến Lê,
Lão tử và Đạo Đức kinh)