“Bát canh rau vẫn còn nguyên vị gió vờn trên luống”, “mớ mồng tơi xanh xanh mướt mướt (...) nhìn cứ ngỡ như còn giữ cả hơi mưa chiều giông”... Rau cỏ còn đẫm vị gió hơi mưa thế, cho nên “sao ngon vậy những bữa ăn ngày cũ”.

Ngày cũ, vật liệu đầy ăm ắp chất sống và nhiều khi lại chứa cả tình cảm quý giá từ những “trái tim người vẫn mãi còn thương mến, vẫn mãi còn biết non dại cùng nhau trong gian nan có khả năng làm kiệt mọi xúc cảm bình thường”. Nhưng không phải chỉ vì vậy mà những món cũ ăn rồi nhớ trọn đời đâu. Chúng được nhớ mãi, có là nhờ cái năng khiếu nấu nướng đã trau giồi đến mức tài hoa của “bao nhiêu người đàn bà lúc nào cũng trĩu một nụ cười, vừa cam phận, mà vừa quyết liệt sống, bền bỉ sống” nữa đấy.

Vô lý. Nhưng cái để ăn có khi dẫn ta đến cái để đeo! “Những quả bầu sao xanh ong óng, điểm những nốt trắng ngà ngà, đẹp như (...) đôi khuyên tai ngọc lấp ló giữa mái tóc búi lỏng của mấy chị ưa làm dáng và biết cách làm dáng một thời. Cái khuyên tai hình giọt nước thâm trầm xanh, bên mái tóc đen, bên gò má mịn mát như là đá trắng, chao ơi là đằm thắm”.

Ðậm đà, đằm thắm, “đẹp bình dị và sang cả (...) những ngày tháng ấy”, làm sao “tôi” quên.

(Thu Tứ)



Lê Minh Hà, “Còn không mùa xưa”




Không được ăn, thôi thì nói vậy. Cái mà tôi muốn nói: chiều nay tôi rất thèm rau, thèm được nhâm nhi lưng bát canh rau vẫn còn nguyên vị gió vờn trên luống. Rau ấy, phải là rau ấy, chứ không phải là cái thứ trông thì tươi hơn hớn nhưng mà thật ra đã héo ruột trong nhà đông lạnh tự bao giờ.

Mùa này rau cỏ... Viết rồi mới thấy mình dấm dớ. Mùa nào chả là mùa rau cỏ ở quê mình. Mùa nào thức nấy. Chợ búa hàng ngày phải biết, để mà được bữa cơm ngon và rẻ. Ðã đành. Nhưng, để thấm cho hết cái duyên đất trời riêng tặng cho từng loài sinh cầm cây cỏ thì cứ phải mùa nào thức nấy.

Bắt đầu từ đâu nhỉ. Thôi cứ từ tháng một tháng chạp đi. Cải ngồng vàng lộng lẫy dưới bầu trời mây xám giăng theo chiều gió bấc. Chao ôi màu hoa quê nghèo. Xứ xa, cuối xuân, dăm ba tháng nữa thôi, đi trên Autobahn cứ từng lúc mắt lại ăm ắp một màu hoa cải vàng chạy ngợp ngợp phía chân trời. Từng cánh đồng mênh mông rờn rờn cải đơm hoa vàng rực dưới bầu trời mênh mông ngổn ngang mây xà cừ. Tuyệt vời! Sự trù phú và hoang phí của trời đất quê người. Lại thương quá mấy ngồng cải vàng vẫy vùng trong gió lạnh, trên ruộng nghèo, bên chái bếp bạc màu bùn đất.

Ngồng cải ấy đem về luộc nhỉ. Nhớ đừng quên đặt thêm quả trứng vịt lên chốc nồi cơm vừa cạn. Nhánh gừng đập dập thả vào xoong rau vừa vớt ra, phân vân mấy sợi vàng trong bát nước canh xanh như ngọc. Rau cải luộc, chấm nước mắm trứng dầm, ăn với thịt kho tàu, hay cá kho, hay đậu phụ rán vàng om với cà chua, rắc vài ngọn mùi, và cơm, vừa chín tới. Một bữa cơm như thế, một thời, đã là ao ước của bao nhiêu người đàn bà lúc nào cũng trĩu một nụ cười, vừa cam phận, mà vừa quyết liệt sống, bền bỉ sống.

Thương sao tuổi bé những chiều đông Hà Nội phụng phịu ngồi vào mâm cơm không có gì hơn một màu xanh hi vọng của rau cải và nước rau cải luộc. Rau cải luộc chấm xì dầu, rõ vô duyên quá. Thôi thì không chấm vậy, để cảm cho hết cái ngọt của ngồng rau. Vị ngọt sắc mà thanh, hơi nhờ nhợ của ngồng cải luộc không biết sẽ còn nhớ đến bao giờ, dù mùa đông nơi này, không phải là hanh nắng, không phải là gió bấc, mà là băng và tuyết, là những ngày đi trong chiều mà tưởng đã là đêm.

Cũng những chiều đông, chẳng ngồng cải hoa vàng thì lại su hào, bắp cải. Ðôi khi tôi cứ tự hỏi nếu không có những ngày thơ dại đi sơ tán, cũng ti toe đòi bà cho luống đất trồng rau, cũng đòn gánh trên vai bãi tha ma đồng xa đồng gần hót phân về ủ, tranh với trẻ trâu, cũng đôi thùng tưới lệt xệt vài bước lại chạm vào gân chân đau điếng, nếu không có những ngày tháng đó, tôi có biết thương đến cái bắp cải củ su hào.

