Nhiều tác giả, Áo bà ba




Dương Hải Duyên tổng hợp một số nguồn, trang mdta.com.vn

(...) Cho đến nay, chưa thấy có tư liệu nào xác định rõ nguồn gốc của chiếc áo bà ba. Chỉ biết rằng, vào đầu thế kỷ XX loại áo này đã được mặc khá phổ biến cả vùng Nam bộ.

Theo nhà văn Sơn Nam “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba”.

Một ý kiến khác cho rằng “Có thể áo bà ba ảnh hưởng, cách tân từ áo lá và áo xá xẩu may bằng vải buồm đen của người Hoa lao động, là kiểu áo cứng, xẻ giữa, cài nút thắt… Áo xẻ giữa thay vì cài nút thắt đã được làm khuy, cài nút nhựa do ảnh hưởng phương Tây”.

Dù xuất xứ như thế nào thì bộ bà ba đen, khăn rằn và nón lá đã kết hợp với nhau trở thành nét biểu trưng đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hoá của người phụ nữ Nam bộ (...)

Áo bà ba cổ điển: Áo bà ba vốn là áo không cổ, tay dài, vạt ngắn. Thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có dải khuy cài chạy dài từ trên xuống, xẻ tà vừa phải ở hai bên hông. Áo kết hợp với chiếc quần đen dài chấm cổ chân hoặc gót chân đã làm đẹp thêm hình hài vóc dáng của người phụ nữ.

Người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long ngày xưa thường mặc bộ bà ba đen đi làm đồng, bởi nó vừa sạch, vừa dễ giặt. Vải may là loại vải ú, vải sơn đầm…rất mau khô. Bên cạnh đó, chiếc áo bà ba được xẻ ở hai bên hông làm cho người mặc cảm thấy thoải mái, gần vạt áo có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng cần thiết. Chính nhờ tính tiện dụng và thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi. Riêng lúc đi chơi, họ thường chọn màu sắc nhẹ và phong phú với chất liệu vải đắt tiền hơn như the, lụa…

Áo bà ba hiện đại: Áo bà ba hiện nay không thẳng và rộng như xưa, mà được nhấn thêm eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân hình. Ngoài ra, người ta còn sáng tạo các kiểu chắp vai, cổ tay, cửa tay, riêng các kiểu bâu (cổ) lá sen, cánh én, đan tôn… là được tiếp thu từ kiểu y phục nước ngoài. Các kiểu ráp tay cũng được cải tiến. Từ kiểu may áo cánh xưa liền thân với tay, người ta nghĩ tới cách ráp tay rời ở bờ tay áo.

Trong những năm 1970, thành thị miền Nam phổ biến kiểu ráp tay raglan,đã tạo nên vẻ đẹp hiện đại cho chiếc áo bà ba truyền thống. Với kiểu vai raglan này, hai thân áo trước và sau tách rời khỏi vai và tay áo, trong khi tay và áo lại liền từ cổ tới nách. Áo bà ba vai raglan chỉ cần may khít, vừa vặn với eo lưng, không quá thắt như kiểu áo trước đó. Tay áo dài hơn, hơi loe, có khi người ta bỏ cả hai túi ở vạt trước để tạo cho thân áo nhẹ nhõm, mềm mại hơn.

Khăn rằn là hình ảnh quen thuộc của bộ phận người Khơ-me rnói riêng và người đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Theo các nhà nghiên cứu, khăn rằn có nguồn gốc từ người Khơ-me, gọi là krama. Trong quá trình cộng cư lâu dài đã ảnh hưởng đến các dân tộc khác. Chính sự tiện ích của nó mà ngày nay khăn rằn phổ biến, không có sự phân biệt về dân tộc, giới tính khi sử dụng.

