Chữ nghĩa như muốn báo trước. “Bụi tre đen ngòm”, “cái ao, nước đen ngòm ngòm”... Trong cái không khí rất “òm” ấy, việc cắt tiết gà bỗng cũng đáng ngại: “Con gà hé một mắt ra, trừng trừng nhìn tôi. Người thiếu phụ, cầm chân gà, chúm đôi môi ra một cách sầu não lắm. Ơ! Sao lại thế? Tôi vụt nghĩ đến những chuyện yêu tinh làm thịt con. Và tôi sinh bàng hoàng. Cái cổ gà giẫy trong tay tôi như một khúc rắn. Tôi kinh sợ rụt ngay tay lại”. “Chúng tôi” dẫn xác vào một chỗ “quái dị” như thế, thảo nào ăn uống xong phải hè nhau đi đóng... hòm! (Thu Tứ)



Nam Cao, “Quái dị” (2)




Ông cười the thé. Tiếng cười nghe ghê rợn quá. Tôi nhìn chòng chọc vào cái bụi tre tối om om bên đường... Ồ! Cái gì thế vậy? Tóc gáy tôi dựng ngược. Chân tay tôi bủn rủn. Trời ơi! Có một bóng người... Có một người... từ bụi tre đen ngòm đi ra. Vụt một cái, hắn đã sừng sững ngay trước mặt chúng tôi, như mọc từ đất lên. Tôi hoảng hốt quát to:

- Ai thế?

Một thứ tiếng rất nhẹ nhàng đáp lại:

- Tôi đây mà. Các ông đi gặt hẳn?

Ðó là một người con gái. Tuy giời tối, chẳng trông rõ mặt, nhưng nghe tiếng nói là đủ biết. Tôi hơi yên lòng. Bốn người đàn ông khỏe mạnh không có lý lại sợ một con đàn bà. Ông nhiêu Tiêm hỏi:

- Mợ thuê gặt à?

- Vâng, các ông chưa gặt cho ai thì về nhà cháu nghỉ rồi sáng mai gặt giùm cho cháu.

- Ðược, nhưng mợ cho chúng tôi thế nào?

Người đàn bà ngần ngừ một chút, rồi bảo:

- Các ông đã gặt ở các nơi thì các ông biết đấy. Các ông định thế nào, cứ cho nhà cháu biết. Các ông định lấy mỗi công gặt là bao nhiêu?

- Mợ cứ cho một đồng.

- Một đồng thì đắt quá.

- Chúng tôi gặt mấy nơi đều thế cả.

- Làm gì đến.

Sốt ruột, chú cu Xiêng hỏi phắt:

- Thế mợ cho bao nhiêu?

- Tám hào.

Tôi nghĩ bụng: ông nhiêu Tiêm hớ rồi. Chắc công gặt ở đây cao lắm. Ðáng nhẽ ông phải nói đồng rưỡi hai đồng. Có lẽ ông nhiêu Tiêm cũng nghĩ như tôi vậy. Ông giao hẹn:

- Tôi nói cho mợ thế này này: chúng tôi gặt thì chỉ biết gặt thôi chứ không biết đập, giũ; miễn là làm sao cắt được lúa, bó lại quẩy về nhà là được; tối đến, chúng tôi chỉ buông xuôi cái đòn càn là xong việc.

Ðó là một cách để mà vòi đấy. Tôi dẫu chưa gặt ở đây, nhưng cũng đã từng nghe người ta nói: cái lệ ở các nơi, thóc lên cót rồi mới có thể gọi là xong việc; mới buông xuôi cái đòn càn đã đòi lấy tiền của người ta sao được? Ấy thế mà người đàn bà cũng chịu:

- Vâng, thì các ông cứ làm sao lôi được lúa về nhà cho nhà cháu là được.

- Ồ! nhưng mợ phải cho một đồng.

- Ông nói một đồng, chẳng lẽ ông lấy cả một đồng.

- Mợ đã nói thế thì chúng tôi xin bớt đi một hào. Cứ chín hào một công, chẳng còn phải nói đi nói lại.

- Vâng, thì mời các ông về nhà.

Chúng tôi đi theo thị. Qua một cái ngõ sâu hoăm hoắm, chúng tôi đến một nếp nhà khá to, có tường hoa sân gạch. Người đàn bà đánh diêm châm đèn. Ngọn đèn dầu leo lét. Vẻ vắng lặng lại làm tôi sinh ngờ. Bởi trong cái nhà ngói rộng như một cái đình, chỉ có mỗi một người đàn bà ấy. Không còn ai nữa. Ở một đầu nhà, một lá màn buông sẵn. Một mùi gì là lạ. Cái khí lạnh ở ngoài đường lúc nãy, chưa vào đâu với cái lạnh trong căn nhà hoang vắng này.

