Theo Vũ Khắc Khoan, chèo từ một “nền ca múa cổ sơ” biến thành một nghệ thuật sân khấu. Nếu thế, trong cái nghệ thuật sân khấu ấy (tức chèo như ta biết bây giờ), có còn chút dấu vết gì của lối múa chèo thuyền trong nền ca vũ cổ sơ không? (TT)



Nguồn gốc và danh xưng (3)




Bốn điểm trên (xem Tìm Hiểu Chèo - phần 2) (...) làm sáng tỏ đoạn tài liệu về đám tang vua Trần Nhân Tông ghi trong tập Vũ trung tùy bút của Phạm Ðình Hổ (...)

Ðọc lại đoạn văn trên, chúng ta không thể không để ý đến những danh từ “vãn ca”, phường “chèo bội”, đến sắc thái “bi ai” của điệu vãn ca, đến trường hợp “bắt chước lối vãn ca thời cổ” nghĩa là (...) dịp cử hành tang lễ. Hơn thế nữa, chúng ta cũng phải lưu ý tới chữ “chèo” vốn là một chữ Việt mà khi phiên ra chữ Hán, Phạm Ðình Hổ đã dùng chữ “trạo” là chèo thuyền, thay vì dùng chữ “trào” là trào phúng.

Và chúng ta có thể nghĩ rằng những bài vãn ca thời cổ mà Phạm Ðình Hổ đã nói đến (...) chính là những điệu hát cổ sơ thường được hát nhịp theo những động tác chèo một con thuyền tưởng tượng (con thuyền vàng thần thoại Dayak) để biểu diễn trong những dịp cử hành tang lễ (...) Và sau khi được triều đình nhà Trần chính thức sử dụng trong một dịp cực kỳ long trọng (...) thì lối hát vãn ca đó, vốn vẫn là một nghi thức thông thường trong những đám tang ngoài dân gian, đã được nâng lên địa vị một nghi thức tế tự trọng thể của triều đình, đã mang thêm giá trị một biểu hiệu của sự giàu sang phú quý và dĩ nhiên phải được “đời sau bắt chước”. Cử hành nghi thức tế lễ đó nghiễm nhiên trở thành một nghề. Người hành nghề họp thành một đoàn thể, một phường: phường chèo.

Dần dần theo đà tiến hóa của xã hội (...) tang lễ được tổ chức rườm rà thêm lên (...) “Con thuyền vàng thần thoại Dayak”, với ảnh hưởng của Phật giáo, đã từ lâu trở thành con thuyền Bát Nhã, một thứ nhà táng bằng nứa phất giấy trang hoàng như hình một chiếc thuyền và sẽ được đốt đi sau khi quan tài hạ huyệt, để chấm dứt tang lễ. Phần thiết yếu của nghi thức cổ sơ (...) dần dần bị lu mờ bởi phải “pha thêm lối tuồng, cũng đóng vai trò, vẽ mặt ra múa hát giễu cợt”. Chèo không còn là một nghi thức tang lễ thuần túy. Bên cạnh những điệu vãn ca cũ với những động tác chèo thuyền cổ sơ, chèo đã phải “bội” thêm một phần trình diễn gồm cả tuồng tích và nhân vật có hóa trang với những lời ca điệu múa mới, phức tạp hơn, để cả ca lẫn vũ có thể đáp ứng đúng mức nhu cầu mới của trình diễn đòi hỏi biểu hiện đủ mọi sắc thái của tình cảm con người với một mục đích thực tế khác hẳn mục đích tế tự ngày trước. Ðó là cái mục đích hấp dẫn những kẻ ngoài cuộc, những khán giả qua đường, mục đích “khoe khoang” sự giàu sang phú quý của gia đình người quá cố.

Chèo trở thành chèo bội, một hình thức hỗn hợp tiêu biểu cho giai đoạn chuyển tiếp của quá trình thay đổi từ một nghi thức tế lễ (...) (sang) một nghệ thuật sân khấu (...) Danh từ “chèo” xa dần nghĩa gốc và sẽ lìa hẳn (...) khi phần trình diễn là phần “bội” của “chèo bội” tách rời khỏi phần nghi lễ để (trở nên) một bộ môn sân khấu đích thực và biệt lập, khi “chèo” chỉ còn (...) chỉ thị chính bộ môn sân khấu đó.

*

Ðến đây (...) chúng tôi (...) (chính thức) nêu lên một giả thuyết (...)

Nguồn gốc của chèo là một nền ca vũ cổ sơ của dân tộc thường được biểu diễn trong những dịp tang lễ (...) lời ca than vãn là lời ly biệt và tiễn đưa người quá cố, điệu vũ hình dung những động tác chèo thuyền, chiếc thuyền thần thoại chở linh hồn người chết sang thế giới bên kia.

Chèo như một nghệ thuật sân khấu được phát triển trên cơ sở của nền ca vũ đó, bằng cách tiếp thu thêm nhiều điệu hát và điệu múa khác từ những nguồn hát và múa khác của dân tộc.

Do vậy chữ “chèo” không phải do chữ “trào” mà ra. (Sở dĩ có sự lầm lẫn như vậy là do hài tính của sân khấu chèo và do thói quen giải thích theo lối phát âm.)

“Chèo” ở gốc của nó chỉ thị một động tác: động tác chèo thuyền. Và “bội” phải hiểu là tăng thêm lên. Chèo có bội mới thực sự thoát khỏi khuôn khổ chật hẹp của một nghi thức tang lễ để trở thành một nghệ thuật sân khấu đích thực và biệt lập.

Một hệ luận khá quan trọng của giả thuyết này là nguồn gốc của chèo như vậy cũng là nguồn gốc của kịch nghệ Việt Nam bởi chèo là bộ môn sân khấu xuất hiện sớm nhất tại Việt Nam.

Hiện tượng “bội” nói trên thật ra không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà theo như chúng tôi hiểu, là một hiện tượng thông thường của sự hình thành của nghệ thuật sân khấu nói chung mà ở mọi nơi trên thế giới, hầu như một định luật, nguồn gốc vẫn mang tính cách tôn giáo. Ở Hy Lạp, kịch nghệ bắt nguồn từ nghi thức ca vũ tế thần Dionysos do một ban đồng ca biểu diễn và hình thành do ban đồng ca này tự phân hóa làm hai, để “bội” thêm những lời ca vấn đáp đối thoại.

Nhưng tại Việt Nam, hiện tượng “bội” ở bộ môn chèo (...) theo Phạm Ðình Hổ trong Vũ trung tùy bút, chỉ (mới) diễn ra từ thời Cảnh Hưng. Nhận định này có đúng không? Vấn đề này sẽ được đề cập tới trong chương sau, dành cho phần nghiên cứu sự hình thành của sân khấu chèo.


(Vũ Khắc Khoan,
Tìm hiểu sân khấu chèo, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr. 56-60)