Đạo đức kinh - Vấn đề văn bản” (2)

Nguyễn Hiến Lê




C. BẢN LÃO TỬ LƯU HÀNH NGÀY NAY

Có nhiều bản Lão tử, bản dài nhất gồm khoảng 5.200 chữ, bản ngắn nhất không đầy 5.000 chữ. Bản lưu hành ngày nay dài hơn 5.000 chữ, chia làm 81 chương ngắn, nhiều chương chỉ có trên 40 chữ, như chương 19, 24, 26; chương ngắn nhất là chương 40 chỉ có 21 chữ; những chương dài nhất như chương 20, chương 38, cũng chưa đầy 150 chữ.

Có lẽ từ thế kỉ thứ II trước T.L, Hán Cảnh đế (156-140) cho ý nghĩa trong Lão tử thâm thuý, nên gọi là kinh; và từ đó Lão tử còn gọi là Đạo Đức kinh (cũng như Trang tử còn có tên là Nam Hoa kinh). Sở dĩ có tên Đạo Đức kinh là vì:

81 chương chia thành hai thiên, thiên thượng từ chương 1 đến chương 37 gọi là Đạo kinh; thiên hạ từ chương 38 trở đi gọi là Đức kinh. Sự đặt tên thiên như vậy chỉ do lẽ chương 1 (chứ không phải trọn thiên thượng) nói về Đạo và mở đầu bằng câu: “Đạo khả đạo phi thường đạo”, chương 38 (chứ không phải trọn thiên hạ) nói về Đức và mở đầu bằng câu: “Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức” (...)

Tác phẩm không thuần nhất cả về hình thức lẫn nội dung.

1) Về hình thức, thể văn, xét chung thì (...) thường cân đối (...) Nhiều đoạn có vần (...) Nhưng chúng ta nhận thấy tiết điệu không đều (...) Có thể bảo những đoạn có vần có điệu đó, là bước đầu của thể “từ phú” hình thành ở cuối thời Chiến Quốc, đầu đời Hán, mà cũng là nguồn gốc của biền văn thịnh hành đời Lục triều.

2) Về nội dung, chúng ta thấy (...) nhiều ý trùng điệp (...) tư tưởng có chỗ như mâu thuẫn (...) có chương diễn tư tưởng của binh pháp gia (...) có chương giọng gay gắt như giọng Mặc tử, Mạnh tử, không phải giọng Lão tử (...) có những chương không liên quan gì đến học thuyết Lão tử (...)

Điều đó chứng tỏ rằng Đạo Đức kinh có nhiều chỗ do người đời sau thêm vào (...)

Ai cũng nhận văn Đạo Đức kinh rất cô đọng, nhiều câu rất vắn tắt mà thâm thuý như châm ngôn (...) một số cách ngôn đó đã xuất hiện trong dân gian trước thời Lão tử và Đạo Đức kinh có thể coi là một túi khôn của dân tộc Trung Hoa (...)

D. CÁC BẢN CHÚ THÍCH

Văn trong Đạo Đức kinh gọn quá; người viết cốt chỉ gợi ý hoặc ghi lại cho dễ nhớ chứ không phải để cho người khác đọc, nên nhiều câu tối nghĩa, mỗi người có thể chấm câu một khác, hiểu một khác (...)

Rốt cuộc người ta phải nhận rằng đọc Đạo Đức kinh không nên căn cứ vào chữ nghĩa, chỉ nên coi tác phẩm gợi ý cho ta thôi, và mỗi người cứ hội ý theo “trực giác linh cảm” của mình. Cách đọc đó, từ đầu thế kỉ thứ V, Đào Tiềm một thi nhân, ẩn sĩ, theo Lão Trang, đã chỉ cho ta trong bài “Ngũ Liễu tiên sinh truyện” (Ngũ Liễu tiên sinh chính là ông): “Độc thư bất cầu thậm giải, mỗi hữu hội ý, tiện hân nhiên vong thực”: đọc sách không cần thâm cứu chi tiết (tìm hiểu nghĩa từng chữ), chỉ cần hội ý thôi, mỗi lần hội ý được điều gì thì vui vẻ quên ăn.

Dĩ nhiên, mỗi người tuỳ bản tính, sở học, kinh nghiệm của mình, hội ý một cách. Nhà Nho hiểu “vô vi” của Lão tử theo đạo Nho, Pháp gia như Hàn Phi hiểu “vô vi” theo Pháp, binh pháp gia hiểu theo binh pháp, mà phái tu tiên hiểu theo đạo trường sinh, Phật gia hiểu theo Phật học; và gần đây có một số học giả theo “lô-gích” của Tây phương phê phán Đạo Đức kinh theo lô-gích. Có thể đem tất cả các triết thuyết hiện đại nhất như triết thuyết hiện sinh, hay cơ cấu mà giải thích Đạo Đức kinh đều được cả. Trong lịch sử triết học Đông Tây, chưa có tác phẩm nào ngắn như vậy, mà được đời sau giải thích, dịch, phê bình nhiều bằng (...)


(Nguyễn Hiến Lê,
Lão tử và Đạo Đức kinh)