Có một lối hát nữa mà nguồn gốc và danh xưng cũng “mất hút trong đêm thời gian”, là hát quan họ. Chèo và quan họ đều thuần túy Việt Nam và đều chiếm địa vị tiêu biểu trong nghệ thuật hát - múa - diễn truyền thống. Cái nguồn khuất hẳn phải thế nào, mới chẩy được dòng mạnh mẽ thế chứ. (Thu Tứ)



Nguồn gốc và danh xưng (1)




Chúng tôi cho rằng đối với bộ môn chèo, nguồn gốc và danh xưng có liên hệ mật thiết với nhau, và bởi nguồn gốc của chèo cho đến nay chưa được xác định rõ ràng (...) nên danh xưng của bộ môn sân khấu này cũng vẫn còn nguyên vẹn là một vấn đề.

Trước tiên, chúng tôi xin liệt kê tất cả ý kiến của các tác giả có trực tiếp hay gián tiếp đề cập ít nhiều đến vấn đề (...)

Danh từ “chèo” lần đầu tiên xuất hiện trong sử sách Việt Nam có lẽ là dưới ngòi bút của Phạm Ðình Hổ trong Vũ trung tùy bút. Trong mục bàn về âm nhạc, ông có ghi như sau:

“Triều nhà Trần khi có quốc táng, lúc sắp rước tử cung (quan tài) đến Sơn Lăng để an táng, dân sự phố phường xúm quanh lại xem vòng trong vòng ngoài chật ních cả chốn điện đình không thể rước tử cung đi được. Người dẹp đám mới bắt chước lối vãn ca thời cổ đặt ra khúc hát Long Ngâm, hiệp vào âm luật sai quân lính đi hát diễu chung quanh đường, nhân dân lại đổ xô xúm xít theo đi xem, vì thế mới rước tử cung xuống thuyền được. Ðời sau mới bắt chước làm lối hát vãn, mỗi năm cứ đến rằm tháng 7, những tang gia cho gọi phường hát đến hát, để giúp lễ Tế Ngu, tiếng hát bi ai, nghe rất cảm động, tục gọi là “phường chèo bội”. Khoảng năm Cảnh Hưng (1740-1786), những phường chèo bội mới pha thêm lối tuồng, cũng đóng vai trò, vẽ mặt, ra múa hát giễu cợt, không hát gì ở hí trường. Các tang gia hay đua nhau mướn phường chèo đóng đường để khoe khoang”.(1)

Trong cuốn Ca trù bị khảo, tác giả là Vũ Ngọc Phác có nói về nguồn gốc của hát chèo như sau: “Ðời vua Thần Tôn nhà Lê (1649-1662), ngày sinh nhật vua, vua ngự ở điện Vạn Thọ, chúa Trịnh dẫn trăm quan vào làm lễ chúc mừng. Trong cung yến ẩm suốt ngày và hát đủ mọi lối, có bọn nữ nhạc múa hát khúc Ðại Thực. Các quan dẫn người nhà vào xem, chen chúc nhau, ai cũng muốn đến gần xem cho rõ. Vua thấy thế mới truyền tiểu giám lấy những hòn đá lớn để nữ nhạc trèo đứng lên trên đó mà hát, chủ ý cho mọi người cùng nghe thấy và cùng trông thấy. Từ đấy thay đổi tên khúc hát là Ðại Thạch. Có thể do đấy gọi là hát trèo, rồi đọc chệch ra là hát chèo.”

Căn cứ vào hài tính của sân khấu chèo, cố giáo sư Dương Quảng Hàm và nhiều học giả khác chủ trương: “Chữ chèo có người cho là do chữ trào mà ra. Trào là giễu cợt. Lối chèo xưa thường diễn những việc vui cười những tật rởm thói xấu của người đời, lời văn có giọng khôi hài, bông lơn, để người xem buồn cười.”(2)

Khoảng năm 1958, ông Trần Văn Khê khi thuyết trình về kịch nghệ Việt Nam tại một cuộc hội thảo về kịch nghệ Á Châu tổ chức tại Pháp, đã thú nhận khi đề cập tới nguồn gốc của hát chèo: “nguồn gốc của hát chèo đã mất hút trong đêm thời gian. Ý nghĩa của chữ chèo cũng chưa được biết một cách chắc chắn.”

Cũng khoảng năm đó, ông Vũ Huy Chấn, trong một bài khảo luận về hát chèo cũng có đặt vấn đề cả về danh xưng cũng như nguồn gốc. Ông viết:

“Chèo nghĩa là gì? Chữ chèo ở chữ gì mà ra? Hát trèo hay là hát chèo? Có phải là lối hát chầu vua, chầu thánh... hay là lối hát về buổi chiều... rồi từ chữ chầu, chữ triều, chữ chiều, người ta gọi chệch ra là chèo? Hay là vừa trèo vừa hát... vừa chèo thuyền vừa hát? Hay chữ chèo ở chữ trào... trào phúng mà ra?