Thương thật. Thương từ khi theo bà ra ruộng, mắt trước mắt sau lấy cái que rào chọc chọc vài ba lỗ để vùi làm của riêng mấy ngọn rau giống đã dập bà tiện tay bỏ bên bờ ruộng. Thương đến những chiều bé bỏng, không đủ sức tự vục thùng vào ao cạn, một tay víu gốc vối già, một tay cầm cái gáo với từng gáo nước đổ vào thùng, mà khi tưới vẫn nghiêng tay nhiều hơn cho mấy ngọn rau riêng. Ðẹp biết bao nhiêu khi cây su hào con đã vững vàng trên luống và dưới gốc bắt đầu phình ra, thành củ. Từng ngày một, cái lá su hào non mà đã một màu xanh già dặn vươn cao hơn, củ nhỉnh dần, bằng cái chén, bằng cái bát ăn cơm, rồi bằng cái ... bánh xe con. Giống su hào bánh xe này củ to thế mà non lắm, nhổ về, rửa sạch, cầm con dao bài thái vát, tưởng chừng như nước ứa ra. Ðừng vứt mấy lá non kia, ngon có lẽ còn hơn củ khi đã thấm vào mình mắm muối. Tôi tính ma muội, lại còn thích bỏ vào rổ su hào đã thái đôi ba mảnh vỏ non non. Mà có hẳn là ma muội không, khi nhấm nhấm cái vị bùi của nó là, thế đấy, bao nhiêu thương nhớ lại quay về. Cái tính đó, tôi có từ khi nghe những câu chuyện ngày xửa ngày xưa của bà tôi. Những câu chuyện về một thời kháng chiến, chồng con lên Việt Bắc, một mình bà đưa các chú các cô còn tuổi dại rời Hà Nội. Rồi... Rồi... Những buổi trưa sau ngày biết tin ông đã nằm lại trong chiến dịch Thu Đông giữa rừng Chiêm Hóa, những chiều xế bóng ngày cải cách ruộng đất người đã khuất lại vướng dây oan bà lủi thủi góp từng bước mỏi với những người đàn bà cùng xóm, trong cái thúng quảy sau lưng là mấy đấu gạo và mớ lá su hào già nhặt nhạnh khi chợ vãn, đem về nấu muối, cho bầy con qua cơn đói miên man.

Một luống su hào chạy dọc thửa ruộng phần trăm giồng xen với xà lách mà mấy bà cháu ăn suốt giêng hai. Hết su hào luộc, lại đến su hào xào. Bà thím có thời làm hàng cơm sáng chế món su hào thái con bài nấu cá, tưởng tanh, mà một nhánh nghệ già, dăm ngọn thìa là, thìa mẻ xin qua hàng rào nhà hàng xóm, chỉ vậy mà thành bát canh là lạ và ngon ngọt.

Cuối mùa, su hào bắp cải vẫn còn trên luống. Thì chuyển qua đơn ca bắp cải, còn su hào, bà đem thái con chì, rải kín mấy cái nong phơi ở mé sân. Chỉ dăm ba nắng, miếng su hào quắt lại thành sợi trắng ngà, phải ngày mưa lạnh, bà sẽ đem ngâm nước nóng cho sợi su hào nở hết, rồi vắt khô, ngâm nước mắm với gừng tươi. Một đĩa su hào khô thấm vị mắm vị gừng, một bát nhỏ cá chi chi khô rang mỡ, thêm chút đường cho mềm vị, nồi cơm bắc vội quấn rơm đốt đùng đùng, thế là đủ để hạ ngay mâm xuống dọn cơm cho bố mẹ vừa mải mốt đạp xe trong gió ngược từ Hà Nội về tiếp tế. Gọi cá cho oai, chứ chi chi thực ra là tép, nhỏ còn hơn ngón tay út, mình dẹt lét, ngắt đầu đi thì chẳng còn được bao nhiêu, thế nên cứ xơi cả thủ tép luôn, hơi đăng đắng, mà có tí gừng cay bỏ vào, nước mắm, mỡ đường quyện lấy thì ngon lắm. Buổi chiều chuyện trò chưa hết, nhưng mà còn phải qua chào bà con hàng xóm một tiếng, thế là trong lúc con cái dâu rể dắt bầy cháu đi chơi, bà với cái nón lá già cũ cũ đi ra ruộng. Mẹ sẽ ồ lên vì rổ rau cần bà mới hái về mơn mởn ngó trắng lá xanh. Bố sẽ gật gù tiếc rẻ rau cần này mà thiếu miếng bạc nhạc bò và khúc củ mỡ.

Phải. Hà Nội đã mua rau cần thì phải đảo qua hàng thịt. Thịt bò thái miếng to và thật mỏng (tôi có kinh nghiệm chỉ dao hàng thịt mới thái được thế), ướp kĩ, đổ vào mỡ nóng già, miếng thịt nở ra, quăn lên nhè nhẹ. Xúc thịt ra và để lại phần nước thịt vừa mới tiết, cho rau cần vào xào tiếp. Cần tái cải nhừ. Ðảo nhanh tay cho mớ rau lồng phồng xẹp xuống rồi lại đổ thịt vào mà trộn. Chỉ một bát cần xào như thế là đã đủ cho một chiều mùa đông Hà Nội lãng đãng những sương mưa.

