Trịnh Công Sơn - Ca từ




Tượng, hoa, và sương mù
Tách lời khỏi nhạc để tìm thơ
Cây có cội, nước có nguồn
Huế mưa, Huế lá, Huế em...
La đà, cà-phê, và khói nhang
Môi vẫn hay môi cho đời bớt lạnh
Hương hoa, diễm tình, diễm từ
Em sóng em mưa
Giống mà không giống
Diễm nhạc







Tượng, hoa, và sương mù

Nghe nói ở Ðà Lạt sắp có tượng Hàn Mặc Tử và Trịnh Công Sơn. Nghệ sĩ miền Trung đứng giữa phố thị miền Trung. Nhà thơ lãng mạn siêu thực (1) cùng nhà nhạc tình “trừu tượng” sánh vai trên những đường hoa trong thành phố sương mù. Sáng kiến đáng chú ý. Nhân dịp, thử “lắng” lại đôi chỗ âm vang độc đáo trong dòng nhạc Trịnh.


Tách lời khỏi nhạc để tìm thơ

Trong tập III của Hồi ký, Phạm Duy kể: “Tình khúc Trịnh Công Sơn (...) chỉ trong một thời gian rất ngắn đã chinh phục được tất cả (?) người nghe (...) So sánh với những tình khúc ba bốn chục năm qua, ngôn ngữ trong nhạc Trịnh Công Sơn rất mới.”(2)

Mới thế nào? Phạm Duy nhận định: “Toàn bộ âm nhạc của anh đẹp như một bức họa trừu tượng hơn là tả thực. Cả nhạc lẫn lời, cả xác lẫn hồn thơ, nghe lãng đãng, mơ hồ, khó phân định cho đúng nghĩa.”(3)

Nhạc trừu tượng? Không dễ hiểu. Trang chữ thiếu tiếng đàn giọng hát làm cơ sở cho suy nghĩ, làm minh họa cho lập luận. Ðành để nhạc đấy mà đi “nghe” lời.

Nếu đổi chỗ lẫn nhau với thơ “chánh hiệu con nai vàng”, thì ca từ thua thiệt. Thơ mà đem phổ nhạc, nếu nhạc hay thì thơ thường được hay lây, được tưởng là hay dù thơ dở. Thực ra chẳng cần phổ phiếc cầu kỳ, chỉ nhờ một ngâm sĩ có giọng ngâm thiên phú ngâm lên thật não nùng là thơ con cóc có khi cũng hóa phong độ như ai. Ngược lại, ca từ mà bắt đem phơi mình trên trang giấy giữa thanh thiên bạch nhật thì e đa số sẽ trở nên ngơ ngác, lạc loài, mà trăm mắt trông vào chực thưởng thức thơ e sẽ bị chưng hửng, trơ... mắt ếch.(4)

Viết về nhạc Trịnh, Ngự Thuyết nhận xét nếu tách lời ra khỏi nhạc thì ta không gặp những bài thơ hay, mà ta gặp nhiều chất thơ.(5)

Ca từ phải “hôn phối” với nhạc, nên mấy khi sẵn là thơ. Nếu quả thực giàu thi vị, có lẽ đã đủ cớ để trầm trồ.

Thử soát lại một số lời (6) quen thuộc:

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Ðể một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi
(...)
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Ðể một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi” (Cát Bụi)

“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Ðường dài hun hút cho mắt thêm sâu
(...)
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua...
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa
(...)
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ðể người phiêu lãng quên mình lãng du” (Diễm Xưa)

“Ðôi khi nắng lên phố xưa làm tôi nhớ
Ðôi khi có mưa giữa khuya hồn tôi bỗng vu vơ” (Rồi Như Ðá Ngây Ngô)

“Chiều chủ nhật buồn
nằm trong căn gác đìu hiu
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Trời mưa trời mưa không dứt
ô hay mình vẫn cô liêu” (Lời Buồn Thánh)

“Chiều hôm thức dậy
Ngồi ôm tóc dài
Chập chờn lau trắng trong tay” (Chiếc Lá Thu Phai)

“Ta về nơi đây phố xưa dấu đạn
Con đường bên sông cỏ lá buồn tênh
Ta về nơi đây tháng năm quá rộng
Ðường xưa em lại thấp thoáng bàn chân
(...)
Ta về nơi đây thoáng nghe gió lạnh
Hết mùa thu sang đã đến ngày đông
Những hàng cây xanh đón em áo lộng
Bây giờ ta nhìn khói trời mênh mông” (Khói Trời Mênh Mông)

“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Ði đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về
(...)
Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà” (Một Cõi Ði Về)

“Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ
Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên” (Tôi Ơi Ðừng Tuyệt Vọng)

