“Tương tiến tửu”

của Lý Bạch




Rượu được “phát minh” mấy nghìn năm rồi nhỉ? Chỉ biết hình như đâu cũng có. Nơi nơi người người uống từ không biết bao giờ đến tận bây giờ, nhưng chỉ ở Á Đông xưa uống rượu mới có cái địa vị ngang hàng với những sinh hoạt tinh thần như đánh đàn, đánh cờ, làm thơ.

“Cầm kỳ thi tửu / Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi…” (Nguyễn Công Trứ). Ba “đường” kia hay lồ lộ, nhưng “tửu” thì hay ở cái chỗ nào? Ờ, nếu nghiêng bầu nâng chén chỉ vì bị ma men nó ám thì không có gì hay cả. Còn nếu “nghiêng nâng” là hình thức thể hiện đẹp đẽ của một tâm trạng hay cách nhìn đời hay triết lý thì lại khác.

Tâm ra sao, nhìn thế nào, triết gì? Tất cả có thế tóm tắt bằng một chữ: sầu. Có “sầu riêng” do đời bất như ý. Có sầu chung trước cảnh đời lắm nỗi, vận nước suy vong, dân tình khổ cực v.v. Lại có sầu chung mang tính cách triết lý, thường gọi là sầu vạn cổ. Buồn sao mà đến muôn đời? Đại khái, là buồn trước sự vô nghĩa của kiếp sống: “đời người như giấc chiêm bao”, buồn vì trông thấy đời trôi vùn vụt như “bóng câu qua cửa sổ”, buồn do nghiệm thấy tồn tại thật nhạt nhẽo, “đáng chán”… Mối sầu chung này nó tự dựng nên một cái “Thành Sầu” trong nội tâm người trí thức Á Đông xưa, song song tồn tại với quan niệm sống tích cực.

Say mà do sầu là say không rỗng. Nhờ có chứa kết quả của hoạt động tinh thần, nên nó mới ngang hàng...

*

Bốn “đường” vừa nói trên có thể chia thành hai cặp. Người đàn tạo ra âm thanh, người thơ làm ra bài thơ, cả hai đều có “sản phẩm”. Trong khi người đánh cờ và người uống rượu tuyệt nhiên không “sản xuất”. Cái hay của kỳ, tửu, nó ở ngay cái dáng vẻ của người “ăn chơi”. Vì đây người chơi chính là tác phẩm, do đó muốn nên hay, khi đánh cờ ta phải từ tốn, nhã nhặn, điềm đạm, ung dung, còn khi uống rượu phải rộng rãi, phóng khoáng, hào sảng… Không phải làm ra cái gì cả, nhưng nếu láu táu hay tính toán thì cờ dù giỏi như Đế Thiên Đế Thích, rượu dù giỏi như Lưu Linh, cũng không thuộc vào bộ tứ đâu!

Tửu với kỳ tuy có chỗ giống nhau, nhưng không tương tác. Trong khi tửu với thi có thể tương tác rất mạnh: “Rượu say, thơ lại khơi nguồn / Nên thơ, rượu cũng thêm ngon giọng tình” (Tản Đà). Rượu vào thơ ra, rồi thơ ra lại khiến rượu vào v.v. Nghĩa là, tuy tửu không trực tiếp sản xuất, nhưng nếu tửu đồ cũng là thi sĩ, thì tửu thúc đẩy sản xuất. “Cho vơi hũ rượu, cho đầy túi thơ”(TĐ), say mà nên thơ được thì sao không đáng cạn chén rồi lại cạn chén…

*

Cái tửu của Lý Bạch nó ra sao nhỉ? Điển hình, tới bến, quá bến! Quá xa đến nỗi có người đổ cho nó cái tội giết “thi tiên”. Kể ra, say rồi nhảy xuống sông ôm bóng trăng để không bao giờ được say nữa là một lối lìa đời có phong cách lãng mạn đẹp đẽ y như chính lối sống và lối thơ của con người độc đáo ấy. Nhắc say sưa, sực nhớ Khổng Tử. Đạo Nho không có tửu giới, người quân tử vẫn được nâng chén, miễn đừng quá chén. A, cái cuộc rượu đêm xửa xưa nào là một cuộc dấy loạn chống lại trung dung. Để ý tham gia “khởi nghĩa” có cả “phu tử” và “sinh”!

