Về chùa Bà Đanh, Tạ Chí Đại Trường từng đưa ý kiến độc đáo. Chắc trong số đồ thờ được chuyển sang chùa Phúc Châu không có cái “pho tượng (rất) đặc biệt” kia, vì nếu có thì lẽ nào bấy nay không ai chú ý... (Thu Tứ)



Nguyễn Vinh Phúc, “Các chùa Bà ở Hà Nội”



Chùa Bà Ngô, ở số 128 phố Nguyễn Khuyến. Tên chữ là “Ngọc Hồ tự”. Tương truyền đây là nơi vua Lê Thánh Tông gặp tiên và cùng tiên ngâm vịnh.

Chùa Bà Nành, ở số nhà 154 phố Nguyễn Khuyến. Tương truyền nơi đây vốn là nhà của một bà bán bánh, bán chè đậu nành (?). Khi về già, bà đã bỏ tất cả tiền nong tích góp xây ngay trên đất nhà mình một ngôi chùa và xuất gia tu hành. Sau khi bà mất, dân làng đắp tượng bà và đặt trên tấm đá mà bà vẫn dùng làm bàn bán hàng. Nay tượng và bàn đá đó vẫn còn. Tên chữ của chùa là “Tiên Phúc tự”.

Chùa Bà Ðá, ở số 3 phố Nhà Thờ. Lịch sử chùa được kể như sau: Ðời Lê Thánh Tông, ở làng Báo Thiên (khu vực Nhà thờ Lớn ngày nay) có người đào được một pho tượng Phật Bà bằng đá, bèn dựng một ngôi chùa nhỏ để thờ ngay tại nơi đào được tượng. Về sau, dân làng thấy linh thiêng, góp công, góp của xây thành chùa lớn, đón sư về trụ trì. Tên chữ là “Linh Quang tự”.

Chùa Bà Già, ở làng Phú Gia, phường Phú Thượng (?). Phú Gia, tên nôm là làng Gạ, còn gọi là thôn Bà Già. Ðây là nơi các vua đời Trần đưa một bộ phận người Chăm từ phía nam ra định cư. Theo sách Toàn thư thì Bà Già là cách gọi chệch của cái tên Ða-da-li. Nay trong chùa còn bức hoành phi cổ khắc ba chữ “Bà Già tự”, quả chuông đúc năm 1665 cao 1,46 m.

Chùa Bà Ðanh cũng là một ngôi chùa dành cho người Chăm. Theo Tây Hồ chí thì vua Lê Thánh Tông cho xây một thiền viện (vừa là chùa, vừa là nơi nghiên cứu) bên bờ nam hồ Tây cho người Chăm hành đạo, gọi là chùa Châu Lâm.

Về sau, do người Chăm chuyển sang khu vực khác, thiền viện hoang phế nên có câu ngạn ngữ: “Vắng như chùa Bà Ðanh”. Sau đó, đồ thờ ở chùa Châu Lâm được đưa sang thờ chung với chùa Phúc Châu, nay là số nhà 199B phố Thụy Khuê, gọi chung là chùa Phúc Lâm. Hiện nay, trong chùa còn tấm bia ghi dòng chữ “Châu Lâm tự hiệu là Bà Ðanh tự”.

Chùa Bà Móc, ở số 27 phố Nguyễn Thiệp. Không rõ lai lịch của chùa. Chùa cũng không còn cổ vật, trừ tấm bia mang niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 4 nói về việc tu bổ chùa.


(Theo báo
Hà Nội Mới, 19-5-2007)