Thế mà vẫn thua món rau cần bố mẹ ồ à nhắc nhở nấu với bạc nhạc bò và củ mỡ. Ủ trước bên cây xoan cộc góc vườn một hố phân xanh, trồng xuống đó một cái mầm củ mỡ, chả phải chăm bón gì mà cuối năm cũng được cả thúng củ to. Củ mỡ nấu chè, củ mỡ luộc đều ngon cả. Nhưng mà đổi vị duyên dáng nhất phải là củ mỡ nấu rau cần và bạc nhạc bò. Món này phải năm rét nhà quê sẵn lắm. Bò đang ăn cỏ quỵ xuống mà run vì quá rét. Chả còn cách nào hơn là ngả vội. Ở Hà Nội tôi thấy và rồi cũng quen đi, đã động thịt bò là phải có tỏi. Nhưng mà những ngày quê cũ, tôi chỉ ăn thịt bò xào nấu với gừng. Ðấy, một chút gừng gia vào xoong to bạc nhạc bò đã hầm nhừ cùng củ mỡ, đến lúc gần bắc xuống mới cho rau cần thái dối vào. Miếng bạc nhạc dai dai dẻo dẻo, củ mỡ bở bở bùi bùi, ngó cần giòn giòn ngọt ngọt, và nước thì sanh sánh, ngầy ngậy. Ai có bao giờ được xơi món ấy, xin đừng động đũa vào bất cứ món nào khác ngon lành đến mấy có trên mâm. Chả biết hẩu lốn sà bần của đất Hà Nội Sài Gòn xưa ngon đến thế nào, có những thức thú thật là đọc ông Vũ Bằng tôi mới biết, vì như cái đậu phù trúc vợ chồng họ Vũ nhắc nhớ một đêm xuân xưa ấm áp. Ðọc, tôi cứ tiếc họ Vũ vậy mà vẫn chưa được nếm món hẩu lốn rau cần nấu bạc nhạc bò và củ mỡ. Và nhớ món hẩu lốn rau cần những ngày thương khó, lại bùi ngùi tưởng vẳng tiếng bà vừa than rét quá vừa giảng giải bùn phải làm cho mượt thì cần mới ngoi dài, lại bùi ngùi tưởng thấy lại đôi mắt cá chân khô gầy đã rửa rồi mà còn lem mấy vệt bùn của bà những lúc từ ruộng cấy cần về, lại nhớ nụ cười đông cứng trên gương mặt bố mẹ vì đường xa gió lạnh xe thủng săm tuột xích.

No ba ngày tết. Nào có phải như bây giờ... chốc nhoáng lại đến mùa rau giáp vụ. Su hào bắp cải ăn không ngọt nữa, lại già, vừa xơ vừa xốp xộp. Cà chua cuối vụ quả nhỏ và không ngọt. Ðảo ra đồng tạt ngang thửa ruộng trồng khoai nhà hàng xóm xin một nắm lá về nấu tương. Cái món này Hà Nội tuyệt nhiên không có. Nhưng dân Hà Nội tháng ba lại ưa món ngọn khoai lang đem trần qua cho hết chát rồi xào tỏi, hay luộc kĩ hơn một chút rồi chấm nước mắm tỏi cũng ngon. Ngọn rau muống đầu mùa, ngọt thì chưa nhưng cũng cần đổi vị, mua về nấu với tương gừng ở nhà quê hay nấu cà chua theo cách ăn người Hà Nội, thêm miếng cà bát nén bổ ra vắt hạt ngâm đường tỏi ớt, ngon vào đến tận ý nghĩ hôm nay.

Ðược hôm nào ra chợ sớm, may gặp rổ rau tập tàng của cô bé nhà quê mặt tròn chậm mồm chậm miệng. Rau tập tàng những ngày xuân còn xanh đa vị lắm. Chán cho dân Hà Nội nửa mùa, cái chữ tập tàng hay đến thế mà chẳng nói, lại gọi món rau hoa rau lộc kia là rau láo nháo, phí hoài chưa. Rau muối lá mỏng và trăng trắng mọc đầy bờ ruộng, rau dền cơm từng đám đầy gai mọc chen với cỏ, lá mảnh cộng chân rào, vài ba lá ớt, ngọn rau sam bụ bụ... Ôi món rau tập tàng giản dị, đất quê mùa nào cũng sẵn, cứ gì đôi ba tháng ngày xuân. Cứ vài ba loại lá lẩu rau cỏ gộp lại là có được bát canh tập tàng ngon. Ngon đạm bạc. Ngon chiu chắt. Ngon cái tình hữu duyên thiên lí mà chưa một lần tao ngộ. Như lời đề tặng của nhà văn Võ Ðình trong bài viết về món canh nghèo ấy. Như lời mời về thăm làng Vạn Phúc, cùng ăn bữa cơm có canh rau tập tàng trong tiếng gà trưa xáo xác của nhà thơ đã khuất Phùng Cung.