“Một đêm bước chân về gác nhỏ
chợt nhớ đóa hoa tường vi
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ
Giờ đây đã quên vườn xưa
(...)
Ngày xuân bước chân người rất nhẹ
Mùa xuân đã qua bao giờ
Nhiều đêm thấy ta là thác đổ
Tỉnh ra có khi còn nghe” (Ðêm Thấy Ta Là Thác Ðổ)

“Em còn nhớ hay em đã quên
Nhớ Sài Gòn những chiều lộng gió
lá hát như mưa suốt con đường đi
Có mặt đường vàng hoa như gấm
có không gian màu áo bay lên...” (Em Còn Nhớ Hay Em Ðã Quên)

Năm, sáu trăm ca khúc của Trịnh Công Sơn còn nhiều lời khác tương tự. Cộng lại, thì ca từ Trịnh có lẽ giàu chất thơ hơn toàn bộ thi phẩm của không ít thi sĩ chính thức.

Trong những lời đẹp của Trịnh, không phải lời nào cũng “lãng đãng, mơ hồ”. Tuy nhiên, nhìn chung, khuynh hướng trừu trượng quả có nổi bật.


Cây có cội, nước có nguồn

Trong số những người thưởng thức nhạc Trịnh Công Sơn, có Văn Cao. Trên trang cuối của Tuyển tập những bài ca không năm tháng, tác giả Thiên Thai tâm sự:

“Mãi hơn một năm sau ngày 30 tháng 4, chúng tôi mới thật sự mặt nhin mặt tay cầm tay lần đầu, nhưng tôi có cảm giác như chúng tôi đã là bạn của nhau tự bao giờ, mặc dù giữa tôi và Sơn còn cả một thế hệ đệm. Nói cách nào đó, tôi đã gặp Sơn từ những ngày đất nước còn chia hai miền và còn chìm trong khói lửa. Tôi muốn nhắc đến ở đây một kỷ niệm không thể quên ở nhà một người bạn trẻ. Ðêm ấy lần đầu tiên tôi nghe (cũng có nghĩa là gặp) Trịnh Công Sơn... Những bạn trẻ hát cho tôi nghe gần suốt đêm hàng loạt ca khúc Trịnh Công Sơn (không biết họ học ở đâu), hát say sưa đến nỗi đứt cả dây của chiếc đàn ghi-ta duy nhất có trong nhà (...) từ cái đêm chiến tranh ấy, tôi biết mình đã gặp một tâm-hồn-chị-em (?) xẻ chia “Một Cõi Ði Về” (...) tôi viết lời bạt này cho tập nhạc của Sơn như giữ một lời hẹn thầm chưa ngỏ, lời hẹn của một tri âm với tri âm...”

Kẻ tri âm, người bạn vong niên, nhạc sĩ lão thành lừng lẫy ấy phát biểu như sau về nhạc Trịnh: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người thơ ca bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ (...) Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra (...) Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ là chính ở chỗ đó (...) Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi.”

Cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra thành tranh trừu tượng đẹp đẽ, độc đáo, hay thật. Nhưng hẳn chính thứ cảm xúc tuyệt vời ấy cũng là do một thứ gì khác trào ra mà thành chứ. Ðọc loại thơ chân quê của Nguyễn Bính, Hoài Thanh liên tưởng đến “hồn xưa của đất nước”(7). Ðọc những Theo Ðuổi, Về Với Ta, Lá Diêu Bông v.v. của Hoàng Cầm, ta cảm rõ hồn xưa Kinh Bắc. Trong những đoạn ca từ giàu chất thơ của Trịnh Công Sơn sao khỏi thấp thoáng “vang bóng một thời” “ở một nơi ai cũng quen nhau”(8)?


Huế mưa, Huế lá, Huế em...

Có ai để ý nhạc Trịnh Công Sơn tuyệt nhiên không mang âm hưởng Huế.

Thật lạ. Người ở đâu đâu ra, vô xứ thần kinh chỉ thời gian ngắn là đã có thể ngấm đủ “hương sông” để viết nên nhạc giá trị có chất Huế hẳn hoi, như Dương Thiệu Tước viết Ðêm Tàn Bến Ngự, như Phạm Duy, Phạm Ðình Chương viết trong trường ca Mẹ Việt Nam, Hội Trùng Dương, như Minh Kỳ viết Mưa Trên Phố Huế, Lê Dinh viết Huế Buồn. Nhạc sĩ Huế như Phạm Mạnh Cương sáng tác Giã Từ Cố Ðô rất đượm mùi Hương. Thế mà trước sau Trịnh Công Sơn dường như không chịu “ca Huế” lần nào.

