“Triết thuyết Lão Tử” (1)

Nguyễn Hiến Lê




ĐẠO VÀ ĐỨC


Đạo Đức kinh gồm 81 chương, nhưng chỉ có khoảng 50 chương độ 3.000 chữ là quan trọng, còn những chương kia hoặc lặp lại, hoặc diễn thêm ý trong các chương trước, không có gì đặc sắc. Các chương lại sắp đặt rất lộn xộn, vậy mà học thuyết của Lão tử được coi làm một triết thuyết hoàn chỉnh nhất, có hệ thống nhất thời Tiên Tần. Hoàn chỉnh nhất vì chỉ Lão tử mới trình bày rõ ràng một vũ trụ quan làm cơ sở cho một nhân sinh quan và một chính trị quan mới mẻ, ba phần đó quan trọng ngang nhau; có hệ thống nhất vì phần nhân sinh quan và chính trị quan chỉ là tự nhiên qui kết của phần vũ trụ quan; tư tưởng gắn bó với nhau một cách mật thiết tới nỗi trong một chương dù rất ngắn, câu trên hay đoạn trên nói về vũ trụ quan thì câu dưới hay đoạn dưới nói ngay về nhân sinh quan hay chính trị quan; mà rất nhiều chương nói về nhân sinh cũng tức là nói về chính trị, hay ngược lại, không thể tách được đâu là chính trị, đâu là nhân sinh, đâu là đạo của nhà cầm quyền, đâu là đạo của dân, cả hai đều phải thuận tự nhiên, đều là những áp dụng của phần vũ trụ quan cả.

Trong phần Học thuyết này, chúng tôi bất đắc dĩ phải tách vũ trụ quan, nhân sinh quan và chính trị quan của Lão ra chỉ để cho dễ trình bày thôi.

Lão tử là người đầu tiên luận về vũ trụ

Các triết gia Hy Lạp thời thượng cổ, ngang với thời Xuân Thu ở Trung Quốc, thường bàn đến vấn đề bản nguyên của vũ trụ, vũ trụ sinh thành ra sao, bản chất là gì v.v., như Thalèse (640-480) cho nước là bản chất của vạn vật, Anaximène (540-480) cho không khí là nguyên tố của vạn vật, Anaximandre (610-547) bảo vũ trụ hồi đầu là một khối lửa bao bọc hết thảy, trời là những vòm hơi nước, mà người từ đất bùn sinh ra; Héraciite (576-480) đồng thời với Khổng tử, bảo vũ trụ không do Thượng đế tạo ra mà từ hồi nào tới giờ, nó vẫn có, nó sẽ vĩnh viễn tồn tại, mà nguyên tố trong vũ trụ là lửa.

Các triết gia Trung Hoa thời Xuân Thu và thời Chiến Quốc, chỉ trừ Lão tử, đều không bàn tới vấn đề khởi thuỷ đó (...)

chúng tôi cho rằng Lão tử là người đầu tiên bàn về nguồn gốc của vũ trụ. Trước ông chưa có ai đặt ra câu hỏi vũ trụ có “thuỷ” có “chung” không. Ông cho rằng vũ trụ có khởi thuỷ và cơ hồ không có chung.

ĐẠO: BẢN NGUYÊN CỦA VŨ TRỤ

Chương 25 ông bảo:

Có một vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất (…) có thể coi nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ.

Chương 52 ông nói rõ thêm:

Vạn vật có nguồn gốc, nguồn gốc đó là mẹ của vạn vật.

Cái đó, ông không biết nó là con ai, có lẽ nó có trước thượng đế (chương 4).

Vậy Lão tử bác bỏ thuyết trời (thượng đế) sinh ra vạn vật, mà có cái gì khác sinh ra vũ trụ, có trước thượng đế.

Cái đó, ông không biết tên là gì, tạm đặt tên cho nó là “đạo” (ch.25). Ông không tạo ra một tiếng mới mà dùng một tiếng cũ để diễn một ý mới. Chữ đạo 道 mới đầu trỏ một đường đi, rồi sau trỏ cái lí phải theo, như khi người ta nói: đạo làm người, đạo làm con…; sau cùng nghĩa mở rộng ra nữa, và đạo trỏ luật, trật tự thiên nhiên. Lão tử có lẽ đã lựa chữ đạo để trỏ bản nguyên của vũ trụ vì cái nghĩa sau cùng đó. Nhưng ông nhận rằng tên đó, ông dùng tạm vậy thôi vì không thể tìm được một tên nào thích hợp, và ngay cái bản nguyên của vũ trụ đó cũng không thể nào diễn tả được. Cho nên ông mở đầu Đạo Đức kinh bằng câu:

Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cửu bất biến; tên mà có thể đặt ra để gọi nó (đạo) thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến.