Tháng ba, tháng của nhót và thanh trà. Nhớ tháng ba là nhớ những ngày đi học, nhớ hoa lộc vừng thảng thốt cháy giữa trời xuân phía đài Nghiên tháp Bút, nhớ búp vàng vàng cây đa trước bảo tàng quân đội phía Cột Cờ thả vào gió sớm mùa xa, nhớ đầu gối, cánh tay lúc nào cũng mờ mờ phấn nhót. Quả nhót, mài kĩ phấn rồi, còn phải gượng nhẹ lăn giữa hai đầu ngón tay, se sẽ bóp. Này, nghiệm kĩ lối ăn của ngưòi mình thật lạ, thật buồn cười, ngon là phải vần, phải bóp, phải vò, phải xéo, phải móc, phải moi. Cơm nấu trong nồi cơm điện không bao giờ ngon bằng cơm nồi đồng hay nồi gang vần lửa rơm, đấy là chưa nói cơm nấu bằng niêu đất. Nhót mà không bóp cho nẫu nà một chút ăn không mềm không ngọt. Xôi xéo xôi vò có cái đằm cái dẻo cái tơi riêng. Mít, chờ người bày từng múi lên đĩa, lấy nĩa hay tăm chọc chọc thì còn gì là mít, cứ phải tự tay hì hục xoay từng miếng vừa mới bổ, rồi là móc múi moi xơ, sao cho hai bàn tay phải đầy những nhựa và những mật thì mới gọi là ăn chứ.

Nhưng mà tôi đang nói nhót. Nhót chín ăn chơi đã vậy, mà nhót xanh nấu thịt nạc thì mới gọi là. Chẳng có gì nhiều, lạng thịt vai mua về băm rồi viên thành viên nhỏ, thả vào xoong nước đã sẵn hành phi với cà chua cho lên màu, và nhót nữa, chừng mươi quả, thêm chút mùi, thơm, mấy dọc hành hoa. Bát canh thanh cảnh ăn mỗi cuối xuân bao năm rồi vẫn nhớ. Nhớ nhất là những hạt nhót chị em chia nhau khoắng kĩ. Nhằn ra, có vị bùi riêng. Thịt nạc nấu canh chua, thiếu cà chua thì dùng thanh trà, khế, hay sấu xanh, hay Rhababe trông giống dọc mùng, duy có màu đỏ nhạt, vị chẳng khác gì những tai chua những dọc mùng những me và sấu và khế, ngon lắm, ngon lịm người, nhưng vẫn không thay thế được món canh chua nấu nhót, bởi không thể có cái nhân nhẩn bùi kia.

Không ưa thịt thì có thể nấu canh chua cá mà ăn vào những trưa xuân muộn. Miền Nam có cá thát lát, chẳng khác gì giò sống. Thế mà vẫn chưa hẳn là hơn vị món canh chua cá lành canh. Con cá lành canh mỏng tang, trong suốt, lấp lánh đôi ba vảy bạc li ti, yếu ớt đến độ không quẫy cựa gì trong rổ ngay cả khi còn tươi, mua về, băm nhỏ cùng hành hoa với thìa là, và cũng viên từng viên be bé mà nấu với quả thanh trà thì nhất hạng. Ðưa thìa canh vào miệng, cái vị thanh trà chua, thanh đến không thể thanh hơn được, miếng cá, ngọt vì tươi, thơm mùi thìa là với hành hoa, cứ từng lúc lại buộc phải ngẫm nghĩ, vì cảm giác xương băm chưa kĩ hẳn. Tôi thích cảm giác đó trong món canh nghèo đó, cảm giác về một sự thiếu hụt, cần thiết để có thể hiểu cặn kẽ, để biết quý hai chữ đủ đầy.

Cái đủ trong những ngày tháng thiếu. Sờ tới cái gì cũng thiếu. Chai nước mắm loại hai, thùng gạo toàn mọt và cứt gián, áo quần bộ nghiêm bộ nghỉ, bánh xà phòng cám vừa nhúng nước đã nhão, lạng đường chảy bốc mùi chua, cái lốp gia công bì bì đứt hết cả tanh lòi cái săm vá chín vá sống chằng chằng đụp đụp. Ðến ngay cả màu trời xanh rất xanh kia trên những ngày tháng đó cũng thiếu thiếu một cái gì. Như là mây đi hoang. Tiếng mìn phá đá vọng lại từ chân núi nhờ nhờ xám chỉ càng làm dội sâu hơn cảm giác buồn buồn giữa tuổi thơ cô độc, tha thủi một mình bờ sông gốc rơm chân rào hàng xóm, với củ cỏ gấu cay cay, ngọn cỏ chả biết tên, bù bụ đo đỏ như đẵn mía tí hon, nhấm ăn ngòn ngọt, nắm lạc tiên và nụ hoa cúc dại, cục nhựa xoan vừa chích trộm ở cây xoan cuối vườn nhà dẻo dẻo màu hổ phách, thân chuồn chuồn lộng lẫy màu cam đỏ chớp trong trưa...

