Tác phẩm Nam Cao đầy người nghèo. Đến truyện “quái dị” cũng không ngoại lệ. Câu chuyện chưa biết sẽ quái dị đến đâu, nhưng người đọc đã được thưởng thức ngay một lối viết gọn đậm... (Thu Tứ)



Nam Cao, “Quái dị” (1)




Năm ấy mất mùa. Lúa làng xấu lắm. Chúng tôi gặt ruộng nhà xong, mới đi gặt thuê được mỗi người vài ba buổi mà lúa làng đã vãn. Chúng tôi bàn nhau ra Ðông gặt.

Bọn chúng tôi có bốn người. Trong số ấy, có ông nhiêu Tiêm đã đi gặt xa nhiều lắm, chẳng một xó nào mà ông không biết. Ông đã từng gặt ở những nơi lúa phải mò, ăn cơm phải đứng dưới ruộng, nước lên đến thắt lưng, mâm cơm đặt trên bốn cái cọc cắm ngay giữa ruộng. Trên thì nắng đốt đầu, dưới nước nóng đến làm da phải bỏng, người thợ gặt buông cái hái ra một cái là vơ lấy đũa, bụng thì đói mà cơm với thịt kho cũng không sao nuốt được; chỉ uống, uống không biết chán. Ðược cái công cao lắm. Cũng có nơi, công đã chẳng lấy gì làm cao, mà ăn uống lại kham khổ quá. Canh riêu đã không có thì thôi. Ðến tương, mắm cũng không có nốt. Cơm, toàn một thứ gạo cuống rơm đã bốc hơi. Cái ăn, độc một thứ cà nén, chạt vào những muối; ăn mặn như thợ đường bể, cũng chỉ một quả là đủ bữa. Hạng mình thì chưa đặt vào đầu lưỡi, vị đắng đã bắt nhăn mặt. Về cái tích cà này, ông nhiêu kể lại một chuyện buồn cười lắm. Mùa ấy, ông cũng đi gặt ở mạn Ðông, với mấy anh em nữa, toàn người làng cả. Họ gặt cho một nhà cũng khá giàu, mà có vẻ quí người. Trưa đến, quẩy lúa về, nhà chủ mời quan viên thợ gặt ngồi lên cái giường giữa trước bàn thờ để nghỉ ngơi cho nó mát rồi xơi cơm. Quan viên khấp khởi mừng thầm. Ngồi như vậy, thế nào ăn chẳng khá. Họ đã nghĩ đến riêu cá mè, thịt lợn kho, hay ít ra thì cũng được bát canh bí nấu với cua để húp cho mát ruột. Nhưng quan viên nhầm cả. Mâm cơm bưng lên lại toàn một thứ cà, cái thứ cà to bằng một cái bát con, thâm sịt và mặn như "cô" muối vào. Anh nào muốn sắt ruột lại thì cứ ăn! Ấy thế mà quan viên ăn rất nhiều. Chính cô con dâu nhà chủ, có lẽ đã quen ăn mặn lắm, mà cũng phải chịu bọn thợ gặt này là ăn mặn. Một bữa ăn, cô phải lấy thêm cà năm, sáu lượt. Cứ vừa đem một đĩa lên, đã lại thấy họ gào đem đĩa nữa. Sau cùng, thấy đĩa thì không xuể, cô xúc luôn cho họ một bát tàu to thật đầy. Chỉ có bốn người ăn mà vại cà vơi đi... Chiều hôm ấy, thấy cô con dâu ra đồng đội lúa, ông nhiêu Tiêm hỏi: "Cô ơi cô! Tôi hỏi thế này khí không phải... Cô đã lấy nước cho các cụ chưa?" Người con dâu ngơ ngác. Cô không hiểu vì ý gì mà người ta hỏi thế. Hỏi họ thì họ chỉ cười khúc khích. Cô ngờ ngợ. Về nhà, cô đem chuyện ấy khoe với chồng. Chồng cô không hiểu nốt. Y khoe với bố. Ông bố có học được ít chữ nho thì phải. Người có chữ nho thâm thúy. Ông nghĩ ngợi. Ông vào nhà, củ soát lại bàn thờ ông vải. Khi mở đến bốn cái đài, ông thấy đài nào cũng đầy lên những cà. Cho biết bọn thợ gặt này cũng thâm! Những kẻ đã vác cái đòn càn đi ăn cơm của người tứ xứ, giở mặt nào cũng được, không chịu kém cạnh ai nước gì. Ông nhiêu vẫn bảo bọn đàn em chúng tôi như vậy. Có lần ông đã gặt thuê cả cho một bọn đi cướp lúa, giữa ban đêm xách liềm hái sang cánh đồng làng khác, mà vẫn giữ được cái đầu đem về nhà. Ông xã Mịch với chú cu Xiêng thì cũng chỉ mới đi ít vậy thôi. Thường thường ở nhà họ cũng không thiếu việc làm. Bởi vậy, chỉ thỉnh thoảng có vui anh vui em họ mới đi một vụ cho nó biết. Duy có tôi, mới xách hái, vác đòn càn đi gặt xa lần này là một.

