Về ý nghĩa của hình trên trống đồng Ngọc Lũ, hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa nhất trí. Cách giải thích của Goloubew chỉ là một trong nhiều cách... (TT)



Nguồn gốc và danh xưng (2)




Chúng tôi đã nhấn mạnh đến sắc thái dân tộc sâu đậm của chèo. Như vậy, những yếu tố ca vũ cơ bản coi như nguồn gốc cấu thành chèo phải là những yếu tố ca vũ dân tộc thuần túy, chưa hề bị ảnh hưởng ngoại lai, nghĩa là cổ xưa nhất của ca vũ Việt Nam.

Muốn nhận diện đích xác những yếu tố này (...) chúng ta phải ngược dòng thời gian, vận dụng ngược dòng cái nhìn biện chứng, vượt ngược trở lại những mốc lịch sử ghi nhận dấu vết ảnh hưởng Trung Hoa và Chiêm Thành (...)

Hành trình trở về đó, tự Trần, Lý ngược lên đến tận Tiền Lê, vượt trở lại cả mười thế kỷ nội thuộc Trung Hoa, sẽ dẫn chúng ta lần lần vào một quá khứ hoang vu, quá khứ của thời tiền sử. Ðến đó, khi sử và sách còn chưa xuất hiện, khi mà sử và sách hoàn toàn câm nín thì khảo cổ học bắt đầu lên tiếng (...) cái tiếng nói mờ ảo của những nét chạm trổ huyền bí và những hình dáng quái đản của những cổ vật khai quật lên tự lòng đất, tiêu biểu cho những nền văn minh mà tổ tiên chúng ta, bằng chính bàn tay lao tác và trí óc sáng tạo, từ thế hệ này qua thế hệ khác, đã lần lượt xây dựng trên đất nước chúng ta.

*

Nghiên cứu những nền văn minh đó, người ta đặc biệt chú ý đến nền văn minh Ðông Sơn (...) dưới đây chúng tôi (...) ghi nhận một vài lời mô tả một số cổ vật (Ðông Sơn) và một vài ý kiến (...) mà chúng tôi cho là có liên quan tới mục đích tìm hiểu (nguồn gốc chèo) của chúng tôi.

Trong tập giáo trình về môn khảo cổ học Việt Nam, giáo sư Nghiêm Thẩm có ghi như sau về những nét khắc trên mặt một số búa (rìu):

“Trên mặt búa (rìu) có những hình các chiến sĩ có đeo lông chim đi nối đuôi nhau như một đám rước người đội lốt chim. Một người thổi khèn, những người khác cầm sênh như kiểu người Việt vẫn dùng. Và Goloubew cho rằng chắc chắn đây là cảnh có vũ điệu và có tính chất tôn giáo (...) Một cái búa (rìu) nữa cũng được trang hoàng bằng những cảnh linh động (...) Ta thấy hình một chiếc thuyền độc mộc có các người chèo thuyền.”

Ông mô tả hình một con dao găm nhỏ, lưỡi dao đã bị gãy, và ông nhấn mạnh cái cán dao:

“Cán dao hình một người đứng, hai tay chống vào bên hông (...) tóc được tết và cuộn ở đỉnh đầu và còn buông thõng ở sau đầu xuống tận lưng. Có một lượt vải được cuốn quanh đầu và che lấp một phần trán để giữ tóc. Theo Goloubew thì đó là kiểu cuốn tóc của người Dayak thuộc giống Indonésien.”

Về tượng người, cao đúng 0m088, ông mô tả như sau:

“Ta còn thấy (...) tượng một người cõng một người thứ hai ở trên lưng. Người ngồi trên lưng miệng đang thổi khèn. Kiểu khèn này, theo Goloubew, là kiểu khèn keluri của người Dayak.”

Về những cái trống đồng - cổ vật đặc biệt nhất của nền văn minh Ðông Sơn (...) trống đồng Ngọc Lũ (...) được coi như đẹp nhất và hiện còn tàng trữ tại viện bảo tàng Hà Nội (...)

Trước hết là những hình khắc trên mặt trống (...) Vành hai đối với chúng tôi là vành quan trọng bởi những nét chạm trên đó hình dung những cảnh sinh hoạt (...)

Về những hình khắc trên thân trống thì nổi bật lên là hình những chiếc thuyền (...) giáo sư Nghiêm Thẩm (...) lược tả (...) “Phần thân trống chỗ vòng lồi ra có hình 6 chiếc thuyền. Ðầu thuyền và đuôi thuyền được trang hoàng như một con chim (...)”.