Có những trưa như thế, bà cháu mang rổ đi xúc hến. Chẳng có cái cào như người chuyên đi xúc, chỉ cốt nhặt cho đầy rổ về làm một bữa. Sông xuân cuối mùa cạn cạn, nước còn chưa ấm, vừa dìm mình xuống đã bị bà quát lên bờ. Sao tôi nhớ thế này những trưa mùa xuân đầy ắp gió đứng trên bờ sông hoang vắng ngóng bà tôi, ngóng cái yếm trắng chìm chìm nổi nổi, hớn hở vì rổ hến đầy bà mới bắt mà chẳng để ý môi bà tím lại vì nước lạnh. Tôi yêu bát canh riêu hến ngọt ngào, thơm mùi hành, thìa là, chút rau răm thái nhỏ cũng là vì thế, vì nỗi nhớ bà tôi, nhớ một quãng sông xa chia ba dòng thành tên làng nhỏ đã chở che bà cháu tôi những mùa bom đạn. Ôi sông Ðáy! Ôi làng xưa Ba Thá. Ôi những người kẻ Thá nói không rõ dấu huyền gót chân bốn mùa nứt nẻ quê tôi.

Sao ngon vậy những bữa ăn ngày cũ. Xuân qua hè lại. Quả sấu lúc lỉu trên hàng sấu cao cao ngoài phố đã thấy cả trong cái mẹt con con của mấy hàng rau. Rau muống luộc sao cho thật xanh, nước dầm sấu hay vắt chanh, hay bỏ mớ lá me mong mỏng vào đều ngon cả. Nhưng mà kĩ ra thì thấy me chua và thơm đấy mà vẫn còn vị chát. Phải sấu xanh, hấp cơm chín nục bỏ vào nước canh mà dầm, dầm cả vài ba quả vào bát nước mắm vừa mới rót. Hạt sấu non cắn dập ra, thoảng như ngòn ngọt trong vị chua còn non trẻ. Rau muống chấm nước mắm dầm sấu thì tốn rau, tốn nước mắm. Cuối bữa, tiếc rẻ chút nước chấm còn chưa hết, làm luôn bát nước canh rau. Vị chua chua mằn mặn, hơi gió nóng trưa đầu hạ, khó tìm lại được dù có đi bốn phương trời.

Tôi thích nước canh rau muống dầm sấu, mà cũng thích cả vị chanh thay sấu trong bát nước canh rau luộc hơi nhừ xanh như nước hồ Gươm (*). Thực thì chanh làm bát nước rau đẹp hơn, vì chỉ cần vài ba giọt là cái màu xanh hơi đục đục kia của nước canh sẽ lập tức trong vắt lại. Mấy giọt chanh ấy sẽ không được phép thiếu ở đĩa rau muống xào tỏi. Ði nơi nọ nơi kia, mỗi nơi ăn một cách, như trưa nào ở vùng ven đất cảng tôi đã xuỵt xoạt bát cơm chan nước rau muống luộc đánh dấm bằng quả chay hết sức đậm đà, nhưng mà ở đó rau muống xào không thấy có chanh có ớt và dăm ba ngọn rau kinh giới, khiến mới xa Hà Nội vài sáng trưa chiều tối mà lúc chiều nhập nhoạng nhìn ra đồng trống bỗng rỗng hết ruột gan.

Rau muống mùa hè. Rau dền mùa hè. Rau cải mùa hè. Mùa nắng nôi nồng nực may mà đến lắm thứ rau, chứ không thì làm sao mà cầm bát cơm lên được. Dền tía lá tròn tròn vỏ hến luộc vừa chín tới, nước thả chút gừng, dậy một màu đỏ lịm trên nền men trắng, ngon vì ngon mà cũng vì đẹp quá. Dền liễu lá dài nấu canh suông, thái thêm vào đó đôi ba lá tía tô, mà nếu thì giờ rủng rẻng hơn thì làm xóc cua, chẳng cần chưng gạch lấy màu, cứ thế mà giã, mà lọc, mà đem nấu. Một bát canh cua rau dền, thêm dăm quả cà còn chưa ngấu hẳn... Cái hiền hòa của đời sống này mới giản dị làm sao.

Thế mà ngay cả trong những ngày tháng đó cũng không hẳn là dễ có. Ðã có ai một trưa nào về thăm bạn đồng học quê xa? Dựa cái xe đạp vào gốc cây, ngửa mặt nhìn bầu trời mây trắng ngổn ngang qua giàn bầu xanh loang nắng. “Bác cho chúng cháu ăn cơm rau thôi bác ạ.” Miệng nói, tay cầm con dao bài nhỏ nhỏ trong cơi trầu của bà và mẹ bạn bước ra sân. Những quả bầu sao xanh ong óng, điểm những nốt trắng ngà ngà, đẹp như giọt nước trong veo ứa ra từ mắt cô bạn gái thất tình đang cố mỉm cười tự giễu, đẹp như gì nữa nhỉ... như đôi khuyên tai ngọc lấp ló giữa mái tóc búi lỏng của mấy chị ưa làm dáng và biết cách làm dáng một thời. Cái khuyên tai hình giọt nước thâm trầm xanh, bên mái tóc đen, bên gò má mịn mát như là đá trắng, chao ơi là đằm thắm. Kể cũng hơi thô bạo khi đưa con dao bài cắt ngang giọt nước - quả bầu chỉ mới bị một vài ba vết bấm móng tay thăm dò tuổi tác. Nửa quả bầu ấy, em bạn xắt khúc luộc lên. Bầu tươi luộc, đùng có nước mắm xì dầu hay tương, cứ bát muối vừng mà chấm. Cái vị ngọt nhạt, mát mẻ của miếng bầu tươi lấm tấm muối vừng mằn mặn không pha phách thêm bột ngọt và đường như mấy nhà ở Hà Nội hay làm chả biết theo công thức quỷ quái gì, ăn vào một trưa hè tự dưng chói lên tiếng con cồ cộ y như tiếng kèn đồng làm cả dàn hợp xướng ve im bặt, tôi chỉ ăn có một lần, có một lần mà nhớ. Cũng nhớ cái vị bầu xào bằng mấy thìa mỡ khen khét nhà bạn tích trữ có lẽ từ độ tết, hơi quá lửa, hơi oi khói, và giọng mẹ bạn xởi lởi, hơi bèn bẹt trong bữa cơm lúc chập tối, trước buổi chia tay. Bạn bây giờ ở đâu xa? Xóm cũ còn như cũ?