Ông thú thật với ta rằng cái đạo đó huyền diệu vô cùng, vĩnh cữu bất biến, công dụng của có vô biên, ông không hiểu biết nó được (vì con người chỉ là một phần tử cực kì bé nhỏ của nó, đời sống lại cực kì ngắn ngủi so với sự vĩnh cửu vô chung của nó) và chỉ có thể truyền cho ta ít điều ông suy tư về nó, để ta dùng trực giác mà lĩnh hội được phần nào thôi, chứ ông không chứng minh gì cả.

Muốn đặt tên cho một vật gì thì phải có hình tượng, phải không đồng thời vừa ở chỗ này vừa ở chỗ khác; mà đạo thì không có hình tượng (ch.14), “lan tràn khắp nơi, có thể qua bên trái, qua bên phải” (ch.34), “không có gì giống nó cả” (ch.67); như vậy làm sao tìm được một tên thích hợp với nó được.

Đọc Đạo Đức kinh chúng ta thấy ông dùng non bảy chục lần tiếng đạo, gần như chương nào cũng nói về đạo, nhưng các chương sắp đặt không có thứ tự gì cả, cơ hồ như ông suy tư tới đâu, phát kiến được gì thì ghi lại, mỗi bước tiến lại gần đạo một chút, có khi lập lại những ý trước, có lúc lại như lùi ra xa, có lúc lại nói lửng, thành thử chúng ta rất khó có một ý niệm rõ rệt về đạo. Một phần có thể là do người sau không biết sắp đặt; một phần cũng có thể là chính ông không thể - hay không muốn – trình bày cho rõ ràng hơn.

Dưới đây chúng tôi rán tổng hợp một số chương quan trọng về:

- bản thể
- diệu dụng

của đạo theo sự lĩnh hội rất có thể thiên lệch của chúng tôi.

Bản thể của đạo

Ở trên chúng tôi đã nói Lão tử (ch.25, 52) cho đạo là “mẹ của vạn vật”, vậy nó là khởi thuỷ của vũ trụ. Nhưng chương 4 ông lại bảo: “ta không biết nó là con ai”, nghĩa là ông ngờ rằng trước nó, còn có cái gì nữa mà ông không quan niệm nổi cái gì đó ra sao.

- Còn đạo có “chung” không thì ông khẳng định là không có. Hễ nói tới đạo, ông nhiều lần dùng chữ “thường” (thường đạo) nghĩa là vĩnh cửu bất biến: ch.1 – đạo khả đạo phi thường đạo; ch.32 – đạo thường vô danh; ch.37 – đạo thường vô vi nhi vô bất vi v.v… Lại thêm, ch.14 ông bảo: “theo nó (đạo) thì không thấy đuôi” (tuỳ chi, bất kiến kì hậu). Một lẽ nữa là ông bảo vạn vật từ đạo sinh ra, biến hoá rồi lại trở về đạo; “luật vận hành của đạo là trở về lúc đầu” (phản giả đạo chi động – ch.40). Vậy cơ hồ ông cho rằng không gian thì có thể hữu hạn, nhưng thời gian thì vô cùng.

Trên dòng thời gian vô chung đó, đạo xuất hiện vào một thời điểm nào đó và ông tạm lấy điểm đó làm khởi thuỷ, cho nên bảo: “Ta không biết nó là con ai”.

Tóm lại, chúng tôi đoán Lão tử cho rằng vũ trụ không có chung, mà có một khởi thuỷ - ông gọi là đạo – nhưng ông cũng ngờ còn có một cái gì trước cái khởi thuỷ đó, mà ông chưa suy ra được.

Sau này Trang tử khẳng định hơn Lão tử, trong thiên “Tề vật luận” bảo nếu có khởi thuỷ thì đương nhiên phải có cái gì trước khởi thuỷ đó, cứ như vậy ngược lên hoài sẽ thấy thuyết có khởi thuỷ là không thoả đoán (Hữu thuỷ dã giả, hữu vị thuỷ hữu thuỷ dã giả, hữu vị thuỷ hữu phù vị thuỷ hữu thuỷ dã giả).