Người đàn bà biến đi đâu một lát. Rồi y lại hiện ra. Bây giờ tôi mới được nhìn rõ. Y còn trẻ lắm. Mặt đẹp nhưng xương xương, lành lạnh. Một cái khăn vuông đen trùm gần hết trán. Cái khăn vuông ấy hắt bóng tối lên làn da xanh. Thú thật, trông cái mặt ấy, tôi không ưa tí nào. Không hiểu sao, tôi thấy nó không ra mặt người. Nó là giống ma quái gì. Bởi vậy tôi giật mình khi thấy người đàn bà bước thẳng lại phía tôi và bảo:

- Bác còn trẻ nhất, chịu khó ra ngoài này, tôi mượn.

Tôi lưỡng lự. Ông nhiêu Tiêm giục:

- Kìa! Ra đi.

Tôi bước theo y mà trống ngực đập thình thịch. Y đưa tôi ra đầu chái. Cạnh đấy là một cái ao, nước đen ngòm ngòm. Y biến vào một cái nhà lá tối như hũ nút. Tôi đứng đợi ở ngoài, không dám vào. Bỗng y lại chui ra, tay cầm một vật gì. Nhờ có ánh ngọn đèn con để ở đầu chái, tôi nhận ra một con dao nhọn. Thứ dao chọc tiết lợn. Tôi không động đậy, nhưng trong lòng bối rối. Y bình tĩnh bảo:

- Bác cắt tiết giùm tôi con gà.

Tôi hoàn hồn. Nhưng giết gà để làm cơm thợ gặt? Sự này cũng lạ. Bàn tay tôi nắm con dao cứa trên cái cổ con gà, run rẩy. Con gà hé một mắt ra, trừng trừng nhìn tôi. Người thiếu phụ, cầm chân gà, chúm đôi môi ra một cách sầu não lắm. Ơ! Sao lại thế? Tôi vụt nghĩ đến những chuyện yêu tinh làm thịt con. Và tôi sinh bàng hoàng. Cái cổ gà giẫy trong tay tôi như một khúc rắn. Tôi kinh sợ rụt ngay tay lại. Người thiếu phụ mở to đôi mắt trắng dã nhìn tôi, rồi bảo:

- Thôi được rồi. Bác về nhà mà nghỉ.

Tôi nhẹ lâng cả người. Về đến nhà, tôi muốn kể những điều mắt thấy với ba người nọ, nhưng sợ họ cười, lại thôi.

Chừng một giờ sau, người đàn bà bưng về một mâm cơm. Mâm đồng tử tế. Thức ăn toàn gà luộc. Lại có cả hai chai rượu.

- Mời các ông xơi rượu rồi ăn cơm. Xong đâu vào đấy, nhà cháu còn nhờ các ông việc này.

Ông xã Mịch và chú cu Xiêng nhìn nhau ra ý hỏi: sao ở đây người ta lại quí thợ đến thế? Tôi thì tuy không phải ngạc nhiên, nhưng vẫn còn thắc mắc. Duy có ông nhiêu Tiêm thấy rượu thì mừng ra mặt, nhỏm ngay dậy, bảo:

- Mợ đã cho, anh em ta đi uống rượu!

Trong khi chúng tôi ăn uống, người đàn bà tháo tất cả những cánh cửa nhà, hạ xuống. Lại một sự kỳ dị nữa. Y tháo hết cánh cửa ra làm gì?

Ăn uống xong, ông nhiêu Tiêm mặt đỏ gay, gọi chủ nhà bảo:

- Bây giờ chúng tôi no, say cả rồi. Mợ định bảo chúng tôi đi làm gì thì bảo đi.

Tôi hồi hộp. Người thiếu phụ đứng trong nhà nói với ra:

- Mời các ông vào trong này.

Ông nhiêu Tiêm đứng dậy, gật chúng tôi, cùng vào. Tôi gần chết khiếp. Bởi lá màn đã vén lên. Trên bộ ghế ngựa, nằm duỗi dài ba cái xác, một cái đàn bà, hai cái đàn ông, chân tay xám như gio, má hõm, lỗ mắt sâu hoắm vào. Ông xã Mịch rú lên:

- Giời ơi! Sao thế này?

Và cả bốn chúng tôi, người nọ bám vào người kia. Người đàn bà vội sụp ngay xuống, lạy chúng tôi và rưng rức khóc:

- Ðây là bố chồng tôi, mẹ chồng tôi, với chồng tôi. Chẳng may Giời bắt tội chết cả, không ai dám chôn. Tôi đàn bà, con gái, lại có một mình. Các ông đã đến đây thì các ông sinh phúc mà giùm cho. Tiện cánh cửa đây, các ông ghép qua loa vào làm áo quan.