Tôi thích rau muống, rau dền, rau cải nữa. Cải mơ mà nấu trứng cáy, bữa chiều nay có thì hay nhỉ! Cải nấu cá rô ngon lắm, có điều lích kích. Chẳng bằng mua chút trứng cáy bày trong mảnh lá, chút xíu thôi, mà bát canh đậm lạ lùng. Canh rau cải ăn chiều hè, thêm đĩa rạm đầu tháng, nở nang và lắm gạch, hay đĩa tôm khô rang khế, hay đĩa nhộng rang thả hành hoa và chút lá chanh thái chỉ sơ ý để trước cái quạt tai chuột quay lờ đờ vì điện yếu cũng đủ bay, và mẹ, và có mẹ... Có nỗi nhớ nào vô vọng hơn thế ở trong tôi.

Ở đây cũng có rau dền rau cải. Cải rũ trên đất ẩm suốt mùa đông, lá cứng giòn vì băng tuyết, thế mà chỉ vừa thoáng chút hơi xuân đã bừng bừng lớn, mênh mang xanh, rồi dậy sắc vàng hoa. Cải đó, hái về (đôi khi là vô phép) xào tỏi hay thả vào nước luộc gà, ngon lắm. Cải tây có vị chao đảo giữa cải xanh và lá su hào. Nhưng nếu hái được cải lá có lông ram ráp thì khó có thể bảo rằng đấy vẫn chưa phải là cải Việt. Canh cải nấu suông, cơm tấm mới, ăn cùng vài ba con tép bà mua của mấy đứa trẻ đầu tóc khét nắng chiều chiều đi kéo te hay đi tát về vẫn rảo ngang nhà, năm tháng toan lo bỗng thành vô sự. Này con tôm riu nhỏ nhỏ vừa gặp lửa đã đỏ hết mình, con cá cờ, con rô ron, con mài mại, con trạch con, con bống, thờn bơn. Lúc bà kho tưong với nghệ, hơi cạn cạn thì chắt nước chấm rau, lúc bà lại kho khô cong lên với lá gừng, kho kiểu nào cũng làm tôi mê mẩn cả. Mê gần như mê gạ gẫm bọn trẻ cùng xóm cho theo thử kéo te. Tôi chỉ thích kéo te, chứ đi tát thì ham đấy mà hãi đỉa. Một nhúm thính thả vào cái te làm tấm vải xô cũ cũ, căng hơi võng võng, thả nhẹ xuống mương nước, rồi nhìn tăm nước mà kéo lên. Phải nhẹ tay, nhẹ lắm, nếu không cá động hay cái te sẽ bồng lên, chỉ còn nước ròng ròng rỏ. Hôm nào được bọn trẻ cho nín thở cầm cái cần te, mà lại kéo lên được dăm ba con tép, mà cái mớ tép đó bà sẽ mua cho bữa cơm chiều, bữa ấy, cá, cơm, canh, món nào với tôi cũng thành nhất cả.

Hết mùa rau cải ở đây thì lại có rau dền. Nhớ buổi chiều nào còn chưa thể nào quen được nỗi nhớ buổi chia tay, tôi đã thảng thốt dừng chân bên vệ đường có mấy ngọn rau dền lẳng khẳng. Có dấu tay người mới hái. Gặp nhau trong bếp vợ chồng mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau rồi bất giác phì cười vì mấy lá rau dền trong hai bàn tay vừa đồng loạt xoè ra. Cười mà nước mắt muốn ứa. Phải đến tận mấy mùa hạ sau mới biết dền ở đây nhiều lắm, chen chúc giữa các luống ngô và củ cải đường. Ngô được vài ba lá, cao chừng non hai gang tay, thế là đến lúc hái được rồi. Nhưng ngon nhất phải là rau dền hái trong những triền nho mênh mông bên bờ sông Rhein xinh đẹp. Nhắc rau dền, lại nhớ mấy cô con gái, lúc nào cũng như mới vừa qua tuổi sinh viên dù cũng đủ mùi cam khổ. Vừa đáp tàu mấy trăm cây số đến thăm nhau, nghe tới những rau dền rau cải, thế là các cô hăng hăng hái hái nhanh nhanh nhảu nhảu giục đánh ô-tô đi tầm. Chính là trong một lần vui như thế mà chúng tôi đã phát hiện ra cùng rau dền rau muối một loại rau lá nhỏ, vò ra thơm đúng mùi cua đồng mới giã, nấu canh xong nhìn nhau ăn đại, thấy mình sống nhăn và thấy đời vẫn đẹp sao.

