Bài thơ này ta đã được nghe hát nhiều lần đến nỗi bây giờ đọc lại thơ phải cố gắng mới giữ nổi miệng đừng hát mà đọc bình thường! Trên Trường Sơn một thời, bên cạnh những dòng sông xanh “anh” to lớn cuồn cuộn dũng mãnh, đã cùng chảy những dòng xanh “em” tuy bé nhỏ dịu dàng hơn nhưng bền bỉ kiên quyết không hề kém. Tháng 5 năm 1971, chiến sĩ Hoàng Thượng Lân trên đường hành quân gặp một đơn vị nữ TNXP đang chốt một trọng điểm ác liệt: “(Trông) vẻ dịu dàng ánh chút tinh nghịch của tuổi trẻ, xen nét dạn dày bom đạn, sương gió Trường Sơn (…) nụ cười hồn nhiên (…) đôi mắt (…) hiền hậu, nhìn sâu đọng (…) tự nhiên chúng tôi thấy lòng mình lâng lâng một tình cảm thiết tha thương mến, cảm phục”. Chắc chắn “các đồng chí ấy” cũng thấy lòng lâng lâng về các anh bộ đội, đôi bên gặp nhau ngắn ngủi thôi nhưng xa nhau rồi càng nghĩ nhiều đến nhau hơn… Chợt nhớ những dòng: “Anh ở đầu sông em cuối sông / Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông / Thương nhau đã chín ba mùa lúa / Chưa ngày gặp lại, nhớ mênh mông!” (Hoài Vũ, “Gửi miền hạ”) và “Ở hai đầu nỗi nhớ / Yêu và thương sâu hơn / Ở hai đầu nỗi nhớ / Nghĩa tình đằm thắm hơn” (Trần Hoài Thu, “Ở hai đầu nỗi nhớ”). Đây là tình riêng, còn trong thơ Phạm Tiến Duật và nhật ký Hoàng Thượng Lân là tình chung, ấy vậy mà vẫn có chỗ chia sẻ với nhau: “xa mặt” có khi làm “cách lòng”, có khi lại nối lòng chặt hơn! (Thu Tứ)



P.T. Duật, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”




Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Ðường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây

Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Ðông với Tây một dải rừng liền

Trường Sơn Tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Rau hết rồi, em có lấy măng không

Em thương anh bên Tây mùa đông
Nước khe cạn bướm bay lèn đá
Biết lòng anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù

Anh lên xe, trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư

Ðường sang Tây không phải đường thư
Ðường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Ðông Trường Sơn, cô gái “ba sẵn sàng” xanh áo
Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh

Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân, trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Ðông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn.


1967