Không làm gì có chuyện con đẻ không mang máu mẹ. Con không giống mẹ bên ngoài, ắt giống bên trong. Trường hợp nhạc Trịnh, chất Huế lẩn khuất trong ý, trong lời.

Diễm Xưa chắc chắn là ca khúc Việt Nam được nhiều người nước ngoài biết đến nhất. Suốt 34 năm từ ngày Khánh Ly trình diễn tại Hội chợ Quốc tế ở Osaka, “Mưa vẫn mưa bay...” không lúc nào tạnh trên các làn sóng điện ở Nhật. Diễm Xưa mới đây lại được một đại học Nhật đưa vào chương trình giáo khoa.(9) Diễm quốc tế và Diễm “rất Huế”(10): nào những tầng tháp cổ, những hàng lá nhỏ, nhất là những chuyến mưa qua...

Về mưa, về lá, Trịnh Công Sơn có lần kể rõ:

“Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường (...) Mùa xuân mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mù mịt (...) buổi ấy những người con gái Huế (...) đa số (...) chậm rãi đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung (...) Ði để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng (để) tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá (...) Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết”.(11)

Nhạc sĩ cao hứng nói thay các cô gái Huế. Nhưng đến phiên các cô tự bày tỏ cảm tưởng về cái “không gian liêu trai” ấy, thì cũng nhất trí thôi:

“Chúng tôi đạp xe bên nhau nhẹ nhàng, áo trắng tung trong gió, gió ban mai phả vào mặt mát lạnh. Buổi sáng tháng ba non xanh như lộc cây bàng vừa chớm nụ, hơi ấm từ phía Thuận An dồn đến, hơi nước từ núi rừng Kim Phụng tràn sang, quyện tròn với nhau thành những vùng mây khói mờ ảo trên đường dọc theo sông. Qua khỏi cầu Ðông Ba, bỗng thấy mình chơi vơi trong một vùng sương mù dậy hương thơm ngào ngạt đến ngây cả người. Chặng đường từ cầu Ðông Ba lên đến cầu Gia Hội thời ấy không biết ai đã trồng một dãy cây sầu đông hai bên vệ đường. Tháng ba hoa nở, những cành cây chi chít hoa giao nhau trên không kết thành vòm che kín cả bầu trời. Hoa sầu đông màu trắng như sữa, giữa hoa lấm tấm những điểm nhỏ màu tím nhạt như những điểm sương tụ lại. Trong buổi sáng đầy sương mù, hoa với sương hòa lẫn với nhau (...) trên đường đi mọi vật mờ ảo như một giấc mộng. Cả bọn con gái đạp xe đi như những chiếc bóng mơ hồ bồng bềnh, tà áo trắng ẩn hiện (...) không ai nói năng chi (...) lặng lờ đi theo “tiếng” của hương thơm ngây ngất tẩm lên da thịt và tóc, cảm giác đê mê như đang trôi giạt trong những lớp sóng sương gió thổi ngược vào người.”(12)

Huế có sáng sương mù dậy hương thơm như mộng. Huế lại có trưa “hoa trái quanh tôi”(13) thơm như đời. Trịnh nhớ: “Ðôi khi nhớ trong tóc em mùi cây trái thơm tho”.

Chẳng những có mưa, sông, thành, tháp, hoa, lá, trái, có gái đi bộ, gái đạp xe, Huế còn có nhiều “tiếng” lạ: “Thời gian trôi đi ở nơi đây lặng lẽ quá (...) tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh...”. Trịnh không quên: “Nghe trăm tiếng ngậm ngùi / nghe lăng miếu trùng vây / Nghe xa cách cuộc đời / nghe hoang phế cạnh đây” (Nghe Tiếng Muôn Trùng).

Hoài niệm về Huế chiếm phần quan trọng trong ca từ Trịnh, nhưng ca từ Trịnh dường như không một lần gọi Huế đích danh, riêng rẽ.

Ra Hà Nội mùa thu, rồi Trịnh Công Sơn sáng tác Nhớ Mùa Thu Hà Nội, gọi tên thủ đô vang lừng. Phải thôi. Một đằng còn mới mẻ, hơn nữa dẫu thích vẫn xa, vẫn cách, nên cần... cao giọng. Một đằng là chính mình rồi, nên chỉ ngâm khe khẽ, tỉ tê: “Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em...”.


La đà, cà-phê, và khói nhang

So sánh mình với người tri âm cách một thế hệ, Trịnh Công Sơn viết: “Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà giữa cõi con người.”(14) Phát biểu vắn tắt ấy dễ gây ngộ nhận.

