Đối diện thực tại, giác quan thu hình ảnh rồi tâm hồn nẩy sinh ấn tượng. Nhớ có thể là nhớ hình ảnh, có thể là nhớ ấn tượng, có thể cả hai. Làm nghệ thuật cần ấn tượng. Nếu quên ấn tượng mà còn nhớ hình ảnh, có thể tập trung vào hình ảnh để phục hồi ấn tượng cũ hoặc nẩy sinh ấn tượng mới. Nếu không hồi được cũ, cũng không sinh nổi mới, thì đành không làm được nghệ thuật. (Thu Tứ)



Huy Cận, “Trí nhớ trong sáng tạo văn học”




Trí nhớ cũng cần cho sáng tạo văn học, vì trí nhớ (...) tích lũy vốn sống, chất liệu của nghệ thuật (...) Phải trau dồi trí nhớ. Sổ ghi chép là cần thiết, nhưng không đủ, nếu không có trí nhớ làm gốc (...) Có hai loại trí nhớ (...) hay đúng hơn là hai cách nhớ: Một là nhớ các sự việc, chi tiết của sự việc, có khi cả chi tiết tỉ mỉ (...) bên cạnh (...) còn cách nhớ trạng thái tâm hồn của chính bản thân tác giả lúc sự việc (...) đang xảy ra (...) Có lẽ cách thứ nhất cần nhiều cho người viết tiểu thuyết, và cách nhớ sau cần cho người làm thơ nhiều hơn (...) lúc làm bài thơ là lúc phải sống lại đầy đủ xúc động của tâm hồn (...)

chỉ có thể làm thơ tình yêu vào lúc đang yêu, kể cả lúc làm thơ hoài niệm về tình yêu, vì hoài niệm là còn yêu, là yêu nuối, là ngọn lửa tình yêu bừng dậy một lần nữa, có thể để rồi tắt ngóm. Khó tưởng tượng một nhà thơ làm thơ tình yêu bằng cách mở các "ký họa" về tình cảm mà nhà thơ đã ghi chép được trước đây (...)

rèn luyện trí nhớ nói cho cùng là tích lũy vốn sống một cách cần mẫn, làm cho quá khứ luôn luôn sống trong cơ thể, trong tâm hồn.


(Trích từ
Tuyển tập Huy Cận II - Thơ và văn xuôi, như đăng trong phụ trang Thơ của báo Văn Nghệ, 3-2005 dưới nhan đề “Huy Cận suy nghĩ về nghệ thuật”.)