Ðời làm quan của Nguyễn Khuyến tương đối ngắn: từ 1871 đến 1884, chỉ có 14 năm. Vậy “bốn mươi năm” đây không phải tính từ lúc ông xa quê đi làm quan, xem lại tiểu sử thì thấy đó là từ ngày ông theo cha mẹ về “xứ Vườn Bùi” lần thứ nhất. Bài thơ này diễn nôm bài “Bùi viên cựu trạch ca” cùng tác giả. Nguyễn Khuyến nổi tiếng ưa làm thơ chữ Hán rồi dịch qua tiếng Việt (biết đâu thỉnh thoảng ông có làm ngược lại mà ta không biết!). Ông yêu tiếng mẹ đẻ, cái ấy hiển nhiên. Còn những bài thơ chữ Hán, ông làm là để khỏi quên vốn liếng của một Tam Nguyên đó chăng? “Ngươi” tiếc chẳng gặp Lỗ hầu, thế là “ngươi” chê đương kim thánh thượng!

(Thu Tứ)



Nguyễn Khuyến, “Trở về vườn cũ”



Vườn Bùi chốn cũ!
Bốn mươi năm, lụ khụ lại về đây.
Trông ngoài sân đua nở mấy chồi cây,
Thú khâu hác lâm tuyền âu cũng thế!

Bành Trạch cầm xoang ngâm trước ghế,
Ôn công rượu nhạt chuốc chiều xuân.
Ngọn gió xuân ngảnh lại lệ đầm khăn,
Tính thương hải tang điền qua mấy lớp.

Ngươi chớ giận Lỗ hầu chẳng gặp,
Như lơ phơ tóc trắng lại làm chi?
Muốn về sao chẳng về đi!


(Tự dịch
Bùi viên cựu trạch ca)





__________________________
(1) Vườn Bùi: ở làng Vị Hạ, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, quê Nguyễn Khuyến.
(2) Khâu, hác, lâm, tuyền: gò, vũng, rừng, suối: cảnh ẩn dật.
(3) Bành Trạch: nơi Ðào Tiềm (TQ, đời Tấn) làm quan: chỉ Ðào Tiềm.
(4) Xoang: điệu hát. Cầm xoang: đàn hát.
(5) Ôn công: Tư Mã Quang (TQ, đời Bắc Tống), khi về ở ẩn ưa uống rượu giải sầu.
(6) Lỗ hầu: Lỗ Bình công, người Mạnh Tử muốn gặp để giúp mà không gặp được.