Thực ra, chính nội dung ca từ của nhạc Văn Cao mới là thuộc rất dứt khoát về cuộc sống. Ngay Thiên Thai, dù thần tiên, diễm ảo đến thế nào thì bây giờ, qua chính lời tác giả (15), cũng chỉ còn giá trị một biểu tượng cũ kỹ cho mơ ước lãng mạn của con người. Văn Cao dùng Thiên Thai thuần túy để diễn tả một khao khát yêu đương hoàn toàn vô vọng, chứ không hề có ý bày tỏ một trăn trở siêu hình. Ðâu có gì đáng ngạc nhiên: chất “tiến thủ hăng hái” (16) của cư dân vùng châu thổ sông Hồng đã từ lâu không để loại tư duy kém thực tế phát triển.

Phần lời của nhạc Trịnh, ngược lại, vừa luôn la đà trên các phố thị, phố thành, phố Phái, phố Sơn (17), rong chơi đều đặn nơi các quán cà-phê cà pháo, vừa thường xuyên... siêu thực.

Cần nói ngay, nội dung triết lý trong lời nhạc Trịnh không có gì mới. Tác giả không ngại tâm sự cặn kẽ: “Phật giáo tác động rất sâu xa trong đời sống tâm linh của tôi. Cái phần siêu hình trong ngôn ngữ của tôi là do ảnh hưởng của Phật giáo... Không hiểu sao, trong những năm gần đây, tôi thường nghĩ về Phật giáo như là một tôn giáo mang nhiều tính hiện sinh nhất (...) Phải biết sống hết mình trong mỗi sát na (...) Với tôi, Phật giáo là một triết học làm cho ta yêu đời hơn, chứ không phải làm cho ta lãng quên cuộc sống (...) Mỗi người cần phải nỗ lực (...) xây dựng (...) một ngôi chùa (...) trong lòng mình (...) Với tôi, đó cũng là thiền (...) Tôi hát là tôi hiện hữu.”(18) Như sợ bị hiểu lầm, tác giả còn nhấn mạnh: “... không phải hiện sinh theo kiểu sống vội sống vàng, mà ở đây, con người sống bình thản trong từng sát na.”(19)

Phật giáo, triết học, tính hiện sinh, sát na, chùa, thiền, “hát là hiện hữu”... Triết Ðông xen tí triết Tây, ca từ uyên bác đôi khi có thể khiến ta lầm tưởng Trịnh là một triết gia hoặc thiền sư đang dùng nhạc để phổ biến kiến giải độc đáo. Sự thực, phần lời ca của nhạc Trịnh Công Sơn tuy có “trí thức” (20) hơn hẳn ca từ của đa số các nhạc sĩ khác, vẫn không nên bị nhầm với những... công án!

Chịu ảnh hưởng Phật, nhưng nói chung ca từ Trịnh giữ được khoảng cách cần thiết với tôn giáo. Họa hoằn Trịnh mới trịnh trọng “khoác áo chân như”, “long lanh giọt lệ thiên thu” mà “bước tới hư vô”. Và dù thỉnh thoảng có mang hình thức băn khoăn khá rõ ràng: “Tôi là ai, là ai, là ai...”, lời Trịnh vẫn mật thiết với cảm xúc mà đố kỵ suy tư.

Tạm gọi thứ lời như thế là ca từ cảm tính có phảng phất mùi siêu thực. Chủ yếu, mùi nhang.


Môi vẫn hay môi cho đời bớt lạnh

Gần đầu Tuyển tập những bài ca không năm tháng, có dòng thủ bút của tác giả: “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu.”

Kẻ hết sức hâm mộ những bài ca ấy là Bùi Bảo Trúc thì dứt khoát: “... tình yêu là ám ảnh lớn hơn tất cả các đề tài khác của Trịnh Công Sơn.”(21)

Tình yêu vẫn đều đều chiếm vị trí cao trong vô số nghệ phẩm, nhất là trong các thi phẩm, nhạc phẩm. Có điều gì đáng nói chăng, chủ yếu là ở cái cách từng tác giả rước tình lên ngôi trong văn chương, âm nhạc của mình.

Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Văn Cao đều lừng danh về loại thơ, nhạc lấy yêu đương làm đề tài. Nguyễn chân quê, Hoàng thư sinh, Văn lãng mạn. Cả ba giống Trịnh ở chỗ đều thất tình. Cả ba khác Trịnh là thất bại xong, ít lâu bèn lấy vợ, trong khi Trịnh sau Diễm suốt đời cứ tiệm cận hết em nọ đến em kia, cứ lượn, rồi dợm đáp, rồi luyến tiếc bay lên, rồi ít lâu làm bài hát trừu tượng để ca cuộc tình!