Đến phái Trang học đời sau nữa, thì họ dứt khoát hơn, chẳng có cái gì gọi được là “khởi thuỷ” mà cũng chẳng có cái gì gọi được là “chung cùng” (vô cổ vô kim, vô thuỷ vô chung – Trí Bắc du – Ngoại thiên).

Sau cùng, trong Tạp thiên, thiên Tắc Dương, cũng phái đó bảo loài người không thể biết được cái thuỷ cái chung của vũ trụ (chung thuỷ bất khả tri). Vậy chẳng nên bàn tới.

- Nói về đạo, Lão tử, ngoài chữ “thường” ra, còn dùng thêm chữ đại (lớn), như trong các chương 25, 67: đạo đại; ch.34: đại đạo phiếm hề (đạo lớn lan tràn khắp cả)… Điều đó rất dễ hiểu: đạo sinh ra vạn vật, nuôi dưỡng vạn vật (coi đoạn sau), vạn vật cuối cùng đều trở về đạo, thì tất nhiên không gì lớn bằng đạo, chúng ta khỏi phải bàn thêm nữa.

- Nhưng đạo có hình trạng gì không? Có giống cái gì không? Ông chỉ đáp: cơ hồ không có gì giống nó cả (ch.67 đã dẫn), nhưng ông không thể tả nó được vì nhìn nó không thấy, nghe nó không thấy, nắm nó không được.

Chương 14 ông viết:

“Nhìn không thấy gọi là di, nghe không thấy gọi là hi, nắm không được gọi là vi. Ba cái đó (di, hi, vi, tức vô sắc, vô thanh, vô hình) truy cứu đến cùng cũng không biết gì được, chỉ thấy trộn lộn làm một thôi.

Ở trên không sáng, ở dưới không tối, thâm viễn bất tuyệt, không thể gọi tên, nó lại trở về cõi vô vật, cho nên bảo là cái trạng không có hình trạng, cái tượng không có vật thể. Nó thấp thoáng, mập mờ. Đón nó thì không thấy đầu, theo nó thì không thấy đuôi”.


Chương 21 ông viết thêm:

“Đạo là cái gì chỉ mập mờ, thấp thoáng; thấp thoáng mập mờ mà bên trong có hình tượng; mập mờ, thấp thoáng mà bên trong có vật; nó thâm viễn, tối tăm mà bên trong có cái tinh túy; tinh túy đó rất xác thực, và rất đáng tin”.

Hai chương đó với câu đầu chương 25: “Hữu vật hỗn thành, tiên thiên hạ sinh” (có một vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất) rất quan trọng, chúng ta cần phân tích để tìm hiểu cái “thể” của đạo.

Hai lần Lão tử gọi đạo, bản nguyên của vũ trụ, là “vật”: đạo chi vi vật (ch.21), hữu vật hỗn thành (ch.25). Chữ “vật” đó chúng ta không nên hiểu là một vật như cái bàn là một vật, bông hoa là một vật… mà chỉ nên hiểu là một “cái gì đó”. Cái gì đó (đạo) mênh mông “thâm viễn” (chữ này cũng được dùng hai lần), tối tăm (ch.21), hoặc không sáng, không tối, thấp thoáng, mập mờ (ch.14).

“Nó hỗn độn mà thành”. Chữ “hỗn” cũng được dùng hai lần (ch.14 và 25) có thể hiểu là hỗn tạp, trộn lộn nữa.

