“Triết thuyết Lão Tử” (3)

Nguyễn Hiến Lê




ĐẠO VÀ ĐỨC (tiếp theo)


Một học thuyết vô thần

(...) Khổng tử ít nói tới trời và quỉ thần, cơ hồ tránh vấn đề siêu hình đó, nhưng chắc chắn là ông sợ trời, tin có trời. Chỉ có điều là ông không nghĩ rằng trời có tai mắt, mũi miệng như người (ông bảo trời không nói gì mà bốn mùa vẫn xoay vần, trăm vật vẫn sinh hoá – Dương Hoá - 19); và nói đến trời ông thường dùng chữ “thiên mạng”, mạng trời, tức như thiên lí, luật tự nhiên của hoá công, như khi ông bảo: “Ta… năm chục tuổi biết được mạng trời” (Ngô… ngũ thập tri thiên mạng – Vi chính – 4). Cái thiên mạng đó là cái luật tự nhiên khiến cho mọi sự biến hoá hợp với lẽ điều hoà.

Quan niệm đó của Khổng tương đối tiến bộ và gần giống quan niệm của Lão.

Nhưng tới Mặc tử, thì lại thụt lùi, trở về tín ngưỡng thời thượng cổ, cho trời là chủ tể duy nhất của toàn thể nhân loại, là một đấng tối cao, rất nghiêm, rất công bằng như gia trưởng trong nhà, quốc quân một nước, hễ mắc tội với trời thì không trốn đi đâu được, vì ở đâu trời cũng thấy, nghe thấy hết (Thiên bất vi lâm cốc u môn vô nhân, minh tất kiến chi 天不爲林谷幽門無人, 明必見之 Thiên chí thượng). Kết luận là người nào cũng phải tuyệt đối phục tùng trời.

Lão tử gạt bỏ hẳn quan niệm đó, cả bộ Đạo Đức kinh chỉ có mỗi một chương, chương 4, là nhắc tới “đế” (trời), nhưng lại đặt “đế” dưới đạo. Ông bảo: “Đạo… tượng đế chi tiên”: Đạo có lẽ có trước thượng đế, nghĩa là sinh ra thượng đế (vì đạo là mẹ của vũ trụ, cái gì có sau đạo đều do đạo sinh ra).

Có nhiều chương ông dùng chữ “thiên”, nhưng với nghĩa “vòm trời” như ch.52: “thiên hạ hữu thuỷ” (những vật dưới vòm trời đều có nguồn gốc đạo), hoặc với nghĩa “đạo trời” như ch.5: “thiên địa bất nhân” (đạo trời bất nhân); ch.79: “thiên chi đạo, bất tranh nhi thiện thắng” (đạo trời không tranh mà khéo thắng).

Còn quỉ thần thì chúng tôi chỉ thấy ông nói tới hai lần (ch.39 và ch.60) mà trong chương 60 ông lại bảo “Dùng đạo mà trị thiên hạ thì quỉ không linh; chẳng những quỉ không linh mà thần cũng không hại được người” (Dĩ đạo trị thiên hạ, kì quỉ bất thần. Phi kì quỉ bất thần, kì thần bất thương nhân).

Ông hoàn toàn có tinh thần vô thần, về điểm đó suốt thời Tiên Tần không ai hơn ông, vì ngay Tuân tử cuối thời Chiến Quốc, tuy bài xích dị đoan, chủ trương rằng việc trời không liên quan gì tới việc người, trời không làm hại người – trái hẳn với Mặc tử - nhưng vẫn còn cho trời là cao hơn cả.

Lão tử lại có thái độ rất “triết”, không lớn tiếng mạt sát, đả đảo tín ngưỡng của người đương thời, chỉ suy tư, tìm hiểu, đưa ra một giả thiết về vũ trụ.

Giả thiết đó thật mới mẻ, độc đáo, cách mạng. Ý niệm “đạo” và “đức” của ông, ngày nay chúng ta chấp nhận được một phần, hơi hợp với khoa học. Nói vậy chúng tôi không có ý bảo rằng khoa học đã hiểu nổi vũ trụ đâu – còn lâu, lâu lắm! – mà chỉ muốn khen Lão tử đã sáng suốt hơn người đương thời của ông nhiều.

Ông lại khiêm tốn, thận trọng: khiêm tốn khi ông nhận ngay ở chương đầu rằng vũ trụ vô cùng huyền bí, không thể hiểu được, giảng được; thận trọng khi ông nói về đạo, ông dùng những tiếng lửng: tượng (có lẽ), tự (giống như), nhược (hình như), hoặc (hoặc là). Ông chỉ thành thực trình bày ý nghĩ của ông, dò dẫm tìm chữ để diễn tả hình ảnh về đạo hiện trong óc ông, như trong các chương 14 và 21, cách vừa cô đọng, vừa thâm thúy, vừa bóng bẩy, hiếm thấy trong triết học Trung Hoa.


(Nguyễn Hiến Lê,
Lão tử và Đạo Đức kinh)