“Nỗi - niềm - tinh - vân”, so sánh hay và đẹp quá! Nhưng bảo rằng “thưởng thức thơ là phải biết sống lại (...) quá trình từ nỗi - niềm - tinh - vân đọng lại dần thành từng ý, từng lời, từng câu, từng chữ”, thì e là đòi hỏi quá nhiều nơi người thưởng thức. Chẳng những độc giả không tài nào “sống lại” quá trình sáng tạo của thi sĩ, mà chính thi sĩ có lẽ nói chung cũng khó thực sự sống lại được cái quá trình sáng tạo một bài thơ nào đó của mình!

Bài thơ làm xong như đóa hoa nở. Ta có thể thưởng hoa mà không biết gì về quá trình nở của hoa, thì ta cũng thể thưởng thức thơ mà không biết gì về quá trình ra đời của thơ.

Bài thơ hơn đóa hoa ở chỗ không tàn. Ta tha hồ thưởng thức đi thưởng thức lại. Ờ, nhưng mà nó cũng có tàn. Ấy là khi người sau trở nên khác hẳn người trước, không chia sẻ được rung động của người trước. Khi người đổi đến tận tâm hồn, “mặt trời” như
Kiều cũng tắt ngóm. Thưởng thức sẽ là “thưởng thức” cái tiếng lẫy lừng chứ không phải thưởng thức thơ. (Thu Tứ)



Huy Cận, “Rung động thơ”




Rung động làm ra thơ, làm ra nghệ thuật, cũng cùng loại với rung động của tình yêu. Bắt đầu yêu là một niềm xao động, bắt đầu của một tứ thơ cũng là một nỗi niềm, mà tôi muốn gọi là nỗi-niềm-tinh-vân. Bắt đầu chưa có câu, chưa có lời, thậm chí chưa có tứ cụ thể. Câu sẽ đến sau, lời sẽ đến sau. Nhưng trước hết là một nỗi niềm ùn ùn trước ngực, rạo rực tâm hồn. Bắt đầu là tinh vân, tinh vân đọng lại mới hình thành mặt trời, mặt trăng và các hành tinh... Từng câu, từng lời cũng như những hành tinh, mặt trời, mặt trăng đọng lại từ tinh vân nguyên thủy.

Thưởng thức thơ là phải biết sống lại quá trình ấy, quá trình từ nỗi-niềm-tinh-vân đọng lại dần thành từng ý, từng lời, từng câu, từng chữ. Biết sống lại quá trình tác tạo ra một bài thơ là “hiểu”, là xúc động thơ từ bên trong một cách biện chứng. Cho nên người thưởng thức thơ ít nhiều cũng có hồn thơ như vậy.

Nói nỗi-niềm-tinh-vân, có phải là huyền bí hóa rung cảm thơ, của người làm nghệ thuật không? Thực ra không có gì là huyền bí, vì nỗi-niềm-tinh-vân ấy cũng là do một quá trình tích lũy lâu dài của người làm thơ, của người làm nghệ thuật mà có được; tích lũy vốn sống và cuộc sống, tích lũy hình tượng nó là tín hiệu sống, giữa vạn vật và cuộc đời với tâm hồn thi sĩ và nghệ sĩ. Tích lũy càng giàu, càng nặng thì nỗi-niềm-tinh-vân càng phong phú, càng thiên biến vạn hóa, và xúc động thơ, xúc động nghệ thuật càng muôn vẻ, muôn màu, bồi hồi sự sống. Hiểu được như vậy sẽ giúp ta giảng dạy văn học đi vào bề sâu của tâm hồn, và bề sâu của tác phẩm.


(Trích từ
Tuyển tập Huy Cận II - Thơ và văn xuôi, như đăng trong phụ trang Thơ của báo Văn Nghệ, 3-2005 dưới nhan đề “Huy Cận suy nghĩ về nghệ thuật”.)