Cùng đề tài, Trịnh ca, còn tu sĩ Phật giáo Phạm Thiên Thư thì tụng. Lời yêu hết mực tài hoa của Phạm có đặc điểm chay rất ngộ nghĩnh, từng được Võ Phiến phát hiện.(22) So với lời ấy, ca từ của Trịnh có vẻ trần tục hơn vì hơi nhiều môi: nào môi em hồng nhạt, hồng vừa, rất hồng, nào môi thơm, môi ngon, môi là đốm lửa v.v.

Không nên vội vàng trông môi mà bắt tội. Tội hay không là ở giọng, ở lời, ở ý.

Lại cần nhắc Nguyễn Bính và Vũ Hoàng Chương. Nguyễn yêu thật sớm, yêu mê tơi, yêu hết cô hàng xóm đến cô hàng quà, hết cô hái lúa đến cô hái mơ, yêu từ thôn Ðông qua tới thôn Ðoài, yêu từ Nam Ðịnh vô tận Hà Tiên, vậy mà trước sau thơ Nguyễn chỉ có đại khái giậu mồng tơi xanh với con bươm bướm trắng, chứ có chi tiết gì “hay ho” về gái quê gái tỉnh gái Bắc gái Nam đâu? Vũ chắc yêu sớm không kém, yêu đắm đuối, suốt đời làm thơ yêu, cuối đời tự tuyển thơ yêu của mình mà in thành tập Ta đợi em từ ba mươi năm để lưu truyền hậu thế, vậy mà thơ Vũ cũng toàn hoa phong nhụy với trăng rằm chứ có mô tả cụ thể gì về “Tố của Hoàng” đâu?

Xét mô tả đối tượng, Phạm không dè dặt hơn Nguyễn, hơn Vũ. Sở dĩ thơ Ngày Xưa Hoàng Thị... v.v. mà bị tri hô là không đủ mặn, ấy chẳng qua chỉ do cái giọng khép nép, rụt rè!

“Phạm Thiên” tu nên thơ yêu có giọng khép nép. Còn Trịnh Công không tu, khi ca thì môi kia môi nọ tưng bừng, nhưng “Công” chỉ môi đầu lưỡi chót cho vui chứ không phải thực đắm đuối xác thân cụ thể, nên lời tình ca có đặc điểm “trừu tượng, lãng đãng, mơ hồ”...

Trông tượng này rồi nhớ tượng khác.(23) Nhớ những lời “vẩn đục” của Hàn Mặc Tử, những ôm, siết, ghì bốc lửa, những tuyên ngôn đòi “thân thể”(24) của Xuân Diệu.

Ngoài thiên tính, hoàn cảnh của người nghệ sĩ, kể cả sức khỏe, hẳn có ảnh hưởng đến cái phong cách yêu đương của người ấy. Mà yêu như thế nào, đến lượt nó, hẳn lại góp phần quyết định cái phong cách viết về yêu. Ðiển hình, ta không biết gì về phong cách yêu của một tác giả, mà ví dụ có biết, cũng không chắc sẽ nhận ra được mối liên hệ giữa nó với phong cách viết.

Riêng trường hợp Trịnh Công Sơn, giữa “nhân” đời và “quả” nhạc tình hình dường như có dễ hiểu hơn chút đỉnh.


Hương hoa, diễm tình, diễm từ

Bửu Ý bảo “Tình yêu, với Trịnh Công Sơn, là diễm tình (...) Cái đẹp ở đây là cái đẹp siêu thực (...) Tình yêu lên ngôi. Một đỉnh chiêm ngưỡng đúng hơn là một điểm hẹn (...) Trịnh Công Sơn nguyện là kẻ hái lộc chứ không phải hái trái.”(25)

Hái trái để ngấu nghiến xuân hồng, hái lộc nhằm hưởng ý nghĩa, hương hoa. Nhớ Ðinh Cường từng kể chuyện Trịnh yêu Thanh Thúy Tàu (vì lai Tàu), tổ chức đám cưới, đãi tiệc nhà hàng hẳn hoi. Tan tiệc, đôi uyên ương lên phòng tân hôn, bạn bè ra về. Chợt nhóm Ðinh Cường nghe tiếng giày lóc cóc đuổi theo. Quay lại, thấy Trịnh! “Bỗng dưng ở một mình trong phòng với một người đàn bà, moa sợ quá.”(26) Trịnh mở tiệc cốt chiêm ngưỡng tình yêu chứ đâu phải người yêu, cốt hít chút thơm tho, chứ đâu thực định ăn trái (không cấm). Hú hồn.

Sau này, khi “phác thảo chân dung tôi”(27), Trịnh Công Sơn cho biết “Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình”. Còn qua hành động trước ca khúc, đến gần là như làm đám cưới, đi xa là như chạy lóc cóc theo Ðinh Cường, phải chăng? Tình có lúc tự ý xa tôi như tình Diễm, có lúc bị tôi đào tẩu như tình Thúy, chung qui trước sau dường như vẫn nguyên hình... lộc.