Còn “Tương tiến tửu” nghĩa lý thế nào? Thì muốn quân đánh cho hăng, tướng phải có lời động viên hùng hồn thuyết phục. Bài thơ này của Lý Bạch đại khái như bài “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, với cả một giọng hô hào thích hợp! Quân được khích kỹ, hẳn đã đánh cực hăng, phá tan hoang Thành Sầu đêm ấy. Nhưng chắc chắn, than ôi, sáng hay trưa hay chiều hôm sau, khi anh em lục tục bò dậy thì Thành lại sừng sững như chưa bao giờ tan!

*

Về các bản dịch thơ khác, để ý Ngô Tất Tố, Tchya, Vũ Hoàng Chương đều chọn bảy bảy sáu tám là thể thơ sở trường về ngâm nga, còn thi nhân khuyết danh thì chọn hát nói là lối thơ sở trường diễn tình cảm phóng túng. Bản nào cũng hay và đọc lên thấy hình như các cụ ta đều đầy hào hứng khi diễn ca bài “thơ rượu” bất hủ này. Không biết tại sao Tản Đà dịch nhiều thơ Đường mà không thấy dịch “Tương tiến tửu”. Có lẽ vì “Lý Bạch Việt Nam” đã quá bận rộn sáng tác những bài “thơ rượu” cũng bất hủ của mình.

Nguyên văn

Quân bất kiến: Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi! / Hựu bất kiến: Cao đường minh kính bi bạch phát triêu như thanh ti mộ như tuyết! / Nhân sinh đắc ý tu tận hoan / Mạc sử kim tôn không đối nguyệt / Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng / Thiên kim tán tận hoàn phục lai / Phanh dương tể ngưu thả vi lạc / Hội tu nhất ẩm tam bách bôi / Sầm phu tử / Ðan Khâu sinh / Tương tiến tửu / Bôi mạc đình / Dữ quân ca nhất khúc / Thỉnh quân vị ngã trắc nhĩ thinh / Chung cổ soạn ngọc bất túc quí / Ðãn nguyện trường túy bất nguyện tinh / Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch / Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh / Trần Vương tích thời yến Bình Lạc / Ðẩu tửu thập thiên tứ hoan hước / Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền / Kính tu cô thủ đối quân chước / Ngũ hoa mã / Thiên kim cừu / Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu / Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu!

Dịch nghĩa

Trông kìa: Nước Hoàng Hà từ trời rơi xuống, chảy băng băng ra bể không bao giờ trở lại! / Lại kìa: Gương sáng nhà cao soi buồn tóc trắng, sáng còn xanh tơ chiều đã như tuyết! / Hễ sống mà được đắc ý thì nên hết sức vui / Ðừng để chén vàng cạn dưới ánh trăng / Trời sinh ta có tài ắt sẽ có chỗ dùng / Nghìn vàng tiêu hết rồi lại có / Mổ dê giết trâu để làm tiệc vui / Gặp nhau nên uống một lần ba trăm chén / Hỡi thầy giáo Sầm / Hỡi học trò Ðan Khâu / Rượu sắp mời rồi / Chớ ngừng chén / Vì các bạn, ta hát một bài / Mời tất cả vì ta mà nghiêng tai nghe: / “Tiệc thịnh soạn có trống chuông chưa đủ quý / Ta chỉ muốn say hoài, không muốn tỉnh / Thánh hiền xưa nay đều không còn tiếng tăm / Chỉ có kẻ uống rượu được lưu danh / Xưa Trần Vương yến tiệc ở cung Bình Lạc / Rượu vạn đồng một đấu uống vui thoải mái!” / Chủ nhân cớ sao nói ít tiền / Mua mau để ta chuốc chén với các bạn ta / Ðây ngựa năm màu / Ðây áo cừu quý ngàn vàng / Bảo trẻ con đi đổi lấy rượu ngon / Cùng nhau ta hãy phá cho tan nỗi sầu muôn thuở!