(Theo) Goloubew (...) tất cả những cảnh đó hình dung một cuộc lễ của kẻ sống đối với người vừa chết, tương tự như lễ Tiwah của dân Dayak hiện còn sống như một bộ lạc ở đảo Bornéo (...) nghiên cứu các hình vẽ ngày xưa để lại của người Dayak (...) ông có nhận ra được một mẫu thuyền có nhiều nét tương tự hình thuyền khắc trên trống Ðông Sơn. Theo tập truyền của người Dayak đó là chiếc thuyền vàng đã chở tổ tiên giống người Dayak từ xa đến định cư ở Bornéo. Sau đó, chiếc thuyền vàng vẫn còn neo ở bờ biển để chở linh hồn người Dayak quá cố đến một cái đảo gọi là đảo Cực Lạc ở giữa một cái hồ gọi là Hồ Mây (...) “Thuyền được lái bởi một vị thần gọi là Tempong Telou. Mũi và lái thuyền bắt chước đầu và đuôi chim. Cột buồm trang điểm bằng lông chim làm chỗ đậu cho những con chim hộ tống người chết. Ðàng sau lái có mui dựng lên để che trống, chiêng. Thuyền không có người chèo. Người cầm lái mang trong tay một cái lao. Ðó là Tempong Telou, người chèo đò âm phủ của người Dayak.” (...) Goloubew (kết luận): “Những chiếc thuyền được hình dung trên thân trống đồng Ðông Sơn cũng có ý nghĩa đem hồn người Cổ Việt về nơi Cực Lạc.”

Sau khi giải thích xong các hình thuyền trên thân trống, Goloubew lại dựa vào lối giải thích trên để tìm hiểu những cảnh sinh hoạt chạm trổ trên mặt trống mà ông cho là có liên lạc với nhau. Nếu thuyền chở linh hồn người chết, thì cảnh sinh hoạt đó chính là cảnh một cuộc lễ của kẻ sống đối với người chết. Lễ này theo ông cũng diễn ra gần giống như lễ Tiwah của người Dayak và lễ Siêu Ðộ của người Mường ở miền thượng du Bắc Việt. Ông tả sơ lược lễ đó như sau:

“Trước ngày lễ Tiwah, người ta làm một nhà sàn tượng trưng cho một ngôi nhà trên miền Cực Lạc mà người Dayak quá cố sẽ lên ở (...) Khi nhà làm xong và bày biện trang hoàng đầy đủ lễ vật, người làng tụ tập tại nhà người có thân nhân quá cố, mỗi người mang theo một thứ nhạc khí. Họ thổi khèn (keluri), đánh trống đồng suốt ngày đêm để đuổi tà ma và báo cho người quá cố biết là họ sắp được giải thoát. Thầy pháp xua đuổi ác điểu đang rình hồn người chết. Người ta giã gạo làm lễ cúng. Các cuộc nhảy múa, kiệu rước, ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong lễ Tiwah (...)”

Những lời mô tả trên đã đưa ra những chi tiết mà chúng ta thấy thực sự được hình dung qua những nét chạm khắc trên mặt chiếc trống đồng Ðông Sơn.

Ngoài những lời mô tả và ý kiến (...) phần lớn là của học giả Goloubew - trước khi kết luận, thiết tưởng cũng không phải là thừa nếu chúng tôi trích dẫn thêm dưới đây một vài dòng (...) của ông O. Jansé (...)

“(...) người Việt Nam xưa đã dùng những nhạc khí như xập xòe, ống tiêu bằng sậy và có lẽ cả kèn bầu nữa (...) Trên những trống đồng có chạm trổ những thanh la, kèn, sênh (...) Những nhạc khí này có lẽ đã được dùng trong lễ nghi có múa hát (...)”

Tất cả những điều ghi nhận trên (...) có thể thâu tóm vào bốn điểm sau đây:

1. Tự thời tiền sử, dân tộc chúng ta đã sớm có một nền ca vũ. Nền ca vũ này bởi cổ sơ nhất nên còn giữ được nguyên vẹn tính chất dân tộc, chưa bị ảnh hưởng ngoại lai. Nền ca vũ này có thể là nguồn gốc của chèo.

2. Phát sinh vào thời tiền sử (...) nền ca vũ này phải mang tính cách tế lễ.

3. Sinh hoạt tế lễ ghi dấu trên những chiếc trống đồng Ðông Sơn là một tang lễ có liên hệ với một tín ngưỡng cổ sơ của người Dayak là một giống người cùng một gốc Indonésien như người Lạc Việt (tổ tiên người Việt chúng ta). Nghi thức tế lễ này hiện vẫn còn tồn tại ở đảo Bornéo, nơi cư ngụ một vài bộ lạc Dayak và ở một vài vùng ở Việt Nam, nhất là ở những nơi cư ngụ người Mường cùng một gốc tổ Lạc Việt như chúng ta.

4. Tín ngưỡng nói trên và những nghi thức liên hệ có nhắc nhở nhiều đến một đề tài thường được những nghệ sĩ Ðông Sơn sử dụng trong những hình chạm trổ trên những cổ vật Ðông Sơn: đó là những hình thuyền nhắc nhở đến “chiếc thuyền vàng thần thoại Dayak”.


(Vũ Khắc Khoan,
Tìm hiểu sân khấu chèo, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr. 46-56)