Quá trình hoa thơm, bướm lượn, bướm bay... rồi diễn đi diễn lại dài dài. Sài Gòn một dạo xôn xao về tin nhạc sĩ (năm ấy đã ngoại ngũ tuần) chuẩn bị xây dựng gia đình với Á hậu Vân Anh. Rồi lời ong tiếng ve về quan hệ với ca sĩ Hồng Hạnh, ca sĩ Thanh Thúy (khác), ca sĩ Hồng Nhung v.v. Om sòm. Vậy mà rồi dường như đâu có “em” nào nỡ trách Trịnh là Bạc tình lang?

Nhớ trong một băng hình Văn Cao tâm sự: “Tôi cũng như Trịnh Công Sơn, suốt đời rồi chỉ có mình.”(28) Như là như thế nào? Văn Cao lúc đầu thất tình vì thất thế (nghèo), về sau thành danh lại không còn hoàn cảnh để “bay nhảy”, chứ Trịnh tuy lúc dầu dường như cũng bại trận vì thất thế, nhưng về sau vừa nổi tiếng vừa độc thân vừa nhiều cơ hội tiếp xúc với các người đẹp, ưu thế hơn anh Văn đứt đuôi đi chứ. Hơn nữa, Văn Cao đối diện mỹ nhân thì... á khẩu, chứ Trịnh đâu có tiếng đồn nhát nói. (Mà Thiên Thai chỉ ngại tán gái, chứ gặp đoàn quay phim thì phát biểu vô tư ra phết, ăn nói thật thà cứ y như trong nhà mình không từng có “ai”!)

Diễm tình là tình đẹp. Muốn tình đẹp, phải theo “luật” Hồ Dzếnh: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở...” Vì lý do riêng tư nào đó, Trịnh Công Sơn đã tích lũy thật nhiều những mối tình “lý tưởng” oái ăm ấy.

Mở đầu Tuyển tập..., Trịnh có mấy lời bí ẩn: “Mỗi bài hát của tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống, một lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi niềm tuyệt vọng...”. Rồi nơi này Trịnh mở: “Vì có tình yêu nên có âm nhạc. Vì có khổ đau nên có âm nhạc.”(29), nơi kia Trịnh úp: “Hát để thăng hoa đồng thời cũng để an ủi.”(30) Thăng hoa, dĩ nhiên, nhưng an ủi?

Dù sao, ca từ Trịnh rõ ràng không phải “thường” từ, mà là diễm từ, có liên hệ sao đó với những ngày diễm ảo (31) rất đỗi “vàng sen” (32).


Em sóng em mưa

Lời ca Trịnh phảng phất mùi siêu thực, lại thấp thoáng hình bóng em. Ngẫm nghĩ, có lúc thấy vì em cứ lãng đãng không xương không thịt mãi mà em hóa siêu thực, có lúc lại thấy như thể chính siêu thực đã mượn môi mượn mắt để hóa lãng mạn, hóa em.

Thử đọc:

“Em đứng lên gọi mưa vào hạ
từng cơn mưa, từng cơn mưa, từng cơn mưa,
mưa thì thầm dưới chân ngà” (Gọi Tên Bốn Mùa)

“Tóc em từng sợi nhỏ
rớt xuống đời làm sóng lênh đênh
(...)
Gió sẽ mừng vì tóc em bay
cho mây hờn ngủ quên trên vai
(...)
nghìn giọt lệ rớt xuống thành hồ nước long lanh” (Như Cánh Vạc Bay)

“Có khi
mưa ngoài trời là giọt nước mắt em
Ðã nương theo vào đời làm từng nỗi ưu phiền” (Ru Ðời Ði Nhé)

“Ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng
Bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm
giận hờn sẽ quên, dáng em trôi dài,
trôi mãi trôi trên ngàn năm” (Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng)

“Em đi trong sương mù gọi cây lá vào mùa” (Tôi Ru Em Ngủ)

Em gọi cây, gọi lá, gọi mưa, mưa thì thầm dưới chân em, mây ngủ quên trên vai em, tóc em rớt xuống làm sóng, nước mắt em rớt xuống thành mưa, thành hồ, dáng em trôi dài trên ngàn năm... Em to lớn quá, em miên viễn quá. Tên em đã thôi là Diễm, hoặc có khi thực ra vốn chẳng bao giờ là Diễm.


Giống mà không giống

Trở lại với hai pho tượng ở Ðà Lạt. Xét nghệ phẩm, xét đời, xét người, thi sĩ với nhạc sĩ quả có đôi chỗ tương đồng. Nhưng trong cái giống có cái khác.