Muốn chưa nuốt đến môi đã trôi đến cổ thì làm bát canh mồng tơi rau đay nấu mướp. Mớ mồng tơi xanh xanh mướt mướt kẹp ngang bằng, không phải lạt, mà là một thanh tre mỏng mỏng, nhìn cứ ngỡ như còn giữ cả hơi mưa chiều giông, mớ đay ngọn đỏ đỏ gầy gầy, thêm quả mướp hương nhỏ nhỏ. Canh mồng tơi rau đay mướp ăn với cá long hội kho khô và cà pháo. Còn những ai bây giờ hiểu nghĩa kì khu trong tên loài cá biển mậu dịch thường bán theo tem phiếu ngày xưa nhỉ? Con cá biển bằng non nửa bàn tay, mỏng dẹt và xương cứng cứ như là để đi thi võ cá, chẳng ai biết tên là gì, thôi gọi đại long hội, là lôi họng. Cá long hội, cò quay- muối trắng, canh toàn quốc, nước chấm đại dương là bữa thường nhật của rất nhiều bạn tôi một thuở ăn như sư ở như phạm thời đại học học bổng mất giá 36 đồng. Bữa cơm những tháng năm nghèo có vậy, mà lòng vẫn đủ sức cưu mang thơ và khát vọng là sao?

Quả khó hình dung lại những tháng năm rất buồn, rất khổ. Nhưng quên ư? Không thể nào quên. Không thể nào quên những chiều xế xế xe rau mậu dịch vừa xuất hiện đã bị quây chặt bởi một lũ trẻ con ở đâu à à chạy tới. Rau muống từng ôm từng bó còn tươi lắm mà đã nát bởi quăng lên quật xuống từ bờ ruộng hợp tác xã lúc thu mua, lúc đổ từng đống trên hè phố. Củ su hào đã úa, mắt lá trở vàng vàng. Bắp cải xác xơ như cái đầu người sau cơn sốt nặng. Cà chua quả chín quả ương bị dập, nước hồng ứa ướt hết cái nón mẹ vừa ngả ra đựng tạm. Giá không trắng, không bụ mà thâm thâm dài ngoẵng. Và đậu cô-ve. Ngày bé, tôi thù ghét món đậu cô-ve và bắp cải ôi mậu dịch. Không thể hiểu nổi vì đâu lại phải sống những ngày tháng gian nan và kì cục đó. Và vì sao, trong gian nan có khả năng làm kiệt mọi xúc cảm bình thường, trái tim người vẫn mãi còn thương mến, vẫn mãi còn biết non dại cùng nhau...

...Vẫn mãi run rẩy trước bao nhiêu vẻ đẹp bình dị và sang cả giữa những ngày tháng ấy. Nhớ một chiều đông xưa trời nổi gió nồm, trong căn phòng đã khép hết cửa mà vẫn vang vang tiếng loa hắt qua từ khu triển lãm bên kia phố, tôi đã ngồi xem qua đèn chiếu những bức hoạ tuyệt vời của bảo tàng Ermitagie. Ðợt sóng thứ chín trang trọng và bi thảm với cuồn cuộn đen và xám. Những người kéo thuyền trên sông Volga, bờ vai gồ khổ ải và cam chịu. Nụ cười Nga bí ẩn mà hồn hậu. Vàng thu phơi buồn lộng ảo như nỗi cô đơn không cùng tận của con người... Cho đến tận bây giờ, vẫn vang vọng trong tôi, may mắn sao, không phải là tiếng loa át hết bao điều muốn nói, mà là tiếng những tàu lá chuối khua trong gió từ vườn chùa bên ngõ lúc chia tay. Nỗi bàng hoàng trước cái đẹp chỉ được mê đắm qua đèn chiếu trên tường trong ánh sáng mờ mờ của gian phòng nhỏ, niềm thanh thản diệu vợi khi ra với chiều đông vườn chuối của nhà chùa phần phật tiếng gió lá reo, sự giao cảm bền bỉ và yên lặng mà tôi đã đạt tới một thời giữa cõi nhân gian bé tí này, tất cả, tôi đã sống lại một mình khi ngồi gọt vỏ khúc bí đao cho bữa cơm chiều. Bát canh trái mùa suông nhạt, không có gì ngoài những miếng bí trong trong và chút hành xanh. Thế mà thành nét chạm trong kí ức về năm tháng đã thành miên viễn.

Tháng ngày đi qua. Cũng qua rồi những khổ sở vì đau ốm dài theo xuân hạ thu đông. Có nghĩ lại thôi không còn sợ nữa, mà thêm nhớ. Nhớ mưa khe khẽ cười trên nón những sáng cuối xuân trở dậy được sau cơn ốm, ngồi chấm cho hết mấy tập bài của học trò rồi ra ngõ, gặp hàng bán nõn khoai, rủ chị hàng xóm mua chung về om với chút mẻ, chút tương, chút mỡ, để thấm lại những ngày sơ tán đêm nằm năm ở. Nhớ những chiều xế nắng, sang cái chợ bên đường tìm mua dăm ngọn mướp, vài nụ hoa thiên lí trắng xanh. Ngọn mướp nấu canh cua, thiên lí dặm vào canh cua rau muống, hay là đem nấu thịt nạc. Êm như là hương thu, dịu dàng đi qua, đi qua.