Ðen tôi quá! Ông nhiêu Tiêm bảo: ông đi gặt thuê kể đã nhiều, mà chưa bao giờ khổ thế này. Chúng tôi cơm đùm, cơm nắm đi luôn bốn hôm giời mà chẳng gặp ma nào đón. Thì ra lúa mạn Ðông năm nay chín sớm. Phần nhiều người ta gặt rồi. Chiều ngày thứ năm, chúng tôi dừng lại một làng có vẻ nghèo nàn. Nhà cửa lưa thưa. Toàn những nhà tre úp xúp giữa những khu vườn rộng thì có rộng, nhưng xấu lắm: mía đốt như lau hoặc khẳng khiu như chân gà, chuối lè tè như những cây rau diếp ngồng, dĩ chí đến cây khoai, cây ráy cũng không lên được. Người ăn mặc rách rưới. Cái số trẻ con bụng ỏng, mắt toét, ngoài đường sẵn lắm. Ðàn bà móc cua, mò ốc. Ðàn ông đi bắt chuột, riu tép hay xúc dậm. Chỉ vào một hàng nước của họ cũng biết rằng họ khổ. Xôi thì xôi đậu mắt cua. Bánh đúc bột sặc mùi vôi. Giá có bát canh bún cua thì ba phần rau mới được một phần bún. Mà nào có ra hồn bún! Những sợi to bằng cái đũa mà xam xám chứ không trắng hẳn. Ăn vào rắn mà lại chua. Ấy thế mà đã gọi là danh giá lắm. Hàng nào cừ mới có. Còn thì chỉ cái giống bánh sắn, bánh khoai hoặc cái bánh rán làm bằng cơm nguội là nhiều lắm. Ngon hay không, chẳng cần phải hỏi. Quí hồ thật to...

Chúng tôi vào một cái hàng tồi tàn ấy, uống bốn người mới hết một trinh nước vối. Bà hàng hỏi:

- Chư ông đi gặt hẳn?

Anh cu Xiêng mau mồm miệng đáp:

- Vâng, chúng cháu xem có ai thuê thì gặt. Ở ta đây đã gặt xong chưa, cụ?

- Xong từ bao giờ rồi. Chúng tôi ít ruộng lắm.

Muốn tỏ mình thông thuộc, ông nhiêu Tiêm tắc lưỡi:

- Ruộng ở đây còn hiếm hơn ở mình. Gặt có già cơ chỉ dăm ngày là xong.

Rít một hơi thuốc lào rồi ông ngửa mặt lên, vừa thở khói ra vừa cau mặt bảo:

- Anh em mình chết dở! Ði muộn quá. Ðến cung (?) phải quay trở về.

Một người đàn ông trẻ tuổi, mắt hấp hem, cố tách đôi mi mọng đỏ ra nhìn chúng tôi, khìn khịt mũi mấy cái rồi bảo:

- Tôi bảo nhé? Chỗ này thì còn nhiều lúa chưa gặt lắm. Các ông có dám đến thì tôi mách.

Ông nhiêu Tiêm cười khểnh:

- Hừ! Chúng tôi thì âm phủ chúng tôi cũng dám đến. Cứ có người thuê thì được.