Dù cõi ngoài hắt hiu như đời Hàn hay xôn xao như đời Trịnh, thì cả hai đều rất “cõi trong hiu hắt”. Ở Hàn, thơ chuyển biến sau khi Hàn lâm bệnh. Ở Trịnh, ca từ “thở dài” ngay từ Ướt Mi, từ đầu. Ðau thương của Hàn diễn tiến gấp rút, bạo liệt, làm thơ Hàn cũng xoay dọc, xoay ngang, bước vút lên trời, bước lao xuống vực. Nỗi khổ nào đó của Trịnh êm ái hơn nhưng phát khởi có lẽ rất sớm rồi lì lợm đeo đẳng, lặp đi lặp lại suốt đời, làm “tiếng buồn rơi đều”, rơi “không dứt” như mưa mùa đông Huế.(33)

Nghệ phẩm của cả hai cùng nổi tiếng về nét siêu thực. Thơ siêu thực đã hiếm, mà ca từ siêu thực càng hiếm. Không phải hễ đau khổ đúng mức là thực hóa siêu. Nghệ sĩ Việt Nam gặp rủi đâu phải ít, mà ngoài Hàn, Trịnh còn bao nhiêu trường hợp nghệ phẩm “siêu hóa” nữa? Mặt khác, lại có những Huy Cận, Chế Lan Viên, Võ Phiến: số phận họ đều từ đỏ nhiều đến đỏ ít đến đỏ đỏ đen đen chứ đâu phải rặt một màu xám, mà sao họ cũng thơ “siêu” văn “siêu”?(34)

Xem lại, Trịnh cũng như Hàn, như Huy, như Chế, như Võ, đều là người miền Trung.

Có phải cái nét siêu hình trong thơ trong văn trong lời ca vốn ẩn sẵn ngay trong người họ, chỉ chực lấy cớ này cớ nọ để xông ra?

Xem lại nữa, thì cái siêu thực trong thơ Hàn rùng rợn, hãi hùng, e không phải chỉ do căn bệnh quái ác, mà phần nào do chất Bình Ðịnh “quằn quại dị thường” (bên dưới bề ngoài “thàn hậu”)(35), trong khi cái siêu thực ở ca từ Trịnh lãng đãng, mơ hồ, e cũng không phải chỉ do tình nhẹ rơi rơi, mà phần nào chính do chất Huế nhu mì, dỏ dẹ (36).

Lại xem lại thêm tí nữa, trong thơ Hàn cái siêu thực mở rộng, khai phá, phi tôn giáo (37), trong ca từ Trịnh nó ổn định, phảng phất mùi nhang, phải chăng vì người Bình Ðịnh nói chung chưa thấm nhuần đạo Phật kỹ như người Huế?


Diễm nhạc

Quá nhiều lời về lời đã làm “căng”.

Ðể “giãn”, hãy nhờ thứ nhạc không lời.

Trong u cốc giữa đô thị, kẻ đại ẩn vừa ngắm “rung rinh một giọt cà-phê”(38) vừa lắng “mưa vẫn mưa bay” từng hàng nốt nhỏ...

Không Tây cũ, không ta xưa, chỉ “dân ca trí thức” đều đều, “hầu như không thay đổi”, mà thiền thật, Diễm thật!