Khăn krama cổ truyền được dệt bằng vải bông mềm, thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn. Có lẽ các lằn ngang dọc ấy khiến ngưòi ta gọi đó là khăn rằn. Chiếc khăn rằn dài khoảng 1,2m, rộng chừng 40-50cm, có rất nhiều công dụng: dùng để choàng tắm, quàng cổ, quấn đầu, lau mồ hôi, thắt lưng, đựng lương thực khi đi đường, làm võng cho trẻ em… Không chỉ người lao động lam lũ, mà cả những điền chủ giàu có cũng dùng khăn rằn. Không chỉ phụ nữ, mà cả nam giới cũng dùng loại khăn này. Khăn có thể vắt gọn trên đầu, cột ngang trán, chừa hai đuôi khăn nhô lên đầu, nút khăn nằm ở phía trước hay quàng trên cổ, một đầu thả trước ngực, một đầu thả sau lưng, đôi khi hai đầu được buông xuôi xuống phía trước.

Ngày nay, cuộc sống đã thay đổi nhiều (...) nhưng chiếc khăn rằn và chiếc áo bà ba không hề mất đi, nó vẫn đang tồn tại (...) một minh chứng hùng hồn cho bản sắc văn hóa của người Việt miền Nam.

Theo trang netdepviet.org

(...) có người lại cho rằng bộ bà ba Nam bộ phỏng theo (...) trang phục của người "Ba Ba"- một nhóm người Hoa sống trên đảo Pinang thuộc Ma-lai-xi-a ngày nay (...) dù xuất xứ như thế nào thì bộ bà ba đen, khăn rằn và nón lá đã kết hợp với nhau trở thành nét biểu trưng đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hoá của người phụ nữ Nam bộ (...)

Áo bà ba vốn là áo không cổ. Thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải khuy cài chạy dài từ trên xuống. Áo chít eo, xẻ tà vừa phải ở hai bên hông. Độ dài của áo chỉ trùm qua mông, gần như bó sát thân. Áo kết hợp với chiếc quần đen dài chấm cổ chân hoặc gót chân đã làm đẹp thêm hình hài vóc dáng của người phụ nữ (...)

Nếu so với các trang phục truyền thống trong và ngoài nước, thì có lẽ áo bà ba Nam bộ là bộ trang phục đơn giản nhất (...) Chỉ thế thôi nhưng nó đã (...) làm nao lòng bao lữ khách qua đây.

Áo từng đi đánh giặc giữ nước (...) cùng Bà Định, Bà Điểm, cùng đội quân tóc dài trong phong trào Đồng Khởi (...) áo vào câu hát: "Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm. Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ đến mong manh. Nón lá đội nghiêng coi thường con sóng dữ. Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời"... Ngày nay ta có thể thấy áo đảm đang ngoài đồng, mềm mại trên những chuyến đò ngang, thấp thoáng bên những rặng dừa, tung bay theo gió trên những chiếc cầu tre lắt lẻo, áo bay bổng trong điệu hò điệu lý.

Bộ bà ba là một biểu tượng của hồn Việt ở phương nam.

Nhưng ngày nay cái đẹp thuần khiết, dung dị của nó đang mai một dần đi. Cổ tròn, cổ tim hoặc cổ thìa vốn là đặc trưng của áo bà ba, giờ đây cổ áo lúc hình vuông, hình lá, lúc khoét rộng hở hang. Áo vốn chít eo và xẻ tà thấp thôi để gió chỉ tung nhẹ tà áo mà không làm mất đi vẻ e ấp kín đáo của người phụ nữ, giờ đây người ta chít eo và xẻ tà thật cao, cố ý để hở thật nhiều da thịt... Độ dài ngắn rộng hẹp của áo ư? Giờ đây tùy thích! Bộ bà ba xưa kia điển hình nhuộm màu đen hoặc màu nâu và để trơn chứ không vẽ vời chi cả. Giờ đây nó trở nên một thứ trang phục với đủ các cung bậc trầm bổng của màu sắc và mang đủ thứ họa tiết, hoa văn. Đã có những cải tiến, phá cách thành công. Nhưng lại cũng có không ít những sáng kiến lố lăng làm giảm, thậm chí làm mất đi vẻ đẹp của thứ trang phục truyền thống này (như đã xảy ra với áo dài, áo tứ thân).

Các nhà thiết kế, nhà tạo mốt, trước khi thực thi những ý tưởng sáng tạo nào đó nên chăng hãy để tâm một chút tìm hiểu quan niệm về cái đẹp trong bộ y phục gốc để từ đó sẽ có những sự biến tấu, cải biên phù hợp...