- Người thuê thì khối. Già nửa làng chưa gặt được.

- Ở đâu vậy, bác?

- Các ông có dám đến không đã?

- Tôi đã bảo: hùm tinh chúng tôi cũng không biết sợ. Có phải bên Mai không nào?

- Ừ, bên Mai.

- Tưởng gì!

Tiếng “gì” ông kéo dài ra để tỏ vẻ khinh thường và chế nhạo. Mũi anh kia khìn khịt một hồi lâu. Bây giờ tôi mới hiểu thế là anh ta cười. Bà hàng bảo:

- Ông nói thế, chứ tôi thách ông dám sang gặt bên Mai.

- Cụ không phải thách. Chúng tôi đi ngay giờ. Làm cái thằng đàn ông, có thế mà đã sợ, không bõ vợ nó cười vào mặt cho. Chẳng nói giấu gì các cụ ở ta đây, các cụ nhiều tiền của nên sợ chết, chứ người làng chúng cháu nghèo khổ nên chẳng coi cái chết ra mùi gì.

Câu nói rõ ràng có ý khích bác. Ông này đến làng người ta, mà nói miệt người ta quá. Bà hàng sa mặt xuống. Bà trả miếng:

- Thì đấy! Không sợ thì cứ sang mà gặt. Người ta đang cần thợ gặt. Chỉ sợ lại được chôn vệ đường.

Ông nhiêu Tiêm cũng cáu:

- Cho ngay rằng chôn vệ đường! Anh em mình cứ đi.

Bà hàng không thèm nói nữa. Bà chỉ bĩu cái môi ra một chút. Và cái mặt bà vác lên. Ghét cái tính hay cà khịa của ông nhiêu Tiêm, chúng tôi chẳng ai nói nửa lời. Tôi rất bực mình. Sao ông ấy cứ muốn gây ác cảm với thiên hạ làm gì vậy? Ông vác đòn càn đi trước. Ba chúng tôi cúi gầm mặt, theo.

Ông hiểu: chúng tôi gắt với ông chăng? Ông vừa đi vừa lẩm bẩm:

- Mẹ kiếp! Dọa! Dọa thì ông cũng không sợ. Lòe thằng nào chứ lòe thế nào được ông?

Tôi hỏi:

- Ở cái làng ấy có gì mà chúng nó bảo: ta không dám đến?

Ông cười nhạt:

- À! Cả làng nó chỉ có đầu, có đuôi mà không có khúc giữa.

- Thế là cái gì?

Thấy tôi ngờ nghệch, ông nhiêu Tiêm cười khanh khách. Chú cu Xiêng cắt nghĩa:

- Chuyện phường chèo bảo... Ðầu trộm đuôi cướp. Khúc giữa làm gì có?

Ðến lượt tôi cười vuốt đuôi. Nhưng cười xong tôi bảo:

- Thế thì bố ai dám gặt cho chúng nó! Gặt xong, công chúng nó không giả, chúng nó lại cho một nhát dao thì được theo ông bà.

Ông nhiêu Tiêm nhạo ngay:

- Vợ mày còn trẻ lắm hay sao mà mày tiếc đời đến thế? Cũng đòi làm con giai! Tao ấy à? Xin cho ngay là quỉ sứ!... Kẻ cướp thì đây cho còn xoàng!...

Tôi đỏ mặt lên và cười.

Chập choạng tối thì chúng tôi đến làng Mai. Ðường vắng ngắt. Có một vẻ gì lạnh lẽo đến làm người ta rờn rợn như khi áp lưỡi dao cạo sắc lên trên gáy. Văng vẳng những tiếng khóc ti tỉ bay theo gió chiều. Chỗ chúng tôi dừng lại là một cái chợ. Những quán tranh vắng ngắt đứng xơ rơ như những con gà sù lông ra, ngủ ròm. Những con gà quái gở! Tôi đột nhiên thấy rợn. Có lẽ cả ông xã Mịch và chú cu Xiêng cũng vậy, họ đi sát vào tôi. Riêng ông nhiêu Tiêm bình tĩnh lắm. Ông ngồi phịch xuống:

- Làng Mai đây rồi. Quan nào muốn bứt đầu lão thì ra đây!