Nhưng cái đạo đó vô sắc (di), vô thanh (hi), vô hình (vi) cho nên không thể thấy được. Nó là “vật” thì nó là “hữu” (có) rồi. Nhưng nó vô sắc, vô thanh, vô hình, thì nó cơ hồ là “vô” (không). Sự thực nó không hẳn như vậy. Thật khó giảng. Hai lần Lão tử bảo nó “hốt hoảng”, nghĩa là thấp thoáng mập mờ. Lần trước (ch.14) ông cho nó là cái trạng không có hình trạng, cái tượng không có vật thể (vô trạng chi trạng, vô vật chi tượng). Lần sau (ch.21) ông bảo ở trong nó có hình tượng, có vật (kì trung hữu tượng, kì trung hữu vật); hơn nữa ông tin chắc rằng ở trong nó có cái “tinh” (kì trung hữu tinh, kì tinh thậm chân). Chữ tinh 精 đó có người giảng là khí, nhưng cũng có thể hiểu là nguyên lí hay nguyên chất, nguyên tố của vạn vật. Có lẽ nhờ cái “tinh” đó mà đạo sinh ra vạn vật. Vậy đạo tựa như có, lại tựa như không. Bảo là không thì không được vì nó là “vật hỗn độn mà thành”, nó lại có “tinh”; mà bảo là có thì sắc, thanh, hình của nó ra sao, không biết. Chỉ biết nó “hoảng hốt”, mập mờ, thấp thoáng thôi. Mập mờ thấp thoáng tức tựa như có lại tựa như không, ở giữ khoảng có và không. Nó thật huyền bí.

Chương 1, Lão tử bảo:

“Không” là gọi cái bản thủy của trời đất;
“Có” là gọi mẹ sinh ra muôn vật.


cũng là diễn cái ý tựa như có, tựa như không, vừa không vừa có. Không và có (vô và hữu) ở câu đó trỏ “cách thức” (mode) của đạo. Xét cái cách thức vi diệu của đạo thì coi nó là “không”; mà cái cách thức sinh hoá tới cùng mà nó – nhờ cái tinh hoa của nó, như trên đã nói - thì coi nó là “có”.

Những đoạn Lão tử rán tả cái đạo đó, khiến chúng tôi liên tưởng tới định nghĩa danh từ nébuleuse của người Âu: một khối mênh mông trong vũ trụ, mờ mờ, hình rất khác nhau, như mây như khói, gồm nhiều chất, khí.

Tới đây, chúng ta có thể bảo rằng theo Lão tử, đạo là bản nguyên của vũ trụ, cũng có thể là tổng nguyên lí hay nguyên tố của vũ trụ.

Dụng của đạo

Thể của đạo là huyền diệu; mà dụng của nó thì vô cùng (dụng chi hoặc bất doanh – ch.4), nó sáng tạo vạn vật (dĩ duyệt chúng phủ - ch.21), vạn vật nhờ nó mà sinh (vạn vật thị chi sinh – ch.34).

Nó sinh vạn vật ra sao, theo trình tự nào? Về điểm này, Lão tử nói rất mù mờ, chỉ trong hai mươi lăm chữ đầu chương 42, mà chúng tôi dịch là:

Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh vạn vật.

Vạn vật đều cõng âm mà ôm dương, điều hòa bằng khí trùng hư.


và thú thật chẳng hiểu một, hai, ba là gì, khí trùng hư là khí gì.

Có người giảng đạo là “không”, “không” sinh ra “có”, vậy một đó là “có”; hoặc đạo là vô cực, vô cực sinh thái cực, một đó là thái cực; lại có người bảo đạo là tổng nguyên lí, lí sinh “khí”, vậy một đó là khí.

“Hai” thì ai cũng đồng ý là âm, dương vì “vạn vật cõng âm mà ôm dương” như Lão tử nói.

Còn “ba” thì là khí trùng hư do âm dương giao nhau mà sinh ra chăng? Hay là cái nguyên lí nó làm cho âm dương hoà với nhau?

Còn một thuyết nữa: một, hai, ba không phải là bản số (số nhiều, ít) mà là số thứ tự: mới đầu đạo sinh ra cái gì đó (chẳng hạn là khí dương), rồi sau sinh ra cái gì đó nữa (khí âm), rồi sau nữa lại sinh ra cái gì nữa… như vậy cho tới vô cùng.

Ai muốn hiểu sao thì hiểu, và chúng ta chỉ cần nhớ mỗi điều này là đạo sinh ra vạn vật.

Chương 25, Lão tử bảo:

Người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước đạo, đạo bắt chước tự nhiên

“Đạo bắt chước tự nhiên” phải hiểu là đạo với tự nhiên là một, đạo tức là tự nhiên, vì ngoài đạo không có gì khác cả. Như vậy ta thấy đạo làm phép tắc cho trời, cho đất, cho người, cho vạn vật.


(Nguyễn Hiến Lê,
Lão tử và Đạo Đức kinh)