Thu Tứ
Tháng 7-2004























_____________________
(1) Xem bài Lụt Trăng, Mưa Sao.
(2) Phạm Duy,
Hồi ký, tập III, Mỹ, 1991, tr. 285.
(3) PD, sđd.
(4) Trong
Viết về bè bạn (nxb. Hải Phòng, VN, 2003, tr. 509), Bùi Ngọc Tấn cho biết: “... giống tôi, Nguyên Hồng không thích ngâm thơ. Ghét nữa. Giọng véo von trầm bổng làm mất âm điệu của ngôn ngữ. Nó giết chết nhạc của thơ. Nó có thể tạo nên một lớp công chúng không biết gì về chất nhạc này.”
(5) Ngự Thuyết, “Trịnh Công Sơn và những phố xa”, tạp chí
Văn Học, California, Mỹ, số 216, ?-2004, tr. 5.
(6) Tất cả lời ca TCS trích dẫn trong bài này đều rút ra từ
Tuyển tập những bài ca không năm tháng (nxb. Âm Nhạc, VN, 1998).
(7) Hoài Thanh,
Thi nhân Việt Nam, nxb. Hoa Tiên, Sài Gòn, tr. 358.
(8)
Ở một nơi ai cũng quen nhau là tên một tập truyện của Hoàng Ngọc Tuấn.
(9) Theo nhật báo
Người Việt, California, Mỹ, số ra ngày 14-7-04.
(10) Tên một ca khúc không nhớ của nhạc sĩ nào.
(11) TCS, “Hồi ức”,
Thơ, VN, số 3, quý 3 năm 2003.
(12) Thái Kim Lan, Một Ngày Vui Trên Ngọn... Sầu... Ðông!,
Tuyển tập nhớ Huế, Mỹ, 2002.
(13) Tên một tùy bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
(14) TCS, “Anh đi qua cuộc đời và hát”, tạp chí
Hợp Lưu, Mỹ, số 8, 1988 (?).
(15) Xem băng hình
Văn Cao - giấc mơ một đời người.
(16) Ðào Duy Anh,
Việt Nam văn hóa sử cương, nxb. TP HCM, VN, 1992, tr. 327.
(17) Bửu Ý: “Hình ảnh phố phô mình phân rãi trong ca khúc anh” (“Thay lời tựa”,
TTNBCKNT). Ngự Thuyết: “Văn Cao (...) không hề đề cập đến phố xá (...) Phạm Duy (...) có mấy bài nhắc nhở đến đô thị (...) TCS là nhạc sĩ đầu tiên nói đến phố phường nhiều nhất” (bài đã dẫn).
(18) TCS,
Một cõi TCS, nxb. Thuận Hóa, VN, 2002, tr. 166-168 (dẫn theo Lê Hữu, “Ảo giác Trịnh Công Sơn”, tạp chí Văn Học, Mỹ, số 214 & 215, 2 & 3/2004).
(19)
TCS - Một người thơ ca, một cõi đi về, nxb. Âm Nhạc, Hà Nội, 2001 (dẫn theo Lê Hữu, xem chú thích trước).
(20) Nguyễn Mộng Giác cho rằng “nhạc của họ Trịnh (...) nghe (...) “trí thức” (...) không giống như những ca khúc phổ thông (khác)” (dẫn theo Quỳnh Giao, “Trịnh Công Sơn, như cánh vạc bay”, tạp chí
Văn Học, Mỹ, số 186 & 187, 10 & 11 / 2001, tr. 204).
(21) Bùi Bảo Trúc, “Về Trịnh Công Sơn”, tạp chí
Văn, Mỹ, số 53 & 54, 5 & 6 / 2001, tr. 46.
(22) Võ Phiến,
Văn học Miền Nam – Thơ, nxb. Văn Nghệ, Mỹ, 1999, tr. 3021-3031.
(23) Bàn về từ vựng trong tiếng Việt, Phạm Quỳnh phân biệt từ trừu tượng và từ cụ tượng.
(24) Xuân Diệu có đôi câu thơ: “Không nền, sao dựng lầu thơ? / Không thân thể, chỉ bâng quơ cái hồn”.
(25) Bửu Ý, “Thay lời tựa”,
TTNBCKNT.
(26) Câu chuyện này đăng trên tạp chí
Hợp Lưu, Mỹ, hình như trong năm 2002. Lời TCS là ghi theo trí nhớ, vì tác giả không còn số báo này trong tay.
(27) TCS, “Phác thảo chân dung tôi”,
Thơ, VN, số 3, quý 3 năm 2003.
(28) Băng
Văn Cao, giấc mơ một đời người.
(29) TCS, “Ðể bắt đầu một hồi ức”, tạp chí
Văn, Mỹ, số 53&54, 5&6/2001, tr. 138.
(30) TCS, “Viết và thở”,
Thơ, VN, số 3, quý 3 năm 2003.
(31) Tên một tác phẩm của Nhất Linh.
(32) “Sen vàng lãng đãng như gần như xa” (
Truyện Kiều).
(33) TCS có những tình ca vui tươi, nhưng là số ít. Ở đây muốn bàn về một vài nét thật đặc biệt, chứ không có ý bao quát đủ mọi khía cạnh của nhạc tình Trịnh.
(34) Xem bài Ðất Nào Văn Nấy và bài Một Miền, Ba Dấu.
(35) Về đặc tính của người Bình Ðịnh, xem Võ Phiến, sđd., tr. 3171. Về loại thơ ghê rợn ở Bình Ðịnh, thời tiền chiến còn có Chế Lan Viên, thời chiến tranh Nam-Bắc có Võ Chân Cửu. Sức khỏe của hai thi sĩ này không nghe nói có gì bất thường.
(36) Tức nhỏ nhẹ ghi theo cách phát âm của người Huế.
(37) Hàn Mặc Tử theo Công giáo. Thơ Hàn có những bài mang rõ tính cách tôn giáo, nhưng có rất nhiều bài khác mà nội dung siêu thực không liên hệ gì với đạo Chúa. Xem bài Lụt Trăng, Mưa Sao.
(38) Võ Phiến, “Giọt cà-phê”,
Tùy bút II, nxb. Văn Nghệ, Mỹ, 1987, tr. 180, 185.