Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tuy thành công ngắn ngủi, rõ ràng đã gây được một ấn tượng hết sức mạnh mẽ nơi quần chúng lúc bấy giờ. “Khối tảng lịch sử (đã) phát sáng rực rỡ” đến mức hàng nghìn năm sau những “mảnh vụn” của nó vẫn còn lấp lánh trong tâm thức dân gian. Giữa hào quang chói lọi là Hai Bà. Xung quanh Hai Bà là rất nhiều “cô”. Cô tướng! Ðàn bà đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập cho nước, chuyện ấy trong lịch sử nhân loại có xảy ra ở đâu nữa chăng? (Thu Tứ)



Trần Quốc Vượng, “Khởi nghĩa Mê Linh”




Khởi nghĩa Mê Linh lập tức được sự hưởng ứng của các Lạc tướng, Lạc dân toàn lưu vực sông Hồng (quận Giao Chỉ). Chỉ mới điều tra sưu tầm, kiểm kê các di tích lịch sử ở bốn tỉnh lớn đồng bằng Bắc Bộ là Hà Sơn Bình, Hà Nội, Vĩnh Phú, Hà Bắc, ta đã thấy khoảng hai trăm đền được dựng lên từ ngàn xưa để thờ phụng, tưởng nhớ Hai Bà Trưng và các tướng tá, đặc biệt là các nữ tướng trẻ tuổi của Hai Bà. Trong đội ngũ phụ nữ đông đảo được suy tôn (...) ấy (...) có những bà mẹ già như Man Thiện, Diệu Tiên, có những người vợ như Bát Nàn, Ðào Kỳ, Lê Thị Hoa, những cô gái như Lê Chân, Thánh Thiên, Thiều Hoa, Xuân Nương, Liễu Giáp, Việt Huy, Ả Di, Ả Tắc, Ả Lã, Nàng Ðê. Lại cũng có rất nhiều tướng nam, từ trẻ đến già: ông Ðống, ông Nà, ông Cai, Ðỗ Năng Tế, Hoàng Ðạo, Ðông Bảng, Ðô Chinh, Ðô Dương... Vẫn hay rằng đó phần nhiều là những tên đẹp (mỹ tự) - ngoài những tên dân gian - mà lòng kính trọng của nhân gian sau này gắn cho các vị ấy theo những qui ước của tín ngưỡng thành hoàng. Vẫn hay rằng ở trong số đó có nhiều vị vốn là những nữ thần nông nghiệp (nữ thần Ðất - Mẹ, thần Cây cối và Mùa màng...) đã được lịch sử hóa theo quy luật sáng tác dân gian và không tránh khỏi tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia” vì cơ cấu thời gian của nền văn hóa dân gian vốn là liên đại (panchronique) chứ không phải là lịch đại (diachronique). Song chắc chắn vẫn có một cái nền lịch sử, một khối tảng lịch sử vững chắc và phát sáng rực rỡ (...) hàng ngàn năm sau, thời gian và lịch sử (...) làm vỡ ra thành nhiều mảnh vụn (...) biến thành những sự kiện văn hóa “dân gian”


(
Lịch sử Việt Nam (nhiều tác giả), tập I, nxb. Ðại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1983)