“Hoa mai ở Bắc bộ”

Hoàng Quốc Hải




Những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước, cứ mỗi độ đông về, tôi thường (...) xuống vườn mai nhà cụ Mài ở làng Ðông Mỹ (...) huyện Thanh Trì (...) đây là vườn mai duy nhất (...) quanh vùng Hà Nội thời đó (...) những gốc mai non tơ nhất (...) cũng có tới gần trăm tuổi thọ. Còn các vườn trên (...) Quảng Bá, Nghi Tàm chỉ thưa thoáng vài gốc mai tạp (...)

Vườn mai nhà cụ Mài với những cây mai cổ thụ, gốc sù sì, cành nhánh thưa thớt, thân mốc meo, vào cữ đầu tháng chạp đã không còn một chiếc lá. Tinh mắt lắm mới thấy nơi nách lá những mầm nụ chờ (…) thảng (?) ở đầu cành cao tít kia, một nhành chĩa ra như một que rào khô, lại xòe nở một nụ hoa trắng muốt (...)

- Thưa bác, bạch mai thì tại vườn nhà bác đây rồi. Còn hoàng mai thì ở đâu mới có ạ. Có phải xã Hoàng Mai bây giờ, chính là nơi trồng mai vàng thời xa xưa?

- Đúng thế! Hoàng Mai xưa là trại trồng mai vàng của thượng tướng Trần Khát Chân (...) Giống mai vàng đã tuyệt chủng từ lâu lắm. Ngay tôi cũng không được thấy.

Tôi đinh ninh là mai vàng chỉ (còn) có ở miền Nam (...)

Mãi gần tết năm Ất Mão (1975) Miền Nam đưa ra ít chậu mai vàng đặt trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi mới tận mắt thấy (...)

Mai vàng cành khỏe, nụ mập, cánh to, màu tươi rói (...) đẹp khỏe khoắn, tươi tắn bộc bạch, chứ không kín đáo, ủ ấp như bạch mai ngoài Bắc (...)

Tháng giêng năm Nhâm Tuất (1982) tôi có dịp về thăm Yên Tử. Ðoàn hành hương chúng tôi bắt đầu từ suối Giải Oan, leo hết đường tùng cổ thụ lên tháp Tổ, chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu rồi lên đến đỉnh chùa Ðồng (…) Sương dày tới mức cách xa một vài mét chỉ nghe được tiếng nói chứ không nhìn rõ mặt nhau. Thảng có ngọn gió phơ phất làm tản bớt sương đi, thấy mọi người đang bồng bềnh trong mây (…) Khi lên chúng tôi đi lối trên, bỏ qua chùa Một Mái, nên khi xuống đi đường dưới để được xem ngôi chùa độc đáo này (…)

Chúng tôi bỏ nẻo Vân Tiêu mà đi đường Bảo Sái. Từ chùa Bảo Sái đi xuống phải qua một triền dốc thoải, đường trở nên tối om bởi rừng trúc ken dầy. Tới một đầu dốc, chúng tôi dừng lại đợi nhau. Bỗng tôi bắt gặp một màu vàng sáng nổi lên giữa đám tán rừng xanh sẫm. Tôi đoán, đó là cây vàng anh đang nở hoa. Vàng anh là một loài cây thân gỗ, to như cây cơm nguội, thường nở đầy hoa vàng mà ta hay bắt gặp nơi các vườn hoa Hà Nội. Hết đoạn dốc thì cái màu vàng kia cũng khuất theo triền núi.

Ðến cửa chùa Một Mái, mùi hương hoa bưởi buộc chúng tôi phải dừng bước ngó quanh. Chùa đúng như tên gọi, chỉ có một mái áp vào núi để che nắng che mưa (…) Trong chùa (…) có một giếng đá to bằng chiếc nón thúng, sâu tới hai ba gang tay, cạnh đó là một chiếc gáo dừa (…) Nước giếng trong như nước cất, mát lạnh như nước đá, ngọt như nước mưa ngâu (…) Khi chúng tôi thắp hương xong quay ra, trời bỗng bừng sáng. Một vạt nắng vàng hoe dọi phía trước cổng chùa, vài cánh hoa vàng rơi lả tả, tôi ngước nhìn lên. Trời ơi, cả một cây đại thụ cao tới hơn chục mét hoa vàng rực rỡ, nom như một chiếc tán vàng phủ che trước mái chùa. Tôi quay hỏi sư bà đây là cây gì (…) - Ðây là cây mai vàng (…)

Tôi bàng hoàng, hết nhìn đám rễ cây thọc vào sườn đá, lại nhìn thân cây to tới cả vòng tay ôm không xuể (…) cúi xuống nhặt mấy cánh hoa rụng, nó y hệt những cánh mai vàng ở tận Miền Nam xa xôi (…)

- Bạch thày, quanh Yên Tử đây có còn cây nào nữa, hay chỉ có một cây này?

Sư bà cười:

- Không phải chỉ có một cây, mà một rừng. Nếu ông đến đây vào cữ rằm tháng giêng, đi về phía sau thác Ngự Dội, ông sẽ thấy một rừng hoa như thế này. Hoa phía Ngự Dội thường nở sớm, còn cây này cứ sang giêng mới nở, hoa đậu cho tới đầu tháng hai.

- Vậy ngoài phía thác Ngự còn ở đâu có mai vàng nữa không ạ?

Nhà sư đáp:

- Nếu ông đứng ở sân chùa Hoa Yên nhìn xuống xung quanh chân tháp Tổ, ông sẽ thấy có những đám cây màu vàng. Chính là hoa mai đấy.

(...)

Bữa sau xuống núi, trời lại mù sương, nên chẳng thấy được mai vàng (…) Nhưng những mùa xuân sau, tôi lên tìm mai vàng nẻo sau thác Ngự Dội. Quả là một rừng mai chạy dọc triền núi uốn lượn quanh con thác (…) Cánh hoa rụng phủ kín mặt nước, khiến cả dòng suối rực vàng, dồn về đầu thác. Thác tung tóe một màu vàng tưởng như đây là nước vàng từ trời cao rót xuống. Và quanh quất vùng chân tháp Tổ, thỉnh thoảng giữa đại ngàn xanh ngát lại hiện lên đây đó một vài khoảng sáng vàng tươi, ấy là những tán mai vàng điểm tô cho đất Phật thêm huyền ảo.


(Hoàng Quốc Hải,
Ký sự ven hồ, nxb. Hà Nội, 2004)