Những câu hỏi trên đây, từ xưa đến nay đã có bao nhiêu người nêu lên, cốt để tìm hiểu gốc tích của lối hài đặc biệt này... mà từ người nghệ sĩ chính tông, đến nhà học giả uyên bác, không ai là không lúng túng, khi bị người khác căn vặn. Lối hát nào cũng có tên, và tên lối hát nào cũng dễ hiểu: hát bộ, hát tuồng, hát cải lương, hát cải cách, ca Huế... Duy có lối hát chèo này là có cái tên thật khó hiểu. Ở thôn quê có nơi gọi hát chèo là hát “trò nhời” (hay trò lời), để phân biệt với lối hát bộ, hát tuồng và sau này, người ta còn gọi là “chèo cổ” để phân biệt lối hát thuần túy cổ điển kia với lối “chèo cải lương” của cố nghệ sĩ Nguyễn Ðình Nghị thêm bớt đặt ra... Nhưng muốn gọi là gì thì gọi, cho đến nay, người ta vẫn chưa giải thích được chữ chèo kia, ngọn nguồn gốc tích của nó ở đâu...”.

(...) hai ông Trần Bảng và Lưu Trọng Lư khi bàn về sân khấu chèo cùng cho rằng chèo là do chữ trào mà ra.

Gần đây, ông Vũ Hiệp, giáo sư tại Phân khoa Giáo dục ở Ðại học Vạn Hạnh cũng có đặt vấn đề về danh từ chèo. Ý kiến của ông có thể thâu tóm như sau:

Danh từ chèo bắt nguồn từ chữ trò mà ra, rồi lâu ngày từ chữ trò nói trại đi thành chữ chèo. Ý kiến của ông Vũ Hiệp được căn cứ trên những lý lẽ sau đây:

- Tại nhiều nơi ở miền Bắc (như Sơn Tây, Hưng Yên, Thái Bình...) người ta còn gọi hát chèo là hát trò nhời hay hát trò lời.

- Xét về nghệ thuật trình diễn trong hát chèo, người ta thấy ngoài phần ca hát, còn có phần pha trò, làm trò hề chọc cười người xem. Trong dân gian lại thường có danh từ như làm trò, pha trò, đóng trò, hát nhà trò... để chỉ những cuộc vui hoặc những điệu bộ hài hước, giễu cợt.

- Trong những bản văn này, chữ trò được viết bằng cách mượn chữ trào, mà chữ chèo ở nhiều bản văn chữ Hán, chữ nôm, cũng mượn chữ trào như trên mà viết. Như thế ba chữ chèo, trò, trào đều viết bằng một tự dạng là trào cả.

- Trên khía cạnh ngữ học Việt Nam, các chữ chèo, trò, trào đều thuộc loại sát âm cúa. Và đặc biệt ở nhiều địa phương Bắc Việt, phần lớn phát âm không phân biệt vần tr và vần ch. Ðó gọi là tính chất xiết âm (làm mòn tiếng và biến đổi đi) thường nhận thấy trong loại ngôn ngữ nào đã dùng lâu đời và có lối đọc hơi khó.

Vì lẽ đó ba chữ chèo, trò, trào có lẽ vốn là một gốc trào mà về sau đọc chệch đi chăng?

*

(Tóm lại:)

- Về vấn đề danh xưng, hình như đa số ý kiến đều cho rằng chữ chèo là do chữ trào (...)

- Về vấn đề nguồn gốc, chưa một tác giả nào đặt nặng vấn đề nghiên cứu (...)

- Mặc dầu vậy, tất cả đều đồng ý rằng nguồn gốc đó không có tính cách ngoại lai, nghĩa là (chèo) mang đậm và thuần túy tính chất dân tộc ở những thành phần cơ bản như ca, múa và tuồng tích.

Về điểm này tưởng cũng nên nhắc đến ý kiến của ông Vũ Huy Chấn trong bài khảo luận của ông về hát chèo: “Có một điều người ta có thể chắc chắn được, là lối hát chèo là lối hát đặc biệt thuần túy của dân tộc Việt Nam, không bị pha trộn một lối hát ngoại lai nào, mặc dầu nước Việt Nam đã từng bị ngoại bang thống trị hàng ngàn năm.” (in đỏ đậm bởi gocnhin.net)

- Và tất cả đều đồng ý rằng nguồn gốc đó phải cổ xưa lắm (...)


(Vũ Khắc Khoan,
Tìm hiểu sân khấu chèo, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr. 30-34)










______________
Ngoài những chú thích sau đây, phần trích trên còn có một số chú thích khác mà chúng tôi không in lại vì thấy không cần thiết.
(1)
Vũ trung tùy bút của Phạm Ðình Hổ, bản dịch của Ðông Châu Nguyễn Hữu Tiến, trong Nam phong tạp chí.
(2) Dương Quảng Hàm,
Việt Nam văn học sử yếu.