Dịch thơ

Bản 1:

Kìa trông nước rớt lưng trời
Băng băng ra bể chẳng đời nào ngưng!
Kìa trông tóc trắng trong gương
Sáng tơ xanh đã chiều sương tuyết rồi!
Gặp khi đắc ý nên vui
Rượu ngon chớ để chung vơi lúc nào
Tài cao ắt được ngôi cao
Nghìn vàng dốc túi sẽ vào lại ngay
Trâu dê tiệc mọn đang bày
Ba trăm chén nhé, mừng ngày gặp nhau!
Bớ thày Sầm, hỡi anh Khâu
Rượu mời sắp rót, hãy mau lại bàn
Lòng riêng sẵn mối ngang ngang
Ca lên mong được bạn vàng sẻ chia:
“Cỗ bàn chuông trống chẳng mê
Say thôi, say mãi, tỉnh chi đời này
Thánh hiền xưa bặt cả rồi
Duy anh nát rượu danh đầy non sông!
Muôn năm gương sáng Trần Vương:
Vạn đồng một đấu men mang đãi đằng!”
Chủ nhân, chớ khá dùng dằng
Mua mau thừa thả cửa dùng, nghe không?
Ðây đây, áo, ngựa vua ban
Dắt đem gấp đổi rượu ngon nhất vùng
Anh em, ta cất chén vàng
Ðêm nay quyết phá cho tan Thành Sầu!


Bản 2 (chỉ khác 14 câu cuối):

(…)
Tiệc vui, xin góp câu lừng
Sẻ chia tâm sự bạn vàng cảm thông:
“Tôi đây cỗ quý chẳng mong
Chỉ tham say mãi, tỉnh không bao giờ!
Bao nhiêu hiền thánh mịt mờ
Mỗi anh nát rượu được thờ trên ngai!
Trần Vương, học cấm có sai
Men cung cực phẩm mang ngay đãi làng!”
Chủ kia, chớ ngại thiếu tiền
Mau mua cho đủ để riêng ta dùng
Ngựa hay, áo đắt vô cùng
Dắt đi, đem cả, chỉ cần rượu ngon
Mời thày, mời bác, mời anh
Đêm nay ta phá cho tan Thành Sầu!


Bản dịch thơ khác

Con sông Hoàng lưng trời tuôn nước
Xuống biển rồi, có ngược lên đâu!
Nhà cao, gương xót mái đầu
Sớm còn tơ biếc, tối hầu tuyết pha
Vui cho đẫy, khi ta đắc ý
Dưới vầng trăng, đừng để chén không
Sinh ra, trời có chỗ dùng
Nghìn vàng tiêu hết, lại trông thấy về
Chén đi đã, trâu dê cứ giết
Ba trăm ly, phải hết một lần
Khâu, Sầm hai bác bạn thân
Rượu kèo xin chớ ngại ngùng ngừng thôi!
Ta vì bác, hát chơi một khúc!
Bác vì ta, hãy chúc bên tai:
“Ngọc, tiền, chuông, trống mặc ai
Tỉnh chi? Chỉ muốn cho dài cuộc say
Bao hiền thánh đến nay đã rõ?
Phường rượu ta tên họ rành rành:
Trần Vương bữa tiệc quán Bình
Mười nghìn đấu rượu thỏa tình đùa vui”
Chủ nhân chớ ngậm ngùi tiền ít
Mua rượu ta chén tít cùng nhau
Áo cừu, ngựa gấm, để đâu?
Gọi con đem đổi vài bầu rượu ngon
Uống cho muôn thuở tan buồn!
(Ngô Tất Tố)

Há chẳng thấy trên trời sa xuống
Nước Hoàng Hà cuồn cuộn tung xuôi
Một đi đi mãi ra khơi
Có bao giờ lại phản hồi nữa đâu
Lại chẳng thấy trên lầu gương tỏ
Mái tóc càng soi rõ mầu sương
Sáng như tơ chửa nhuộm vàng
Chiều đà như tuyết nghĩ thương thân già
Cho nên gặp lúc ta đắc ý
Phải chơi cho phỉ chí con người
Chén vàng chớ để cho vơi
Đáy không nhìn bóng trăng soi bẽ bàng
Sinh ta có tài năng chí khí
Ắt trời không bỏ phí không dùng
Ngàn vàng không cũng là không
Tiêu đi lại có mất xong lại về
Thì hãy mổ trâu dê mà khoái
Tụ cho đông uống mãi cho say
Rót ba trăm chén rượu đầy
Một lần tu cạn một hơi mới đành
Nào Sầm tử Đan sinh đâu tá
Chớ ngừng tay rót nữa đừng thôi
Vì mình ta hát khúc chơi
Vì ta mình hãy lắng lời mà nghe
Dẫu soạn ngọc chẳng gì đáng quý
Chỉ cầu cho túy lúy mà thôi
Thánh hiền chết cũng lấp vùi
Còn tên để lại họa người say sưa
Yến Bình Lạc ngày xưa vui thú
Trần Vương mời rượu hũ thập niên
Chủ nhân hãy uống chớ phiền
Cớ sao than nỗi không tiền với ta
Này đây ngựa năm hoa một cỗ
Này ngàn vàng cả bộ áo lông
Trẻ đâu: Ðổi lấy rượu nồng
Cùng người cùng giải sầu đong vạn đời.
(Tchya)