Tôi ưa vị đơn sơ trong những bát canh mùa thu mùa hạ. Tôi ưa cái thanh cảnh trong rau vụ đông xuân. Ở đất Hà Nội, rau cỏ đã là hàng hóa, không phải là lộc ruộng lộc vườn tự cung tự cấp, nên cái dân cày đường nhựa lại được ăn nhiều thứ rau cỏ ngon hơn nông dân chính hiệu ở nhà quê. Mùa đông, chán su hào cải bắp thì sao không mua vài ba mớ rau cải cúc về nấu với chút thịt nạc băm. Mà nếu không ưa mùi thơm hăng hắc của cải cúc, đã có cải xoong. Cải xoong, kẻ nhát như tôi thì hơi sợ vắt, nhưng mà rửa sạch trộn dấm hay xào sơ với cà chua, thịt bò, đừng quên đôi ba nhánh tỏi, ngon mê mẩn bữa chiều đông. Giống rau này cũng như cần, tái thì giòn mà quá lửa thì dai ngoách, ăn, tôi có cảm giác mấy bà dân Hà Nội gốc cứ như có mắt ở tay đảo đũa, bát rau cần rau cải xoong xào của họ bao giờ cũng ngon đúng độ. Xoong rau bắc khỏi bếp còn lồng phồng, vài ba phút sau xẹp lép vì hơi nóng, thêm đĩa trứng đúc, hay tùng tiệm thì vài ba bìa đậu phụ Mơ rán non non mà đã phổng, om mềm với cà chua và rắc mấy ngọn mùi, đến bây giờ đã lại là bữa thường nhật của người Hà Nội mình chưa nhỉ?

Hay vẫn là chưa? Tết này thư nhà viết qua kể có người quen mang đến biếu mấy mớ rau sạch. Lễ nhau ngày tết bằng rau, rau sạch! Hai chữ này dạo này tôi hay gặp trong báo chí ở nhà. Ðọc, cười, và sau đó: buồn, buồn quá. Lại chờn vờn trước mặt những cái xe phân nghễu nghện đi ngang thành phố về hướng Cổ Nhuế, lại nhớ những trưa Hà Nội đang xôn xao bao điều khi một mình hai mình trên phố vắng bỗng phải nhăn mặt lại vì cái mùi hùng hổ tạt ngược từ hai cái sọt dềnh dàng ở tít phía xa. Thế chưa đủ độc hại sao, mà còn những thuốc trừ sâu phân hóa học xài xả láng. Thắt lòng nơi xa xứ khi chợt nhớ những chiều xuân mưa giăng mờ phố xá, dừng chân đầu ngõ chợ, suýt xô đổ mấy cái xe rau gánh rau đứng quây lại với nhau. Sau những xanh rau: bà cụ chưa già lắm mà đã lão trong dáng đứng còng còng, cô bé gầy tong teo, người đàn ông chân trần, cái áo len màu xanh mực Cửu Long lộ ra qua cổ áo quân phục cũ vểnh quăn lên. Và sát ngay sau họ: Ðống rác ngồn ngộn vừa được quét lùa từ trong chợ lùa ra, chờ xe vệ sinh đến hót. Hàng thịt thì giàu, hàng rau thì khó. Tôi chưa từng thấy hàng rau nào chủ có tầm có vóc béo đỏ béo sưng và to miệng. Cái nhìn của họ, cái cách mời chào của họ có cái gì như cam chịu và nhường nhịn. Những sọt cà chua hồng dậy lên, nhìn đã biết là không lành không thật. Những sọt bắp cải chưa vơi hẳn, cái nào cũng oẳng nước ngâm qua đêm dưới bờ ao. Cái tủn mỏn tội tình cùng quẫn của những người chỉ biết sống nhờ giồng cấy. Không nỡ mặc cả, khi mà rau cỏ giá bèo đến thế, nhưng mà bực. Ðất nghèo mà đến mớ rau ăn cũng phải cân nhắc vì sợ độc thì... Rau dưa có thể ăn xổi ăn sống. Nhưng con người, cứ tủn mỏn cùng quẫn mãi rồi quay ra sống xổi trong ăn làm thì khá làm sao.

Còn không những mùa xưa khi mưa khi nắng? Còn không những sáng chiều xưa?... Bữa cơm vài sợi rau gầy - giọt mỡ đánh lừa mắt đói - mà sao vẫn tươi roi rói - như là đã sắp yêu ai... Tôi đã viết như thế cho tôi. Mười năm có lẻ. Về những ngày tháng lúng liếng chênh chao giữa gian nan và hi vọng, giữa tin yêu và bất lực với đời thường, những ngày tháng tự biết mình sẽ mãi mãi là mình, bướng bỉnh và chẳng bao giờ khôn ngoan hẳn.

Có sao không? Khi tôi vẫn muốn là tôi. Dẫu mái tóc đã lấp ló nhiều sợi bạc, vẫn ao ước thấy mình còn biết nôn nao giữa những mùa đi qua, giữa buổi chiều nay chân trời ủng ủng cái màu vàng phù thũng của con tằm bệnh. Trời lạnh rợn. Phố khuya đêm nay chắc tuyết lại rơi đầy.

Và từng ngày như thế. Tôi chênh chao giữa đôi bờ thực tại, bên bát canh như ngày xưa và bên nỗi nhớ những bữa cơm xưa.

Và từng ngày như thế...
Và một đời như thế...


Limburg
2 - 2003