Ấy, bây giờ cái bánh tẻ Sơn Tây thỉnh thoảng “về”, còn có “người ăn đông tíu tít”, chứ độ mươi năm nữa dịp nào đấy nó lại về, e quang cảnh sẽ... tẻ hơn nhiều. Cái bánh cái kẹo thế, cái thơ cái nhạc v.v. cũng y như thế. Cũng “tràn lan các nơi” những thứ từ nước nọ nước kia, trong khi những thứ “vốn quen thuộc quanh ta thì mất hút chẳng thấy đâu”. Món ngoại thì món Tây được người Việt Nam quý nhất, bất kể mới hay cũ. Ta đang hết sức nhanh chóng lạ quá khứ của mình và hết sức nhanh chóng quen cả hiện tại lẫn quá khứ của Tây! Thua vật chất, mất tinh thần (khiếp), bỏ tinh thần (của mình đi), rước tinh thần (của người về)! (Thu Tứ)



Tô Hoài, “Vừa quen vừa lạ”




Bây giờ tràn lan các nơi những kẹo và bánh. Bánh Trung Quốc, bánh Thái Lan, bánh Malaisia, lại có cả bánh quy bơ Hy Lạp nữa. Những cái bánh cái kẹo quen thuộc quanh ta thì mất hút chẳng thấy đâu.

Trong hội ẩm thực Hà Nội ở Bách Thảo tháng trước nhà hàng bày bán các bánh tẻ Sơn Tây gạo ngon (...) người ăn đông tíu tít, vừa quen vừa lạ miệng.

Cái quen và cái lạ ấy, các nhà giỏi về cái ăn cái uống nên nghiên cứu, nó là cái ngon quen thuộc lâu năm của ta, nó khác với cái kẹo, cái bánh xanh đỏ bọc giấy bóng ở đâu mang về.


(Tô Hoài,
Giấc mộng ông thợ dìu, nxb. Hội Nhà Văn, 2006, tr. 204. Nhan đề phần trích tạm đặt.)