(Thiếu câu đầu)
Nước sông Hoàng cuồn cuộn ra khơi
Một ra biển, chẳng về trời
Nhà cao gương sáng thương ai bạc đầu!
Sớm như tơ, xanh màu tóc ấy
Chiều đã như tuyết đấy... biết không
Thì vui sao chẳng đến cùng
Việc đời dễ được như lòng mấy khi...
Đừng để chén vàng kia trơ đáy
Cùng vầng trăng đây đấy ngẩn ngơ
Trời sinh tài, chẳng để hư
Ngàn vàng để trắng tay ư?... lại về...
Hãy mổ thịt trâu dê mà khoái
Gặp nhau đây là phải say sưa
Uống, xin đừng một giọt thừa
Ba trăm chén, hãy cho vừa một hơi
Ý ta muốn chén mời chẳng gác
Chớ ngừng tay hai bác Đan, Sầm!
Vì nhau một khúc ca ngâm
Lắng tai, nào bạn tri âm đó hề!
Của trước mắt đủ gì quý báu
Cho ngọc ngà! Cho dẫu trống chuông!
Nguyện say một giấc ra tuồng
Mình ta tỉnh, bốn phương cuồng... nhảm chưa!
Đều thế cả... từ xưa hiền thánh
Cũng giờ đây nằm lạnh thời gian
Tiếng tăm còn để trần hoàn
Chỉ riêng có gã say tràn cung mây
Trần Vương trước, tiệc vây Bình Lạc
Rượu ngàn chum thả sức vui đùa
Chủ nhân nào! Đã nhớ chưa?
Nói chi tiền ít mà thưa dặt dìu!
Ngựa hoa đấy, áo cừu cũng đấy
Gọi trả đem đổi lấy rượu... mau!
Ta cùng ngươi... lại cùng nhau
Uống cho ngàn trước ngàn sau tan buồn.
(Vũ Hoàng Chương)

Biết chăng ai:
Sông Hoàng Hà ngọn nước tại lưng trời
tuôn đến bể khôn vời lại được
Biết chăng nữa:
Đài gương mái tóc bạc sớm như tơ mà
tối đã như sương
Nhân sinh đắc ý nên càng
Khôn nỡ để chén vàng trơ với nguyệt
Tài hữu dụng lẽ trời âu hẳn quyết
Nghìn vàng kia khi hết lại còn
Lúc vui chơi nào nhắm mùi ngon
Ba trăm chén cũng dồn một cuộc
Cụ Sầm rủ cụ Đan khuyên chuốc
Rượu nâng lên chớ được dừng tay
Vì ngươi hát một khúc này
Xin ngươi sẽ lắng tai nghe lấy
Tiệc chung cổ ngọc vàng là mấy
Hãy nên say say mãi tỉnh chi mà
Thánh hiền xưa cũng vắng xa
Chỉ có rượu với người say là vẫn để
Tiệc Bình Lạc xưa kia cũng thế
Mười nghìn chung mặc thích vui cười
Tiền chủ nhân bao quản vắn dài
Cũng mua nữa cùng ngươi khuyên rót
Ngựa hoa tốt mà áo cừu cũng tốt
Gọi đồng ra đổi lấy rượu ngon
Cùng ngươi giải vạn kiếp buồn.
(Khuyết danh)



Thu Tứ













_______
Tên bài nghĩa là “Sắp mời rượu”, tên một khúc nhạc cổ.