Những từ mà Huy Cận gọi chung là “trạng từ” thuộc vào hai nhóm khác nhau. “Nao nao” là từ cụ tượng hữu cảm, vì diễn cái nhìn sự vật với trạng thái tâm hồn của người nhìn lúc ấy. Trong khi “bâng khuâng” là từ trừu tượng cảm xúc, vì không liên hệ sự vật nào cả mà gợi thẳng tâm trạng. Những từ này nếu người làm thơ biết dùng thì sẽ có “hiệu quả (...) vô cùng lớn lao” đối với giá trị nghệ thuật của câu thơ. Từ lâu tiếng Việt đã đặc biệt giàu có “vật liệu” cao cấp, chỉ cần thiên tài múa bút là kết lại với nhau thành tuyệt phẩm văn chương. (Thu Tứ)



Huy Cận, “Vai trò của trạng từ trong câu thơ”




Trong câu thơ, mỗi chữ, mỗi tiếng không chỉ mang cái nghĩa nguyên sơ của nó, cái nghĩa định trong từ điển của nó, mà thấm nhuần cái sức xúc cảm của chữ bên cạnh, của chữ láng giềng; chữ trước nó và chữ sau nó tỏa điện vào nó, biến nó thành một nghĩa mới, mang cảm xúc mới. Ðây không phải là một vấn đề hình thức mà thôi. Sở dĩ có hiện tượng truyền điện như vậy là do có một luồng điện, tức là ý thơ, hồn thơ nó chạy suốt qua câu thơ. Vì vậy trong một câu thơ có một độ tối ưu để sắp xếp các chữ, các ý. Nếu tham nhét nhiều thứ quá, nhiều tính từ quá vào một câu thơ thì tăng điện trở, tăng chướng ngại vật, luồng điện thơ không qua được. Cũng vì vậy mà trạng từ có vai trò đặc biệt, trạng từ có sức dẫn điện cao. Vì sao? Phải chăng trạng từ nói lên dáng dấp của sự vật, dáng dấp của tâm hồn. Mà cái dáng dấp ấy linh hoạt lắm. Khéo dùng trạng từ thì câu thơ dễ truyền đạt cho ta trạng thái tâm hồn thông qua trạng thái sự vật.

“Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
Sè sè nấm đất bên đàng
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”.

“Nao nao”, “sè sè”, “rầu rầu”, vẽ lên dáng dấp rất khó tả của buổi chiều thanh minh và nàng Kiều lần đầu tiên gặp bóng dáng của số mệnh:

“Ðộng phòng dìu dặt chén mồi
Bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa”.

Hai tiếng “bâng khuâng”, “ngậm ngùi” có thể là tính từ, nhưng thực chất là trạng từ. Nếu tính từ thì cũng đã trạng từ hóa. Dáng dấp của tâm hồn chàng Kim nhớ mối tình đầu với nàng Kiều trong buổi sum vầy trở lại “tình nhân lại gặp tình nhân”, chỉ cần hai trạng từ là nói được đầy đủ.

Dáng dấp của một hồn ma cũng vẽ được dễ dàng:

“Sương in mặt, tuyết pha thân
Sen vàng lãng đãng như gần như xa”.

Trạng từ thật là chiếm ưu thế để mô tả dáng dấp sự vật và tâm hồn, đến nỗi trong câu thơ Việt có xu hướng trạng từ hóa tính từ:

“Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.

Nhân đây có một nhận xét: Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du rất tiết kiệm dùng tính từ; không phải là không dùng, nhưng dùng rất dè dặt, rất cẩn thận, rất tiết kiệm. Trái lại trạng từ lại được dùng nhiều. Cũng có khi đáng lẽ dùng một tính từ thì Nguyễn Du mô tả dưới dạng động của sự vật. Ví dụ:

“Sương in mặt, tuyết pha thân”

để nói cái màu trắng thực thực hư hư của hồn ma Ðạm Tiên.

“Làn thu thủy nét xuân sơn”

cũng theo một bút pháp ấy.

Nhớ câu ca dao:

“Mưa lâm thâm ướt đầm lá hẹ
Em thương một người có mẹ không cha”.

Trạng từ “lâm thâm” thấm vào tâm hồn chúng ta còn hơn là mưa.

Dáng dấp của sự vật, tâm hồn... Cho nên dùng trạng từ rất khó. Nhưng dùng đúng thì hiệu quả xúc cảm vô cùng lớn lao.


(Trích từ
Tuyển tập Huy Cận II - Thơ và văn xuôi, như đăng trong phụ trang Thơ của báo Văn Nghệ, 3-2005 dưới nhan đề “Huy Cận suy nghĩ về nghệ thuật”.)