“Thân thế Lão Tử” (2)

Nguyễn Hiến Lê




Tóm lại từ trước tới nay có hai phái chống đối nhau, một phái bảo Lão tử lớn tuổi hơn Khổng tử, một phái bảo Lão tử phải sinh sau Khổng tử. Phái trên xuất hiện trước, phái sau đại khái tới thế kỉ XVIII mới xuất hiện (Tất Nguyên, Uông Trung) và càng gần đây càng được nhiều người tán thành, lí lẽ càng dồi dào hơn.

Phái trên chỉ căn cứ vào hai đoạn trong Sử kí chép những lời Lão tử khuyên Khổng tử, nghĩa là tin chắc rằng Khổng tử có qua Chu hỏi Lão tử về lễ. Thiên Tăng tử vấn trong Lễ kí càng khiến cho người ta tin hơn nữa.

Phái dưới ngược lại, không tin những tài liệu đó vì căn cứ vào tính tình cũng như tư tưởng của hai nhà: Khổng tử không khi nào trọng một người mạt sát lễ tới mức coi như thầy học của mình được, mà một người đả đảo chính sách dùng lễ nhạc giáo hoá dân, chính sách trọng người hiền không thể nào ra đời trong thời Xuân Thu và trước Khổng tử, Mặc tử được (chính sách thượng hiền, theo họ, chỉ xuất hiện sau khi Khổng tử đào tạo nên một giai cấp bình dân có tài đức (kẻ sĩ) ra giúp nước); nghĩa là Lão tử phải là người thời Chiến Quốc, sinh sau Khổng tử và Mặc tử.

Họ đưa ra vài chứng cứ:

- Lão tử sinh ở nước Sở, huyện Hỗ, chứ không phải nước Trần, huyện Tương, vậy là sinh sau khi Sở diệt Trần, sau khi Khổng tử mất, tức ở thời Chiến Quốc.

- Theo gia phả hai nhà Khổng và Lão thì đời thứ 13 của Khổng tử ngang với đời thứ 8 của Lão, vậy Lão kém hơn Khổng sáu thế hệ; vả lại con của Lão tử là Tôn là người Chiến Quốc (...)

Tranh luận như vậy thì có kéo dài thêm ngàn năm nữa cũng không giải quyết được.

Ngoài ra còn một nhóm thứ ba nữa, ít người thôi, muốn dung hoà hai phái trên, bảo ông Lão tử giảng lễ cho Khổng tử là một người và ông Lão tử viết cuốn Lão tử là một người khác.

Phùng Hữu Lan (...) chú trọng tác phẩm Lão tử hơn con người Lão tử, cho nên khi xét học thuyết, ông ghi rõ là học thuyết trong Lão tử, chứ không viết học thuyết của Lão tử. Giải quyết như vậy có phần khéo hơn cả, nhưng chúng tôi ngại ít người chịu theo (...)


(Nguyễn Hiến Lê,
Lão tử và Đạo Đức kinh)